Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

Những niềm vui chưa trọn vẹn

Suốt mấy ngày qua, tin Nguyễn Ngân Giang - học sinh lớp 12A2, trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách(Sóc Trăng) thi đậu vào trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành sư phạm Vật lý - Tin học làm cho cả xóm nhà em vui như mở hội. Bà Đinh Thị Cúc - mẹ của Giang ngắm nhìn tấm giấy báo trúng tuyển in đậm tên con mà cứ ngỡ như đang mơ.

Bà Cúc nói với chúng tôi trong những giọt nước nước: “Gia đình cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ cho nó để được như ngày hôm nay. Nhưng nói thiệt là lo nhiều hơn mừng. Con đỗ đạt nhưng không biết rồi đây sẽ ra sao”?

Nguyễn Ngân Giang gặp bất hạnh từ khi chưa chào đời. Người cha vì không chịu nổi cảnh nghèo khó túng thiếu đã nhẫn tâm bỏ rơi mẹ em khi bà bụng mang dạ chửa. Nhà không có “cục đất chọi chim”, mẹ của em về quê xin ở đậu trên nền đất của người bà con ở ấp Hoà Phú, xã Xuân Hoà và đi làm mướn để sinh sống. Giang lớn lên trong tình thương của mẹ và sớm phải nhọc nhằn lao vào cuộc mưu sinh. 8 tuổi, Giang đã thạo việc ôm lúa, vác đất mướn… và quen với thời gian biểu: nửa buổi đi học, còn nửa buổi ngoài đồng. Khó khăn vất vả không làm chùn ý chí của cậu học trò nghèo. Liên tục 12 năm, Nguyễn Ngân Giang là gương mặt học sinh giỏi tiêu biểu của trường, của lớp, Giang 3 lần nhận học bổng “Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ” của tỉnh Sóc Trăng.

Giang tâm sự thật lòng cùng người viết: “ em không ngại chuyện làm thuê, làm mướn, làm những công việc nặng nhọc…miễn sao có tiền giúp mẹ và đi học. Chị hỏi học lực như vậy sao không chọn ngành khác? Em chọn ngành sư phạm để thi nếu thi đậu thì mình không phải đóng học phí và… Từ hòan cảnh của mình nên cũng muốn sau này nếu học xong, mình có thể giúp đỡ được những học sinh có hoàn cảnh nghèo khó giống như mình”. Ngày 24/8 vừa qua chúng tôi đến nhà thì Giang vẫn đang cùng Mẹ đi hái chanh mướn ở mấy mảnh vườn gần nhà.

Một hoàn cảnh cũng giống như Ngân Giang và cùng học chung lớp là hòan cảnh của Huỳnh Ngọc Phuỷ. Ít ai ngờ suốt 3 năm học ở trường cấp III An Lạc Thôn, cô học trò này chỉ đến lớp với duy nhất 1 chiếc áo dài trắng. Nhà Phuỷ có 8 chị em. Cha Phuỷ đi mua các loại trái cây dừa chuối…của bà con trong vườn về bán lại cho thương lái, thu nhập hàng ngày khoảng 30.000 đồng. Mẹ bán bắp xôi ngoài chợ và nhận làm thuê, làm mướn đủ việc, tiền công nhật cũng chỉ được thêm 5 - 10.000đồng. Gặp lúc các con ốm đau bệnh tật, hoặc trời mưa dầm cha, không đi làm được, mẹ Phủy phải vai nợ nặng lãi bên ngoài, nhà em hầu như luôn lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Dẫu phải đói ăn, thiếu mặc nhưng chị em Ngọc Phuỷ luôn nhắc nhở nhau chăm ngoan, hiếu học. Chị thứ tư của Phủy hiện đang là sinh viên Trường Đại học Dân lập Vĩnh Long, chị thứ năm học trung cấp Luật ở Cần Thơ. Riêng thành tích học tập của Ngọc Phuỷ cũng thật xuất sắc: liên tiếp 12 năm là học sinh tiên tiến, đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý lớp 12. Em cũng vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành cử nhân Văn.

Có lẽ những khó khăn, vất vả của đời thường đã tạo cho cô bé này một tính cách mạnh mẽ. Em nói:- Dù hòan cảnh gia đình em khó khăn nhưng thật sự là em không cảm thấy mặc cảm trước bạn bè, chỉ cố gắng học sao cho bằng hoặc hơn bạn. Nhưng điều mà em tâm niệm là phải cố gắng học giỏi để cha mẹ vui lòng.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên chủ nhiệm 12A2 nói cùng chúng tôi:

- Lớp mà tôi chủ nhiệm năm nay có 8 học sinh thi đậu vào đại học nhưng hầu hết các em đều nghèo. Riêng với hai em Phuỷ và Giang thì tôi và ban giám hiệu đều khẳng định là rất chăm ngoan. Thế những với điều kiện của một trường vùng sâu, còn rất nhiều khó khăn thì ngòai những chuyện trong tầm tay như giúp đỡ chút ít vật chất để các em đi thi, đăng ký ở trọ miễn phí theo chương trình của Báo Lao Động thì các thầy, cô ở trường cũng còn khó khăn. Tôi mong các em nhận được sự giúp đỡ của mọi người để con đường vào đại học của các em bớt chút gập ghềnh.

Đầu tháng 9 này, Giang và Phuỷ đã phải tập trung lên trường Đại học Cần Thơ để làm thủ tục nhập học. Theo chuyên ngành đào tạo, thì Ngân Giang và ngọc Phủy không phải đóng học phí, nhưng còn các khoản chi phí sinh hoạt ăn ở trong thời gian các em trọ học xa nhà đang là gánh nặng đối với các gia đình. Mong sẽ có những vòng tay nhân ái giúp cho Ngọc Phuỷ, Ngân Giang có điều kiện để có thể bước chân vào giảng đường Đại học.

27/8/2007 - Kim Hoàng

Bài viết này sử dụng được sự cho phép của tác giả Kim Hòang

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

Cháy rồi mới thấy..


Vụ hoả hoạn ở chùa Mahatup (tức chùa Dơi), phường 3, TP.Sóc Trăng đã thiêu rụi toàn bộ vật dụng phục vụ việc thờ phụng và sinh hoạt của ngôi chánh điện. Vòm mái chánh điện hư hỏng nặng. chỉ riêng thiệt hại về vật chất ở khu chánh điện là hơn 500 triệu đồng, chưa tính tới những giá trị văn hóa về tinh thần, tín ngưỡng và kèm theo đó là giá trị về văn hóa cổ truyền là vô giá. Vậy nhưng việc phục hồi lại khu chánh điện quả thực là không đơn giản vì kinh phí ước tính từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.

Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để “trùng tu” ngôi chánh điện..

Phát biểu ngay sau khi đến khảo sát hiện trường vụ hỏa hoạn, thăm hỏi các vị sư sãi và hội đồng quản trị chùa Maha Tup(chùa Dơi), ông Huỳnh Thành Hiệp - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã đã khẳng định “Chánh điện chùa Mã Tộc cần phải trùng tu, sửa chữa lại càng sớm càng tốt vì đây là một di tích văn hóa đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng. Kinh phí sẽ được thực hiện theo phương án “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Nhưng cái chính vẫn là sự tự lực của bà con trong bổn sóc và hội đồng quản trị chùa”.

Cũng cần nhắc lại một chi tiết là ngôi chánh điện này được chính Thượng tọa Lâm Riêne cùng các vị sư và những nghệ nhân trong bổn sóc tự tay xây dựng (bắt đầu vào năm 1968) trên nền của ngôi chánh điện cũ được xây chủ yếu bằng vật liệu vôi vữa và gỗ. Còn phần lớn những mái chánh điện của các chùa khơmer ở Sóc Trăng sau này ở chánh điện của những ngôi chùa khác đều được đúc bê tông luôn cả 3 lớp mái. Nhưng nét cổ kính và vẻ đẹp thuần kiết Khmer nam bộ như chánh điện chùa Maha Tup thật hiếm. Nhưng tất cả đều có một nét chung là bàn thờ Phật ở chánh điện đều được trang hoàng với nhiều lọng, tán, diềm vải sặc cùng các khung ban thờ bằng gô nên đây chính là những vật dụng cực kỳ dễ bắt lửa và nếu có đèn cầy ngã đổ.

Ngày 16/8, khi đề cập lại vấn đề hỏa họan ở chánh điện chùa Maha Tup, đại đức Diệp Phi-trụ trì chùa Kos Tung ở huyện Cù Lao Dung đã cho biết “Những việc sơ suất vào mùa kiết hạ cũng đã từng xảy ra ở một số chùa. Khi gặp nhau ở các kỳ hội họp thì các ông Lục (Đại đức, Thượng tọa) vẫn thường hay nhắc nhở nhau vì đã có một số vụ cháy xảy ra nhưng được chữa kịp do phát hiện sớm”. Chính vì vậy mà ở chùa Kostung hiện nay, nhà chùa đều cắt cử người kiểm tra, theo dõi kỹ lưỡng các ban thờ phụng cả trước, trong và sau khi đã lên đèn nhang cúng tế, đặc biệt là trong mùa Kiết Hạ”.

Cần lưu tâm đến những bảo vật vô giá về văn hóa

Sóc Trăng có 92 ngôi chùa Khmer và điều này cũng đồng nghĩa với 92 ngôi chánh điện, nơi lưu giữ những hiện vật quý về nét văn hóa độc đáo của người Khmer nam bộ. Như 45 tượng Phật Thích Ca làm từ nhiều chất liệu như ciment, gỗ, đồng, đá trắng, đất nung,… hầu hết được chạm trổ, sơn son thếp vàng ở chánh điện chùa Khleang; Chùa Sóc Dồ thuộc huyện Mỹ Tú đang lưu giữ những dòng kinh Phật cổ được chạm khắc trên lá thốt nốt từ xa xưa nhưng vẫn còn rõ nét. Chùa Sà lôn ở Mỹ Xuyên vẫn còn giữ rất nhiều những hiện vật bằng gỗ quý như giường ngủ, bộ đôn, bàn ghế được chạm trổ tinh vi từ thế kỷ 18-19 khi những người Hoa vừa đến đây lập nghiệp đã cúng vào nhà chùa, phảnh ánh đậm nét “giao thoa văn hóa” giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở vùng đất này. Hay như chùa Tùm Núp ở xã An Ninh, huyện Mỹ Tú mang đậm phong cách thiết kế của người pháp hồi đầu thế kỷ 19. Ngòai những bảo vật bằng bạc, ngà voi có tính chất tôn giáo, tín ngưỡng, nơi đây còn lưu giữ được trên 100 cây đèn dầu “Hoa Kỳ” đủ kiểu. Một thông tin đáng chú ý khác. Trong số hơn 13 ngàn hiện vật có giá trị mà Bảo tàng Sóc Trăng đang cất giữ và trưng bày thì đã có đến trên 50% hiện vật của đồng bào Khmer và các nhà chùa hiến tặng.

Chính vậy, sau vụ hỏa họan ở chùa Maha Tup, đã đến lúc chúng ta cùng nghiêm túc xem lại cảnh báo về khả năng hỏa hoạn cao ở một số khu chánh điện và đề nghị một số nhà chùa nên lắp đặt hệ thống cứu hỏa tự động mà Sở khoa học-công nghệ và môi trường Sóc Trăng đã đề xuất từ những năm trước.

Sau vụ hỏa hoạn này thì mới thấy đây là một đề xuất hợp lý bởi lẽ - những giá trị văn hóa về tinh thần, tín ngưỡng và kèm theo đó là giá trị về văn hóa cổ truyền là vô giá.

PS/ Híc..híc..Hôm chùa cháy. Mình vào ngay định xem có con Dơi nào bị “cháy dốt dốt” để mang về làm “..bữa trưa”. Vậy mà chẳng có con nào bị hết. Vì bởi đàn Dơi trú ngụ ở xa khu chánh điện. Vậy là buổi chiều…rủ thêm mấy thằng bạn xuống quán Lâm đường 30/4 làm bữa cháo Dơi để…chia buồn cùng mấy ông Lục. Híc..híc…

Phương Quang