Thứ Hai, 6 tháng 7, 2009

Cá bông lau

Hầu như vào mùa nào cũng vậy, khi khách đến các tỉnh miền tây và vào quán ăn thì thường được giới thiệu 2 món đặc sản được chế biến từ cùng một loại cá, đó là: cá bông lau kho tộ và..canh chua bần nấu cá bông lau! Cá bông lau gần giống con cá tra nhưng nhìn kỹ, ta sẽ phân biệt được ngay bởi vì đuôi của cá bông lau cá điểm vàng hình tam giác, miệng cá bông lau có 2 cọng râu được dấu kín. Thịt của cá bông lau thì ngon hơn thịt cá tra, cá basa hay cá ngát nhiều vì sớ thịt trắng, ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Tùy theo mùa mà giá cá bông lau dao động từ 50.000đ đến 80.000đ/kg. Mùa này đang là mùa cao giá vì đã hết mùa câu cá bông lau. (Thật ra câu vẫn có những được rất ít). Những người sinh sống bằng nghề câu cá bông lau trên sông Tiền, sông Hậu thì dùng câu viền, một giàn câu có từ 100 đến hơn 200 lưỡi câu, còn những tay câu tài tử thì đánh bằng cần câu, thú vị hơn nhiều. Dân câu Nam Bộ (cần thủ) vẫn truyền tai nhau "câu thiệu" - "phi bông lau bất thành cần thủ". Muốn đem được một chú cá bông lau lên bờ với cần câu máy cũng khá vất vả...nhưng đây mới chính là cái thú của các cần thủ khi đi đánh bông lau. Với dân câu, nếu chưa "lên" được con bông lau nào thì cũng mới chỉ vào dạng "cần thủ tập sự".

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Tớ bị dọa..đâm chết


Chuyện là như thế này. Hic... ngày 28/6 (chủ nhật) tớ và mai Xuân Trường ở Báo Sóc Trăng kéo nhau đi săn con địa sâm. Con này ngoài Bắc gọi là con sá sùng. Khổ một cái là cái thứ này nó chỉ sống ở trong mấy gốc cây mấm, cây đước ở rừng ven biển nên người đi đào nó thì hiển nhiên là phải đào luôn cả cái gốc cây. Chưa hết...trong rừng thì vướng víu nên họ chặt luôn cả cây con cho nó tiện...khỏi vướng, mấy bữa sau cây héo thì vào kéo về luôn làm củi, khỏi sợ kiểm lâm bắt. Ặc..chết cha mấy chú kiểm lâm luôn vì nếu không bắt tận tay họ chặt cây rừng thì làm sao mà xử lý, còn họ đào bới bắt địa sâm thì...chưa có văn bản nào cấm cả, mà con này cũng đâu có tên trong danh sách động vật hoang dã cần phải...bảo vệ?
Mà đào bới bằng cuốc thì chậm và..xưa rồi diễm. Tụi mình chứng kiến mấy tay bên Trà Vinh mà sang Sóc Trăng đào bằng..cây xà-beng nghề mới hãi. Cây xà-beng được làm bằng cây sắt vuông 2 cạnh, mài sắc, tra vào cán tre tròn. Cứ "bực" một cái vào gốc cây rồi xeo lên là một ề đất bự tổ chảng, tha hồ mà bươi. Mà cái thằng xà-beng này lợi hại ở chỗ...không ngán gốc cây, rễ cây nào cả...lớn nhỏ gì nó cũng cho đi tuốt. Nhiều mảng rừng mắm sau 1 ngày bị....đào bới cứ như là sau một trận oanh tạc của không quân Mỹ xuống I-rắc vậy.
Rảo trong rừng với băng đào địa sâm...đã vừa đủ tư liệu, vừa sợ ong chích và...sẵn đã lội ra tới bãi biển rồi, vậy là 2 đứa xuống luôn bãi nghêu giống Trà Sết.
Khoảng 12h14’, vừa mới ló ra tới gần bãi cào nghêu, đang loay hoay vừa chụp ảnh, vừa quay phim bổ chợt nghe tiếng quá: "ai cho mấy ông chụp hình, quay phim ở đây"? A...tay anh chị nào gớm nhỉ? Ra biển rồi...lội vào ít nhất 2 cây số, mà lỡ nó có đánh cho thì..chạy cũng hụt hơi vì mé trong là mé bùn nên xuống giọng "Bạn ơi. Tụi tui đi dục lịch. Mà ở đây là bãi biển công cộng. Không có bảng cấm chụp ảnh, quay phim”? Hắn tỉnh bơ "ĐM. Đây chỗ của người ta làm ăn. ĐM ngày mai mà tao thấy có lên đài, lên báo tao lên tới nơi tao đâm chết 2 thằng mày". Ặc...Nói xong hắn xông thẳng vào ống kính máy quay phim và máy chụp ảnh. Vụ này căng rồi. Vừa nhanh tay cất máy vào túi, vừa chuẩn bị..."sáng luôn"...thì Xuân Trường lên tiếng. ông khùng quá..tui tụi đã nói là đi du lịch, thấy biển đẹp thì ra chụp hình, quay phim về làm kỷ niệm chớ ai phá chuyện làm ăn của ông hồi nào"?
Vậy là hắn quay sang "trương phi" với Xuân Trường. Tay hắn lúc này thọc vào túi quần móc ra con dao nhọn và cầm lo le trên tay...Ặc. nguy hiểm roài..."chuồn thôi". Nguyên nhân tại sao bị đâm nhỉ? Thôi thì trích ra một đoạn bản tin đăng trên báo Sóc Trăng số ra ngày 30/6 vậy: " Đây là bãi nghêu giống có từ khá lâu và hiện nay vẫn chưa được quản lý và khai thác tốt. Người dân địa phương vào khai thác tự do và bán lại với giá do đầu nậu quy định. Thực chất kẻ hăm dọa và cản trở 2 phóng viên tác nghiệp cũng chỉ là kẻ làm thuê cho một đầu nậu thu mua nghêu giống nào đó ở khu vực này". Ặc...nếu như bãi nghêu này được quản lý theo kiểu HTX, ngheu giống được kiểm soát luôn về giá cả thu mua thì các đầu nậu ..."hết đường" làm giá và bóp cổ dân nghèo. Vậy thì nó ..."đòi đâm" là phải.

Túm lại: nghề phóng viên là một nghề nguy hiểm
. Tòa soạn nếu có cử phóng viên đi điều tra những vu tương tự như vụ này thì nên cử..."Mỹ Nhân Ngư"??? Bởi vì nếu có bị hăm dọa thì nhào xuống biển và...bơi đi luôn.

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Câu cá nào!

Đã lâu không bổ sung gì vào nhà của mình. Cũng tại vì bận..đi câu quá. Thôi thì mang mấy đoạn phim và ảnh đi câu lên luôn. Khỏi mất công viết cho mệt.

Trời tối quá và bận chụp ảnh nên không có phim lên cá. Hơi tiếc một chút.

Còn đây là kho ảnh câu cá của mình.

http://my.opera.com/caucasoctrang/albums/show.dml?id=797053

http://my.opera.com/caucasoctrang/albums/show.dml?id=800164

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

Viết nhân chuyện “Từ bài văn điểm 4..”.


Tôi đã đọc bài tập làm văn bị điểm 4 của một em học sinh được đăng trên báo Lao Động. Bài văn này thật giàu cảm xúc, những suy nghĩ của một học trò lớp 4 như vậy thật đẹp về tình thương, tình yêu dành cho những người thân của mình.
Nhân đây cũng xin kể thêm một chuyện về “văn mẫu” hay chuyện “biến học sinh thành những con vẹt”. Số là khi con gái đầu của tôi cũng lớp 4, cô giáo cho một đề bài về nhà, yêu cầu tả con chó ở nhà em, kèm theo đó là một bài văn mẫu được photo mỗi đứa mua lại với giá 500đ (. Con tôi hỏi mẹ nó, mẹ nó chỉ qua tôi. Tôi hướng dẫn con làm dàn bài, cố gắng hướng cảm xúc của con về những gì mà con có thể cảm nhận được…Bài của cháu sau khi làm xong tôi xem lại và khá hài lòng. Buổi chiều hai hôm sau con đi học về phụng phịu trách tôi: “Cô cho có 4 điểm”? Tôi xem bài thấy cô giáo phê “bài làm không đủ ý, sai hướng dẫn của giáo viên”.
Tôi xem lại bài văn mẫu…bài văn được viết theo kiểu miêu tả khá gượng ép: “Nhà em có nuôi một con Mi-nô, tai nó hơi cụp xuống nhưng rất thính. Lông nó màu đen pha những vệt trắng nên ba em đặt tên cho nó là con vá.v.v.”. Cháu giải thích: bạn nào chỉ cần thay tên con chó từ con vá sang con Mi-nô, Mi-na hay gì gì đó là được từ 7 đến 8 điểm. Còn bài văn của con tôi không đi theo kiểu dàn ý như vậy nên bị cho là lạc đề, không đủ ý, sai hướng dẫn. Tôi nhận ra là: vì con chó nhà tôi là chó Phú Quốc nên tai nó không thể cụp xuống; lông nó đen tuyền nên nó là con chó mực chứ không thể là con chó vá, đặc biệt nhất là hàng xoáy trên sống lưng của nó và bốn chân đều có màng bơi như chân của loài “thú mỏ vịt” vậy…quan trọng hơn cả là nó rất khoái tắm dưới mương và bươi đất làm hang. Chính nó đã bới tung 2 chậu cảnh mà tôi cưng.v.v.Những chuyện này con tôi đều miêu tả lại với chính cảm xúc của nó, cũng như cả khi tôi cầm roi vụt cho con mực mấy cái khiến cháu khóc vì “em mực bị đánh đòn”.
Chuyện hài hước nhất ở đây là chính từ cái đề bài này. Khi thi học kỳ 1, đề môn văn lớp 4 ra như sau: “Em hãy miêu tả ông nội thân yêu của em”. Có một đứa học trò trong lớp đã miêu tả về “ông Nội” của nó như sau: “Nhà em có nuôi một ông nội. Tóc của ông nội em đen tuyền. Ông em rất thương em. Mỗi khi em đi học về là ông em nhảy cẫng 4 chân và ôm lấy em…”.v.v. Tôi không bình luận về số điểm của bài văn này mà chỉ khẳng định “Đây là một bài văn có thật”.
Năm nay, con gái tôi đã học lớp 9. Cách dạy văn…và không chỉ riêng môn văn vẫn là cách giảng dạy sơ cứng, dạy các em như dạy những con vẹt. Tôi vẫn nhớ những năm học cấp 1, cấp 2, cấp 3 của cái thời tôi đi học. Đó là thời chưa có “cải cách giáo dục” như bây giờ. Giờ học văn, học sử, học địa lý của chúng tôi rất thoải mái và vui vẻ vì các thầy cô luôn bắt chúng tôi động não, những chi tiết về địa lý, lịch sử thường được gắn với một câu chuyện kể dễ nhớ…khi thì vui nhộn, khi thì là một giai thoại hài hước.v.v.

Tóm lại, nếu vẫn giữ nguyên kiểu dạy văn như hiện nay với tràn lan những bài văn mẫu thì không sớm thì muộn, chúng ta sẽ có một loạt những “con vẹt” chỉ biết nhai lại những mà người khác đã..gán vào miệng chúng.