Cổ Cò... ngã ba hay ngã tư?
Khi chuẩn bị thực hiện tập ký sự này, chúng tôi thật bối rối khi tham khảo ảnh chụp Ngã ba Cổ Cò của Google eath và so sánh với những tấm bản đồ xưa mà chúng tôi có trong tay? Đó là bản đồ tỉnh Sóc Trăng năm 1868 và bản đồ tỉnh Bạc Liêu trong Địa chí tỉnh Bạc Liêu in năm 1925. Cổ Cò ngày xưa thuộc làng Hoà Tú... mà làng Hoà Tú xưa thì rộng lắm, trải từ Cổ Cò đến giáp giới các làng Tuân Tức, Lâm Kiết và Mỹ Phước.
Vàm Cổ Cò nhìn từ hướng Tổ đình Quốc Tổ. (Ngã sông bên trái là Kinh Mới, Ngã Sông bên phải đổ về Vàm Lẽo) - ảnh Cao Long.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lương Đắc Châu (68 tuổi), cũng ở Hoà Tú 1 giải thích cặn kẽ hơn:
- Tại sao gọi là ngã ba. Bởi vì cửa Mỹ Thanh vô một ngả, đâm về Bạc Liêu một ngả… Đâm về Mỹ Xuyên, vàm Tho đó… một ngả. Vàm Tho về Mỹ Xuyên. Thì ba ngả này hợp lại thành ngã ba Cổ Cò.
Nếu nhìn từ trên cao xuống thì thật rõ là vàm sông mang hình dáng ngã tư, nhưng với Lâm Huy - quay phim đi cùng tôi thì đúng là thật khó để tìm một góc ghi hình có thể khả dĩ miêu tả được hình ảnh đó dù đứng ở đâu trên vàm sông này... Cũng thật khó cho người quay phim nếu muốn diễn đạt bằng ngôn ngữ hình ảnh toàn cảnh vàm sông này chỉ với 1 vài khung hình. Chúng tôi đành chọn cách - khảo sát từng nhánh sông. Trước tiên là ngã đi về Vàm Lẽo-Bạc Liêu.
Là một chi lưu tự nhiên của cửa biển Mỹ Thanh nên Vàm Lẽo cũng quanh co, ngoằn nghèo với những đám là dừa nước, rau mui, rừng sát dọc 2 bờ. Cho đến thời điểm này, vùng này vẫn còn “đất rộng, người thưa”... Nghề đóng đáy trên đoạn sông này đến giờ xem ra vẫn còn “thịnh’’ bởi cá, tôm vẫn còn dồi dào dù cho có ít hơn xưa. Những ngôi miếu nhỏ thờ bà, thờ thuỷ long công chúa thi thoảng lại hiện ra ở một khúc quanh. Tham khảo những nguồn sử liệu cho thấy - ngày trước, con rạch này là tuyến đường thuỷ nội điạ độc đạo nối liền vùng đất Bạc Liêu với Sông Hậu, Sông Tiền và cả biển Đông. Từng là con đường để người Việt từ miệt Tiền Giang, người Hoa từ Sài Gòn-Bến Nghé … về miệt Bạc Liêu khai làng, dựng ấp.
Ngã sông thứ 2 mà chúng tôi khảo sát có tên Kinh Mới. Chạy từ Cổ Cò về Phạm Kiểu-Vĩnh Hiệp rồi xuôi về tới TX.Vĩnh Châu. Đã là kinh đào thì hiển nhiên thẳng tắp, khác hẳn những đường nước tự nhiên ngoằn nghèo, quanh co uốn lượn. Dù là kênh đào nhưng hai bên bờ kênh, những cây bền, cây mắm cũng đã dọc dày và chỉ cần nhìn vóc dáng của cây, hẳn ta cũng biết được “tuổi’’ của con kênh này. Biết rằng đã được đào từ khá lâu, nhưng là vào quãng thời gian nào thì chắc phải nhờ đến những vị cao niên ở vùng đất này chỉ giáo.
Cụ Châu Văn Háo kể cùng chúng tôi câu chuyện xưa về con kênh này: “Hồi trước muốn vô Vĩnh Châu thì mình phải đi đường sông vô vàm Trà Nho. Sau đó đào con kinh này sắn vô ngay đó thì kêu bằng Kinh Mới… kinh đào. Còn Vàm Lẽo thì đi về Bạc Liêu. Tôi hỏi: - Lúc Củ còn thanh niên trai tráng thì con kênh này đào chưa? Cụ Châu Háo: - Trước đó lâu lắm rồi. Bà già tui bây giờ tính ra một trăm mấy rồi mà bả kể hồi mới dời nhà ra Kinh Mới ở thì khi nước ròng sát thì chỉ việc săn quần lội qua. Mà bây giờ nó cỡ đó đó…
Vậy là đã rõ, ngã thứ tư của vàm Cổ Cò là một con kênh được đào sau này vào thời pháp thuộc trong công cuộc khai phá đất Nam Kỳ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, có thể con kênh này được đào sau năm 1925 vì khi tra cứu Địa chí tỉnh Bạc Liêu-in năm 1925, con kênh này vẫn chưa xuất hiện trên bản đồ. Có lẽ lúc mới khởi đào, con kinh này chỉ phục vụ cho quá trình khẩn hoang, tiêu thoát nước để trồng lúa kiểu như một con kênh nội đồng hoặc kênh cấp 3 ngày nay... Qua thời gian cùng quá trình mở rộng sản xuất nên con kinh mới ngày càng được mở rộng và có quy mô như ngày hôm nay, đã trở thành một tuyến đường thủy quan trọng trong toàn vùng.
Vậy là những thắc mắc của chúng tôi đã được giải đáp - gọi vàm Cổ Cò là ngã ba theo cách gọi của người xưa -hay gọi là ngã tư đều đúng cả!
Vụng nước xoáy và miếu thờ Bà Thiên Hậu
Vàm Cổ Cò xưa vốn là nơi “sông sâu nước chảy” và đầy cá dữ. Trong sách của các nhà khảo cứu lịch sử nổi tiếng như Sơn Nam, Vương Hồng Sển đã ghi nhận: ngã ba Vàm Lẽo, Cổ Cò… là nơi ngày xưa có nhiều cá sấu. Cho đến tận năm 1904-sách Địa chí Sóc Trăng vẫn còn ghi nhận về sự quậy phá của cá sấu ở vùng này.
Toàn cảnh Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng - ảnh Cao Long.
Ngay cả đến bây giờ xoáy nước ấy vẫn còn dù đã nhỏ hơn ngày xưa nhiều. Có lẽ hệ thống thuỷ lợi cùng với những con kênh đào ngang, xẻ dọc ngày càng nhiều đã giảm bớt áp lực nước đổ về đây? Rất tiếc là hôm chúng tôi ghi hình thì vào ngay con nước kém nên xoáy nước không rõ ràng lắm, chỉ là một xoáy nước có đường kính hơn 15m, xoay vòng kéo theo những giề Lục Bình xoay tròn, nhưng theo cư dân ở đây thì vào những con nước rong, nước lớn... xoáy nước này vẫn thừa sức nhấn chìm những mảng lục bình lớn xuống đáy sông!?
Tượng và ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng trước tổ đình - ảnh Cao Long.
Tổ đình Quốc tổ Lạc Hồng
Đến vàm chơi Cổ Cò, hẳn cũng nên dành thời gian đến thăm Tổ đình Quốc tổ Lạc Hồng được dựng ở vàm sông phía đối diện với chợ Cổ Cò. Tổ đình toạ lạc ở ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Mỹ Xuyên. Có thể nói đây là một ngôi đền độc đáo ở Sóc Trăng và khu vực nam Hậu Giang. Tuy chỉ là một ngôi đền nhỏ, được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng đến thăm ngôi đình này, chúng ta hẳn sẽ có một cảm giác thật ấm áp khi nghĩ về tổ tiên và quê hương, về nghĩa tình dân tộc.
Toàn cảnh ban thờ Quốc Tổ - ảnh Cao Long.
Tổ đình Quốc tổ được xây dựng vào khoảng năm 1970 của thế kỷ XX. Mục đích của những người xây dựng ngôi đình này là để nhắc nhở con cháu: làm người phải nhớ đến nguồn gốc. Tất cả người Việt đều là anh em có chung một tổ tiên nên trong quan hệ đối xử phải có tình tương thân, tương ái... giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau và xóa đi những tị hiềm. Ý nghĩa sâu xa hơn là mong ước một đất nước thống nhất và thanh bình. Thay vì xuân thu nhị kỳ cúng tế như các ngôi đình thờ thành hoàng bổn cảnh khác, Tổ đình thờ Quốc tổ chỉ cúng tế mỗi năm một lần đúng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương.
2 câu thơ được bày trong tổ đình - ảnh Cao Long.
Những câu đối, câu giáo huấn được trưng bày trong Tổ đình đều có ý nghĩa giáo huấn và ghi nhớ về lịch sử, về nòi giống rồng tiên với lối văn vần giản dị, mong muốn sao cho tất cả mọi người đều hiểu được tâm ý “cùng một gốc phải nhớ đến công đức sinh thành”. “Công cha cắt rún thương nòi giống - tình mẹ chôn nhau nhớ cội nguồn; Lạc Long thánh vũ chỉ dụ đại đồng - Quân phụ thần uy sắc ghi văn hiến”. Thật ấn tượng khi ta đọc được những câu: “Trải bao thế hệ vẫn oai hùng, dựng nước vua Hùng mở sử cương, Hào kiệt anh thư thề nối nghiệp, từ trong bọc trứng nở yêu thương”. Một câu khác “Từ thưở Hồng Bàng Việt Quốc khai, Vua - Tôi đồng tắm dải sông dài, cùng nghe chim hót vui ca hát, mà cũng đâu lưng để cấy cày”.
Tác giả thắp nén nhang trước tượng mẹ Âu Cơ.
Đến chơi chợ Cổ Cò, khám phá những nhánh sông làm nên ngã ba-ngã tư Cổ Cò, hãy dành một khoảng thời gian để viếng thăm Tổ đình Quốc tổ Lạc Hồng, để khám phá những nét độc đáo của ngôi đền thờ quốc tổ nơi vàm sông là điểm cuối cùng của rạch Cổ Cò và cũng là điểm khởi đầu của dòng sông Mỹ Thanh với bao huyền thoại của một thời mở đất.
Trong kỳ 9 - kỳ cuối cùng của loạt ký sự: Mỹ Thanh Du Ký, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn về Làng Hòa Tú xưa cùng ngôi đình làng nổi tiếng, nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 ở tỉnh Sóc Trăng./.