Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Sóc Trăng – Tết này đã có người “cho chữ”



Thật ra đó chỉ là một hoạt động của Câu Lạc Bộ thư pháp Sóc Trăng vừa được chính thức thành lập vào ngày 12/09/2010 vừa qua. Nếu điểm qua các tỉnh ở ĐBSCL thì có lẽ, Sóc Trăng là địa phương có phong trào học và thực hành thư pháp nhộn nhịp nhất từ nhiều năm nay.

“Bản doanh” Quán thư pháp của CLB hiện nay được đặt ngay tại khuôn viên của khu di tích lịch sử quốc gia Trường Taberd tại số 19 Tôn Đức Thắng, phường 6, TP Sóc Trăng, nơi đã đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về đất liền ngày 23/9/1945. Ban chủ nhiệm gồm 9 người do thầy Vương Ấu Xuyên hiện là hiệu trưởng Trường THCS Dục Anh làm chủ nhiệm.

Tại đây, ngoài phòng trưng bày, giới thiệu các bức thư pháp do các thành viên của CLB thực hiện, cứ mỗi chiều thứ 7 và chủ nhật hàng tuần là hội viện lại tụ hội để rèn chữ, trao đổi kinh nghiệm và nhờ các “sư huynh, sư phụ” nhận xét cho nét chữ của mình.
Nhìn hàng ghế, bàn dài bày trước hiên căn nhà cổ…già có, trẻ có và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là những 8X, 9X rất moden cũng cặm cụi gò từng nét chữ. Yến Lam, một sinh viên ngành tin học (ĐH Cần Thơ) vừa ra trường cũng vào đây “gò chữ”. Lam vui vẻ nói: “Tin học khô quá thì mình vô đây gò chữ theo những bài thơ, câu văn mà mình thích để cho cuộc đời “mềm đi” đôi chút. “Rèn chữ là rèn người” mà”!

Bên gian trưng bày, thầy Vương Ấu Xuyên chỉ cho tôi bức thư pháp vừa đoạt giải nhì tại Hội thi thư pháp TP.Hồ Chí Minh vừa được tổ chức gần đây với bức: Mời ra tù, tập leo núi (thơ Hồ Chí Minh). Dù vẫn tuân chủ lối viết “chân” nhưng nét phẩy, nét mác, nét xổ rất mạnh mẽ, đều tay, không run. Các câu, chữ được trình bày cân đối, kết cấu hợp lý đã làm nên giá trị của tác phẩm này. Cũng tại cuộc thi này, CLB.thư pháp Sóc Trăng còn giành thêm 2 giải khuyến khích.
Huỳnh Vũ lam, một nhà giáo “rành rẽ” về hán tự và chữ nôm vui vẻ nói cùng tôi sau khi tham quan những bức thư pháp: “Có vẻ như phần lớn những bức được trưng bày tại đây mới chỉ là những bức vào hàng trung bình chứ chưa phải là những bức đặc sắc. Phần lớn vẫn là những bức được viết theo lối “chân”. Hai bức với lối viết “thảo” trên nền tranh thủy mặc mới thực sự tạo ấn tượng cho người thưởng lãm bởi nét bút mạnh mẽ, sắc sảo”.

Anh Duyên – thành viên ban chủ nhiệm và cũng là người tích cực để cho ra đời quán thư pháp chia sẻ: “Trước mắt tôn chỉ của CLB là phát động phong trào “rèn chữ” nên gian trưng bày chủ yếu là để dành cho hội viên “bình chữ, bình nét”. Riêng về hai bức thư pháp được viết theo lối thảo có dụng ý để mọi người hướng đến mà rèn giũa mình”. Anh cũng cho biết, tết dương lịch và âm lịch năm nay CLB sẽ tổ chức gian hàng triển lãm và viết thi pháp theo yêu cầu của khách hàng. CLB sẽ tổ chức người trực thường xuyên để thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, cả thư pháp Hán tự truyền thống và thư pháp chữ Việt.


Riêng về những tranh cãi kiểu “có hay không thư pháp Việt”? Họa sĩ Phước Thảo bày tỏ chính kiến: “Dù là kiểu gì, có hay không thì cũng không quan trọng bởi lẽ, nói đến thư pháp là nói đến chuyện làm sao để viết chữ cho đẹp! Thông qua việc rèn luyện chữ viết, con người còn tự mình rèn mình về cách ứng xử, về một quan niệm sống cho đúng lẽ ở đời thông qua các câu, chữ mà mình để tâm vào. Vậy thì tại sao lại phải phân biệt chữ Hán hay chữ Việt”! Về điều này thì bản thân người viết cảm thấy “quá đúng” bởi đã từng “khổ sở” quá lâu vì nét chữ “gà bới” của mình. May mà giờ đây đã có máy “vi tính”. Nhưng đâu phải sẽ không bao giờ dùng đến bút mực?
Ngay trong ngày ra mắt CLB, đã có 2 bức thư pháp đã có người mua với giá cao theo đúng phong cách “chơi chữ”. Đó là bức Liên hoa (hoa Sen) đã được một khách hàng mua với giá 60 triệu đồng và đây là số tiền mà CLB đóng góp cho quỹ ‘Vì người nghèo” của TP.Sóc Trăng. Bức thứ 2 với hai chữ “Thành, Tín” đã được cửa hàng xe máy Thành Tín ở TP.Sóc Trăng “rước về” với giá 30 triệu đồng. Đây cũng là số tiền dành cho hoạt động của CLB.
Vậy là tết này ở TP.Sóc Trăng đã có nơi cho chữ! Ngày xuân, bạn muốn chữ gì? Riêng tôi chắc sẽ rước chữ “nhẫn” về nhà với tâm ý “ráng kiên nhẫn để sửa lại những nét chữ của mình”. Biết đâu từ “nhẫn để luyện chữ” mình lại còn “nhẫn” ở nhiều lĩnh vực khác!?

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Ooc om bock “Hội hàng năm…”






Ngày 14 và 15.10 âm lịch hàng năm là những ngày lễ chính của lễ hội Oócombóc (lễ hội cúng trăng-đua ghe Ngo) của người Khmer ở ĐBSCL. Năm nay tỉnh Sóc Trăng đã nâng lễ hội này lên tầm “Lễ hội văn hóa”, khai mạc từ ngày 12/11 cho đến tận ngày 21/11 (ngày kết thúc hội đua ghe Ngo). Kể từ năm 2001, lễ hội Oócombóc và đua ghe ngo Sóc Trăng đã được Tổng cục Du lịch công nhận là 1 trong 17 lễ hội quốc gia.
Tạ ơn sau vụ mùa bội thu…
Xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian cho rằng mặt trăng là thần bảo vệ mùa màng, người Khmer hàng năm cứ đến ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch, tương ứng tháng 10 âm lịch, mà năm nay là hai ngày 20 và 21/11/2010 dương lịch tổ chức lễ Oócombóc, để tỏ lòng biết ơn vị thần đã làm cho mùa màng tốt tươi, mang lại nguồn lương thực dồi dào cho con người.
Trước lễ cả tháng nhà nhà đã lo chuẩn bị làm cốm dẹp. Các thiếu nữ, các bà chị ra ruộng nếp lựa từng bông lúa nếp vừa chín tới, sau công đoạn rang sơ cho hạt nếp vừa “dẻo mình” nhưng không nổ hạt, các mẻ nếp được cho vào cối giã vừa tay làm hạt cốm trở nên dẹp mình và tróc vỏ trấu. Hình thức của cốm dẹp, cách làm gần giống như cách làm “cốm vòng” ở ngoài Bắc nhưng đơn giản hơn. Vào mùa này, khách đến nhà khi ra về thường được gia chủ gửi tặng một bịch “cốm dẹp” về làm quà. Để ăn cốm dẹp, chỉ cần thêm vào hộp cốm dẹp chút xíu đường, dừa nạo và chút nước dừa…trộn đều lên để cho cốm mềm, sau chừng 15 – 20 phút là ăn ngon. Hương thơm của nếp non mới, vị “béo ngọt” của dừa nạo và nước dừa thật khó quên. Đây còn là thứ “lương khô” rất đắc dụng cho những người đi xem đua ghe Ngo, nhưng ăn thì chỉ nên từng chút, từng chút nhúm nhỏ mới cảm nhận đầy đủ cái thú vị của cốm dẹp khi bụng đói.
Đêm rằm 14…ngay khi trăng vừa lên là các gia đình bắt đầu lễ cúng tạ thần. Bắt đầu lễ, sau lời khấn nguyện thành kính của gia chủ cúng lên thần những sản vật, đặc biệt không thể thiếu được cốm dẹp. Kết thúc lễ, một vị lão niên có uy tín trong nhà hốt một nắm cốm dẹp thật nhiều và "Oóc" (đút, nhét) vào miệng những đứa trẻ để chúng "om-bóc" (nuốt cốm) thì cụ già sẽ hỏi xem đứa trẻ có ước muốn gì trong năm tới. Họ tin rằng, lời ước này sẽ được chuyển đến Thần Mặt trăng và lời ước này sẽ trở thành hiện thực. Lễ cúng trăng còn liên quan đến câu chuyện ngụ ngôn "Con thỏ và mặt trăng". Xưa kia, thỏ từng là một kiếp hoá thân của Đức Phật sống bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ, không có gì làm phước, thỏ đốt lên đống lửa nhảy vào và nói "Mời người dùng thịt này". Lửa bỗng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên mặt trăng. Vì vậy, lễ cúng trăng còn để tưởng nhớ đến tiền kiếp của Phật Thích ca.
Sau lễ tại nhà, người ta đổ ra đường đi chơi hội..ở các tụ điểm chùa hoặc nơi có mặt bằng rộng rãi, bà con trong phum, sóc tổ chức thả đèn gió hay đèn nước. Thông thường ở mỗi điểm có ít nhất một chục cây đèn gió được thả, ráng rực cả một góc trời. Còn ở các con sông lớn, ngã ba sông rộng, bà con trong phum sóc tổ chức thả đèn nước(Lôipratip). Những chiếc bè kết bằng bẹ chuối, được trang điểm với giấy kính nhiều màu, còn dáng vẻ thì thật đa dạng tuỳ theo sự khéo tay của các nghệ nhân. Cả một đoạn sông rộng lung linh huyền ảo trong ánh nến từ các ngọn đèn làm nên một hội hoa đăng rực rỡ. Trên mỗi chiếc bè còn mang theo những sản vật mà chủ nhà dâng lên thần “Rồng (rắn thần Naya) vì thần đã đem nước về cho mùa màng, cây trái. Người ta tin rằng đây cũng là thời khắc mà thần tạm về nghỉ ở biển sau một vụ mùa mệt nhọc, những sản vật sẽ theo nước đưa về biển dâng đến thần. Tham gia lễ này, không chỉ có người Khmer mà còn có đông đảo người Hoa, người Việt ở Sóc Trăng cùng vui chung. Ngày xưa thì có khá nhiều hoạt động như: đấu võ, kéo co, chỗ kia biểu diễn văn nghệ như hát Dù kê, hát tập thể Romvông, Romxaravan, Lăm leo, A day... Những đêm văn nghệ, vui chơi diễn ra trong tiếng nhạc, tiếng trống dồn dập kéo dài trắng đêm. Còn năm nay, ngoài những tiết mục văn nghệ còn có hội thi trình diễn trang phục ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa được tổ chức ở trung tâm thành phố.
Lễ thả đèn nước còn phản ánh sinh động tín ngưỡng của những cư dân của nền văn minh “lúa nước”. Làm lúa, tưới rẫy, sinh sống gì gì thì cũng đều phải cần tới nước. Sông Mẹ (K’long) luôn cung cấp đầy cho con người. Nhưng cũng từ những nhu cầu của mình mà con người đã làm ô uế sông Mẹ. Vì vậy thông qua lễ thả đèn nước, con Sóc sẽ tạ tội với sông Mẹ để năm sau, sông Mẹ tiếp tục cho nước và phù sa đem no ấm đến cho con người. Trong đoàn rước đèn thì những “chú khỉ” múa trống Xà yăm sẽ dẫn đầu đám rước và hộ tống đám rước ra đến tận bến sông. Nếu để tâm một chút ta sẽ thấy, những nghị lễ quan trọng trong tín ngưỡng của người Khmer đều liên quan đến “nước, nguồn nước”. Điển hình như kết thúc lễ cúng đưa ông bà trong Lễ Đonta, người ta cũng thả một chiếc thuyền chứa những sản vật dâng cúng cho ông bà để ông bà về nơi đã về thăm con cháu…đó chính là nơi cội nguồn của sông Mẹ. Sau lễ thả đèn nước, đèn gió…mọi người sẽ cùng vui chơi, múa hát đến sáng hôm sau để vào hội đua ghe Ngo. Đây mới thật sự là hoạt động “đinh” của những ngày diễn ra lễ hội Ooc - om- bock, ngày mà hầu như ai cũng chờ đợi nhất.
…đến hội đua ghe Ngo.
Sáng hôm sau (15/10 Â.L), cái đinh của lễ hội chính là cuộc đua ghe Ngo. Theo truyền thuyết, chiếc ghe Ngo là hiện thân của rắn thần Naga rất linh hiển. Ngày xưa, khi đức Thích Ca ngồi thiền bên bờ hồ giữa rừng, rắn Naga là thần ác. Hôm ấy mưa to gió lớn, đức Thích Ca cảm hóa được rắn. Rắn bèn quấn tròn chung quanh và ngẩng đầu lên cao để che mưa gió cho đức Thích Ca. Từ đó về sau, người Khmer khoét thân cây sao, theo hình rắn, hằng năm bơi đua trên sông. Một chiếc ghe ngo dài khoảng trên 30m, chứa từ 52 đến 58 tay bơi. Mũi và đuôi ghe ngo cong vút tạc hình rắn thần Naga, thân ghe chạm hoa văn hình kỷ hà và được sơn màu sặc sỡ. Ngồi mũi ghe là một vị lão làng cầm chịch và giữa ghe là một vị giữ nhịp bằng cồng hoặc bằng còi để các tay đua bơi nhịp nhàng. Vào cuộc đua, những tay bơi đầu chít khăn đỏ, rạp mình cùng với nhịp nhún nhảy của nhịp dầm bơi, chiếc ghe Ngo như bay trên mặt sóng trông thật hùng dũng. Cả một đoạn sông như vỡ ra bởi tiếng reo hò của khán giả, tiếng reo vui chiến thắng của các tay bơi.
Chiếc ghe Ngo không chỉ là vật dụng sinh hoạt văn hoá được chế tạo, bảo quản ở trong chùa của từng phum, sóc... nó còn là một hình ảnh đại diện cho phum sóc của mình, biểu tượng của sự ấm no, sung túc...chính vậy mà tính chất của cuộc đua luôn hết sức quyết liệt. Hội đua ghe ngo ngày xưa được mở tại vàm sông lớn của các địa phương có đông người Khmer sinh sống. ở Sóc Trăng xưa là ở vàm Dù Tho, sông Nhu Gia. Theo truyền thống thì các ghe đua tới tự bắt cặp (cáp độ) đua từng đôi, từng đôi. Khi ấy, lúc xuất phát hai chiếc ghe không ở lằn mức nào nhứt định. Sông quá rộng. Hai bên cứ bơi chầm chậm lấy trớn tới. Hai chiếc ghe cứ “so cựa” với nhau như vậy. Chỉ đến khi hai vị chỉ huy nhìn nhau đồng ý đua thì mới bắt đầu cuộc đua. Các cặp đua với nhau hoặc mạnh hơn thì có thể chấp “kèo”, bơi qua mặt rồi lơi nhịp chờ ghe kia lên ngang bằng rồi “rút” để phân định thắng – thua. Khi đua, các ghe còn “so kè” đường nước, đặc biệt là kỵ nhất chuyện trước khi đua, ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe mình vì sợ đối phương “ếm bùa”, ghe khi đua có thể gãy làm đôi. Cũng ngày xưa, khi hai ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả hai chiéc bị chìm thì coi như xử huề.
Trước khi ghe Ngo được làm lễ “xuống nước”, các vận động viên phải tập bơi trên những “giàn cây” được ráp trong các con mương rộng. Giai đoạn này chủ yếu là để tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị sư mới làm lễ xin “Niếc” cho phép hạ thủy để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước. Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi thẳng tắp đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ của chiếc ghe vì khi đua, tốc độ của ghe Ngo khi về đích đạt đến trên 30km/h. Cầm lái yếu, khi chiếc ghe Ngo dễ dàng lật úp như chơi, đặc biệt là ở những khúc quanh. Kỹ thuật đóng ghe cũng là một bí quyết chỉ có các nghệ nhân biết, đặc biệt là nghệ thuật “dằn cây cần câu” ở giữa lườn ghe Ngo. Ngoài việc giữ cho chiếc ghe Ngo (vốn là chỉ một thân gỗ độc mộc) được chắc chắn chịu đựng được nhịp nhún và lực của các tay bơi, chiếc cần câu còn phải có được độ dẻo nhất định để làm sao cùng với mỗi nhịp nhún của các tay dầm thì mũi ghe cũng “cất mũi” rướn tới. Chỉ riêng việc đi tìm và lựa được một cây tràm như ý để làm “cần câu” cũng đã là một kỳ công. Ông Kim Quọ - ban quản trị chùa Bưng Ph’niết (Xã Liêu Tú – huyện Trần Đề) kể với người viết bài này một câu chuyện “vui” về hành trình này. Muốn tìm được cây tràm có độ dài như ý thì phải về vùng nào còn nhiều gốc tràm cổ thụ (ít nhất phải trên 40 năm). Cuối tháng 8 năm nay, ông Quọ và 2 người khác về Vị Thanh tìm tràm. Được anh “xe ôm” dẫn đi sau khi tốn hết 200.000 đồng…đi hơn 15 cây số vô tận trọng rạch Nàng trăng, thấy hai gốc tràm cổ thu chắc phải hơn 60 năm tuổi. Anh chủ nhà ra điều kiện “muốn mua thì phải mua 2 cây chớ không bán 1 cây”. Vì mê quá nên ông đồng ý và hỏi “giá bao nhiêu”? Anh chủ nhà ra giá 8 triệu cho cả 2 cây. Ông móc túi trả tiền “cái rột” chớ không trả giá. Cưa được 1 cây, cây còn lại vừa mới gá lưỡi vô thì đã nghe trên nhà có tiếng la mắng “chói lói” … “mày có biết 2 cây tràm đó là ông nội mày trồng. Nó còn lớn tuổi hơn cả tao nữa mà mày bán”!? Hóa ra là cha của anh chủ nhà đi chơi về thì biết chuyện con ở nhà đã bán 2 cây tràm nên la mắng. Ông và mấy anh em cưa riết, cưa riết…ông già chửi thì thây kệ. Ông Quọ thú thiệt với tôi rằng: “Mới nhìn thấy cây tràm là tụi tui mê muốn chết. 1 cây giá 10 triệu cũng mua liền. Ai dè 2 cây chỉ có 8 triệu thì trả giá cái nữa. Mừng hết lớn”!
Xem đua ghe ngo ai cũng thấy có một vị ngồi mũi. Thực ra vị trí này chỉ có tính chất tượng trưng, tinh thần là chính vì đây là vị trí thường là của “mạnh thường quân” trong bổn Sóc, đã có nhiều đóng góp về tài vật cho đội ghe như: góp gạo, mổ heo, bồi dưỡng dường, sữa để “o bế gà của Sóc mình”. Các vị lão làng kể lại khi xưa, có người góp tới 200 kg và 1 con heo lớn trong suốt một tháng đội ghe chuẩn bị nhưng chưa chắc đã được ngồi mũi. Các đội đua ở xa thì phải tổ chức ghe Cà hâu (một loại ghe lớn) để làm nhiệm vụ hậu cần. Đến kỳ hội ghe chở sư sãi, chở lương thực, chở người xem kéo tới chật cả hai bên bờ sông.
Đua ghe ngo xưa và nay!?
Ghe ngo ngày xưa là môn chơi độc quyền của cánh nam giới. Đàn bà con gái không được bước lên ghe ngo hoặc lại gần chiếc ghe khi để ở trong chùa. Vậy nhưng nay thì đã khác, nữ giới cũng xuống ghe Ngo và “đua”. Tất cả bắt đầu từ năm 2004, khi ban tổ chức và các vị acha “thống nhất” tổ chức giải đua ghe Ngo nữ lần đầu tiên. Năm ấy chỉ có 4 đội bơi ở hai địa phương là TX.Sóc Trăng và huyện Long Phú. Giải nhất năm ấy thuộc về ghe ngo nữ chùa Sầm Rộng và nhì thuộc về ghe ngo chùa Sóc Vồ, giải ba thuộc về ghe Ngo chùa Nước mặn (Long Phú). Đến nay thì ghe Ngo nữ đã trở thành phong trào với mỗi giải đua có ít nhất 10 đội tham gia và ở huyện nào cũng có ít nhất 1 đội ghe Ngo nữ. Có thể xem đây là một điểm nhấn quan trọng trong viêc thực thi “bình đẳng giới””?
Riêng về kỹ thuật bơi và rèn luyện thể lực cũng đã mang đậm phong cách hiện đại. Đó là việc chia bảng, chia vòng để thi đấu. Sau 3 vòng đấu sẽ trọn 8 đội vào bán kết để đấu tranh thứ hạng. Đường bơi cho ghe Ngo nữ là 800m và ghe Ngo nam là 1.200m. Bởi thời gian thi đấu kéo dài cả buổi, mỗi đội còn phải đến trước để bơi cho quen đường nước, lạch nước nên đòi hỏi thể lực của VĐV là rất lớn. Chính vậy trong khâu tập thể lực, các đội đều mời huấn luyện viên (HLV) chuyên nghiệp. Hứa Hoài Tâm – HLV đội ghe Ngo chủa Pô-thi Ph’đốp (xã Kế Thành, huyện Kế Sách), vốn là cựu VĐV đội nghe Ngo chùa Bốn Mặt (Phú Tâm – Châu Thành) danh tiếng cho biết: “Mỗi đợt bơi trung bình là 4 phút thì VĐV khi tập phải “xả được hết sức” trong 8 phút. Ai không đáp ứng nổi thì…”lên bờ”. Dù đội nào cũng có VĐV dự bị những bởi vô đấu thì phải bơi ít nhất 12 lượt nên nền tảng thể lực yếu thì không thể đáp ứng”. Ngay cả cây dầm bơi trong tập luyện cũng khác với cây dầm bơi chính thức khi thi đấu. Anh nói rằng “kỹ thuật bơi thuyền thể thao hiện đại” đang dần thay thế kiểu tập luyện và bơi “kinh nghiệm” ngày xưa.
Trong hội đua ghe Ngo năm nay ở Sóc Trăng, dự kiến sẽ có trên 29 đội ghe Ngo Nam và 7 đội ghe nữ của tỉnh tham gia đua tài, chưa kể các đội ghe Ngo của các tỉnh khác sẽ đăng ký sau. Trong số này thì phải kể đến những đội nghe Ngo cả nam và nữ đến từ Kiên Giang, Bạc Liêu, đây chính là những “ đối thủ đáng gờm” của các đội ghe Ngo Sóc Trăng.
Trung bình hàng năm lượng người đổ về xem đua ghe Ngo ở Sóc Trăng là trên 500.000 người.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Nghe có đôi khi...chợt thương con gái!!


Buổi sáng mở blog của một anh bạn, chợt thấy bản Có đôi khi của nhạc sĩ Lã Văn Cường và cô ca sĩ Hồng Nhung mà mình rất thích nghe hát bài này. Nhớ hồi xửa hồi xưa ấn tượng nhất cái cô này là cái răng khểnh nhưng nay thì hình như cô đã "cải tạo" nên không thấy nữa. Chả sao! Cô vẫn xinh đẹp và hát hay như trước nên "hòa bình thế giới" vẫn không ảnh hưởng gì. He..he. lại chợt nhớ ra ...thì ra con gái lớn của mình cũng có cái răng khểnh giống giống cô này. Cách đây khoảng 2 tuần khi đi học về con gái nói với mình: "con khỏi niền răng đâu ba ơi. Răng như của con người ta nói là giá cỡ 18 triệu người ta mới làm. Con thấy để tiền đó mua cái xe honda để con đi học thêm còn có ý nghĩa hơn"!
Ái za! năm nay con đã học lớp 11, đã ra dáng thiếu nữ...chưa tính cũng đã cao vời vợi như cây tre. Mình không bảo con phải đi học thêm nhưng là nó tự thấy cần phải đi học những môn nào nó cảm thấy là yếu cần phải bổ sung kiến thức. Có ngày đi đến tận gần 9h tối mới về đến nhà. Cọc cạch chiếc xe đạp đúng là mệt thật. Ừ...chắc gần tết ba sẽ mua cho con cái xe máy!

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Đi chơi làng nghề "cốm dẹp" trong mùa Ooc om bock

Giống như bánh chưng, bánh tét trong ngày tết nguyên đán của người Kinh. Cốm dep là sản vật không thể thiếu trong lễ hội Ooc-om-boc của người Khmer nam bộ. Không chỉ để dùng mà đây còn là vật cúng, gắn liền với nghi thức “đút cốm dẹp” trong đêm rằm với lễ cúng thần Mặt Trăng. Và Oc-om-boc đang đến gần, nhịp chày giã cốm càng trở nên hối hả ở làng nghề Phước Quới - xã Phú Tân - huyện Châu Thành.Cung cách làm thì gần giống với làm cốm vòng nhưng ngon thì ...không bằng, bởi vì chất lượng của lúa nếp. Nhưng đến làng nghề để nghe mùi thơm nếp mới và nhấm nháp những hạt cốm còn mới thì còn gì bằng. Híc...bác nào có máu me chụp ảnh mà vào đây thì có lẽ...chụp gãy tay chưa muốn về nhé. Chỉ tiếc là anh chàng quay phim này không lùng được một cô gái nào gãi cốm để làm tươi đoạn phim này.
Mời cả nhà cùng đi chơi làng nghề xem rang cốm và giã cốm.

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Sóc Trăng - Ooc – om – bock 2010 sẽ lung linh “đèn nước”…




Ở Sóc Trăng, mỗi khi ngọn gió chướng về thì các phum, sóc đã bắt đầu không khí nhộn nhịp, tưng bừng chuẩn bị cho những ngày lễ hội Ooc-om-bock. Năm nay, lễ hội Ooc-om-bock được tổ chức từ ngày 12 đến 20 tháng 11/2010, bắt đầu bằng sự kiện khai mạc Hội chợ triển lãm tỉnh Sóc Trăng năm 2010 tại khu văn hóa triển lãm tỉnh Sóc Trăng (Hồ nước ngọt) lúc 18 giờ ngày 12 tháng 11.


Từ phục dựng thả đèn Lôiprotíp..

Với chương trình đã được công bố thì có thể nói, lễ hội Ooc – om – bock Sóc Trăng năm nay là lễ hội được tổ chức lớn nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Tính đến thời điểm này thì đã có 172 đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đăng ký 426 gian hàng tham gia triển lãm. Với đặc thù là một tỉnh “nông nghiệp – thủy sản” là chính nên các mặt hàng chủ yếu của hội chợ này là thiết bị, sản phẩm cơ khí, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, dược phẩm, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giống cây trồng…đặc biệt là chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và gian triển lãm văn hóa 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa.

Đêm lễ cúng trăng 20/11 (đêm 14/10 lịch Khmer) thì ngoài những nghi lễ ở các gia đình, ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức lễ thả đèn nước Lôiprotíp trên sông Maspéro. Ông Sơn Lương – P.giám đốc Văn Hóa –thể thao – du lịch Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi cố gắng phục dựng như nguyên bản lễ thả đèn Lôiprotíp (đèn nước). Lâu nay, do nhiều biến động về xã hội, kinh tế mà nhiều nơi đã không còn duy trì lễ này. Nghi thức lễ sẽ được cử hành Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer của tỉnh với các tiết mục ca múa tập thể với các điệu múa rom vong, rom kbách, sarawan…Nhà sư tụng kinh cầu phúc. Sau đó mọi người sẽ rước chiếc kiệu protíp diễu hành qua các đường phố rồi thả trên dòng sông Maspéro ở đoạn giữa của hai cầu C 247 và 30/4”.

Ở đây cũng cần phải nói thêm – Lễ thả đèn nước là lễ hội dân gian vốn có từ lâu đời của người Khmer với ý nghĩa là lễ tạ ơn đất trời đã phù hộ một mùa vụ bội thu, phum sóc bình yên và mong muốn những điều tốt lành hơn trong năm sau. Làm lúa, sinh sống gì gì thì cũng đều phải cần tới nước nên nước của sông mẹ (sông cái) đã bị con người làm ô uế. Đây chính là lễ cúng để tạ tội với thiên nhiên. Trong đoàn rước đèn thì những “chú khỉ” múa trống Xà yăm dẫn đầu đám rước và hộ tống đám rước ra đến tận bến sông. Sau lễ thả đèn nước, đèn gió…mọi người sẽ cùng vui chơi, múa hát đến sáng hôm sau để vào hội đua ghe Ngo. Đây mới thật sự là hoạt động “đinh” của những ngày diễn ra lễ hội Ooc - om- bock, ngày mà hầu như ai cũng chờ đợi nhất.

..đến ghe Ngo nữ mới là số “zách”.

Để chuẩn bị cho những ngày lễ hội Ooc – om – bock, ít nhất là từ nửa tháng trước, các vị Acha và các nhà sư ở các chùa đã phải bàn bạc và chuẩn bị trước. Từ việc trang hoàng cho nhà chùa, sửa sang lại chiếc ghe Ngo, tuyển chọn những vận động viên và nhiều nơi còn phải tìm thuê huấn luyện viên để có kế hoạch tập luyện cho ngày tranh tài đua ghe Ngo.

Năm nay, ban quản trị chùa và bà con phật tử chùa Muni Sakor Domompil – tức chùa Xẻo Me ở xã Vĩnh Phước (Vĩnh Châu) quyết định đầu tư đóng mới chiếc ghe ngo (150 triệu đồng). Các vận động viên cũng nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và ra sức luyện tập. Tất cả đều quyết tâm rất cao hòng đạt được vị trí cao ở hội đua ghe năm nay. Xẻo Me từng nổi tiếng với đội ghe Ngo có cú “nước rút” về đích ấn tượng nhiều năm liền nhưng gần đây thành tích đã thua xút nhiều do ghe cũ. Sau đợt tập thứ 1 chủ yếu là tập nhịp bơi kéo dài 8 ngày, hơn 100 chàng trai bước vào đợt tập luyện mới tại sân chùa rèn luyện thể lực và bước vào các đợt bơi thử. Anh Triệu Liên – Đội trưởng hào hứng nói:

-Đến giờ này thì tui tui gần hoàn thiện về kỹ thuật thi đấu và thể lực dưới sự giúp đỡ của trung tâm thể dục thể thao huyện. Mỗi người còn được xã cấp 10.000đ/ngày. Số tiền tuy không lớn nhưng anh em cảm thấy vui và phấn khởi hơn trong luyện tập.

Tuy phong trào ghe Ngo nữ ở Sóc Trăng chỉ mới phát triển trong 5 năm nay trở lại đây nhưng tên tuổi của những đội ghe nữ như: Đươm Pô của Trần Đề, Tức Rây của Long Phú, Kos Tung – Cù Lao Dung đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ bằng bởi đều tay bơi chắc chắc và đều nhịp, nước rút mãnh liệt cùng sự dẻo dai chẳng kém gì nam giới ở suốt 4 vòng đua. Năm nay, xã Lâm Tân (Thạnh Trị) cũng gia nhập làng ghe Ngo nữ với đội ghe Ngo chùa Lộ Mới. Dù đang vào đầu vụ lúa Đông Xuân, nông dân bận rộn với việc xuống giống cấy dặm lại những mảng lúa bị chết do mưa ngập, nhưng gần 3 tuần nay, khi trời vừa dịu nắng hoặc bớt mưa là hơn 70 chị em phụ nữ trong xã lại tập trung để tập “bơi đua”. Có người vẫn nguyên trên mình bộ đồ ám phèn vừa xong buổi làm đồng, có chị phải ẵm con theo, tốp đứng trên bờ chờ đến lượt, tốp dưới gàn tập hô hụi bắt đôi tay theo nhịp còi của người huấn luyện. Tất cả đều tất bật và phấn khởi vì đây là lần đầu tiên chị em được làm VĐV đua ghe Ngo. Vừa lên bờ sau cữ tập, chị Triệu Thị Đạ cười vui vẻ: “Thấy mấy chị ở chỗ khác đua ghe mình cũng ham lắm à nghen. Mê nhưng mà hổng biết sa? Năm nay mình có ghe là tui đăng ký liền. Bơi không chỉ vui mà mình còn bình đẳng với mấy ổng nữa chớ bộ”.

Huyện Thạnh Trị không phải là địa phương có phong trào ghe Ngo phát triển. Toàn huyện chỉ có hai, ba chiếc ghe ngo và đều dành cho các tay bơi nam. Năm nay, ngoài đóng mới phương tiện, vực dậy các đội ghe ngo nam thì huyện còn mạnh dạn đầu tư một đội ghe ngo nữ ở Chùa Lộ Mới ở ấp Kiết Lập B- xã Lâm Tân và được chị em nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ phụ nữ của Xã Lâm Tân mà các chị ở các ấp lân cận cũng đăng ký. Sống giữa mênh mông đồng ruộng, dày đặc kênh rạch nên chuyện chèo chống đã quá quen thuộc với các chị, nhưng đây là ghe Ngo, đòi hỏi những động tác kỹ thuật đặc thù nên những ngày đầu tập luyện, không ít chị còn bỡ ngỡ. Nhưng chỉ sau một tuần là các chị đều quen ngay.

Trước không tinh thần và không khí tập luyện của các chị, Đại đức Lâm Cung, trụ trì Chùa Lộ Mới nói cùng chúng tôi:

- Bổn chùa cũng gián đoạn đua ghe mấy năm rồi. Thanh niên cũng nhớ lắm nhưng ghe mình cũ quá phải sửa sang lại. Năm nay có ghe Ngo mới và có thêm cả đội ghe nữ nữa thì tui cũng như bà con trong bổn sóc rất vui. Chỉ cần thấy sinh hoạt mỗi buổi chiều ở đây là nhà báo đã thấy đó.

Quả đúng như vậy. Có đến đây một lần, gặp nhiều chị vừa làm xong chuyện ruộng đồng đã vội cầm dầm tập bơi với bao niềm háo hức. Xong cữ tập, buông dầm nhảy ngay lên bờ ẵm con hoặc rút về nhà lo bữa cơm chiều mới thấy hết sự thu hút đến lạ kỳ của môn thề thao này với người Khmer. Năm chục người dưới giàn tập thì trên bờ luôn có cả trăm người…từ cha, mẹ, chồng, con, cháu đến cổ vũ. Ghe Ngo đã thật sự là niềm vui của chị em nơi vùng sâu này.

Ooc – om – bock năm nay chắc chắn là vui nhiều hơn mọi năm bởi không chỉ có thêm nhiều ghe mới mà còn là âm hưởng của một vụ lúa vừa trúng mùa, vừa trúng giá./.

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Những "cần thủ bông lau" trên dòng sông Hậu






Ở Sóc Trăng có khá đông người mê câu bông lau và có cả những xóm mưu sinh bằng nghề câu loài cá này. Hoàng Sơn, hiện công tác trong ngành công an – quản forum của nhóm câu cá "Dơi ngựa lớn" cho biết: "Mãi đến cuối năm 2008, tụi này mới quyết định gom anh em thành lập một câu lạc bộ, chủ yếu là để trao đổi kinh nghiệm và gom nhau đi câu là chính.

Tập tễnh vào nghề
Cái "nghề" này hơi bị khó ở chỗ là các cụ "lão làng" thường hay giấu nghề nên người mới tập tành câu cá bông lau muốn trở thành "cần thủ" cũng khó nếu như không có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm "câu kéo". Còn Đức Hoa (Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng), một "cần thủ chính hiệu" hiện đang giữ kỷ lục "cho lên bờ một em bông lau nặng 8,5kg" thì vui vẻ nói: Với những người lấy nghề câu cá bông lau làm cuộc mưu sinh thì mình cũng không trách họ, bởi càng nhiều người câu thì "nồi cơm" của họ càng nhỏ lại. Nhưng tụi mình, với tiêu chí "vui là chính" nên chuyện này là chuyện bình thường vì có... đông mới vui...

Trò chuyện cùng những cần thủ Sóc Trăng, chúng tôi mới ngộ ra nhiều chuyện: Hóa ra những người lấy nghề câu cá bông lau làm nghiệp mưu sinh thì giàn câu của họ là giàn câu viền, bình quân mỗi giàn câu từ 300 - 500 lưỡi, mồi họ dùng thì tùy theo mùa nhưng phổ biến là con gián và trái bần chín. Ở xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có cả xóm làm nghề này. Vô mùa, mỗi ghe câu một đêm kiếm ít nhất cũng được 4 - 5 con. Nhưng với những cần thủ "bông lau" thì chỉ dùng cần máy, mỗi cần một lưỡi và thẻo câu, chì câu mỗi người mỗi vẻ. Cá bông lau vốn chỉ ăn sát đáy nên thành bại của "cần thủ" chính là lố chì câu mà họ mang theo. Để lưỡi câu "nhạy xóc" trong những cú giật, thường thì mỗi tay câu đều dùng một bộ thẻo câu đã được làm sẵn bán ngoài chợ hoặc trong các tiệm câu hoặc tự mình "tết" cho mình một bộ thẻo như ý. Bộ thẻo câu bông lau thường gồm những phần: bộ chống rối, dây nối lưỡi (link), thẻo lưỡi, thẻo chì. Chì thì gồm nhiều kích cỡ với kiểu dáng – bắt đầu từ 150g cho đến ngoại hạng 400g.

Bộ chống rối thường dùng là cái chữ T, được các tiệm câu bán sẵn, nhưng dân câu Sóc Trăng thường ít dùng thứ này mà tự tết hoặc "độ" cho mình những bộ chống rối theo ý mình. Đại để thì cả các bộ chống rối đều cần đến Maniven (trục xoay – ma - ní), khóa móc. Ma-ní rất cần bởi khi dính câu, cá bông lau nhào lộn rất dữ hòng tháo lưỡi và bứt nhợ nên cả phần dây link và dây lưỡi phải xoay theo để dây không bị vặn xoắn, gây "cóc dây" (đứt dây) bất tử. Dân câu Sóc Trăng chê chữ T vì khó ném và dễ xoắn, rối link làm mắc kẹt cục mồi trên chảng ba. Gặp trường hợp này thì ngồi "sáng đêm cũng không có ma nào rỉa chớ đừng nói dính cá".

Niềm đam mê của những cần thủ bông lau
Có câu nói nằm lòng trong giới cầm cần: "Phi bông lau bất thành cần thủ". Cho nên với dân mê câu cá bông lau thì hầu như những khó nhọc, rắc rối trong cuộc đời đều có thể "vượt qua" nhanh chóng nếu như ngay con nước vô mùa. Chuyện vợ cấm vận vô nhà hay vào cơ quan với cặp mắt lờ đờ như kẻ nghiện mỗi sáng, được xem như chuyện nhỏ. Với những tay câu thì không có gì buồn bằng chuyện ngay con nước mà không vác cần ra bãi được, rồi trời mới chớm sụp tối hoặc nửa đêm nhận được tin nhắn "Sơn lên được 2 con rồi. Còn Hoa vừa lập kỷ lục". Chắc chắn đọc tin xong, hắn sẽ tắt ngay máy điện thoại. Chính vậy mà dân câu bông lau có thuật ngữ "nhớ nước, nhớ mùng". Nước ở đây là con nước, còn mùng ở đây không phải là cái mùng để ngủ mà là ngày dưới - ngày âm lịch.

Chỗ "ngồi đồng" thường xuyên của nhóm "Dơi ngựa lớn" hơn 3 năm nay là ở cầu Mỹ Thanh I vì ngồi trên cầu, ngay thẳng giọt dòng ưng ý nhất mà thả cần, khỏi mất công mướn ghe. Phía dưới hạ lưu cầu Mỹ Thanh I là hai hàng đáy mà theo kinh nghiệm thì "cứ thả mồi trước hàng đáy cỡ vài chục mét là chắc cú lên cá". Cần thủ Hoàng Vũ nói cùng chúng tôi. Anh vốn là dân An Thạnh Đông (cù lao Dung), nên khá rành chuyện dòng chảy, con nước và lạch nước. Theo anh, các hàng đáy luôn đóng ở vị trí dưới "hụm nước" một chút để hứng cá trên giọt dòng xuống. Còn cá bông lau thì luôn theo giọt dòng đi ngược lên để đón mồi. Nhóm "Dơi ngựa lớn" đã từng lập kỷ lục – trong 4 giờ (từ 18 giờ đến 22 giờ) đã lên được 12 chú bông lau, con lớn nhất là 4,7kg còn nhỏ nhất là 2,4kg. Anh còn cho biết thêm: Từ hụm nước cầu Mỹ Thanh I đến tận ngã ba Cổ Cò (huyện Mỹ Xuyên) là đoạn sông "cá ở". Cá ở là những chú bông lau cư ngụ tại chỗ chứ không di chuyển vùng sinh sống theo con nước, mồi kiếm được đầy đủ hơn nên luôn có kích cỡ lớn và mập, tròn hơn "cá đi" - ốm bụng và dài đòn.

Độ hơn một năm nay, một điểm khác mà nhóm hay tập kết là trên cầu Mỹ Thanh II, cũng bắc qua cửa Mỹ Thanh những đã đổ sát ra biển, gần cửa Trần Đề, nối liền tuyến đường Nam sông Hậu từ Cần Thơ tới tận Cà Mau. Vì ngay cửa nên cá ở đây cũng thường lớn hơn cá trong sông. Đức Hoa đã lên ở đây một chú bông lau 8,5kg và lập kỷ lục "người lên cá to nhất" của nhóm "Dơi ngựa lớn". Sẵn đây kể luôn chuyện kỷ lục. Người đang giữ kỷ lục cá ngát to nhất là anh Bắc, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Út Xi với chú cá ngát nặng 5,6kg câu được ở cầu Mỹ Thanh I. Cũng ở đây, tài xế Tý câu được con cá đắt nhất, đó là chú cá lù đù dính ngang bụng nặng chưa tới 100g nhưng tiền mồi phải chia là 48.000đ...

Dân câu Sóc Trăng đa số dùng mồi trùn lá, giá trung bình hiện nay là 120.000đ/kg. Trùn lá cực tanh thành ra mỗi khi dân câu ôm cần về nhà, thường phải làm vệ sinh thật sạch mới dám bước vô nhà. Cần thủ Thành Long đã từng bị vợ... đạp ra khỏi mùng và con gái út thì giãy nảy: "Ba ơi... ra sân đi! Tanh quá hà". Với dân câu Sóc Trăng thì xài trùn biển là quá sang vì mỗi phần câu (200g) giá tới 120.000đ. Nhưng cũng phải nói rằng với trùn biển thì những loại mồi khác mà gặp thì chỉ có nước... "xách cần câu đi chỗ khác" vì loanh quanh ở đó chả có cá nào thèm dòm ngó.

Mai này còn cá để câu?

Cá bông lau có nhiều ở những vùng cửa sông và những giọt dòng chảy mạnh, nền đáy láng trên sông Hậu. Nhưng quãng 2 năm gần đây thì chủ yếu có nhiều ở cửa Định An và cửa Mỹ Thanh. 2 năm trước, dọc theo khu vực cảng Trần Đề từng là điểm đến của dân câu bông lau Sóc Trăng nhưng nay thì hầu như chỉ... lác đác vài con "đi lạc". Tại sao ư? Ngoài chuyện cửa Trần Đề đang bị bồi lắng, thay đổi dòng chảy thì vấn nạn "pha loãng" nước thải, chất thải của các nhà máy chế biến thủy sản đổ ra sông Hậu cũng làm đàn cá bông lau không còn dám ghé đến và cư ngụ như trước. Tháng 8 năm ngoái (2008) ở cầu Mỹ Thanh, nhóm "Dơi ngựa lớn" đã liên tục kéo lên hơn 20 chú bông lau... đều có "lác" trong 2 con nước. Tất cả những con cá này đều mang trên mình những mảng mụn đỏ. Cả nhóm đồ rằng có thể bầy cá này "mắc bệnh" do ô nhiễm môi trường nước vùng cửa sông hoặc trong sông gây nên. Cần thủ Thành Long cũng mang một chú cá mắc bệnh đi hỏi các kỹ sư thủy sản nhưng chưa nhận được câu trả lời. (Viết thêm: Sau cuộc hỏi thăm thì chú cá này tất nhiên cũng được sẻ thịt làm một nồi canh chua trái giác, uống rượu đế ST5. Và sau này hỏi những tay làm nghề đóng đáy thì được biết, những mụt đỏ này thực chất là do một loài cá mà người ở đây gọi là con cá "éc", dài dài và mỏ là cái giác hút kiểu như con đỉa. Con cá này sống ngoài vùng biển hoặc cửa sông lớn và bám vào những con cá lớn (vẫn thường thấy những con cá này bám trên cá voi, cá kiếm, cá mập...). Nếu câu dính một vài con bông lau có những "mụt" (ngoài bắc gọi là mụn - nốt) thì rất nhiều khả năng là có cả bầy cá từ ngoài biển vào. Híc...câu trúng là phải đạo rồi)).

Nhưng dù gì vẫn có một điều mà chúng tôi tin chắc là cá bông lau trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh hiện đang vắng dần. Dù vậy, những cần thủ bông lau vẫn miệt mài theo con nước vì "nhớ nước" và nhớ cảm giác khó tả khi "ngồi thiền" nhìn đọt cần câu chờ "cú mổ" để làm một cú "rờ-ve" hoành tráng, với hy vọng cú này sẽ bắt được "khủng long".

Nhưng hỡi ôi... "thời oanh liệt nay còn đâu", vì dòng sông coi bộ bị ô nhiễm quá rồi!



Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Câu cá và hội câu cá Sóc Trăng - Thú chơi tao nhã và thân thiện với môi trường



Những người chơi bi da thì còn có danh xưng là cơ thủ, cờ tướng là kỳ thủ, bóng đá là cầu thủ…còn những người vác cần câu đi câu dù là câu chơi cho vui hay đi câu vì một sự đam mê nào đó thì được gọi là cần thủ. Cần thủ cũng chia ra nhiều thứ hạng và lĩnh vực…nhưng ở miền tây nam bộ thì thường chỉ chia ra 3 lĩnh vực: câu hồ, câu sông và câu cá đồng. Mỗi lĩnh vực lại có một thú vui riêng. Câu lạc bộ câu cá Sóc Trăng cũng đã được thành lập, quy tụ những người yêu thích môn nghệ thuật gần gũi với môi trường này..
Câu hồ, câu đồng và…ra sông.

Hầu như ở trung thành phố hoặc thị tứ lớn nào cũng có một vài hồ có treo bảng câu cá. Riêng ở Sóc Trăng thì hồ câu cá khá nổi tiếng và lớn là hồ câu cá nằm trong khu du lịch Hồ Nước Ngọt. Khu hồ rộng khoảng 2 ha với 6 chòi vừa để che nắng vừa là chỗ có thể nhâm nhi…Cá của khu hồ này khá đa dạng…từ cá chép, cá dảnh, cá mè vinh, tai tượng, mè hôi cho tới cả cá vồ. Cá chép ở đây con lớn nhất vô cỡ hơn 2,5kg. Các cần thủ tập trung ở đây phần lớn là cán, công chức, học sinh và những người muốn “xả trét” sau một ngày làm việc mệt nhọc. Cần thì đủ loại…nào là cần tay trung quốc giá từ 45.000 đến cả trăm ngàn một cây. Chủ hồ chỉ tính giá cá câu được 1kg là 35.000đồng – một giá tương đương ở chợ những những chú cá do chính tay mình câu được mang về thì thú vị hơn nhiều. Mồi câu thì tùy hỉ..nhưng chủ yếu vẫn là thức ăn viên nhồi lại. Nhưng với những cần thủ “thứ thiệt” thì việc câu cá nuôi sẵn trong hồ “không đã”, phải gần gũi với thiên nhiên, phải biết nhìn nước, phải ngửi được cả mùi ngái ngái của gốc ra mới cắt hoặc ôm cần ngồi trong mờ ảo của khói đốt đồng mới đã. Mùa này đang là mùa câu cá rô đồng nên trong những hồ câu cá khá thưa những cần thủ “thứ thiệt”.
Vậy nhưng câu cá đồng với những cần thủ này cũng chỉ là “câu cho đỡ ghiền” chứ đánh trận thứ thiệt là phải ra sông, bắt cá ngát bự, bắt bông lau, mùa nước nổi bươn lên tận An Giang câu cá lăng, lội tuốt vô rừng U Minh nhắp cá lóc mới gọi là “cần thủ” bởi lẽ trong giới mê câu đã có câu thiệu “phi bông lau bất thành cần thủ”. Với nhũng cần thủ này thì giá một cần tay bèo bèo cũng trên 300.000 ngàn đồng, còn cần máy thì cả bộ tính luôn máy câu cũng non 1 triệu, chưa tính tiền nhợ, lưỡi câu “đặt hàng” và các phụ kiện khác như nón chuyên dụng, áo chống thấm, giày, găng tay.v.v. Theo Khánh Hoa, một cần thủ có hạng của câu lạc bộ câu cá Sóc Trăng (công tác tại Sở tài nguyên và môi trường) thì cái thú của một cần thủ khi đi câu không hẳn chỉ là con cá mà con là cái ung dung, tự tại giữa trời nước, trong lòng thật tĩnh lặng mà chờ đợi để rèn cho mình chữ nhẫn. Mặt khác, muốn có cá thì phải am hiểu lạch nước, hũm nước, con nước, rồi cả màu nước để tính toán xem quyết định buông cần hay đi về! Câu cá không chỉ là thú vui mà còn là cả một môn thể thao nghệ thuật. Một cần thủ giỏi là phải có sức khỏe tốt để có thể cầm cần quăng một cục chì nặng từ 250gr đến 350gr đi xa ít nhất 70m. Không chỉ ném xa mà còn phải ném chính xác để mồi của mình được cố định ngay tại lạch nước mà mình đã chọn. Một nghệ thuật khác là nghệ thuật thắt các nút buộc. Một cao thủ ban đêm không cần đèn vẫn có thể tóm lưỡi câu như ý mà không sợ tuột lưỡi câu khi cá lớn ăn. Các cần thủ đã tổng kết có khoảng hơn 180 kiểu nút buộc dây, nối dây…những nút buộc này còn có thể dùng vào việc dựng lều trại, buộc ghe, buộc nối các kèo, cột một cách chắc chắn!
Riêng Hoàng Vũ (công an huyện Trần Đề) thì chia sẻ kinh nghiệm: - trong nghệ thuật câu cá sông và câu cá đồng ngòai chuyện chọn lưỡi câu, cần câu và mồi thì còn phải hiểu cả bản chất “ăn uống” của lũ cá. Đó là"câu cá đồng thì mới cần giật cần câu, còn câu cá sông thì không cần bởi bản chất ăn mồi của 2 thứ cá sống ở hai khu vực này khác nhau"!? Thứ nhất là cá sông khi ăn mồi thì luôn rỉa rói miếng mồi theo kiểu "mèo vờn chuột" hay còn gọi là nó “giỡn mồi”. Khi rỉa mãi mà miếng mồi không sứt mẻ được miếng nào vào mồm thì nó mới "tức khí" nuốt luôn cả miếng và kéo đi. Khi dây câu bị kéo căng thì thực chất miếng mồi đã được cá nuốt rồi nên không cần giật mà chỉ cần gặc nhẹ đầu cần để đảm bảo cho lưỡi câu “sóc sâu vào hàm cá” là xong. Nếu cá lớn thì phải chuẩn bị vợt và "vờn" cho con cá mệt rồi hãy kéo dần lên...nếu kéo "tích cực" ngay từ đầu thì có thể đứt dây câu. Vấn đề nữa cũng quan trọng không kém để bảo vệ hạnh phúc gia đình cho những ai đã có vợ thì sau buổi câu...không nên ngủ chung với vợ vì dù có tắm rửa đến cỡ nào thì...vẫn "hôi như cú". Ít nhất là sau 2 ngày hãy ngủ chung với vợ bởi lẽ, mồi câu sông thường được sử dụng là con trùn lá …tanh rình. Còn với cá đồng. Bản chất của "tụi này" là tham ăn và khá ngu si. Thấy thằng khác ăn là cả bọn thường hay lao vào tranh giành (điển hình nhất là lũ cá rô "tăm tích" trên mấy cánh đồng mới sạ vào đầu mùa mưa). Bọn này táp hối hả nếu có mồi ngon, điển hình nhất là trứng kiến vàng hoặc nhộng ong nghệ. Xét về bản chất thì nhộng ong nghệ là tuyệt nhất khi câu trên đồng vì ngòai lũ cá rô thì lũ cá trê cũng rất khóai. Nhưng mồi này khó kiếm và..dễ bị "mặt như cái mâm" nếu không khéo trong công tác "khói lửa". Lưỡi câu cá rô đồng nên dùng là lọai lưỡi "Ó" (nó có kiểu uốn cong như mỏ con ó biển). Cần câu trên đồng ngon nhất là cần câu trúc, lọai cần này phải tự độ cho vừa tay, cây trúc phải già và đầu cần càng nhỏ, càng dịu thì..càng tốt. Chọn được cây trúc thì ngòai chuyện róc nhánh cho khéo, chuốt đọt, chuốt mấy cái mắt cho ngon thì còn phải qua công đọan uốn cần, nắn lửa cho vừa ý cái độ cong của đầu cần, cái thẳng thớm của cả cây cần câu.
Và tiếng thở than cho môi trường.
Tuy nhiên cả năm vừa rồi, các cần thủ ở cuối dòng sông hậu đều than thở: “thất bát quá”, dù đã có cần thủ lên được con cá ngát nặng 8,6kg. Chỉ riêng chuyện nước sông Hậu năm nay không đổ đã đẩy mặn tuốt vô trong sâu khiến các bãi câu cố định hàng năm mà các cần thủ lựa chọn đã không còn cá ăn. Nước chảy yếu, cát bồi nhiều nên dọc cảng theo bờ cảng Trần Đề cũng không còn cá lớn, chỉ còn toàn là cá úc và cá cá dứa nỏ ăn theo mé. Bãi sình mới bồi vươn ra gần 50m thì chẳng còn cần thủ nào có thể ném được cục chì và lưỡi câu của mình ra tới cự ly 300 thước phía ngoài để mong bắt cá lớn. Chưa tính đến chuyện những nhà máy thủy sản xả nước thẳng ra sông Hậu ở bến Đại Ngãi và cảng Trần Đề cũng làm các cần thủ…bưng mũi mà chạy dài.
Thế nhưng khủng khiếp nhất đối với các cần thủ là màn “xiệc điện” của các ghe cào nhỏ. Ngồi trên bến buông cần, lũ cá út, cá dứa đang giỡn mồi “kịch liệt” nhưng chỉ cần một chiếc ghe cào chạy tà tà ngang qua là tất cả “lặng rang” ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Đầu năm 2010 đã xảy ra xung đột giữa vài chục cần thủ bông lau với một ghe cào xiệc điện. Ghe cào phải bỏ chạy bởi trận “oanh tạc” bằng đá cục từ trên bờ tấn xuống. Một cần thủ bực bội nói “Ai cũng vì con cá. Nhưng bắt cá kiểu đó là tàn sát quá. Cá lớn, cá nhỏ và tới cả trứng còn chết thì mai mốt lấy gì mà còn”.
Đấy là chuyện ở sông, còn ở đồng thì vài năm trở lại đây coi mòi khá hơn vì người làm lúa ít xài thuốc bảo vệ thực vật dạng “cực độc”. Cá rô, cá trê, cá thác lác đã có nhiều trở lại trên những con kênh, con rạch. Ở Sóc Trăng, những địa danh như: Sóc mồ côi, kinh lộ Mỹ Hương, ngã ba đèn đỏ Sung Dinh, kinh tám thước….đã là những cái tên quen thuộc của những cần thủ. Nhưng cũng như ở sông, trên đồng cũng bị nạn “xiệc điện” mặc dù lâu lâu lại có tin, xã này…xã kia đã tập trung tiêu hủy vào trăm bộ xung điện. Lại tặc lưỡi…một bộ xung điện để xiệc cá tiền vật từ cho 4 con sò và mạch điện cao lắm là 50.000 ngàn, người mua vẫn cứ mua thoải mái, vậy có cấm thì chỉ còn nước là cấm hoặc phạt những ai lắp ráp thật nặng họa chăng mới hết được nạn “Xiệc điện”.
Hoàng Sơn – chủ nhiệm CLB câu cá Sóc Trăng cho biết:- Nếu như hội sinh vât cảnh ở Sóc Trăng được thành lập thì CLB câu cá Sóc Trăng cũng sẽ gia nhập vào hội, các thành viên của CLB sẽ là những thành viên tích cực để tuyên truyền và tham gia vào việc bảo vệ môi trường cũng như đa dạng sinh học bằng những việc làm và hành động thiết thục.
Cũng phải thôi! Bởi môi trường có tốt, có đa dạng sinh học thì mới có cá để mà câu ở đồng, ở sông chứ. Còn không thì chỉ loanh quanh câu cá nuôi trong hồ thì chán chết./.

Nhộn nhịp xóm hàng xáo Long Bình




Lúa được chất đầy trong nhà. Lúa được phơi trước sân, tràn ra cả mặt lộ, trãi một màu vàng óng từ đầu đến cuối xóm. Ở đây nhà nào cũng làm lúa. Người khá giả thì sắm ghe làm hàng xáo đi mua lúa. Người nghèo thì tận dụng sân nhà, sức lao động làm dịch vụ phơi lúa, vác lúa. Cái xóm nghèo ở ấp Mỹ Hương (xã Long Bình, huyện Ngã Năm) giờ có thêm tên gọi mới: Xóm Hàng xáo.
*Ký ức ghe chèo…

Chúng tôi ghé xóm hàng xáo Mỹ Hương bên dòng kênh xáng Ngã Năm-Phú Lộc khi vụ lúa Hè-Thu đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Sân phơi nối tiếp sân phơi trãi một màu vàng óng của lúa chạy dài gần 2km dọc hai bên con lộ đal. Từ sáng đến chiều tối, cả xóm lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh cào lúa, xúc lúa, cân lúa…Ông Trần Văn Kẽm-Trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Hương cho biết: “Chỉ có 21 người chuyên làm hàng xáo thôi, còn lại là làm dịch vụ phơi lúa, vác lúa thuê cho các chủ hàng xáo. Cái nghề này có hơn chục năm nay rồi, cũng nhờ nó mà nhiều hộ thoát nghèo, không ít hộ giàu có”. Cũng từng là dân hàng xáo, nên ông Kẽm khá rành rẽ chuyện nghề, chuyện người ở cái xóm nhỏ bé này…
Năm 1997, ông Kẽm cùng 3 người khác trong xóm lập thành nhóm tập tành đi làm hàng xáo. Lúc này do còn ít người làm nên lợi nhuận cũng kha khá. Ông Kẽm kể: “Lúc đó chèo ghe tam bảng đi mua chứ đâu có ghe lớn gắn máy như bây giờ. Vậy mà có khi đi xuống tới tận Hòa Bình của Bạc Liêu chứ đâu có ít. Cứ tờ mờ sáng thì chèo đi, đến xế thì về tới nhà cân lại cho lái. Mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 30 giạ thôi nhưng tính ra cũng lời được khoảng 200 ngàn đồng, mua được 5 phân vàng”. Rít một hơi thuốc thật sâu, để ký ức một thời hàng xáo ghe chèo hiện về trong làn khói, ông Kẽm chậm rãi: “Hồi đó mỗi lần đi thành nhóm 4 chiếc nối đuôi nhau để có gì còn hỗ trợ cho nhau. Làm ăn cũng khá, nên nghỉ một ngày là thấy uổng lắm”! Bất chợt quay sang tôi ông hỏi: “Có biết “lúa 10 giờ” là gì không”? Tôi còn đang ấp a ấp úng chưa biết trả lời sao thì ông nói luôn: “Tức là phơi từ lúc mặt trời lên đến 10 giờ là cân bán. Coi vậy chứ mà lái chịu thứ lúa này lắm vì khi đem đi chà rất đặng gạo. Mà chỉ ở vùng này lái mới chịu mua “lúa 10 giờ” thôi”. Nói xong ông cười ra chiều đắc ý về kiểu làm ăn chỉ có ở xóm mình. Nụ cười mới thoáng qua môi đã nghe giọng ông chùng xuống: “Từ năm 2000 bắt đầu có người sắm ghe 7-10 tấn, gắn máy xăng, máy dầu đi mua nên cánh ghe chèo tụi tui cũng thôi không làm nữa. Bây giờ thấy xóm làm ăn xôm tụ mình cũng vui vì đã góp công làm nên một cái nghề”.
Ông Kẽm, có thể xem là người đầu tiên sắm ghe chèo để làm ăn “hàng xáo” kể với chúng tôi câu chuyện vui: “ngày xưa, vô cá vùng xâu hoặc các sóc Kh’mer mua lúa ngon lắm. Có nhà mình trả 1kg 1.200 đồng nhưng họ tỉnh bơ. “Tao tính mày một ngàn thôi, mày tính lẻ khó tính quá”. Đấy là chuyện ngày xưa, khi làm lúa xin lỗi bán là có lời, chứ bây giờ một đồng cũng đừng mong.

Một chuyện khác là chuyện “cò”!? Đừng tưởng chỉ có cò đất, cò ngân hàng chứ ngay bây giờ muôn làm nghề hàng xáo cũng phải cậy nhờ “cò”!? Vấn đề là- mỗi cánh đồng có ai rành bằng người cư trú tại đó. Thánh thử các ghe hàng xáo phải tính chuyện… “ruộng đó gặt chưa”? Anh Một chủ ghe hàng xáo bật mí “chỉ riêng tiền mua card điện thoại mỗi tháng cho các cò là 300.000 rồi nghe. Còn mua được lúa thì tính trên đâu tấn”. ờ nhỉ!? Ngày xưa, người làm lúa có tính toán hơn thua nhhiều như bây giờ không mà sẵn sàng bỏ qua cỡ 200 đồng, mà bây giờ xin lỗi, một đồng cũng không lỏi? Lỗi này phải chăng của gánh hàng sáo hay của ai???
*Nhộn nhịp xóm hàng xáo
Tôi theo ông Kẽm đến khu sân phơi của anh Mã Danh, một hàng xáo đang ăn nên làm ra ở xóm này. Cũng như ông Kẽm, trước đây Mã Danh cũng là nông dân, sau đó tập tành đi làm hàng xáo bằng ghe chèo rồi khá lên như ngày hôm nay. Mã Danh chỉ là rễ của xóm này và cơ duyên đưa anh đến với nghề hàng xáo nhờ…thất bại từ nghề nuôi vịt. Mã Danh nhớ lại: “Hồi trước tôi nuôi hàng ngàn con vịt chạy đồng bổng dưng nó lăn đùng ra chết hết, phải hết hết 7-8 công ruộng mới trả hết nợ. Số vốn còn lại tôi đóng ghe 10 giạ bắt đầu đi mua lúa về bán lại cho thương lái, sau đó lên ghe 10 tấn như bây giờ”. Bây giờ Mã Danh chỉ việc đi mua lúa, còn chuyện phơi phóng, vác lúa đều thuê mướn hết. Cái váng vẽ nông dân trong anh cũng bắt đầu phai dần để thay vào đó dáng vóc của một ông chủ. Hiện nay, mỗi ngày Mã Danh thu mua, bán lại vài chục tấn lúa cho thương lái các tỉnh: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu…nên chẳng những có dư mua lại được 10 công đất mà còn cố thêm được trên 30 công.
Trò chuyện với chúng tôi không bao lâu thì có ghe của lái Bạc Liêu đến cân lúa. Chỉ vào sân phơi trước sân, Mã Danh cho biết: “Lúa này vừa rồi mua vô lúa tươi 4.500 đồng/kg, mới phơi một ngày là bán được giá 5.300 đồng/kg. Tính ra mỗi chuyến ghe 10 tấn sau khi trừ hết chi phí cũng còn lời 400-500 ngàn đồng, gặp khi giá lên bất ngờ lời cả triệu bạc chỉ trong vòng một ngày. Bởi vậy, cứ vùng Ngã Năm hết lúa thì qua Phú Lộc, Mỹ Tú, Phương Ninh…mua. Nói chung là nơi nào có lúa là mình tới, tính ra mỗi năm làm từ 10 tháng trở lên chứ đâu có ít”.
Tôi cùng Trưởng ấp Kẽm nhẩm tính, mỗi ngày xóm hàng xáo cung cấp cho thị trường vài trăm tấn lúa chứ đâu có ít. Trưởng ấp Kẽm còn chi li hơn tôi: “Mỗi ngày hàng trăm tấn lúa được bán đi cũng đồng nghĩa với gần cả trăm người có công ăn chuyện làm từ nghề phơi lúa, vác lúa. Tính ra cái nghề hàng xáo này cũng có ích không kém gì những nghề khác”. Nghe Trưởng ấp Kẽm nói tôi chợt nhớ tới anh Nguyễn Văn Tào, chuyên làm dịch vụ cho phơi lúa và vác lúa cho các hàng xáo trong xóm. Cách nay 7 năm, anh Tào còn rất nghèo ai thuê gì cũng làm vậy mà nghèo vẫn cứ nghèo. Từ khi nghề hàng xáo trong xóm phát triển, cả gia đình anh cùng làm dịch vụ nên cuộc sống cũng bắt đầu khá giả hơn. Anh Tào tâm sự: “Gia đình thì đông mà chỉ có 2 công ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ cả gia đình cùng làm dịch vụ phơi, vác lúa nên mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 300 ngàn đồng”. Cũng từ dịch vụ phơi lúa, vác lúa, gia đình anh đã có dư và vừa mới mua được 10 công ruộng trị giá 300 triệu đồng.
Xóm hàng xáo Mỹ Hương đang ăn nên làm ra. Cuộc sống người dân trong ấp cũng được cải thiện hơn. “Cái nghề hàng xáo này coi vậy mà ngon. Vừa giúp tiêu thụ được lúa nhanh chóng, vừa giải quyết được việc làm tại địa phương, tính ra lợi cả đôi đường”-Trưởng ấp Trần Văn Kẽm đúc kết trước khi chia tay với chúng tôi./.

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

NGỌT NGÀO MÙA NĂN NON


Trong vài năm gần đây, cây cỏ năn nghiễm nhiên đã trở thành một thứ thức ăn đặc sản trong các bữa tiệc. Và kể từ đó, loài “cây hoangcỏ dại” này đã chính thức ghi tên mình vào cơ cấu sản xuất trên những vùng đất lung phèn của vùng quê 5 ngã. Cơ cấu lúa-năn ra đời đã mang lại vị ngọt cho nhà nông huyện Ngã 5 sau những mùa thu hoạch lúa.

Năm nay, mùa mưa đến trễ, những lứa năn đầu tiên ở Ngã Năm vì thế cũng được thu hoạch muộn hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, điều đó không làm nhà nông bận tâm vì có tốn công cán, chi phí là bao để mà lo. Ngược lại, do thời vụ trễ nên giá năn non ngay từ đầu vụ đã được bán với giá khá cao. Anh Mai Văn Mành ở ấp Mỹ Lộc 2, xã Mỹ Bình, huyện Ngã Năm hồ hởi khoe: “Hồi đầu vụ mỗi ký có giá tới 2.500 đồng, còn hiện tại năn non đã có nhiều nên tuột xuống còn 2.000đồng/kg. Giá này được coi là thấp nhất rồi vì gần như chưa có năm nào giá năn non rớt xuống dưới mức 2.000 đồng/kg hết”.
Chúng tôi theo anh Mành và anh Thiện ra “cánh đồng năn” phía sau ngôi trường tiểu học còn ê a tiếng trẻ đọc bài. Trước mặt là năn, xa xa một chút cũng là năn, năn phủ xanh cả cánh đồng rộng lớn chỉ thấp thoáng nơi xa tít chân trời mới thấy bóng dáng của cây lúa. Trong cái thảm xanh của năn ấy có khoảng 2 ha năn của gia đình anh Mành mà theo anh thu nhập luôn ăn đứt so với làm lúa. Đưa tay chỉ những ruộng lúa xa tít, anh Mành so sánh: “Những ruộng lúa Hè-Thu đó dù có trúng cách mấy cũng không thu nhập qua ruộng năn này đâu. Năm ngoái chỉ toàn thuê mướn vậy mà đến hết vụ tính ra cũng còn lời trên 30 triệu đồng. Đó là chưa kể đến nguồn lợi cá đồng tự nhiên trong ruộng năn cũng thêm được vài triệu nữa”. Cũng theo anh Mành, hiện nay, mỗi ngày gia đình thu nhập khoảng 120-140 ngàn đồng từ 2ha năn mà không cần phải tốn chi phí gì.
Đã gọi là “cây hoang cỏ dại” thì có mấy ai mà trồng. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông-Xuân, cứ bỏ mặc cho “đồng khô chỏ cháy” đến khi mưa ngập chân ruộng thì cây năn tự khắc đâm chồi, xanh kín cả cánh đồng. Trước đây, nhà nông luôn cảm thấy khó chịu với loài “cây hoang cỏ dại” này vì chúng sinh sôi rất mạnh và cạnh tranh dinh dưỡng với cây lúa, nên năng suất vụ Hè-Thu thường không cao. Từ khi năn non trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn thì cây năn trở thành người bạn thân thiết của nhà nông chốn lung phèn trên con đường thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Anh Võ Hoàng Thiện góp chuyện: “Gọi là trồng năn nghe cho nó oai chơi chứ thật ra tới mùa chỉ cần có nước ngập ruộng là nó (năn) mọc tự nhiên dầy đặc cả ruộng. Nhà nông mình chỉ cần bỏ công ra nhổ năn non là coi như có thu nhập dài dài cho đến khi chấm dứt mùa mưa. Giá lúa còn trồi sụt, chứ giá năn non thì ổn định lắm vì đâu phải nơi nào cũng có năn đâu”.
Thường thì năn được nhổ vào buổi chiều hoặc 4-5 giờ sáng để kịp bán phiên chợ sớm. Mỗi ký năn được trả công nhổ 600 đồng và chỉ cần khoảng vài tiếng đồng hồ, một người có thể nhổ vài chục ký, cũng kiếm được vài chục ngàn. Cây năn hiện không còn quanh quẩn trên bàn ăn nhà nông hay ở các chợ xã mà đã vươn lên chợ huyện, thành phố để vào các nhà hàng khách sạn. Năn lột vỏ có thể chế biến các món như: trộn gỏi thịt gà, xào tép, xào nghêu, xào nước cốt dừa hoặc ăn sống với cá kho tộ, mắm kho hay nấu canh với thịt heo, bò, đặc biệt là làm nhân bánh xèo...Do đó, giá năn non luôn ổn định và cây năn có chổ đứng mới trong cơ cấu sản xuất lúa-năn của nhà nông vùng phèn trũng. Tuy chưa có liệu điều tra chính thức, nhưng theo anh Nguyễn Ngọc Thạch-Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngã Năm- mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ năn đang được áp dụng và cho hiệu quả cao tại một số khu vực phèn trũng thuộc các xã: Mỹ Bình, Mỹ Quới, Vĩnh Biên, Tân Long…với diện tích lên đến vài chục ha.
Nhưng đấy vẫn chưa phải là hết chuyện với những cánh đồng phèn trũng một thời được mệnh danh là “xứ cầm trâu” này. Những lung năng cách đây vài ba năm có người cố gắng đào mương, rút nước để cải tạo lại hòng làm lúa thì nay ngoài cái lợi từ năn, không ít hộ đã thả cá đồng hoặc lên bờ bao hòng rút nước “rọng cá” sau vụ lúa Đông - Xuân. Ở những lung này thì cá rô, cá trê…”bao la”. Mùa này đang vô mùa cá rô lứa cỡ 3 ngón tay nhưng vẫn không ít “rô mề” mỗi con cỡ 200-300gr. Diện tích đất của anh Thiện hiện giờ là 12 công, chưa tới mùa thu hoạch cá nhưng anh đang tính đến chuyện “mở khu du lịch câu cá đồng”!?. Anh tin chắc là sẽ làm được vì thấy trên ti-vi, trên báo có đăng phóng sự về những người mê câu cá đồng phải mày mò tìm chỗ câu cá. Anh vui vẻ nói rằng: “Mấy tay câu cá sành điệu không thích câu cá trong hồ vì ngoài chuyện cá không ngon bằng cá đồng tự nhiên thì cái quan trọng mà họ thích là được gần gũi với thiên nhiên hoang dã. Mà kiểu con cá ngoài đồng ăn mồi cũng đã hơn con cá nuôi trong hồ”. Anh say xưa nói về tập tính của từng loài cá đồng, những mồi độc để câu bằng cần câu tay, bằng cần câu cắm…Anh đã lên tận khu du lịch Gáo Giồng ở Đồng Tháp để tham khảo kinh nghiệm “khai thác thiên nhiên” ở đây. Theo anh thì lung năn của anh và anh Mành chỉ thua về diện tích chớ về chủng loại cá thì chưa chắc!? Anh tặc lưỡi: “Nhưng thiệt tình là tới giờ tui cũng chưa biết là nên để cho mấy ông câu cá câu theo giờ hay câu theo ký? Phải chi cái vụ này tui được mấy ông nào chuyên làm du lịch tư vấn thì hay quá”. Tôi hứa với anh là sẽ tìm cho anh vài tay “ghiền câu cá” để tư vấn cho anh cái vụ “khai thác cá đồng” nhưng cũng bỏ câu thòng “Riêng với mấy xuồng năn này cũng giàu rồi còn gì? Thêm cái vụ kia làm chi cho cực thêm”. Anh cười vui “Ai mà giàu rồi hổng muốn giàu thêm hả ông”?
Hết mùa năn non, cây năn sẽ tự lụi tàn để nhường chỗ cho cây lúa. Sự chuyển giao năn-lúa không chỉ biểu hiện cho sức sống manh liệt của loài “cây hoang cỏ dại” này, mà còn cho thấy sự nhạy bén của nhà nông khi biến những loại “bỏ đi” trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cây năn đã trở lại trên vùng phèn trũng Ngã Năm, nhưng không phải chỉ để cầm trâu như ngày xưa mà góp thêm vào bữa ăn hàng ngày một món rau sạch, thêm một nguồn thu nhập cho nhà nông và xa hơn là thêm sự đa dạng sinh học trên những cánh đồng phèn trũng.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Xàm "bà cố"...!

Sáng nay (24/08) vào net, đọc một cái tin xàm "bà cố" luôn. Cái tin đó đây: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Phat-hien-rep-hut-mau-nguoi-o-Ha-Noi/20108/109181.datviet
Con rệp không hút máu người thì hút cái gì? Hồi nào đến giờ tay này mới biết đến con rệp chắc. Phải chi con rệp này nó không hút máu, nó không sống dưới giường,dưới chiếu, trong quần áo thì thì còn có thể đưa tin được. Chẳng hạn như: Hà Nội - phát hiện rệp chỉ hút nước để sống chứ không hút máu người thì họa chăng mới xứng tầm ở một tờ báo có cái tiếng "nổ như súng". Chán các bác này quá.
Đọc cái tin này lại thấy chán cho không ít nhà báo muốn "giật gân" khi nổ cái vụ rắn hổ mang cắn chết người ở huyện Cù Lao Dung. Rắn hổ cắn mà không chết à? Nhưng khổ một cái nữa là lại đi chụp ảnh cái đầu con rắn liu điu còn nguyên cả hai cái chân rồi hoành tráng đăng báo ăn tiền nữa mới chết chứ.
Đúng là...càng ngày càng không ít tin xàm "bà cố' luôn trên báo chí.
Hôm nay xem kỹ lại mới thấy một cái "quá xàm" nữa là: thông tin này do một ông tiến sĩ công bố mới chết chứ. Đúng là dở người.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Ai giỏi tiếng Việt? Chắc là dâu tây thôi..???

Thú thực. Híc...
Việc GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields danh giá tớ cũng rạo tực và tự hào suốt cả mấy ngày. Híc...nhưng nói thật là đọc hết các báo ra ở VN (vì dốt ngoại ngữ mà) cũng không thể hiểu nổi cái công trình này là gì? tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Thật may là lò mò tìm ra được cái bài của anh chàng "dâu tây". Xin đăng lại (cho có phong trào...nhà nhà học toán...người người học toán...ngành ngành ..tính toán) Ặc..ặc..

Thâm nhập” hành trình chứng minh Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu

Hãy cùng nghe Joe “văn học hóa” hành trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của giáo sư Ngô Bảo Châu, để hiểu một cách chân phương nhất, đời thường nhất những gì nhà toán học đã làm được để đưa anh đến với giải thưởng Fields danh giá.

Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố, mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu và được giải thưởng gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được ai trao tặng huy chương. Thậm chí báo chí có nói công trình của anh dày 169 trang (169 trang cơ!), và tên của nhà xuất bản phát hành tạp chí đã công bố công trình đó.

Tuy nhiên, báo chí ít nhắc đến nội dung công việc anh ấy đã làm – công việc khiến anh ấy được chọn là người xứng đáng nhận giải thưởng Fields. “Nói chung anh ấy giỏi toán”, là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài liên quan. Khái niệm đó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ rất hoành tráng, nhưng vẫn là khái niệm sơ sơ.

Các tác giả thường dừng lại ở câu “Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản” (thỉnh thoảng cho chút tiếng Pháp vào cho oách: “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie”). Nhưng “Bổ đề cơ bản”là gì và vì saochứng minh nó?

Tôi không giỏi toán nhưng tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ thú vị và dễ hiểu nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Tôi đã nghiên cứu và thấy câu chuyện thật thú vị, không kể cho các bạn nghe thì...phí quá!

Câu chuyện bắt đầu như thế này. Cách đây rất lâu các nhà toán học đã công bố hai lý thuyết quan trọng: lý thuyết số học và lý thuyết nhóm (number theory, group theory). Bản chất của hai lý thuyết đó tôi sẽ để cho bác “Wiki” giải thích – điều nên nhớ là (a) hai lý thuyết ấy rất quan trọng trong thế giới toán học và (b) hai lý thuyết ấy từ xa nhìn riêng biệt với nhau, như hai cành của một thân cây.
Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học Canada tên Robert Langlands đã công bố rằng ông ấy nghĩ hai lý thuyết ấy có sự liên quan rất đa dạng. Quan điểm của Robert (và cách thể hiện quan điểm đó) đã làm cho nhiều nhà toán học thực sự choáng! Robert cũng tự làm choáng mình nữa – ông phát biểu rằng sẽ mất mấy thế hệ để chứng minh sự liên quan đa dạng mà ông ấy cho rằng có tồn tại.

“Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối dễ thực hiện”, ông Robert tự tin nói với đồng nghiệp.

“Bước đầu tiên” đó Robert đặt tên là "fundamental lemma”, và đó chính là “Bổ đề cơ bản” mà các bạn nghe kể nhiều thời gian gần đây.

Ông Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là một con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là một con tàu lớn. (Hai tàu không có người lái, trôi trên mặt biển.) Robert không nhìn kỹ được nhưng vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi sản xuất cùng loại thép. Có khi chân vịt cùng cỡ. Có khi bánh lái của “tàu Đông” hướng về phía tay phải thì bánh lái của “tàu Tây” sẽ tự động hướng về phía tay trái.

Khỏi phải nói hai con tàu đó là lý thuyết số học và lý thuyết nhóm.

Với Robert, việc chứng minh “bổ đề cơ bản” có thể so sánh với việc ném hai sợi dây có móc sang hai tàu. Khi việc đó làm xong, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo cùng Robert, dùng dây kéo hai tàu gần nhau. (Khi đó mới nhìn kỹ được, tìm ra sự liên quan.) Việc kéo hai con tàu gần nhau và so sánh là việc Robert nghĩ sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng việc ném hai sợi dây có móc đó ông Robert nghĩ sẽ nhanh thôi.

Nhưng ông Robert đã nhầm. Việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số em sinh viên đã ném thử mấy lần nhưng lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần (không chính xác được) và dùng dây loại mỏng.

Đảo của Robert trở thành đảo nổi tiếng. Suốt 30 năm có rất nhiều nhà toán học sang “ném thử” Ai cũng lau mồ hôi và kêu lên “khó quá!” Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị công cụ dùng để kiểm tra và so sánh hai con tàu lúc được kéo về đảo (kéo gần nhau!). Họ sản xuất máy để kiểm tra loại sơn, lập trình phần mềm để phân tích hai chân vịt. Thậm chí có người tập lái tàu và tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Những công việc và sự tập luyện đó sẽ thành vô nghĩa nếu không có người ném dây chính xác.

Và rồi xuất hiện anh Ngô Bảo Châu. Nghe kể về đảo của Robert, anh bơi sang xin ném thử. “Được chứ!”, các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên. “Anh cứ thử thoải mái đi, thử mấy lần cũng được, thử xong ngồi cùng chúng tôi uống trà đá nhé!”

Anh Châu ném thử một lần, ném rất mạnh, dùng loại dây nặng nhất. Các nhà toán học kia đứng lên ngạc nhiên, nhiều cốc trà đá rơi xuống đất. Cách ném của anh Châu rất lạ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà chưa ai thấy bao giờ. “Ném thật đi anh ơi!”, các nhà toán học động viên tiếp. “Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay!”

Ngô Bảo Châu ném thật. Và chính xác. Hai cái móc dính vào hai con tàu ngay, mọi người vỗ tay ầm ĩ. Rồi anh Châu bảo các nhà toán học đứng trên đảo Robert cầm dây giúp (và bắt đầu kéo hai tàu gần nhau), để anh ấy có thể đi sang Ấn Độ nhận giải thưởng Fields.

Câu chuyện kết thúc tại đây.

Chứng minh “Bổ đề cơ bản” là một trong những thành công lớn nhất của toán học hiện đại, được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu đã hoàn thành việc này, nên những năm tới đây các nhà khoa học thế giới có thể tự tin nghiên cứu sự liên quan giữa lý thuyết số học và lý thuyết nhóm. Đó thực sự là một thành đạt tuyệt vời – cả Việt Nam nên tự hào về người ném dây có tên Ngô Bảo Châu.

Joe


ô hay! Đọc xong bài viết về toán học của anh chàng "dâu tây" này lại trộm nghĩ? Phải chăng anh chàng này giỏi tiếng Việt hơn những nhà báo đã viết về GS. Ngô Bảo Châu? Hay là tại vì...ngày xưa "dốt toán" nhỉ?
Chả biết nữa. Mình cũng dốt toán.

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Rô bẳm..rô băm!!!



Bình thường đó có thể là một người thợ cắt lúa, đào mương hoặc chạy xe “honda ôm’. Nhưng khi hết vụ lúa, trời bắt đầu chuyển chướng thì bắt đầu một không khí ở “hậu cứ” đoàn Rôbăm Bưng Chông lại náo nhiệt vì sự xuất hiện của những cô công chúa, vị hoàng tử, rồi vua khỉ Hanuman, chịm thần…hay là chằn tinh hung dữ xen lẫn tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng.

Nói là “hậu cứ” cho oai chứ thật ra chỉ là hai căn nhà lá xập xệ liền kề nhau ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) của hai chị em chị Lâm Thị Hương và Lâm Phương, hai người được kể như là ‘chân truyền” về nghệ thuật múa Rôbăm ở Sóc Trăng. Nghệ thuật múa Rôbăm ở Sóc Trăng đã có từ lâu lắm rồi nhưng nay duy nhất chỉ còn có mỗi một đoàn này. Tên tuổi của đoàn nổi đình, nổi đám nhất vào nhưng năm 80 của thế kỷ trước, khi ông Lâm Hên còn làm trưởng đoàn. Ông là cháu rể của ông Trần Dua, người đã sáng lập đoàn. Khi ấy, sau vụ lúa gặt xong, chuẩn bị đưa nước (Ooc-om-bock) là bắt đầu mùa lưu diễn của đoàn khắp các địa phương trong tỉnh mãi tới sau tết nguyên đán cỡ 2-3 tháng mới về. Những năm ấy, các lễ làm phước, lễ dâng bông, cúng phước biển hay đơn giản chỉ là mừng một căn nhà mới xây là người ở các phum – sóc trong vùng có lời mời đoàn tới trình biễn. Thù lao biểu diễn thật là kỳ lạ! Nếu hát ở miệt đồng, hát trong sóc thì có thể trả vài ba trăm ngàn do một mạnh thường quân nào đó ‘bao trọn”, có khi dân trong xóm hùn tiền nhau mời đoàn về lo cơm, lo chỗ nghỉ…thế là cứ biểu biễu diễn. Còn nguyên giàn diễn viên vì hầu hết là người nhà nên đều không tính đến lương, tất cả chỉ sau mùa diễn về còn bao nhiều tính toán chia đều. trong xóm gom Cũng chẳng người nào nhận lương, bởi toàn hát "chùa", ai xem cũng được. Bà con thấy hay quá, họ thương nên gom tiền lại cho vài ba trăm ngàn làm lộ phí. Có nơi dân nghèo quá, không tiền, Đoàn vẫn hát say mê.
Ông Lâm Êl những năm ấy là ông bầu kiêm luôn chỉ đạo nghệ thuật nên 30 công ruộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa cũng chỉ đủ nuôi quân luyện tập nên nhà chẳng khá lên được. Chưa tính đến tiền chuyện đầu tư tiền của cho trang phục, mặt nạ các loại phục vụ cho việc biểu diễn. Tính ra tiền phông màn, âm thanh rồi đi lại của đoàn từ điểm này qua điểm khác thì cũng chỉ vừa đủ trong những ngày đi lưu diễn. Hết diễn thì kể như chẳng còn bao nhiêu nên làm lúa vẫn là cơ sở vững chắc nhất để nuôi quân. Năm 1994, khi ông còn sống chúng tôi đã có dịp ghé thăm ông. Hỏi chuyện nuôi quân, dạy nghề? Ông cười vui: “Thì tất cả cũng là con cháu mình thôi. Có bao nhiêu nghề thì truyền lại hết chớ thật ra thì nếu không mê nghề này thì không thể theo được”. Nói xong, ông liền đứng dậy thị phạm cho chúng tôi xem những động tác đặc sắc trong nghệ thuật múa rôbăm, nêu là hoàng tử thì phải giữ vai ra sao, bước đi như thế nào theo điệu kèn, điệu nhạc, còn công chú thì tỷ mỉ đến từng cái liếc mắt, duỗi ngón tay và uốn lượn ra sao?
Cuối năm 2008 khi chúng tôi ghé lại thì ông đã mất, chị Chị Lâm Thị Hương năm nay đã gần 50 tuổi nhưng khuôn mặt vẫn còn tươi rói như chỉ mới ngoài 30 lãnh trách nhiệm trưởng đoàn, còn người em trai kế Lâm Phương nhà cạnh bên thì vừa là diễn viên chính, vừa lo khâu hậu cần và tổ chức cũng đã hơn 45 tuổi. Cả hai người vừa là con ruột nhưng cũng đều là nghệ nhân chân truyền của ông lâm Êl. Đây cũng chính là những người kế nghiệp đời thứ tư của đàon nghệ thuật dân gian này. Hôm ấy, cả đoàn đang tất bật trình diễn tại sân nhà 8 điệu múa cơ bản nhất trong các tuồng tích mà Rôbăm hay diễn để các cán bộ của Việtn văn hoá - phân viện phía nam ghi hình. Những năm 2000, những lời mời biểu diễn ít hơn, cũng không có lời nào từ phía các C.ty du lịch của tỉnh nên diễn viên đa phần tứ tán. Khổ nhất là tay kèn Lâm Wêl đã về quê vợ ở Bạc Liêu hành nghề chạy xe “hon-đa ôm” cho bảo đảm. Được một cái là trang phục của hơn 20 diễnviên đã tươm tất hơn đại diện tỉnh dự thi "Liên hoan Nghệ thuật truyền thống Nam Bộ". Nhưng ngặt một cái là giàn âm thanh còn tệ quá nên các anh quay phim không cần dùng, cứ xài âm thanh mộc vậy mà hay hơn!!! Nhìn các nghệ sĩ hoá thân vào nhân vật, đắm mình cùng điệu múa trong tiếng kèn mới hiểu được tại sao nghệ thuật múa rôbăm lại có sức thu hút đến vậy.
Vẫn cứ tưởng rôbăm Bưng Chông rồi sẽ chỉ còn trong những thước phim tư liệu nhưng trung tuần tháng 7 này, khi tôi điện thoại định hỏi thăm tình hình “lưu diễn” năm nay có gì mới thì nhận được tin hết sức bất ngờ: cả chị Hương và anh Phương đều “bận đi dạy nghề bên Campuchia rồi”. Ngoài 2 người còn có thêm 4 diễn viên múa khác và cả tay kèn Lâm Wên. Hoá ra nhưng nghệ nhân rôbăm Bưng Chông được một C.ty du lịch nước bạn mời qua làm nòng cốt đào tạo để thành lập một đoàn rôbăm cho C.ty nọ với “lương cứng” là 200USD mỗi người, riêng phần biểu diễn cho các đoàn khách do công ty sắp xếp thì tính theo từng hợp đồng. Ô! Vậy là từ nay, các nghệ sĩ rôbăm Bưng Chông đã khỏi lo chuyện chạy ăn từng bữa để chuyên tâm vào nghệ thuật rồi…chỉ tiếc không biết mùa Ooc-on-bock năm đoàn có về Sóc Trăng hay không?

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2010

Đến Sóc Trăng “ăn chơi”…



Trước tiên phải nói trước…“ăn chơi” ở xứ Sóc Trăng là thưởng thức những món ăn mà người Sóc Trăng thường ‘ăn dặm, ăn chơi, ăn cho vui, ăn để thưởng thức…” chứ không phải ăn chơi theo nghĩa đen của từ này. Sóc Trăng là một vùng đất mới, vốn dĩ được các cư dân người Việt đến khai khẩn trong khoảng hơn 200 năm nay. Cùng với các biến động lịch sử trong thời kỳ này, dân tộc khác như Chăm, Hoa và người Khmer bản địa, trong quá trình cộng cư đã hình thành nên một nét văn hoá đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là: "Văn hóa xứ giồng". Đó chính là sự tiếp biến văn hoá đã hình thành hơn 100 năm nay, kể từ khi những người Minh Hương đến cư ngụ tại tổng Khánh Hưng, với lớp người Việt, người Khmer đã khai khẩn mảnh đất này trước đó. Trong mảng này thì mảng “ăn chơi” là đậm đà nhất…
Ăn sáng…
T.P Sóc Trăng tuy không lớn nhưng kiếm chỗ ăn sáng sao cho “độc” quả là hơi bị khó!? Bởi những quán “độc” thường không treo bảng và năm ở những chỗ rất bất ngờ theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Đầu tiên phải kể đến quán cháo Quảng nằm ở khu chợ sắt. Quán nhỏ, chỉ kê độ mươi bàn nhưng mới 6h đã kín ngẹt khách, lắm khi phải xếp hàng “chờ tài” mới có chỗ ngồi. Cháo thì hiển nhiên là nấu từ hạt gạo rồi! Nhưng chọn hạt gạo nào và vị ngọt của tô cháo quảng ở đây thì độc đáo bởi gạo để nấu phải là gạo “Tài Nguyên” rặt, vị ngọt của tô cháo là vị ngọt của xương heo, thịt gà hầm kỹ…đặc biệt là những dĩa gừng tươi thái nhuyễn kèm dĩa rau với cải xanh, ngải cứu và giá. Thịt heo được bằm nhuyễn, nêu gia vị vo viên thả trong nồi cháo. Hương vị của tô cháo còn thoang thoảng hương của những thứ thảo quả có xuất xứ từ “bên tàu” nên ăn một tô cháo quảng ở đây rồi thì khó có thể quên, đặc biệt với chức năng “giải cảm” thì đây là nơi đến của những ai “tối hôm trước quá chén, quá hớp” nên ghé.
Quán “độc” thứ hai phải kể là quán cơm Cari gà “bà Ke”(Tên bà chủ quán cũng là thợ nấu) nằm trong hẻm 97 trên đường Phú Lợi. Nằm trong hẻm nhưng đường vô rộng, xe hơi mỗi sáng đậu “sắp lớp”. Ăn kèm cari gà ở đây có bánh mì, cơm nhưng khuyên bạn nên dùng cơm bởi được nấu từ loại gạo thơm ST đặc hữu của Sóc Trăng. Cơm gạo thơm ST hạt nhỏ, dài, trong, dẻo mà phảng phất chút hương hoa lài. Khách có thể chọn một dĩa cari thuần là bộ lòng gà, mề gà, phao câu, cổ - cánh hay chỉ là da…quán đều đáp ứng. Quan trọng nhất là gà ở đây chỉ thuần là gà đồng, gà tàu nuôi nhà, không xài gà công nghiệp nên bảo đảm chắc thịt và đậm đà. Dĩa muối - chanh - ớt đặt cạnh đỏ thắm đặt cạnh bên dĩa cơm trắng ngần, màu vàng rộm của da gà…nước cari đặc sánh thấm đẫm miếng thịt. Mới sáng, đến đây sẽ thưởng thức đủ: chua, cay, mặn, ngọt, bùi, béo…thì còn gì bằng.
Cũng nằm trong danh sách ‘ăn chơi” buổi sáng là dãy quán bán toàn hàng thuần việt nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cạnh quán Càfe Thái Hồng (cũ). Dãy quán nhỏ không tên này có 5 hàng liền kề với miến gà, phở, bún “gỏi già”, một thứ bún chỉ có ở Sóc Trăng.
…Ăn trưa và ăn chiều.
Dù ăn trưa ở bất kỳ quán hay nhà hàng nào như: Hằng Ký, Quán Hưng, 150.v.v. thì cũng nên gọi món phá lấu. Món này luôn được các quán dọn trước lên bàn ăn bởi màu sắc và hương thơm của nó luôn làm cho thực khách phải “sôi bụng” mà giơ đũa ra gắp trước nhất. Phá lấu Sóc Trăng có nhiều món nhưng chủ yếu chỉ chế biến từ heo với: lòng heo, dồi trường, giò heo và thú linh phá lấu. Miếng phá lấu ngon phải là miếng phá lấu tuy mềm nhưng phải giòn, không dai, màu sắc nâu đỏ đậm nhưng ráo, thoảng thoảng hương ngũ vị. Công thức chung của mỗi quán có lẽ đều như nhau nhưng bí quyết khi tẩm ướp và nổi lửa có lẽ không giống nhau. Chính vậy mà ăn phá lấu giò heo ở quán Hưng sẽ khác với những quán khác và đây có thể xem là món ăn được thực khách kết nhất ở quán này. Khúc giò heo phá lấu chặt khoanh tròn, kèm dĩa dưa cải “tùa xại” với nước chấm là hắc xì dầu. Đặc biệt nhất là đoạn dụm móng được chặt ra làm bốn bày trên dĩa cực kỳ hấp dẫn bởi giòn khi cắn vào phần gân nhưng lại thật mềm và chút vị ngọt nhưng hơi the khi nhai kỹ…Món này ăn với cơm trắng cũng ngon mà để đưa cay với bia hay “ly đế’ cũng đều là tuyệt.
Còn về buổi chiều thì mới thực sự là khoảng thời gian của “ăn chơi” xứ Sóc Trăng vì sự góp mặt của đủ các món “độc” của cả ba sắc dân. Người Hoa thì có Bánh Cóng, người Việt thì có cháo cá lóc còn người Khmer thì có bún nước lèo. Điểm độc đáo là tất cả những món “ăn chơi” này chỉ có thể kiếm được sau 4 giờ chiều. Dọn sớm nhất chính là hàng bánh cóng “Đại Tâm” dọn cạnh bên thư viện tổng hợp của tỉnh. Nguyên liệu đê làm bánh cóng là bột gạo khi xay trộn một lượng cơm nguội vừa đủ, tép bạc đất, thịt, đậu xanh và một số gia vị đê làm nhân. Rau ăn kèm thì có cải xanh, cải xà-lách, diếp cá cùng một số loại rau thơm khác. Nước chấm là nước mắm chua đã được chế biến kèm với dưa góp thái chỉ. Nhiều người vẫn dùng sai tên gọi của thứ bánh này khi gán cho nó chữ “cống”. Thực chất là khi chiên bánh trong chảo dầu, bột được nhận vào cái cóng (dưa dùng để đong nước năm, đong dầu mà bán) nên người ăn đặt cho nó là bánh cóng chứ đích danh gọi theo tiếng Tiều phải là “xầy, bánh xầy”. Bánh cóng chiên vàng, rộm, xắt làm tư. Nhân bên trong bánh là thịt, trên mặt là hai con tép đất vàng ươm…bánh luôn được dọn ra cho khách ăn nóng nên mùi thơm của bột gạo đậu xanh, của nhân thịt…điểm nhấn chính là cái cay nồng của cải khiến không có cảm giác “ngán” khi ăn tới cái bánh thứ tư. Bánh cóng có thể ăn trừ cơm bởi hàm lượng dinh dưỡng mà bánh cung cấp là “đầy đủ chất”.
Cũng bắt đầu tầm này, những quán bún nước lèo bắt đầu dọn hàng. Sóc Trăng có khá nhiều quán bán bún nước lèo nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là “Bún nước lèo cây Nhãn”. Quán nhỏ, nằm gần cuối con đường nhỏ đi vào đình Năm Ông. Gọi là quán cây nhãn chứ thực ra quán vốn không có tên, nhưng từ khi mới mở thì trước cửa quán đã có một cây nhãn cổ thụ nên “chết danh” luôn là quán cây nhãn, dù hiện nay cây nhãn giả đã chết từ lâu. Nước lèo để ăn bún nấu từ xương heo, xương gà và được nêm bởi mắm cá sặc hoặc cá linh. Nguyên thuỷ đây là món của người Khmer nên phải nêm bằng mắm Prahoc (Pòhoc) mới đúng điệu, nhưng về sau người Hoa, người Việt đã thay bằng mắm khác vì mùi của Prahoc quá “đậm” nên không hợp với khẩu vị. Xả nguyên tép đập dập kèm ngải bún cũng được cho vào nồi nước lèo mang lại vị thơm đặc biệt. Nồi nước lèo ngon là nồi nước lèo trong, không đục. Rau ăn kèm thì ngoài một số rau thơm bắt buộc phải có bắp chuối và muống bào mỏng, kèo vài cọng hẹ tươi. Tô bún chụng xong, trên mặt là lớp thịt cá lóc đã được “xé phay”, lọc bỏ xương, vài ba con tép bạc nõn. Tô nào đặc biệt nhất thì nguy một cái đầu cá lóc kèm đùm ruột ngự ngay chính giũa. Tô bún nước lèo ngon là tô bún nóng hổi, có lẫn mùi thơm của Sả lẫn vói Ngãi Bún trong nước lèo, có vị mặn - ngọt - thơm của mắm, có mùi hăng hăng, cay cay của rau húng, giòn giòn, dai dai của rau bào, ngọt giòn của tôm tươi, ngọt bùi của cá, vi chua của chanh, nồng nồng của hẹ….Nhưng ăn bùn nước lèo mùa nào là ngon nhất? Xin thưa là vào đầu mùa mưa, khi đó cá lóc đã ôm trứng chuẩn bị đẻ. Lúc ấy, nồi nước lèo sẽ vàng lườm màu của trứng cá trên mặt, sẽ có vị béo, vị bùi của trứng cá lóc. Tô nào có kèo thêm cặp trứng được cắt đôi…đó mới là tô đặc biệt!
Món “ăn chơi” cuối cùng phải kể là cháo cá lóc. Bắt đầu từ 17h30 mới được bày bán ở những hàng quán nhỏ trên đường Phú Lợi, đoạn ngay bùng binh nối với được Lê Duẩn. Cháo cá lóc ăn kèm rau đắng đất, nước mắm nhỉ không pha chế…vừa bổ dưỡng, vừa giải cảm. Đây cũng là món thuần Việt trong các món ‘ăn chơi” ở Sóc Trăng.
Trong quãng thời gian một ngày nếu ai đó đến Sóc Trăng thì khó có thể thưởng thức hết các món ăn chơi!? Này nhé, trong buổi sáng sẽ khó có thể vừa thưởng thức cháo quảng mà lại kèm thêm dĩa cơm cari gà? buổi trưa thì dễ xử lý nhưng đến buổi chiều sẽ phải lựa chọn “một trong ba hoặc hai trong ba” mà thôi. Sau tô bún nước lèo nếu qua bánh cóng thì cố lắm cũng chỉ xơi hết được hai cái. Làm sao có thể giải cảm nổi với tô cháo cá lóc.
Chính vậy nên mới phải nói rằng “ăn chơi xứ Sóc Trăng cũng cần phải có thời gian”.

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Trò chơi đố thai Mỹ Xuyên ở Sóc Trăng



TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) xưa vốn là chợ Bãi Xàu, một thương cảng khá sầm uất trong công việc kinh doanh lúa gạo xuất khẩu qua Hương Cảng với những loại gạo ngon nổi tiếng như gạo Bãi Xàu, gạo Bâng Xamo.v.v.việc kinhdoanh lúa gạo gắn liền với cộng đồng người Hoa cư ngụ nơi đây và mối liên hệ làm ăn cũng như huyết thống với người Hoa Chớ Lớn. Chính vậy mà trò chơi đố thai cũng xuất hiện ở đất này. Tuy nhiên, vì mối liên hệ, giao thoa, tiếp xúc văn hóa giữa ba cộng đồng: Kinh, Hoa, Khmer mà trong đó, khi chất hào phóng của người Việt là chủ đạo nên trò đố thai ở Bãi Xàu có những nét khác biệt với trò chơi thai ở Chợ Lớn, nặng tính “cờ bạc”.
Trò chơi đố thai quen thuộc với người ở TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) từ thời xa lắc. Anh Tô Thanh Bình, hiện công tác ở HĐND huyện Mỹ Xuyên (nay đã 48 tuổi) cho biết: “Từ cái thời TT.Mỹ Xuyên còn gọi là Bãi Xàu thì mỗi khi đến rằm hay cúng đình (kỳ yên), cúng miễu là đám con nít tụi tui đã đón canh tiếng trống tùng tùng nhịp hai là biết có đối thai. Ráng ăn cơm sớm để vọt đi giải đố, kiếm chút quà”. Chính vậy mà hiện giờ, mỗi khi ban tế tựu Đình thần Bãi Xàu (cũ) tổ chức đố thai thì anh luôn có mặt với vai trò “thầy biện” – vô sổ các phần quà đã phát cho các câu đố được giải xong, tổng kết chi phí của cuộc chơi…
Hiện tại, người giữ vai trò thầy thai là cụ Nguyễn Văn Nhung (76 tuổi), dù dáng người nhỏ nhắn, tóc đã bạc phơ nhưng vô cuộc chơi, ông luôn giữ vai trò thầy thai cầm trống giải đố, giải nghĩa, nhắc tuồng cho người chơi với giọng nói sang sảng và lắm lúc thật hài hước khiến người chơi ôm bụng mà cười. Trong cuộc chơi thai, không phải ai cũng rành chuyện thi phú, đoán chữ nghĩa, ý tứ của câu thai nên trong mỗi cuộc chơi đều có một “ông thầy phá thai” (phải hiểu rằng đây là ông thầy giải câu đố, gợi ý lời giải cho người chơi chớ không phải hiểu theo ý nghĩa của y học!!!). Hơn 30 năm nay, vai trò này do “ông lầu bầu” Trịnh Văn Bé đảm trách.
Để tổ chức một đêm chơi thai không cần tốn nhiều tiền lắm, mỗi đêm chơi chỉ cần độ 1 hoặc 2 triệu đồng tiền sắm xanh quà thưởng là được. Cấp độ khó của mỗi câu thai sẽ tương ứng với giá trị quà mà người giải đúng được nhận. Thông thường, mỗi buổi chơi sẽ có 3 canh, canh đầu mở màn cho đêm chơi thai là những câu thai dễ tương ứng với phần thưởng là 2 gói mì gói, vài bịch kẹo hoặc gói thuốc lá….Mỗi câu thai giải xong sẽ được gỡ xuống để dán lên câu thai khác. Khi những câu dễ được giải xong non phân nửa thì các câu thai có cấp độ khó hơn dần xuất hiện và sẽ thay thế hoàn toàn những câu thai của canh đầu. Canh đầu sẽ mở màn sau tiếng trống hiệu từ đình thần, thường là vào lúc 18h chiều. Nam thanh nữ tú, trẻ con người lớn nghe tiếng trống mà kéo đến xem câu thai. Lắm khi lãnh giải lại là những người qua đường, thấy vui vui ghé vô kiếm vài bịch quà thưởng hoặc gói thuốc cho vui.
Năm nay, cuộc đố thai được tổ chức vào đêm 10-5-2009 tại Đình thần Bãi Xàu (cũ) như mọi khi. Cụ Nguyễn Văn Nhung vẫn cầm chân thầy thai, ông “Lầu Bầu” vẫn như mọi khi, chạy lăng xăng để nhắc tuồng cho đám con nít. Ngày xưa phải tốn công huy động đám thanh niên dựng rạp thì nay, chỉ cần nhấc điện thoại là có rạp ngay, mấy tiệm cho thuê rạp cưới chỉ sau 30’ là đáp ứng đủ. Rạp dựng ngay trước đình thần, mé trong là chú heo đã mổ sẵn đểngày mai cúng đình. Đêm nay chơi thai, khách đến chơi hoặc người chơi sẽ thoải mái chơi chừng nào hết ai giải được thì nghỉ. Đói bụng đã có “cháo khuya” với mâm bàn sẵn sàng. Sau 3 hồi 2 nhịp trống. Cụ Nhung rao sang sảng trước bảng đề thai: “Lời văn chắp nhặt. Góp được câu thai. Ý ngắn tình dài. Bảng thai đã tỏ. Nhập xuất bất kỳ. Còn ngại ngùng chi mà không vui chơi cho thỏa”. Sau lời rao lại tiếp một hồi trống….cuộc chơi bắt đầu. Ngay cả trong bảng rao thai cũng có một câu đố dành cho các bậc cao minh hoặc khách qua đường ghé lại chơi vui với lời văn rất nhún nhường “Kính chào quý vị buổi chơi thai. Chữ nghĩa lối văn ít huộc bài. Ngặt nỗi cuộc vui đành phải ráng. Mong nhờ quý vị giúp sửa sai”.
Thường thì những câu thai dễ nhất là đám thanh niên dành cho bọn trẻ nít. Nếu bọn trẻ không giải nổi thì sẵn sàng nhắc tuồng vì những câu thai dễ phần thưởng chỉ là gói kẹo hoặc đôi ba gói mì gói. Cánh thanh niên thường chọn những câu thai khó để kiếm tệ lắm cũng gói thuốc lá hút cho thơm râu, mặt khác….có giải được mấy câu thai khó thì mới “xứng mặt anh hùng” với các nàng cùng đi chơi đêm này. Đặc biệt là chàng trai nào giải được những câu thai “rao tục – xuất thanh” (kiểu như đố tục giảng thanh) sẽ trở thành hàng độc trong cuộc chơi thai, không ít nàng để ý. Tùy theo phần “xuất” (gợi ý) mà người chơi sẽ tìm phương hướng để giải nghĩa chữ, nghĩa câu, sự kiện mà ra lời giải. Xuất có nhiều dạng: xuất vật dụng; dược vị (bài thuốc), mộc (cây), bỉnh (bánh), danh nhân (người có tên tuổi trong sách vở), nhân (người nói chung), thú (loài thú nói chung), điểu (loài chim nói chung).v.v. Đa phần những câu thai đều thuộc dạng văn vần, phổ biến là lục bát. Những câu thai tuy lời văn một mạc nhưng đậm chất giáo huấn, nhắc nhở mọi người lẽ ở đời sao cho phải. Có thể kể ra đây vài câu thai trong buổi chơi năm nay làm ví dụ:
- Lão này tuổi quá 70.
Có cô vợ bé xinh thươi mỹ miều.
Bộ đi tiếng nói dễ yêu.
Làm cho thân lão chín chiều ruột đau. (Xuất mộc).
Xuất đúng là cây Da Xà, vì cây này lão làng đứng ở đầu đình đã hơn 70 năm, mấy cây chùm gửi đeo bám trên thân ai cũng khen là đẹp nhưng nào biết thân cây đang đau đớn.
- Đi đây lang chạ uổng công.
Ở đây với dượng cũng như vợ chồng.
Đêm khuya dượng ăm, dượng bồng.
Dượng che khen mặt dượng bồng cháu lên. (Xuất bỉnh).
Xuất đúng phải là bánh bò nướng. Vì công đoạn làm thường là vào đêm khuya để kịp sáng mang ra chợ. Bánh bò nướng vốn là một tảng bánh hình tròn, lớn được đặt trên một xửng nhôm, ai mua bao nhiêu thì cắt ra bán bấy nhiêu. Mặt bánh luôn được che khăn mỏng hòng tránh ruồi và bụi bặm.
Đấy mới chỉ là đáp án. Còn cái thú nhất và vui nhất là giai đoạn xướng lời giải. Tất cả đều phải theo đúng nhịp nhàng, phép tắc. Tức là phải theo tiếng trống của thầy thai. Bất kỳ ai muốn giải đố thì sau khi đọc số câu thai, thầy thai đồng ý bằng một tiếng trống “tùng” thì bắt đầu đọc nhưng phải đọc đúng nhịp điệu, đúng vần. Vì phần lớn câu thai là văn vần lục bát nên phải đọc cho đúng cách đọc lục bát. Dứt mỗi câu, chỉ được đọc khi thầy thai đệm một tiếng trống. Ví dụ: Bắt đầu – Tùng – ra đi anh chớ quên rằng. Tùng – tình xưa anh đã, dưới trăng anh thề. Tùng – Xuất vật dụng. Tùng – xuất (tên của vật dụng mà mình đoán….). Nếu đúng thì thầy thai sẽ thưởng bằng một hồi trống mà kết thúc bằng tiếng gõ xèng thật lớn. Tùng..tùng…tùng….xèng. cả đám chơi òa lên những tiếng khen, tiếng cười của người giải đúng và tiếng xướng phần thưởng là cái gì. Chẳng hạn là….3 gói mì tiến vua. Còn nếu lời giải gần đúng thì hồi trống sẽ không có tiềng “xèng” mà chỉ có tiếng gõ vào tang trống “cắc” như thở dài tiếc nuối. Tùy theo mức độ gần trúng bao nhiêu mà tiếng trống có thể là 1 hoặc là 2 hoặc 3. Còn nếu chỉ có 3 tiếng gõ vào tang “cắc..cắc…cắt” thì kể như….trật lất. Còn nếu chỉ một tiếng “cắc” thì phải ngầm hiểu…đó là thầy thai đang chê “sao mày ngu quá. Hồng hiểu gì hết”. Tiếng “cắc” này chính là tiếng “gõ vô đầu”. Thông thường thì bọn trẻ nít hay bị “gõ vô đầu” nhiều nhất vì …thường xuyên giải trật. Còn nếu ai mới chỉ đọc lời thai câu đầu tiên mà đã bị thầy thai gõ cái “cóc” thì kể như phải đọc lại từ đầu cho đúng vần điệu, nhịp nhàng. Đọc sai ba lần thì phải nhường lại cho người khác. Không khí đêm chơi đố thai vui nhất là ở những hồi trống này.
Những người tâm huyết với trò chơi độc đáo này ở TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hiện còn nhiều. Có thể kể tên những bậc lão làng như: Cụ Nguyễn Văn Nhung (76 tuổi), ông Trịnh Văn Bé (67 tuổi)…lớp kế cận có anh Tô Thanh Quang, Tô Thanh Bình, Ngô Chí Huỳnh .v.v. Đáng kể nhất phải kể đến một gia đình mà ai cũng rành chuyện chơi thai từ lớn đến nhỏ là gia đình chủ quán Thanh Trúc, ngay đầu ngã ba vô chợ Bãi Xàu.
“Lời thai ý ngắn tình dài. Đẹp duyên đôi lứa cũng nhờ câu thai”.