Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Mỹ Thanh Du Ký (kỳ 7): Dạo chơi rạch Cổ Cò và chợ Cổ Cò

Vàm Cổ Cò là nơi đánh dấu điểm khởi đầu của sông Mỹ Thanh và cũng là điểm cuối cùng của con rạch Cổ Cò. Theo những thư tịch cũ và người dân địa phương thì con rạch được đặt tên là Cổ Cò bởi con rạch này có nhiều khúc quanh co có hình dáng giống như cổ của một con cò đang nằm nghỉ, duỗi dài.    
Địa chí Sóc Trăng 1904 ghi nhận: “Sông ngòi trong tỉnh thông lưu với nhau một cách tự nhiên hoặc qua các kênh đào, làm cho hệ thống thủy đạo chỉ là một tổng thể những luồng nước tự nhiên và nhân tạo, chỉ khác nhau ở bề rộng và độ sâu”. Ngay cả đến bây giờ vẫn vậy, Rạch Cổ Cò với chiều dài khoảng 18 km thực sự là tuyến lưu thông huyết mạch của toàn bộ lưu vực Mỹ Thanh từ xưa đến nay. Rạch chạy thẳng từ Nam lên Bắc hướng ra cửa biển Mỹ Thanh. Ngay đầu vàm là thị tứ khá sầm uất, trung tâm của xã Ngọc Tố mà cư dân địa phương vẫn gọi là chợ Cổ Cò. Còn vàm sông này thì được người dân trong vùng gọi là ngã ba Cổ Cò.
Một góc chợ Cổ Cò ngày nay.

Chợ Cổ Cò và phế tích… hồ Tịnh Tâm
Rạch Cổ Cò là sự hợp thành của rạch Nhu Gia từ phía tây đổ về và rạch Ba Xuyên từ mạn Đông-Bắc chảy xuống. Không chỉ vậy, nguồn cấp nước cho con rạch này còn là 3 phụ lưu đáng kể khác là: Rạch Cái Giầy từ Bạc Liêu chảy qua đúng vào vị trí con đường từ Sóc Trăng đi Bạc Liêu và cũng là ranh giới của hai tỉnh. Phụ lưu khác là rạch Nàng Rền chảy từ hướng Ngã Năm lên. Phụ lưu cấp nước thứ 3 là rạch Cà Lăm, thông lưu với rạch Chàng Ré và rạch lớn Nhu Gia. Còn con rạch Ba Xuyên, không chỉ cấp nước cho rạch Cổ Cò mà còn là một con rạch quan trong của lưu vực này khi vừa thông lưu với rạch Cổ Cò, lại chảy vào sông Hậu ở vàm Đại Ngãi. Trong những năm đầu thế kỷ XX, đây cũng là điểm cuối của các tàu thuộc hãng vận tải đường sông, đảm trách tuyến đường thuỷ các tỉnh miền Tây.
Qua phà Dù Tho, đi lên một đoạn chừng 2 km sẽ gặp ngay tuyến đường Tỉnh 936 dài khoảng 12 km, nối liền các xã: Ngọc Đông, Ngọc Tố, Hòa Tú 2… nối với Huyện lộ 14 để trổ ra Quốc Lộ 1A. Cũng còn ít nhất là 2 tuyến khác có thể tới Cổ Cò là đi theo Tỉnh lộ 8, đến chân cầu Mỹ Thanh 1 thì rẽ phải, qua đò; hoặc đi ngã Tham Đôn, qua ngã Hoà Tú 1, xuôi xuống Ngọc Đông rồi tới Ngọc Tố - Cổ Cò. Dù là khu chợ của xứ nhiều sông, rạch nhưng bây giờ đến chơi chợ Cổ Cò thật dễ dàng với phương tiện xe gắn máy. Chợ Cổ Cò án ngữ cuối vàm Cổ Cò, đây cũng là trung tâm của xã Ngọc Tố, 1 trong 6 xã vùng tôm-lúa của huyện Mỹ Xuyên.
Ngọc Tố hiện là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất ở huyện Mỹ Xuyên với số hộ nghèo chỉ là 5% theo tiêu chí cũ. Chợ Cổ Cò là nơi thuận tiện mua bán, giao thương bởi đây là nơi giáp ranh 3 huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề và Vĩnh Châu. Hiện nay, chợ Cổ Cò tập trung 56 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và khoảng 150 hộ kinh doanh, mua bán. Chưa tính những hộ buôn bán nhỏ lẻ theo kiểu tự sản, tự tiêu. Khu vực trung tâm hành chính của Ngọc Tố cũng đang được xây dựng với Nhà Văn hoá, trụ sở Uỷ ban nhân dân xã cùng những thiết chế văn hoá ở cơ sở. Dù là một xã vùng sâu nhưng Ngọc Tố cũng đã có trường Trung học phổ thông từ khá lâu. Theo ký ức của những người cố cựu ở xứ này thì chợ Cổ Cò bắt đầu lên nhà tường, nhà lầu vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Ông Huỳnh Thanh Danh kể chuyện Cổ Cò ngày trước.

Ông Huỳnh Thanh Danh (65 tuổi) cho chúng tôi biết: “Những năm 59-60, Ngô Đình Diệm xây dựng khu trù mật Hoà Tú không phải ở đây mà ở mé trong đồng. Diệm cất một dãy phố 20 căn ở giữa ruộng, trong khi xứ mình là xứ sông nước-thời đó làm gì có đường xá, xe cộ như bây giờ! Cái chợ của khu trù mật đó làm ăn hổng xong vì hổng phù hợp nên khoảng 1 năm sau, người bán buôn cũng từ từ chuyển về ngay lại chỗ cũ! Tức là khu vực chợ mình bây giờ ven theo mé sông… cũng cất nhà lá tạm bợ để bán buôn thôi. Từ từ một số người làm ăn khá lên thì cất nhà tường, rồi 1-2 cái nhà lầu. Còn số nhà lầu sau này thì chỉ có từ sau năm 75…
Tôi và quay phim Lâm Huy theo đường cũ ra vị trí của khu trù mật năm xưa. Từ con lộ chính, chúng tôi theo một nhánh lộ đất đi ra mé sau đồng với hai bên đường là những vuông tôm san sát nhau. Dấu tích của khu trù mật xưa giờ vẫn còn và hầu như người ở xứ này ai cũng biết-đó là Hồ Tịnh Tâm, nằm lọt thỏm giữa những vuông tôm. Hồ Tịnh Tâm là một mô-típ chung của các khu trù mật được Ngô Đình Diệm dựng nên… cũng hồ nước rộng ở giữa là một cù lao có trồng cây xanh và dựng ở đây một căn nhà mát mà hình dáng đều na ná nhau, kiểu như nhà mát ở hồ Tịnh Tâm trong Khu Hồ Nước Ngọt vậy!? Tôi cũng đã ngắm căn nhà mát kiểu này ở Hồ Tịnh Tâm TX.Vị Thanh (Hậu Giang) nên mới có suy luận như vậy!?
Phế tích “Hồ Tịnh Tâm Cổ Cò.

Hồ Tịnh Tâm ở Cổ Cò giờ chỉ còn duy nhất là hình dáng của…một hồ nước trong xanh, cây tạp mọc lúp xúp quanh bờ. Những tảng đá ngày xưa dùng làm non bộ cũng đã bị người dân phá dỡ lấy về làm vật liệu xây dựng. Một bầy Le le 6 con vô tư dạo trong hồ nước, bất chấp 2 ông quay phim, chụp ảnh đang lia máy theo để…bắt cho được khung hình thuộc dạng quý hiếm này. Thế mới biết rằng-điều gì không hợp với thực tế của cuộc sống, không hợp với đạo lý và lòng dân thì trước sau gì cũng trở thành phế tích.
Điều gì làm nên thương hiệu… bánh in Cổ Cò?
Một mặt hàng được nhiều người đến đây tìm mua và xem như là một mặt hàng đặc sản chính là bánh in-bánh in Cổ Cò. Bánh in ở đây tuy nhỏ nhưng được đúc dầy hơn và có vị ngọt hơn những loại bánh in ở nơi khác. Sở dĩ sản phẩm này từng có tiếng trong vùng bởi cách chế biến hết sức công phu, dù nay đã phần nào mai một chút ít bởi phương thức sản xuất công nghiệp.
Cụ Châu Văn Háo và tác giả.

Cụ Châu Văn Háo  (87 tuổi) - một người cố cựu ở xứ này và cũng là người có tay nghề làm bánh in lâu năm nói cùng chúng tôi về công phu để làm nên thương hiệu của bánh in Cổ Cò khi xưa như sau:
- Chất liệu để làm bánh in Cổ Cò xưa cũng là từ bột nếp thôi. Nhưng đầu tiên là nếp đó đem đi xôi lên, sau đó phơi khô và rang cát cho thật khô rồi mới xay trong cối xay đá. Bây giờ thì người ta lên bột bằng cách “thổi phùng” rồi nghiền bằng máy. Làm kiểu mới thì bột tốt và mịn lắm… nhưng bột này không có hương thơm, mùi thơm của nếp mới. Với bột làm theo cách cũ khi mình chỉ cần để ở xa cũng đã bay hương thơm đặc trưng của bánh in.
Trong kỳ tiếp theo của loạt ký sự này, chúng tôi sẽ dành thời gian để tìm hiểu xem vàm Cổ Cò là ngã ba hay ngã tư? Và đến thăm Tổ đình Quốc tổ Lạc Hồng nằm bên vàm sông này.