Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Làm báo thời “Inh-tẹc-nét” và …đạo đức nghề báo


(Viết nhân ngày 21/6)
            Không thể phủ nhận được những tiện ích cũng như sự tiện lợi của những tiến bộ Công nghệ thông tin (Information Technology hay là IT) đã mang lại cho người làm báo. Chỉ riêng cái máy tính để bàn, chiếc máy tính xách tay.v.v.đã chứa bao nhiêu công cụ mà những người làm báo những năm 70-80 của thế kỷ trước có nằm mơ cũng không dám ước. Đó là ngoài việc lưu trữ văn bản, trình bày bài báo, nó còn mang cả một Studio đa năng vừa làm ảnh, làm âm thanh, dựng hình về một chỗ.

            Mở rộng cửa hành nghề với “Inh-tẹc-nét”…
Với sự phát triển của “Inh-tẹc-nét”(Internet), rồi 3G và sắp tới là 4G thì cả người làm báo và toà soạn đều như được “mở toang” cánh cửa “sáng tạo tác phẩm” khi có thể cập nhật tin, bài, ảnh, những tập tin Multimedia bất kỳ lúc nào. Loại hình báo mạng điện tử giờ như là một “tổng hợp các loại hình” khi gom vào cả báo ảnh, báo hình, báo nói, báo in và người đọc có thể “tương tác” với toà soạn, với một bài báo cụ thể thông qua comment, like, blog, share.v.v.và .v.v.
            Những toà báo hiện giờ cũng đã chuyển sang phương thức Toà soạn điện tử “tất cả trong một” từ khâu nộp bài, biên tập, tổng hợp nhuận bút, lên trang, theo dõi và quản lý luồng tin bài.v.v.đều được thực hiện một cách “tự động”.
Đặc biệt là các nhà báo, phóng viên thời bây giờ đã có quá nhiều “đất sống” khi có thể gửi tác phẩm báo chí của mình đến rất nhiều “toà soạn” và các toà soạn cũng “o bế” các cộng tác viên (CTV) ở các địa phương bởi nhu cầu đưa tin phải “như chớp”.
Có thể khẳng định rằng: tác động của công nghệ thông tin đến hoạt động báo chí ngày càng hiện đại, giúp nâng cao chất lượng báo chí cả về phương tiện đưa tin, truyền tin cho đến công bố thông tin. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng: không được quên yếu tố con người là yếu tố quyết định trong sáng tạo sản phẩm báo chí.
…và cũng lắm chiêu thức “đạo báo”
Thông tin nhiều, công bố rộng hầu như ở tất cả các lĩnh vực và công cụ cũng có sẵn nhiều chức năng nên những vụ “đạo báo” cũng thường xuyên xảy ra với nhiều chiêu thức mà chiêu thức dễ nhận thấy là làm báo theo kiểu “copy and paste”. Với công cụ tìm kiếm Google, muốn tìm chủ đề cụ thể về “kỹ thuật trồng khoai lang” hoặc “thoát nghèo” chẳng hạn, chỉ cần gõ vào khung tìm kiểm, sau đó Enter một phát là đã có cả một trời bài viết về đề tài này. Thấy bài nào “khoai khoái” và “giông giống” ở xứ mình thì OK! mở ra, coppy và paste về word…sau đó cứ vô tư “biên tập” tên, tuổi, địa danh, ngày tháng.v.v. và một chút “chế biến lại” là vô tư đem nộp. Càng yên tâm hơn nữa khi đã chạy xuống hiện trường, chộp một tấm ảnh nhân vật đang đào khoai hoặc tưới rẫy. Với tryền hình thì chỉ cần quay phim, phỏng vấn “ép” theo kiểu “bắt người ta nói theo ý mình” là…OK.Very Good.
Người viết bài này đã thử gõ cụm từ “thoát nghèo bền vững” và chỉ sau 0,23 giây đã có tới 1.110.000 kết quả với những tựa đề “cực kỳ ấn tượng” như: Thoát nghèo bền vững nhờ bò Sind; Tỉnh Bến Tre - Những nông dân thoát nghèo bền vững; Gia Lai: Thoát nghèo bền vững nhờ phong trào SXKD giỏi; Biên Hòa hướng tới thoát nghèo bền vững; Thoát nghèo bền vững từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước….Quá tốt. Chỉ cần chạy qua cơ quan chức năng xin cái báo cáo tháng, quý hoặc năm là xong. Vô tư ngồi nhà mà “sáng tác”!? Đấy là nói về chuyện viết bài chứ thực tế thì viết tin, làm tin còn đơn giản hơn nhiều ở “công đoạn biên tập”!!!???
Một kiểu “đạo báo” khác cũng không kém phần tinh vi là “bắt cóc ý tưởng, nhận định” của người khác mà không thèm dẫn nguồn. Chẳng hạn như đã xong công đoạn “copy and paste” đã nêu ở trên, đã ghi âm, thu hình xong nhưng vấn đề là phải có một nhận định, một bình luận gì đó cho “tác phẩm nó ra ngô, ra khoai”? Nhưng khổ một nỗi là kiến thức “hơi bị thiếu” nên không thể? Chuyện nhỏ, cứ nhờ anh Google! Bắt nguyên một đoạn bình luận hoặc nhận định của một vị chức sắc, một chuyên gia nào đó paste vào là xong ngay. Kiểu này lắm khi còn được khen là “có tay nghề cao” nữa khác!? Nhưng có một điều phải nói thẳng là: với kiểu viết báo này thì không thể có được những bản tin, bài báo tốt mà chỉ cho ra những sản phẩm thuộc dạng “làng nhàng”, vô thưởng-vô phạt!
Đạo đức nghề báo cần được tuân thủ nghiêm túc
Vẫn còn khá nhiều dạng “đạo báo” khác nhưng người viết bài này không liệt kê thêm vì có thể mình “chưa rành” bằng một số ai đó? Nhưng trước khi kết thúc bài viết này, xin dẫn “Những hình thức có thể bị coi là đạo báo” được liệt kê ở bài viết: Đạo báo: Nhận dạng và cách phòng tránh (http://www.baochivietnam.com.vn/chuyen-mc/dao-duc-nghe-bao/3435-o-bao-nhn-dng-va-cach-phong-tranh) như sau:
-         Sao chép y nguyên hoặc một phần bài báo của người khác;
-         Trích dẫn nội dung bài viết, lời nói của người khác nhưng không trích dẫn nguồn;
-         Lấy ý tưởng từ bài viết khác nhưng diễn đạt lại theo văn phong của mình;
-         Đọc được câu trích dẫn từ bài viết trong ấn phẩm cạnh tranh rồi trích dẫn lại sau khi đã kiểm tra với nguồn tin;
-         Tái sử dụng ngôn từ trong bài viết đã đăng của chính mình;
Trong bài viết này cũng cung cấp: Thủ thuật cho phóng viên; Thủ thuật cho biên tập viên để tránh vấp phải sai sót này bởi đây là một vấn đề quan trọng liên quan đến Đạo đức nghề báo và liên quan đến cả chất lượng nội dung của sản phẩm báo chí. Ngoài bộ quy tắc chung của Hội nhà báo Việt Nam, mỗi toà báo cũng cần có một  quy tắc đạo đức nghề nghiệp của riêng mình và các phóng viên, nhà báo của toà báo cần phải tuân thủ nghiêm túc.
         Những vấn đề vừa nêu đều có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng của tác phẩm và sản phẩm báo chí hoàn thiện, đến hiệu quả và thương hiệu của cơ quan báo chí. Ta có thể khẳng định rằng: không có tác phẩm hay thì không thể có sản phẩm tốt, sản phẩm không hay, không tốt thì hiển nhiên sẽ không thu hút được công chúng và hiển nhiên là liên quan chặt chẽ đến nguồn thu của toà báo.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

“Tận diệt tôm càng”…hay mặt trái của nông dược

Nghe tôi bàn chuyện sẽ đi Kế Sách tìm chỗ để câu tôm càng, anh Trần Hoàng Khải-Trưởng Công An TT.Kế Sách cười khẩy: “Thôi đi ông. Còn con nào đâu mà mấy ông câu với kéo!? Bây giờ “tụi nó” xài thuốc bắt sạch rồi”. Hoá ra câu chuyện “xài thuốc” bắt đầu từ một sự tình cờ và giờ đã trở thành “dịch” với đủ thứ nhãn thuốc bảo vệ thực vật góp mặt vào công cuộc “tận diệt tôm càng”.

Hoá ra là từ khi có việc mua cả vườn xoài để kích thích ra trái, giữ bông… nhưng anh thợ phun thuốc phát hiện ra thuốc Fastac có tính năng làm cho lũ tôm càng trong mương vườn nổi đầu “quờ quạng” tấp vào mé bờ mương phơi râu. Thực tế thì thợ chỉ phun thuốc lên tàn cây, nhưng chỉ với phần thuốc rơi vãi xuống mương cũng đã đủ làm lũ tôm càng “phơi râu” nên một số tay thợ đã thử nghiệm bằng cách mua nguyên một chai và mang ra sông, tưới thử trên đầu nguồn nước. Và kết quả là…một công cuộc “tận diệt tôm càng” đã được khởi động cho đến tận ngày nay.
Với người mê câu cá thì đều rành câu thiệu “Nước rồng đánh Ngát (câu cá Ngát), Nước lớn đánh Bông Lau còn nước ương thì rải cần đánh tôm càng”. Cách đây non 1 tháng, ngay con nước ương, chúng tôi kéo nhau xuống đầu cống thuỷ lợi Bà Xẩm ở khu vực TT.Đại Ngãi (Long Phú-Sóc Trăng) câu tôm vì đây là con cống lớn, cấp nước cho cả vùng sản xuất lúa rộng hơn 7.500 ha của huyện Long Phú. Người giữ cống (xin dấu tên) khuyên chúng tôi: “Mấy anh câu thì chỉ dính cá ngát hoặc cá mè vinh là cùng chớ tôm càng thì đừng mong. Mới con nước trước tui thuốc được hơn 20 kg”. Anh vô tư tính toán rằng 1 chai Sirius giá mua có 84.000 đồng. Trong 1kg tôm càng bây giờ bèo lắm là 150.000. Vậy thì có gì lời bằng. Tôm mới “thuốc” chỉ quờ quạng chớ chưa chết. Bắt lên, vớt lên bỏ vô thùng nước không nhiễm thuốc chút xíu là “tươi tỉnh” trở lại ngay. Anh còn chỉ chúng tôi một “chiêu” để sau này có đi câu tôm thì khỏi phải “rải cân để vớt rác” là: “Nếu thấy cặp mé có vài ba xác tôm chết hoặc đều tôm đã rã thì nên cuốn cần đi về vì nó mới thuốc trước đó vài bữa”!?.
            Phong trào “tận diệt” này cũng lan rộng ra ở huyện “đảo” Cù Lao Dung. Quốc Khởi, quê ở xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung-Sóc Trăng) thuật chuyện có thật 100% ở rạch Trường Tiền vào quãng năm 2005 khi anh về quê. Hôm ấy nước ròng, nghe trong xóm ì xèo “bắt tôm, bắt tôm”…anh cũng nhảy xuống và vớt được 5 con cân được hơn 1kg. Anh nói rằng chỉ cần phát hiện có tôm càng tấp vô mé là biết ngay có người đã rải thuốc ở trên nước, ai biết thì cứ bắt mà chẳng có ai cự nự gì cả bởi vì cũng chẳng ai biết người nào đã “thuốc” và người “thuốc” cũng chẳng dại gì mà ra mặt vì biết chắc sẽ gặp phiền toái với chính quyền. Đặc biệt nguy hiểm là ở chỗ…Cù Lao Dung nằm án ngữ cả hai cửa sông lớn Định An và Trần Đề, một bãi sinh sản tự nhiên chính của con tôm càng sông Hậu. Tôm càng sinh trưởng ở vùng nước ngọt nhưng tới mùa sinh sản phải di chuyển ra vùng nước mặn khu vực cửa sông giáp biển để đẻ. Ấu trùng tôm càng lớn dần lên và di chuyển ngược dòng dần lên. Với vụ “thuốc tôm” thì bất kể, con lớn, con nhỏ, ấu trùng gì cũng “dính đạn hết”.
Ông Phạm Hồng Văn –PCT huyện Cù Lao Dung xác nhận: “Một phần lượng tôm càng xanh đang được tiêu thụ trên địa bàn huyện hiện nay là được đánh bắt bằng thuốc hóa học, tình trạng này kéo dài sẽ là thảm họa”. Một nông dân nuôi tôm ở xã An Thạnh Nam cho biết: “Chuyện sử dụng hóa chất độc hại để thuốc tôm cá trên các con rạch ở đây bây giờ khá phổ biến. Vào những con nước ròng của tháng, có khi có tới mấy chục người cùng nhào xuống kênh để bắt cá, tôm nổi đầu nhảy vào bờ do bị trúng thuốc”. Còn ở xã Gia Hòa I (Mỹ Xuyên-Sóc Trăng), lãnh đạo xã cũng cho biết, tình trạng sử dụng thuốc hóa học để thuốc tôm cá hiện nay khá phổ biến nhưng việc ngăn chặn là rất khó khăn vì rất khó phát hiện ra thủ phạm.
 Lâu nay khi đề cập đến việc khai thác thuỷ hải sản theo kiểu “tận diệt”, chúng ta mới chỉ đề cập đến việc sử dụng xung điện (xiệc điện), đăng mé bằng lưới mùng, xúc cá lồng rồng con.v.v.nhưng so với việc sử dụng nông dược để thuốc tôm, thuốc cá thì hậu quả vẫn còn kém xa. Theo tôi được biết thì ở Cần thơ, Hậu Giang…chuyện thuốc tôm cũng đã trở thành chuyện thường ngày!
Trong sổ tay của tôi vẫn còn ghi lại danh sách dài những loại nông dược được dùng để thuốc tôm, đặc biệt là một “chiêu” học được ở Vị Thuỷ (Hậu Giang) là “chỉ có tôm lớn mới nổi đầu” (vì tôm nhỏ đã chết chìm hết thì làm sao mà nổi) nhưng tôi không thể liệt kê ra trong bài viết này. Nguồn lợi thủy sản nội địa cần được báo động đỏ. Tôi viết những dòng này như một lời tiếc nuối “bi ai, thống thiết’ của những người đã lỡ đam mê môn câu tôm càng.
Ước gì cho trở lại thời xưa!? Khi mà…chưa có mấy thứ nông dược này.