Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Đố Thai - Vui vẻ xóm làng: Ước nguyện của “Ông Thầy Thai cuối cùng” của đất Bãi Xàu (kỳ cuối)

Chơi đố thai thường gắn liền với đình miếu vào dịp lễ tiết trong năm như lễ kỳ yên, thượng điền, hạ điền hay cúng rằm. Trò chơi này quen thuộc với không ít người ở TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) từ trước năm 45 của thế kỷ XX. Để tổ chức một đêm chơi thai không cần tốn nhiều tiền lắm, mỗi đêm chơi chỉ cần độ 1 hoặc 2 triệu đồng tiền sắm xanh quà thưởng là được. Vậy gốc tích của trò chơi này từ đâu?

Thai (xai) có nghĩa là… đố!
Nhà nghiên cứu văn hoá Huỳnh Ngọc Trảng với bài viết “Chơi thai đố” có tính chất biên khảo, đăng trên báo Tuổi Trẻ, đã phân tích sâu về trò chơi này -(http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/186541/Choi-thai-do.html). Ông kết luận - đây là trò chơi ức đoán của người xưa. Trong bài viết này, ông đã cung cấp 2 tư liệu quý về ý nghĩa và nguồn gốc của trò chơi này. Xin trích dẫn lại: “…trong thủ bút của cụ Trương Vĩnh Ký (hộp II, tập 15, Thư viện KHXH tại TP.HCM) có ghi lại mấy dòng: “Nhân ngày nguyên, trăng thanh gió mát, tạnh ráo, chủ bày ra kêu mấy anh em tới chơi. Chọn một người hay chữ giỏi làm thầy thai ra đề, cầm trống cho người ta nói thai. Người ta phất một lồng đèn vuông bằng giấy trắng. Bốn phía có viết đề thai dán lên trên đó. Đề thai hoặc “xuất danh”, “xuất vật dụng, khí dụng”, hay “xuất mộc”, “xuất thú”, hoặc “xuất tục diêu”, “bình Thúy kiều”, hay “xuất điển”, “chiết tự”... Ai nói trúng được, trúng ý đề thai nêu ra thì được thưởng. Mỗi đề đều nói rõ trước là sẽ thưởng vật gì như quạt, khăn vuông, hầu bao, giấy mực... Nói trúng thì đánh một hồi trống, nói trật thì gõ tang trống”.

Cụ Hai Bé rao mở đầu cuộc chơi thai đêm Rằm tháng 8 (2013)

Thai, còn đọc là xai, từ Hán Việt có nghĩa là: nghi, bói, định chừng. Huình Tịnh Của* trong Đại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn, 1896) đã cho biết như vậy. Ông còn định nghĩa: 1/ Ra thai: ra lời hai ba nghĩa làm như câu đố; 2/ Thầy thai: thầy ra câu đố, làm lời bóng dáng mà chỉ vật; 3/ Câu thai: câu đố. Đến đây thì đã rõ thai đố là như vậy”.

Thương cảng Bãi Xàu xưa, TT. Mỹ Xuyên ngày nay, xưa vốn là một vùng đất đô hội, nhộn nhịp bán buôn, phố chợ rộng rãi, sầm uất thì hẳn trò chơi đố thai thịnh hành từ xưa và tồn tại cho đến tận hôm nay âu cũng không phải là chuyện lạ. Một câu ca dân gian thịnh hành cho đến giờ vẫn nhắc về những “thầy thai” nổi danh ở xứ này: “Làng thai đẹp nhất tiền nhân. Xe, Sam, Lời, Hiếu danh gần, tiếng xa. Biện, Trọng lời đẹp xâu xa. Mỗi ông mỗi nét tinh hoa bốn mùa”. Xin trích vài câu thai của các vị tiền bối mà cụ Hai Bé vẫn còn giữ. Những câu thai (câu đố) nhưng chứa đựng đạo lý sống, lẽ ở đời. “Sông sâu đâu nỡ quên nguồn. Làm con đừng để đau buồn mẹ cha - Xuất địa danh; Muốn cho yên ấm gia đình. Đừng làm những chuyện bực mình với nhau - Xuất vật dụng; Thuốc chưng cách thủy lửa đều. Lửa già, thiếu lửa là điều không hay - Xuất quả…



Theo các vị cố cựu như: Ngô Chí Huỳnh, Nguyễn Văn Nhung thì trò chơi này tạm lắng vào năm 1972, lúc này chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn cao trào, chính quyền cũ không cho phép tụ tập đông người. Phải đến năm 1978-1979 thì mới bắt đầu chơi lại. Vì là để “vui xóm làng” nên có năm thì tổ chức ở Đình Thần Bãi Xàu, có năm thì tổ chức ở Miếu Bà Thuỷ Long, có khi thì ở Miếu tổ nghề Kim Hoàn. Còn trong khoảng hơn chục năm gần đây thì thường xuyên tổ chức ở Miếu Thành Hoàng Bãi Xàu vào dịp tết Trung thu. Trong những cuộc chơi này thì Cụ Trịnh Văn Bé (Hai Bé) luôn đảm nhiệm vai trò “thầy thai”. Với người mê chơi thai đố thì ông còn được đặt cho biệt danh “Ông thầy thai cuối cùng” của đất Bãi Xàu!

“Ông thầy thai” Hai Bé đang đệm trống giữ nhịp đọc thai.

Ước nguyện của “Ông Thầy Thai cuối cùng” của đất Bãi Xàu!
 
Rằm tháng 8 năm nay (19/9/2013 dương lịch), như mọi khi, Cụ Trịnh Văn Bé (Hai Bé) vẫn là “thầy thai” cầm trống điều khiển cuộc chơi đố thai ở Miếu Thành Hoàng Bãi Xàu. Mới 9 giờ nhưng trước sân Miếu Thành Hoàng đã lu bu 7-8 người trong Bang hội Miếu lo dựng rạp, treo đèn, bài trí sân chơi. Cụ Hai Bé qua lại chỉ đạo một anh thanh niên dán lên tấm bảng những câu thai đã có đánh số. Một chú nhóc 12-13 tuổi cũng đang lui cui chép câu thai để chút nữa lên “Gú-gồ” tra cứu. Quãng 10 giờ, 25 câu thai đã dán xong, lai rai có người đến xem và bàn tán…. thai mới, thai cũ, thai ế”!? Câu thai nằm trên cùng ở góc trái bảng thai được nhiều “lão làng chơi thai” nhận định là “câu thai thủ đài” - cụ thể như sau: “Một con heo nái ủi giồng khoai. Thong thả miệt mài kiếm củ nhai. Quanh quẩn một hồi dường như chán. Phẩy đuôi về trại bị xỏ tai - Xuất vật dụng”. Câu này thuộc dạng “thai ế” bởi hơn chục năm nay chưa ai giải được? Thật vui khi tôi gặp lại câu đố mà ngày xưa tôi đã học qua hồi cấp 1: “Vừa bằng thằng bé lên ba. Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng”. Quà thưởng năm nay là 30 phần, đổ đồng mỗi phần quá là 3 gói mì, 5 cuốn tập, 2 cây viết big. Ai không nhận quà thì lấy 1 gói thuốc lá…. con mèo.

Cụ Hai Bé tâm sự với tôi rằng “Ráng thêm 1 lần nữa cho vui xóm làng chớ bà xã và sắp nhỏ cũng cằn nhằn quá”. 

Đúng 19h, một hồi trống báo cuộc vui Đố Thai bắt đầu. Khai mào đầu tiên với câu thai khó là “Ông Lầu Bầu” Trịnh Văn Nhung với câu số 46 “Cảnh thế âu là cảnh tạm nương, cùng nhị chiếc quán ở bên đường. Người đời là kẻ dừng chân tạm. Rồi lại lui về nẻo viễn phương” - xuất bảng danh hiệu. “Ông Lầu Bầu” đưa đáp án là khách sạn? Sai! Nhường người khác. Xôm tụ có lẽ là đám trẻ nít khi xúm nhau vào câu thai “Ở dưới đít người ta mà đòi làm cha”? Những hồi trống báo gần đúng cổ vũ cho các đáp án, nào là ghế ngồi, ghế dựa, ghế tre…. và cuối cùng đáp án ghế bố lãnh giải. Cái “lý” của câu này thiệt ngộ “Thường xuyên ở dưới đít là cái ghế thì đúng rồi! Nhưng tên của cái ghế này nó nằm ở chữ cha mà ngoài Bắc gọi là bố. Vậy thì vật dụng này đúng là… cái ghế bố. Cái này kêu bằng “mượn văn” để gài vô trong kẹt”!

Một “cao thủ” đang “phá câu thai ế”.

Câu thai mà tôi tưởng là dễ “Vừa bằng thằng bé lên ba. Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng” hoá ra lại khó với đám trẻ bây giờ. Phải qua 5 lần gợi ý thì bọn trẻ mới đáp trúng là bó mạ. “Ông Thầy Thai” ta thán: “Phải rồi! Bây giờ mấy con coi bộ hổng nhìn thấy được bó mạ vì người ta làm lúa sạ chớ đâu còn làm lúa cấy như ngày xưa”? Cánh thanh niên có vẻ hứng chí với câu thai dạng “tục giảng thanh” “Eo lưng thắt đít. Đút con nít, con nít la. Đút bà già, bà già ứ hự. Đút con gái, con gái ừ” - xuất vật dụng. Sau 7 lượt trả lời thì cuối cùng đáp án đôi bông tai đã lãnh quà. 

Có thể nhận định: Thai đố là hình thức đối vui, ngoài tính giải trí trong những dịp lễ tết, cúng đình… thì đây còn là một hình thức “Đố vui để học” đã có từ xưa. Thai đố không chỉ tập cho mọi người tham gia cuộc chơi phải có sự suy luận nhanh, biết nhìn sự vật, sự việc ở góc nhìn tổng quát kết hợp với phép liên tưởng cao thì mới hòng giải đúng câu đố. Quan trọng hơn cả là tính chất cố kết cộng đồng, làng-xóm, răn dạy điều hay, lẽ phải, biết nhường nhịn trẻ nhỏ, biết kính kẻ trên, nhường người dưới qua một hình thức giải trí vui nhộn. Ở góc độ văn hoá dân gian, không ít câu thai đã trở thành những câu ca dao, tục ngữ được lưu truyền, rồi không ít những câu ca dao, tục ngữ hiện diện trong những câu thai đã đem đến sức sống mới, sinh động hơn của những câu ca dao, tục ngữ từ lời ăn tiếng nói và cả cách suy luận của dân gian.… Chuyện này hẳn những người yêu thích trò chơi này đều biết và họ đều có chung nỗi lo lắng “Liệu rồi đây khi “ông thầy thai cuối cùng của đất Bãi Xàu đi rồi thì sao”!? 


Cả miền Tây Nam bộ đến giờ này chắc chỉ còn đất Bãi Xàu là còn lưu giữ được nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của tiền nhân, nhưng để duy trì và phát huy loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo này thì rõ ràng - đây không thể chỉ là chuyện của một vài cá nhân đơn lẻ./.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Đố Thai – Vui vẻ xóm làng!!!



Kỳ 1: Đố thai – trò chơi nhưng là một sinh hoạt cộng đồng



Đố thai (hay thai đố) là hình thức trò chơi đưa ra những câu đố để người đến chơi giải đáp. Nếu giải đáp đúng thì sẽ nhận được quà thưởng. Mỗi câu thai không giới hạn số người trả lời, nhưng mỗi người chỉ được trả lời 3 lần. Mọi người cứ việc suy nghĩ và trả lời thoải mái cho đến khi đúng thì thôi. Chơi đố thai là trò chơi khá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX. Điều này đã được nhà văn Sơn Nam ghi nhận qua truyện ngắn: Ngôi mộ chôn đứng, Tình bậu muốn thôi, Câu thai đố…và ở công trình biên khảo Đồng bằng sông Cửu Long-Nét sinh hoạt xưa. Thủa trước, đây là một trò chơi phổ biến nhưng hiện nay có lẽ chỉ còn thi thoảng được tổ chức ở TT.Mỹ Xuyên, đất Bãi Xàu xưa.

4 quy tắc để giải câu thai...
 
Quang cảnh cuộc chơi thai
 Trong quãng hơn 30 năm nay, người giữ vai trò “thầy thai” ở xứ này là Cụ Trịnh Văn Bé (Hai Bé), năm nay đã ngoài 80 tuổi và vẫn còn rất minh mẫn. Có thể xem đây là “Ông thầy thai cuối cùng của đất Bãi Xàu”. Nhà của Cụ ở số 87, đường Nguyễn Thái Học, ấp Châu Thành, TT.Mỹ Xuyên.Dáng người nhỏ nhắn, tóc bạc phơ nhưng vô cuộc chơi, ông luôn giữ vai trò cầm trống giữ nhịp, giải nghĩa, nhắc tuồng, gợi ý lời giải cho người chơi với giọng nói sang sảng và lắm lúc thật hài hước…khiến người chơi ôm bụng mà cười. Những câu thai được công bố phải đáp ứng những điều kiện có tính chất quy tắc. Tùy theo phần “xuất” (tức là phần gợi ý) - người chơi sẽ tìm phương hướng để giải nghĩa chữ, nghĩa câu, hoặc ẩn ý của sự kiện mà ra đáp án cho đúng với đòi hỏi của câu thai. Ngoài phần “xuất” đưa ra phạm vi cụ thể để người chơi tập trung vào chỉ một sự việc, sự vật cụ thể thì để giải được những câu thai, người chơi còn phải chú ý đến 4 quy tắc của trò chơi này là “tình, ý, lý (lý lẽ) và lái (nói lái). 4 quy tắc này cũng thường xuyên được ông “Thầy Thai” nhắc đi nhắc lại trong cuộc chơi. Cụ Hai Bé lý giải:

-Có câu người ta dùng “nói lái” là “lái liền”, nhưng cũng có câu người ta lại dùng “lái qua, lại lại” đến 2-3 lần. Tỷ dụ như câu “Cưỡi ngựa phải có dây cương. Để vô thế trận biết đường mà ra”. Câu này xuất mộc-tức là chỉ cái cây…nhưng mà cây gì cụ thể? Dây cương nói lái là dương cây…mà dương cây “lái” lần nữa thì ra cây dương! Nhưng cũng có câu thì lại lái chữ cuối của câu này với chữ đầu của câu kế. Tỷ dụ “Làm người thì phải thủ! Mùng một và 30 phải cúng chùa”, xuất vật dụng. “Thủ” với “mùng” ráp lại lái ra thành…Cái “thùng mủ”. Còn với ý thì “1 mẹ 4 con rành rành. Mẹ no con đói không đành lìa xa. Khách đến chủ đứng tương phân. Mỗi con no đủ liền lìa mẹ ra”. Câu này cũng xuất vật dụng, chỉ cái bình nước và 4 cái tách. Chuẩn bị đón khách, bình đầy nước thì tách không có nước, 4 cái tách vẫn quây quần quanh cái bình. Khách tới rồi “khách đến chủ đứng tương  phân”, lật ly lật tách ra rót nước mời khách. Vậy là chủ - khách cùng cầm tách thưởng trà….tách phải rời bình. Ngoài ra còn có nguyên tắc “phạm văn”, tức là nếu những chữ gì đã có trong câu thai thì không được có trong đáp án. Đó là câu “Anh em hoà hiệp một nhà. Giúp cha mẹ già trong lúc ốm đau”, xuất danh hiệu. Câu trả lời đúng là Thuận Thảo, tên môt hiệu tiệm ở Mỹ Xuyên. Dù ở Mỹ Xuyên có biển hiệu Hiệp Hoà nhưng vì “phạm văn chữ hoà, chữ hiệp” nên không trúng. “Xuất” trong câu thai chính là gợi ý đáp án để người chơi giải câu thai. Xuất có nhiều dạng: xuất vật dụng – là đồ dùng hàng ngày; dược vị (bài thuốc), xuất mộc (cây), bỉnh (bánh), danh nhân (người có tên tuổi cụ thể), nhân (người nói chung), xuất thú (loài thú nói chung), tiểu thú (loài thú nhỏ), điểu (loài chim nói chung), rồi xuất danh hiệu (bảng hiệu).v.v. 



Cụ Hai Bé giữ nhịp trống trong cuộc chơi thai trong ngày rằm tháng tám (2013)


Đa phần những câu thai đều thuộc dạng “văn vần-vè”, phổ biến là kiểu lục bát, rồi cả câu đối, lắm khi lại là mẹo “dùng âm đọc của tiếng nước ngoài”, rồi theo lối “tục giảng thanh”... Đây có lẽ là những câu đố đem đến sự hào hứng, hoạt náo của của buổi chơi thai vì tính bất ngờ của đáp án. 

…và vào cuộc chơi thai đố

Thông thường, mỗi buổi chơi sẽ có 3 canh (canh đầu, canh giữa, canh khuya). Canh đầu mở màn cho đêm chơi thai là những câu thai dễ, tương ứng với phần thưởng là 2 gói mì gói, vài bịch kẹo hoặc gói thuốc lá….Mỗi câu thai giải xong sẽ được gỡ xuống để dán lên câu thai khác. Khi những câu dễ được giải xong non phân nửa thì các câu thai có cấp độ khó hơn dần xuất hiện và sẽ dần dần thay thế hoàn toàn những câu thai của canh đầu. Canh khuy (quãng từ 9 đến 10 giờ đêm) thì hầu như chỉ còn lại những câu “thái ế”. Canh đầu thường mở màn vào khoảng 19h chiều. Nam thanh-nữ tú, trẻ con, người lớn nghe tiếng trống mà kéo đến xem câu thai, xúm nhau bàn giải. Lắm khi lãnh giải lại là những người qua đường, thấy vui vui ghé vô kiếm vài món quà thưởng hoặc gói thuốc cho vui.

Công đoạn xướng lời giải đều phải theo đúng nhịp nhàng, phép tắc. Tức là phải theo tiếng trống của thầy thai. Bất kỳ ai muốn giải đố thì sau khi đọc số câu thai, thầy thai đồng ý bằng một tiếng trống “tùng” thì bắt đầu đọc nhưng phải đọc đúng nhịp điệu, đúng vần. Vì phần lớn câu thai là văn vần, văn vè theo “kiểu lục bát” nên phải đọc cho đúng nhịp của cách đọc “lục bát”. Chỉ được đọc tiếp khi thầy thai đệm một tiếng trống sau khi đọc dứt một câu.
 
"....Xèng 1 cái đi nào Ông Thầy"!
Nếu đúng thì thầy thai sẽ thưởng bằng một hồi trống mà kết thúc bằng tiếng gõ “xèng” thật lớn. Tùng..tùng…tùng….xèng. cả đám chơi òa lên những tiếng khen, tiếng cười của người giải đúng và tiếng xướng phần thưởng là cái gì. Còn nếu lời giải gần đúng thì hồi trống sẽ không có tiềng “xèng”…mà chỉ có tiếng gõ vào tang trống “cắc” như thở dài tiếc nuối. Tùy theo mức độ gần trúng bao nhiêu mà tiếng trống có thể là 1 hoặc là 2 hoặc 3…hoặc 1 hồi trống với những tiếng trống càng gần cuối càng nhỏ dần và thưa nhịp. Nếu chỉ có 3 tiếng gõ vào tang “cắc..cắc…cắc” thì kể như là ..đã trật lất. Còn nếu chỉ một tiếng “cắc” thì phải ngầm hiểu…đó là thầy thai đang chê. Tiếng “cắc” này chính là tiếng “gõ vô đầu”. Thông thường thì bọn trẻ nít hay bị “gõ vô đầu” nhiều nhất vì…thường xuyên giải trật. Còn nếu ai mới chỉ đọc lời thai câu đầu tiên mà đã bị thầy thai gõ cái “cóc” thì kể như phải đọc lại từ đầu cho đúng vần điệu, nhịp nhàng. Đọc sai ba lần thì phải nhường lại cho người khác. Nhưng “Ông thầy thai” cũng lắm khi “dụ khị” người chơi bằng những hồi trống kiểu càng gần cuối càng nhỏ dần và thưa nhịp với ý nhắc nhở “gần đúng”…dù câu trả lời  đang đi khá xa với đáp án. Thường thì những hồi trống kiểu này nhằm làm cho cuộc chơi thêm sôi động hoặc giả để “làm tươi” cuộc chơi thai đang hồi trầm lắng. Cái “vụ này” dân chơi thai kêu bằng…”nuôi thai”!?
 
Trật lất rồi....
Qua tìm hiểu ở một số vị vốn là dân cố cựu ở TT.Mỹ Xuyên, rất am hiểu và mê đố thai thì có thể khẳng định: đây là một sinh hoạt văn hoá dân gian có tính chất cộng đồng đã có từ lâu ở xứ này. Mỗi buổi chơi đố thai không chỉ mang tính chất đem lại một sự kiện sinh hoạt giải trí cho xóm làng mà còn thông qua những câu thai, cách dẫn dắt, gợi mở đáp án của thầy thai còn đem đến những giá trị nhất định đối với cộng đồng về việc phải tuân thủ những quy tắc, luật lệ…những lời khuyên răn về lẽ ở đời sao cho phải. Ông Tô Thanh Bình (cán bộ hưu trí) nhớ lại thời ông còn “trẻ nít” “Từ cái thời TT.Mỹ Xuyên còn gọi là Bãi Xàu thì mỗi khi đến rằm hay cúng đình (kỳ yên), cúng miễu là đám con nít tụi tui đã đón canh tiếng trống tùng tùng nhịp hai là biết có đối thai. Ráng ăn cơm sớm để vọt đi giải đố, kiếm chút quà”. Năm nay (2013), cuộc chơi đố thai được tổ chức tại Miễu Thành Hoàng Mỹ Xuyên ngay rằm Trung Thu (19/9/2013 dương lịch).

Nhưng liệu rồi đây thú vui giải trí bổ ích cho làng xóm liệu có còn không, khi tuổi của “ông thầy thai” cuối cùng của đất Bãi Xàu đã vào hàng bát tuần nhưng vẫn chưa tìm ra người để chân truyền. Còn những cố gắng lưu giữ vốn sinh hoạt lý thú này cũng chỉ là của một vài cá nhân đơn lẻ.

(còn 1 kỳ)

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Ngược lên...Giồng Đá - Xuân Hoà

Xuân Hoà lâu nay vốn nổi danh là một vùng “đất vườn” nức tiếng không chỉ riêng ở huyện Kế Sách. Bến sông Xuân Hoà cách đây không lâu còn là 1 chợ nổi bán buôn trái cây nhộn nhịp mỗi khi vô mùa trái chín.  Mỗi khi vô mùa, hàng trăm ghe xuồng ken dày bến sông chờ lên hàng xuôi về các chợ đầu mối. 

Đường về miệt vườn Xuân Hoà giờ đã dễ đi, dù là ngược từ hướng Kế Sách lên hay từ tuyến đường Nam sông Hậu rẽ vô! Những mảnh vườn cây ăn trái nối nhau trải dài dọc theo con đường quê giờ đã lót đal bằng phẳng, ấp liền ấp. Ven bờ kênh, ẩn hiện dưới tàn lá rợp mát là những căn nhà xinh xắn…nhà lá, nhà tường đủ cả. Tháng 5, trời nắng như đổ lửa… nhưng trên con đường làng, lữ khách vẫn thoải mái dạo chơi dưới bóng mát của những tàn cây rợp mát, thả hồn mình trong tiếng ve mùa hạ.

Miếu Thổ thần và bức ảnh thời… kỹ thuật số
 
Rong ruổi theo những con kênh, bờ đập ở Xuân Hoà, chúng được nghe 1 câu chuyện vui về những cái miếu thổ thần ở Xuân Hoà. Ngay đầu bờ đập 5 Riềng, dọc theo con rạch Tây Phương là những miếu thờ thổ thần được đặt ở ngay mỗi đầu ranh đất. Thuở trước đất rộng, người khẩn hoang chỉ cần bỏ công sức khai phá… tới chừng cảm thấy mảnh đất của mình đã vừa đủ sức làm thì đánh dấu ranh đất của mình bằng cách cất 1 miếu thổ thần ngay đầu ranh đất. Mọi người tin rằng, vị thổ thần không chỉ làm chứng cho công sức khai khẩn mà còn giúp cho người chủ đất sản xuất trúng mùa, cây trái xanh tươi. Giai thoại về vị thổ thần ở vùng đất này cũng là một giai thoại vui, giản dị và chân tình như tấm lòng của người miệt vườn vậy. Bên ly “trà quạu”, lão nông cố cựu Năm Riềng (Trần Văn Riềng), năm nay đã 69 tuổi ở ấp Hoà Phú vui vẻ giải thích cùng chúng tôi về chuyện tại sao thổ thần chỉ ở đầu doi, đầu bãi chớ không được vô nhà:

- Theo ông bà mình kể lại thì mọi chuyện đều bắt đầu từ ông học trò khó. Lúc còn nghèo chuẩn bị lên kinh ứng thí tay ôm tay xách giỏ qua cầu, vừa đi vừa cạp miếng dưa mà người ta cho. Bước xuống cầu thì lật đật làm sao đó để rớt miếng dưa. Thổ thần khi ấy đang gác cầu liền mắng “Thằng hư! Đã nghèo rớt mà có miếng ăn còn hổng biết giữ”. Chuyến ấy học trò khó thi đậu điểm cao được triều đình bổ về làm quan. Làng liền mở tiệc “Vinh quy bái tổ” cho quan trạng. Trong lúc ăn tiệc quan trạng gắp và làm rớt miếng thịt heo… nhưng miếng thịt chỉ rớt tới ngang lưng thì không rớt xuống nữa? Hoá ra là thổ thần đứng kế bên “Quan trạng làm rớt thì có em đỡ”. Quan trạng bèn mắng thổ thần “Cái thằng này đúng là “chúa nịnh”! Lúc quan còn là “học trò khó” thì hở một chút là nó mắng, chửi… tới chừng làm quan thì đi đâu nó cũng kè kè để “bợ đỡ”. Cái thứ này từ giờ trở đi chỉ cho nó ở đầu doi, đầu bãi chớ dứt khoát hổng cho vô nhà…”….

Câu chuyện vui, pha chút hài nhưng đậm tính nhân văn và chen vào đó là cả một bài học về lẽ sống của người Nam bộ. Dù những chiếc miếu thổ thần chỉ đặt ở đầu doi, đầu bãi nhưng mỗi khi ở nhà có đám tiệc, cúng qoải… gia chủ cũng không bao giờ quên phần của thổ thần. Thổ thần cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều… nhà còn khó thì thần ở trong cái miểu tre lá đơn sơ, nhà khá giá thì xây tường thần cũng chịu. Vật phẩm cúng tế thần cũng chẳng đòi hỏi, điều mà thổ thần cần chính là tấm lòng của gia chủ.

Cách đặt tên, gọi tên những con rạch, bờ đập ở xứ này cũng giản dị, trực quan, dễ nhớ. Con rạch có tên Tây Phương mới nghe cứ tưởng như gắn liền với truyền thuyết về con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng - Tôn Ngộ Không? Nhưng thực ra chẳng phải vậy. Thực ra là khi xưa, ở hai bên bờ rạch có 2 ông chủ đất tên là Tây và Phương. 2 ông sau này kết thông gia và con cháu của họ đã góp phần không nhỏ để mở mang vùng đất 2 bên con rạch này nên cư dân trong vùng lấy tên 2 ông đặt luôn cho con rạch để dễ nhớ. Còn bây giờ thì bờ đập ở đầu con rạch này được gọi là rạch “5 Riềng” - chính là tên của lão nông Trần Văn Riềng!

Đập 5 Riềng, đầu rạch Tây Phương (ấp Hoà Phú, xã Xuân Hoà) - ảnh Cao Long


Chuyện là ngày trước, cả trong thời chống Mỹ và sau này, ông Năm Riềng là 1 trong những người bám trụ kháng chiến với đất này, sau giải phóng có thời gian ông đã giữ chức Phó Chủ tịch xã Xuân Hoà. Là 1 người có uy tín, quen biết rộng, ai cũng biết, nhà lại ở ngay đầu bờ đập nên cái bờ đập này “chết danh”…5 Riềng! Anh Tâm – P.Chủ tịch UBND xã vui vẻ nói: “Tụi tui bây giờ vô Hoà Phú công tác có hẹn nhau đi đâu đó thì chỉ cần nói mấy giờ, ở bờ đập 5 Riềng là ai cũng biết”.


Hoá ra cách đặt tên địa danh ở xứ này cho tới bây giờ vẫn mang đậm dấu ấn của “ông bà xưa” thời mở đất! Mà có sao đâu? Nó gần gũi, dễ nhớ và thấm đẫm tình làng nghĩa xóm. Với tôi thì cách đặt tên địa danh này có phần còn hơn cách lựa chọn “chữ nghĩa cao siêu” nhưng khó hiểu như kiểu ghép thêm chữ tân, chữ lộc, chữ gì gì đó… với nhau để rồi chỉ có những bậc “túc nho” ngồi luận chữ với nhau. Qua những câu chuyện từ ông Năm Riềng kể, chúng tôi cũng biết rằng đất Xuân Hoà trong kháng chiến chống Mỹ cũng là 1 vùng căn cứ chịu nhiều bom đạn cày xới. Đồn giặc đóng ken dày để thực hiện thủ đoạn “tát dân ra khỏi vùng căn cứ”. Những đoàn cán bộ của Khu 8, Khu 9, của tỉnh Sóc Trăng vẫn thường xuyên qua lại vùng này, nhiều cơ quan đã đóng quân ở đây trong những giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tôi đã gặp lại chị - nghệ sĩ nhiếp ảnh Linh Phượng và dấu ấn của chồng chị - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Wày - qua 2 bức ảnh mà gia đình ông Năm giờ đã lưu giữ như kỷ vật quý của thời chiến.

Ông Năm Riềng đang giới thiệu với tác giả về những tấm ảnh thời kháng chiến.

Những bức ảnh này được chụp bởi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Wày vào năm 1971 và chị Linh Phượng đã trao lại cho gia đình vào năm 2000 trong 1 lần về thăm lại chiến trường xưa. Bức ảnh thứ nhất - ông Năm khi ấy là cán bộ tuyên huấn xã Xuân Hoà chụp cùng với Đội Văn công xung kích. Trong bức ảnh này ông Năm là người đứng thứ 2 tính từ bên trái qua, còn chị Linh Phượng ngồi ở vị trí thứ 2-tính từ bên phải qua. Bức ảnh thứ 2 ông Năm đứng ở vị trí bìa trái, còn người đứng ở bìa phải là anh Hai của chú - liệt sĩ Trần Văn Hội. Chính từ bức ảnh này mà hiện giờ đã có thêm tấm hình 2 anh em cùng đứng chung nhau trong 1 phong cảnh thật nên thơ, yên bình ở Đà Lạt. Bức ảnh này được các con của ông thuê thợ ghép lại vào năm 2008, khi kỹ thuật xử lý ảnh số đã trở nên thịnh hành.

Kinh Cũ Xuân Hoà chảy ra vàm Cái Cau, nơi từng là “chợ nổi Xuân Hoà” - ảnh Cao Long.

Hôm ghi hình ở Ngã Tư Xuân Hoà  - nơi đã có lúc là 1 chợ nổi trái cây nhộn nhịp, chúng tôi chỉ ghi nhận được 6 chiếc ghe tải đang đậu chờ lên dừa trái. Mới quãng 9 giờ nhưng cảnh bán buôn đã vắng lặng nhiều. Ghe xuồng chở cây trái vẫn thi thoảng lại qua nhưng đã không còn ghé bến. P.Chủ tịch Phan Hải Hoàng Tâm lý giải:- Vào những năm 90 tới quãng năm 2004, chợ xã Xuân Hoà vô mùa thì ít nhất mỗi ngày tập trung khoảng hơn 100 ghe, xuồng lớn nhỏ. Hàng hoá chủ yếu là trái cây các loại mà nhà vườn chở ra. Ghe lớn lấy mối, cân sỉ rồi đổ hàng về các chợ đầu mối khác như Ngã Bảy, Ngã Năm, Trà Ôn, Cần Thơ… Chợ Xuân Hoà khi đó cũng có tiếng trong các chợ nổi mua bán trái cây ở miệt Hậu Giang. Bây giờ ít nhộn nhịp vì các thương lái đã vô tới tận vườn, gọi là “mua tận ngọn” bởi kênh rạch giờ đã thông thương tốt, đường xá đi lại thuận tiện hơn trước nhiều. Chỉ cần 1 cú điện thoại hẹn ngày là nhà vườn tổ chức hái, vô thùng… xong xuôi là có ghe vô tới bến chở đi. Nhiều nhà vườn bây giờ cũng đã mở rộng thành điểm “vựa trái cây”. Tiện lợi và đỡ tốn kém chi phí hơn trước nhiều.


Từ Bác vật Lang đến khúc xương cọp, bộ xương voi…
Về Xuân Hoà hôm nay, hẳn không ít người sẽ bất ngờ khi được biết rằng vùng đất này ngày xưa vốn là vùng đất “mê địa” với những vạt rừng tràm, rừng chồi, lau -chấp mọc dày, thi thoảng mới có 1 giải đất giồng nhỏ. Dải đất ven bờ hữu ngạn Hậu Giang mà. Dưới triều vua Thiệu Trị, Xuân Hoà mới chỉ là 1 thôn thuộc tổng Định Khánh, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Được chính thức gọi là làng Xuân Hoà từ ngày 05/01/1876, đổi thuộc hạt Sóc Trăng.

Những cư dân đầu tiên đến khai phá vùng đất này khi ấy vừa phải chiến đấu với muỗi mòng, rắn rít để khẩn hoang, vừa phải canh chừng thú dữ. Những câu chuyện ly kỳ thời mở đất, những chuyện xưa - tích cũ nay cứ như là huyền thoại vẫn còn in đậm trong tâm trí của những bậc cao niên ở xứ này. Cụ Nguyễn Hùng Cường (86 tuổi) cũng ở Hoà Phú hào hứng kể lại cùng chúng tôi câu chuyện dựng nhà sàn trong rừng để khai mở đất. Người lớn đi làm thì rào lại sàn cao để phòng tránh cọp. Con rạch Giồng Đá hình thành là do voi đi. Phần xương của con voi chế hiện vẫn còn lưu giữ ở chùa Gồng Đá. 

- Bà nội tui kể rằng thời bà nội tui còn nhỏ thì nhà của ông cố là nhà sàn cất trên cọc tràm lớn, ngoài hàng rào thì cửa nẻo đều làm song chắn để ngăn con nít leo xuống khi người lớn đi ruộng hòng ngăn cọp. Ông bà cố tui khi đó đi ruộng là phải cột bà nội lại ở trong nhà. Mà cất nhà hồi xưa ở xứ này thì cất nhà sàn tì chỉ ước chừng chớ hổng có lấy thước đo. Ông bà mình tin rằng nếu đo bằng thước thì “ông ba mươi” (cọp-PV) ổng biết ổng canh…ổng nhảy lên tới. Còn chuyện Bác vật Lang tới đây đào đồ cổ ở Giồng Đá thì lớp tụi tui còn biết, còn nhớ. Khi đó con rạch Giồng Đá còn nhỏ xíu và cạn xìu. Tàu Tây phải đậu ở ngoài đầu vàm Cái Cau và đi ca-nô vô. Nghe đâu họ đào và lấy được 1 bàn tay phật bằng đá tím, rồi vàng dây, rồi 1 nải chuối bằng vàng?…
Cụ Nguyễn Hùng Cường “Rạch Giồng Đá khi xưa nhỏ xíu mà cạn xìu. Dưới lòng rạch toàn là đá…”.

… và ước nguyện chưa thành của trụ trì Thiên Phước Cổ Tự.
Con rạch Giồng Đá hiện nay đã lớn hơn con rạch ngày trước nhiều vì đã trải qua nhiều lần nạo vét bằng cơ giới. Nằm bên con rạch là Thiên Phước Cổ Tự mà người dân ở đây vẫn quen gọi là chùa Giồng Đá. Chùa được xây dựng trước năm 1880, khai sáng bởi Hoà Thượng Thích Thiên Nhựt và đến nay đã trải qua 6 đời trụ trì. Trải qua 2 thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, ngôi chùa này là cơ sở của nhiều cơ quan thuộc Khu 8, Khu 9, đặc biệt là công việc in ấn tài liệu. Vào lúc cao điểm, có ngày các chị, các cô đã xay tới 5-7 giạ bột để phục vụ cho việc in ấn. Tấm huy chương kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng nhà chùa được treo trang trọng đã nói lên tất cả. 


Trụ trì Thiên Phước Cổ Tự hiện nay là Hoà thượng Thích Trí Phát. Ông dẫn chúng tôi ra địa điểm mà vào những năm 30 của thế kỷ trước, bác vật Lưu Văn Lang và đoàn khảo sát của Viện Viễn Đông Bác Cổ đã khai quật ở đây. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm được tài liệu nào mô tả chi tiết về chuyến khảo cổ này nhưng theo các bậc cao niên ở đây kể lại mà Hoà thượng Thích Trí Phát ghi chép lại thì 2 hiện vật quý giá nhất mà họ đã mang đi là 1 bàn tay phật tạc bằng đá tím và 1 chiếc búa được đúc bằng vàng hoặc bằng đồng? Ở ngay địa điểm hố khai quật này, Hoà thượng Thích Trí Phát đã có mở rộng đôi chút. Ông dự định nếu sau này có dịp, sẽ dựng ở đây 1 nhà thuỷ tạ và cũng là điểm để trưng bày những hiện vật xưa, quý hiếm, minh chứng cho 1 thời mở đất gian khó của cha ông thửa mới đến khẩn hoang, lập làng mà nhà chùa còn giữ được.

Hoà thượng Thích Trí Phát và tác giả bên những “hiện vật xưa” còn lưu giữ ở Thiên Phước Cổ Tự.

 Chúng tôi càng tin tưởng hơn khi Hoà thượng Trí Phát “hé lộ” đôi chút về kho tàng mà ông đang lưu giữ. Đó là những mảnh xương cọp, gạc nai, xương voi và 2 nồi đất cổ. Những mảnh của bộ xương voi còn giữ lại được là hơn 20 đốt xương sống, xương ống, xương bẹ…do đám trẻ nít ở đây nhặt được và đem đến vào 1 đợt nạo vét rạch Giồng Đá trong những năm 80-90. Mảnh gạc nai vẫn còn nguyên dáng và có vẻ như đã hoá thạch? Còn 1 đốt xương mà Hoà Thượng Trí Phát tin chắc là xương ống trước của “tay cọp”… Ông kể về “cái duyên” của ông với đoạn xương này trong tâm thế thật hứng khởi:


- Trong lúc làm cỏ trong khuôn viên thì thầy gặp 1 bụi cỏ khá lớn mà rễ ăn khá sâu. Mình chặt thì rồi nó cũng lên tiếp nên thôi thì đào rễ nó luôn. Vậy là đụng phải 1 khúc đen đen giống như khúc cây mà hổng phải? Nghi ngờ nên thầy mang nó xuống mé rạch rửa…càng rửa thì càng thấy lạ, càng khẳng định nó là 1 khúc xương. Đem vô cất và phải mất 1 thời gian dài nghiên cứu thì mới ngộ ra được đây là 1 khúc xương cọp bởi đặc thù của 2 lỗ thông nhau ở khớp. 1 dấu chỉ phải có trong bộ xương ống “tay cọp” mà những người nấu cao hổ cốt đã đúc kết.

Hoà thượng Thích Trí Phát giới thiệu khúc xương cọp và 2 hiện vật gốm xưa 

Cận cảnh khúc xương cọp còn lưu giữ ở Chùa Giồng Đá

Thủa trước ở xứ này có nai, có cọp, có voi càng có căn cứ hơn vì chính ông nội của thầy từng kể rằng: hồi những năm 30, cứ vào tháng tháng 8, tháng 9 âm lịch là vạn săn ở vùng Mang Cá, Phụng Hiệp thường mở đợt săn nai…lúc này người dân ở vùng này vẫn còn đón bắt được những con nai chạy dạt ra tới đây. Thầy cũng đã đọc được tài liệu nói rằng - những năm 20-30 của thế kỷ trước (XX-PV), vùng Phụng Hiệp, Ngã Bảy còn là cánh đồng đầy lau sậy với voi đi hàng đàn.


Ông còn cho chúng tôi chiêm ngưỡng 2 nồi đất rất xưa cũng được lấy lên từ rạch Giồng Đá. 1 chiếc đã mẻ 1 phần ở vành miệng có nhiều mảng đã đen sạm, 1 chiếc còn nguyên màu trắng. Ông suy đoán: “Coi bộ 2 cái nồi đất này thì 1 cái đã dùng để nấu nướng còn 1 cái thì chưa”? Cũng vui vui với suy đoán này vì ông đâu phải là 1 nhà khảo cổ?! Ngoài những mảnh xương voi, xương cọp, gạc nai cùng 2 hiện vật gốm mà chúng tôi cho rằng có niên đại từ nền văn hoá Óc Eo, Thiên Phước cổ tự vẫn còn khá nhiều hiện vật khác mà Hoà thượng Thích Trí Phát đã bỏ công sưu tầm là: những bộ vòng gặt đủ kiểu, các kiểu dao phát cỏ, lưỡi cày.v.v… Tin rằng chỉ trong thời gian gần đây thôi, ước nguyện giản dị nhưng cũng rất thiết thực của ông là sẽ lập được 1 chỗ để lưu giữ những hiện vật của một thời “mở đất, khẩn hoang ở thôn Xuân Hoà và vùng phụ cận” trở thành hiện hiện thực.

Hoà thượng Thích Trí Phát giới thiệu với tác giả địa điểm đoàn khảo cổ Viện Viễn Đông bác cổ đã đào hố thám sát

Những câu chuyện hấp dẫn của miệt đất vườn Xuân Hoà vẫn còn nhiều, nhiều lắm. Những ai muốn khám phá về một thời mở đất của cha ông, mục kích những hiện vật, những bằng chứng sống động của một thời mở đất hào hùng hiện vẫn còn được người Xuân Hoà lưu giữ qua những câu chuyện kể, những hiện vật, những di tích cụ thể thì hãy dành thời gian để ngược lên Xuân Hoà, một vùng quê yên bình bên bờ Hậu Giang thơ mộng.


Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Đình Phú Hữu - một thiết chế cần được khôi phục và bảo tồn trong không gian Văn hoá vùng Đại Ngãi

Nói đến một trong những khu vực tiềm năng về mặt kinh tế ở phía Nam sông Hậu thì Đại Ngãi, Long Đức là những khu vực được nhiều người biết đến và kì vọng. Đại Ngãi thì đã nổi tiếng với cái tên Vàm Tấn-một thương cảng lớn từ thế kỉ XVII, Long Đức mới đây được xây nhà máy nhiệt điện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, nếu nói về văn hoá và các giá trị của một vùng đất còn giữ được nhiều đặc điểm của quá trình khai phá đất Sóc Trăng thì phải nhắc đến Phú Hữu, một thôn đã được ghi danh trong đợt đạc điền của triều Nguyễn vào đầu thế kỉ XIX, và hiện nay là xã Phú Hữu, huyện Long Phú.
Đình làng “ngăn tàu giặc” và cặp câu đối…
Làng Phú Hữu khi xưa được lập nên bởi những cư dân miền trung vào miền Nam khai khẩn, họ có thể là những người lính hay những người nông dân theo chế độ đồn điền của triều Nguyễn đến để khai hoang, lập ấp. Phú Hữu xưa là một thôn lớn, có đình làng, dân cư trù phú, nhiều gia đình có truyền thống về khoa cử và học hành đỗ đạt. Theo Địa chí tỉnh Sóc Trăng, năm 1830, sau một thời gian khai khẩn, Sóc Trăng lập được 1 tổng (Định Khánh) và 11 thôn. Trong đó, thôn Phú Hữu thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Địa bàn thôn Phú Hữu xưa được miêu tả bao gồm cả Long Đức ngày nay chạy theo con sông Hậu và giáp với các thôn: Châu Khánh, Đại Hữu. Những “dấu tích” vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn ở đình làng Phú Hữu. Đó là nội dung cặp câu đối được chạm trên gỗ, thếp vàng ở long trụ đình Phú Hữu:
Phú bảo nhất thôn đại tiểu đồng khâm thánh đức
Hữu đà tứ ấp nông thương cộng ngưỡng thần ân
Tạm dịch:
Giữ lấy sự giàu có của một làng, trẻ già cùng kính trông thánh đức
Kéo lại sự trù phú của bốn ấp, nông dân lẫn thương nhân cùng kính trọng thần ân.
Long trụ và câu đối ở đình làng Phú Hữu - ảnh Cao Long.
Có thể đi t đường Tnh 933 (đoạn ở xã Tân Thnh) vào để đến đình Phú Hu; hoặc t cu Đại Ngãi r phi theo đường mới mở đi về Tân Thạnh, t khu đin lc Long Đức đi đường thuỷ theo lối sông Đại Ngãi cũng có thể đến được... Khu đình chính chia làm hai phn: Phn ngoài là khu làm vic ca hi đồng làng-xã, có kê bàn ghế, ch ngi để tiếp khách. Kết cu theo li t tr, chính gia có 4 cây ct tròn (02 cây phía trong chm rng, 02 cây phía ngoài hình tròn, không chm nhưng có viết hai câu đối). Gian trong (gian chính) có kết cu gn ging vi khu ngoài nhưng có vách - đây chính là gian th thần. Gian chính cũng được dựng theo lối “Tứ trụ”, đỡ giàn kèo bởi bốn cột gỗ quý có chạm nổi hình rồng (long trụ) và kèm bốn câu đối. Theo những vị cao niên trong Ban Quý tế, bốn cột gỗ căm xe này có từ lúc cất ngôi đình đầu tiên. Sau đó, trong những ngày “Tiêu thổ kháng chiến” chống Pháp (1945), dân làng dỡ ngôi đình, toàn bộ phần gỗ và đá, gạch kê chân cột của đình được mang đi đắp cảng ngăn tàu giặc ngay đầu vàm Phú Hữu, đến nay vẫn còn dấu tích cây gỗ và gạch có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi nước ròng. 4 cây long trụ được đem giấu và dùng lại khi dựng lại ngôi đình.
Phía trong cùng là nơi th Thành Hoàng bn cnh vi ch “Thn” rt ln bày trong 01 trang thờ riêng, phía dưới ch “thn” là hp ph khăn điu đựng sc phong Thành Hoàng. Hai bên là bàn th T ban và Hu ban, hiu là các v h tr thn Thành Hoàng trong cai qun vùng đất. Các câu đối ở bàn thờ Tả ban và Hữu ban đều đã được phiên âm Hán Việt và viết vào mảnh giấy dán bên cạnh. Cách làm này là để cho những ai có quan tâm có thể đọc được dù không hiểu lắm chữ Hán. 

…thông điệp của người xưa
Đáng lưu ý nhất trong gian th thn là 02 bàn th kế tiếp nhau cùng đề 4 ch “Binh Đinh Nhân Đin”. Bàn thờ thứ nhất có 02 câu đối và phía trên 4 chữ ấy có đề “Liệt Sĩ Linh Đường”. Đây có thể hiểu là bàn thờ những anh hùng liệt sĩ, có công đối việc bảo vệ xóm làng, một tập tục phổ biến trong các đình ở Nam bộ, nhất là sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bàn thờ thứ 2 có 4 câu đối, không có chữ phía trên. Riêng các bàn thờ “Binh Đinh Nhân Điền” này không có người viết phiên âm hán Việt.
Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng ban hội đồng; ông Nguyễn Văn Ẩn, phó chánh bái đang làm lễ thỉnh sắc - ảnh Cao Long.
Ở phần lớn những ngôi đình khác thì ngoài dòng chữ “Tiền hiền-Hậu hiền” là bài vị thì ở đây lại ghi rõ 4 chữ đã nêu ở trên ở cả 2 bàn thờ!? Đây phải chăng chính là mấu chốt để trả lời cho câu hỏi: “Ai là những người đầu tiên khái phá vùng đất này và lập nên làng Phú Hữu”!? Phải chăng, những người đầu tiên có công khai phá vùng đất này chính là những “Binh Đinh” được triều đình chu cấp lương thực, dụng cụ sản xuất và cử đến khẩn hoang vùng đất này theo “cơ chế đồn điền” được áp dụng đầu tiên vào thời Minh Mạng và sau này, được vua Tự Đức tiếp tục áp dụng để khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất Nam bộ trước nguy cơ xâm lược của giặc Pháp!? Cư dân của những đồn điền này bình thường thì khẩn đất, làm nông, nhưng khi triều đình cần hoặc khi xảy ra “biến cố” thì họ lại trở thành những người lính của triều đình. Ngoài ra, những đồn điền này còn là những cứ điểm quân sự, có chức năng phòng thủ và bảo vệ tại những vùng đất trọng yếu (như vùng cửa sông lớn đi nhiều ngả chẳng hạn…). (Xem thêm: Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng, Choi Byung Wook, NXB Thế Giới; Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam, NXB trẻ).
Đình Phú Hữu-một di tích văn hoá, lịch sử cần được bảo tồn
Ngày 07/3/2013 chúng tôi đến đình Phú Hu. Ông Nguyn Văn Sơn, trưởng Ban Hi đồng; ông Nguyn Văn n, Phó Chánh bái cùng mt s v trong Hi đình cho biết: sc thn ch mang ra trong dp l cúng h đin. Tuy nhiên nhiu năm nay không “cử lễ phơi sắc” na vì việc bảo quản trong chiến tranh gặp nhiều khó khăn và cùng với thời gian, tấm sắc “Vua ban” cho đình Phú Hữu đã mục nát khoảng 1/3 và hiện nay, mỗi lần giở ra, giấy tiếp tục rách. Theo yêu cầu của chúng tôi, một nghi lễ “thỉnh sắc” đã được các vị trong Ban Hội đình tiến hành và chúng tôi đã tận mắt quan sát và chụp ảnh tấm sắc này. Phần chữ trên sắc phong còn lại tương đối rõ địa danh thôn và huyện được sắc phong.
Bản sắc phong hiện còn lưu giữ - ảnh Cao Long.
Chúng tôi cũng phát hiện một số sai sót mà theo chúng tôi cần phải được “sửa lại sớm”! Đó là ở vách bên phải có 02 bàn thờ đề tựa “Giác giác linh” và “Hậu giác linh”. Mỗi bàn đều có các câu đối. Giữa hai bàn thờ là một khung giấy, lộng kiếng, trong đó ghi lại danh sách những bậc tiên hiền và hậu hiền đã có công xây dựng đền. Ở đây, theo các vị trong Ban Quý tế cho biết, khi trùng tu ngôi đình, đã thuê một số người biết chữ Hán (trong đó có vị làm nghề thầy cúng, và một số người Hoa ở thị xã Sóc Trăng) chép lại. Do danh sách được chép trên giấy dó để lâu ngày, chữ bị mất nét nên người chép lại đã nhầm từ chữ “hiền” ()  thành chữ “giác” (), từ đó phiên âm thành “hậu giác dân” và “giác giác linh”, những câu chữ không có nghĩa khi đặt trong khung cảnh đình làng. Đúng ra phải là bàn thờ “tiên hiền” (những người có công khai khẩn, lập làng, xây đình, ...) và “hậu hiền” (những người có công bỏ tiền bạc, sức lực, lo các thủ tục để xin được sắc phong cho làng). Mặt khác, trong danh sách đã nêu cũng phiên âm sai tên của nhiều vị tiền bối ở làng Phú Hữu… Do đó, việc phiên âm và dịch sai ý nghĩa bàn thờ các bậc Tiên hiền và Hậu hiền, tên, chức vị của các vị tiền bối trong Ban Hội đình ở đình làng Phú Hữu xưa cần được cải chính sớm!
Có thể giờ đây, không còn nhiều người đọc được chữ trong sắc phong, nhưng qua hành động tôn kính một tờ sắc phong, vốn có tính chất chứng minh sự có mặt của làng trong sổ bộ của triều đình có thể thấy rằng - vai trò bảo tồn vốn văn hoá trong đình làng rất mạnh mẽ (xem thêm biên khảo: Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ). Tín ngưỡng thờ thành hoàng của người Việt hình thành trên cơ sở trân trọng, biết ơn tiền nhân, những người có công với làng, với nước, với dân…tồn tại song song với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy, nếu phát huy được vai trò của ngôi đình, nhiều vấn đề tưởng như khó lại rất dễ giải quyết đối với chính quyền địa phương (kiện tụng, tranh chấp, truyền bá chính sách, văn hoá thể thao, chuyển giao công nghệ.v.v.).
Dấu ấn và ngày phong sắc vẫn còn rõ nét - ảnh Cao Long.
Trước mắt để bảo tồn giá trị văn hoá và lịch sử của đình Phú Hữu trong không gian văn hoá khu vực Nam sông Hậu, thiết nghĩ cần khôi phục lại nguyên trạng ngôi đình xưa. Hiện bộ “long trụ” vẫn còn, giàn kèo, giàn trò bằng gỗ có thể bổ sung nếu thiếu; số cây gỗ, gạch đá đã dùng để “đắp cảng” ngăn tàu giặc khi xưa vẫn còn ở vàm sông Phú Hữu cần được khai quật và lưu giữ bởi đây chính là những chứng tích một thời hào hùng của quê hương Phú Hữu! Khuôn viên và đất của đình còn rộng, có thể xây thêm sân bóng đá, bóng chuyền ở phía sau đình, kéo dài khu “nhà việc” thành một kiểu như hội trường, đưa thư viện, sách báo vào khu này để con em Phú Hữu có thể đến đây học tập, bà con có thể trao đổi về kinh nghiệm sản xuất...
Tóm lại, thay vì xây một nhà văn hoá như một “hộp bê tông”, ít người tới lui, chúng ta có thể đầu tư mở rộng một ngôi đình, phát huy chức năng tập hợp và cố kết cộng đồng dân cư của ngôi đình làng. Đây cũng là một phương thức để thực sự phát huy vốn văn hoá của tiền nhân.
Để làm được việc đó, sự đầu tư của Nhà nước là không thể thiếu bên cạnh việc đóng góp của người dân Phú Hữu./.
Nhật Huy - Phương Quang