Nói
đến một trong những khu vực tiềm năng về mặt kinh tế ở phía Nam sông
Hậu thì Đại Ngãi, Long Đức là những khu vực được nhiều người biết đến và
kì vọng. Đại Ngãi thì đã nổi tiếng với cái tên Vàm Tấn-một thương cảng
lớn từ thế kỉ XVII, Long Đức mới đây được xây nhà máy nhiệt điện đầu
tiên của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, nếu nói về văn hoá và các giá trị
của một vùng đất còn giữ được nhiều đặc điểm của quá trình khai phá đất
Sóc Trăng thì phải nhắc đến Phú Hữu, một thôn đã được ghi danh trong đợt
đạc điền của triều Nguyễn vào đầu thế kỉ XIX, và hiện nay là xã Phú
Hữu, huyện Long Phú.
Đình làng “ngăn tàu giặc” và cặp câu đối…
Làng Phú Hữu khi xưa được lập nên bởi những cư dân
miền trung vào miền Nam khai khẩn, họ có thể là những người lính hay những người
nông dân theo chế độ đồn điền của triều Nguyễn đến để khai hoang, lập ấp. Phú Hữu
xưa là một thôn lớn, có đình làng, dân cư trù phú, nhiều gia đình có truyền thống
về khoa cử và học hành đỗ đạt. Theo Địa chí tỉnh Sóc Trăng, năm 1830, sau một
thời gian khai khẩn, Sóc Trăng lập được 1 tổng (Định Khánh) và 11 thôn. Trong
đó, thôn Phú Hữu thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Địa bàn
thôn Phú Hữu xưa được miêu tả bao gồm cả Long Đức ngày nay chạy theo con sông Hậu
và giáp với các thôn: Châu Khánh, Đại Hữu. Những “dấu tích” vẫn còn được lưu giữ
khá nguyên vẹn ở đình làng Phú Hữu. Đó là nội dung cặp câu đối được chạm trên
gỗ, thếp vàng ở long trụ đình Phú Hữu:
Phú bảo nhất thôn đại tiểu đồng khâm thánh đức
Hữu đà tứ ấp nông thương cộng ngưỡng thần ân
Tạm dịch:
Giữ lấy sự giàu có của một làng, trẻ già cùng
kính trông thánh đức
Kéo
lại sự trù phú của bốn ấp, nông dân lẫn thương nhân cùng kính trọng thần ân.
Long trụ và câu đối ở đình làng Phú Hữu - ảnh Cao Long.
Có thể đi từ đường Tỉnh 933 (đoạn ở xã Tân Thạnh) vào để đến đình Phú Hữu; hoặc từ cầu Đại Ngãi rẽ phải theo đường mới mở đi về Tân Thạnh, từ khu điện lực Long Đức đi đường thuỷ theo lối sông Đại Ngãi cũng có thể đến được...
Khu đình
chính
chia làm
hai phần:
Phần
ngoài là khu làm việc của hội đồng làng-xã, có kê bàn ghế, chỗ ngồi để tiếp khách. Kết cấu theo lối tứ trụ, chính giữa có 4 cây cột tròn (02 cây phía trong chạm rồng, 02 cây phía ngoài hình tròn, không chạm nhưng có viết hai câu đối). Gian trong (gian chính) có kết cấu gần giống với khu ngoài nhưng có vách - đây chính là gian thờ thần. Gian chính cũng được dựng theo lối “Tứ trụ”, đỡ giàn
kèo bởi bốn cột gỗ quý có chạm nổi hình rồng (long trụ) và kèm bốn câu đối.
Theo những vị cao niên trong Ban Quý tế, bốn cột gỗ căm xe này có từ lúc cất
ngôi đình đầu tiên. Sau đó, trong những ngày “Tiêu thổ kháng chiến” chống Pháp
(1945), dân làng dỡ ngôi đình, toàn bộ phần gỗ và đá, gạch kê chân cột của đình
được mang đi đắp cảng ngăn tàu giặc ngay đầu vàm Phú Hữu, đến nay vẫn còn dấu
tích cây gỗ và gạch có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi nước ròng. 4 cây long
trụ được đem giấu và dùng lại khi dựng lại ngôi đình.
Phía trong cùng là nơi thờ Thành Hoàng bổn cảnh với chữ “Thần” rất lớn bày trong 01 trang thờ riêng, phía dưới chữ “thần” là hộp phủ khăn điều đựng
sắc
phong Thành Hoàng. Hai bên là bàn thờ Tả ban và Hữu ban, hiểu là các vị hỗ trợ thần Thành Hoàng trong cai quản vùng đất. Các câu đối ở bàn thờ Tả ban và Hữu ban đều đã được
phiên âm Hán Việt và viết vào mảnh giấy dán bên cạnh. Cách làm này là để cho
những ai có quan tâm có thể đọc được dù không hiểu lắm chữ Hán.
…thông điệp của người xưa
Đáng lưu ý nhất trong gian
thờ thần là 02 bàn thờ kế tiếp nhau cùng đề 4 chữ “Binh Đinh Nhân Điền”. Bàn thờ thứ nhất có 02 câu đối và phía trên 4 chữ ấy
có đề “Liệt Sĩ Linh Đường”. Đây có thể hiểu là bàn thờ những anh hùng liệt sĩ,
có công đối việc bảo vệ xóm làng, một tập tục phổ biến trong các đình ở Nam bộ,
nhất là sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bàn thờ thứ 2 có 4 câu đối,
không có chữ phía trên. Riêng các bàn thờ “Binh Đinh Nhân Điền” này không có
người viết phiên âm hán Việt.
Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng ban hội đồng; ông Nguyễn Văn Ẩn, phó chánh bái đang làm lễ thỉnh sắc - ảnh Cao Long.
Ở phần lớn những ngôi đình khác thì ngoài dòng chữ “Tiền
hiền-Hậu hiền” là bài vị thì ở đây lại ghi rõ 4 chữ đã nêu ở trên ở cả 2 bàn
thờ!? Đây phải chăng chính là mấu chốt để trả lời cho câu hỏi: “Ai là những
người đầu tiên khái phá vùng đất này và lập nên làng Phú Hữu”!? Phải chăng, những người đầu
tiên có công khai phá vùng đất này chính là những “Binh Đinh” được triều đình
chu cấp lương thực, dụng cụ sản xuất và cử đến khẩn hoang vùng đất này theo “cơ
chế đồn điền” được áp dụng đầu tiên vào thời Minh Mạng và sau này, được vua Tự
Đức tiếp tục áp dụng để khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất Nam bộ trước nguy
cơ xâm lược của giặc Pháp!? Cư dân của những đồn điền này bình thường thì khẩn
đất, làm nông, nhưng khi triều đình cần hoặc khi xảy ra “biến cố” thì họ lại trở
thành những người lính của triều đình. Ngoài ra, những đồn điền này còn là những
cứ điểm quân sự, có chức năng phòng thủ và bảo vệ tại những vùng đất trọng yếu
(như vùng cửa sông lớn đi nhiều ngả chẳng hạn…). (Xem thêm: Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng, Choi Byung Wook, NXB Thế
Giới; Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam, NXB trẻ).
Đình Phú Hữu-một di tích
văn hoá, lịch sử cần được bảo tồn
Ngày 07/3/2013 chúng tôi đến đình Phú
Hữu. Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng Ban
Hội đồng; ông Nguyễn Văn Ẩn, Phó
Chánh bái cùng một số vị trong Hội đình cho
biết: sắc thần chỉ mang ra trong dịp lễ cúng hạ điền. Tuy
nhiên nhiều năm nay không “cử lễ phơi sắc” nữa vì việc bảo quản trong chiến tranh gặp nhiều khó khăn và cùng với thời
gian, tấm sắc “Vua
ban” cho đình Phú Hữu đã mục nát khoảng 1/3 và hiện nay, mỗi lần giở ra, giấy
tiếp tục rách. Theo yêu cầu của chúng tôi, một nghi lễ “thỉnh sắc” đã được các
vị trong Ban Hội đình tiến hành và chúng tôi đã tận mắt quan sát và chụp ảnh tấm
sắc này. Phần chữ trên sắc phong còn lại tương đối rõ địa danh thôn và huyện được
sắc phong.
Bản sắc phong hiện còn lưu giữ - ảnh Cao Long.
Chúng tôi cũng phát hiện một số sai sót mà theo
chúng tôi cần phải được “sửa lại sớm”! Đó là ở vách bên phải có 02 bàn thờ đề
tựa “Giác giác linh” và “Hậu giác linh”. Mỗi bàn đều có các câu đối. Giữa hai
bàn thờ là một khung giấy, lộng kiếng, trong đó ghi lại danh sách những bậc
tiên hiền và hậu hiền đã có công xây dựng đền. Ở đây, theo các vị trong Ban Quý
tế cho biết, khi trùng tu ngôi đình, đã thuê một số người biết chữ Hán (trong
đó có vị làm nghề thầy cúng, và một số người Hoa ở thị xã Sóc Trăng) chép lại.
Do danh sách được chép trên giấy dó để lâu ngày, chữ bị mất nét nên người chép
lại đã nhầm từ chữ “hiền” (賢) thành chữ “giác” (覺), từ đó phiên âm thành “hậu
giác dân” và “giác giác linh”, những câu chữ không có nghĩa khi đặt trong khung
cảnh đình làng. Đúng ra phải là bàn thờ “tiên hiền” (những người có công khai
khẩn, lập làng, xây đình, ...) và “hậu hiền” (những người có công bỏ tiền bạc,
sức lực, lo các thủ tục để xin được sắc phong cho làng). Mặt khác, trong danh
sách đã nêu cũng phiên âm sai tên của nhiều vị tiền bối ở làng Phú Hữu… Do đó,
việc phiên âm và dịch sai ý nghĩa bàn thờ các bậc Tiên hiền và Hậu hiền, tên,
chức vị của các vị tiền bối trong Ban Hội đình ở đình làng Phú Hữu xưa cần được
cải chính sớm!
Có thể giờ đây, không còn
nhiều người đọc được chữ trong sắc phong, nhưng qua hành động tôn kính một tờ sắc
phong, vốn có tính chất chứng minh sự có mặt của làng trong sổ bộ của triều
đình có thể thấy rằng - vai trò bảo tồn vốn văn hoá trong đình làng rất mạnh mẽ
(xem thêm biên khảo: Đình miếu & lễ hội
dân gian miền Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ). Tín ngưỡng thờ thành hoàng của người
Việt hình thành trên cơ sở trân trọng, biết ơn tiền nhân, những người có công với
làng, với nước, với dân…tồn tại song song với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Chính vì vậy, nếu phát huy được vai trò của ngôi đình, nhiều vấn đề tưởng như
khó lại rất dễ giải quyết đối với chính quyền địa phương (kiện tụng, tranh chấp,
truyền bá chính sách, văn hoá thể thao, chuyển giao công nghệ.v.v.).
Dấu ấn và ngày phong sắc vẫn còn rõ nét - ảnh Cao Long.
Trước mắt để bảo tồn giá trị
văn hoá và lịch sử của đình Phú Hữu trong không gian văn hoá khu vực Nam sông Hậu,
thiết nghĩ cần khôi phục lại nguyên trạng ngôi đình xưa. Hiện bộ “long trụ” vẫn
còn, giàn kèo, giàn trò bằng gỗ có thể bổ sung nếu thiếu; số cây gỗ, gạch đá đã
dùng để “đắp cảng” ngăn tàu giặc khi xưa vẫn còn ở vàm sông Phú Hữu cần được
khai quật và lưu giữ bởi đây chính là những chứng tích một thời hào hùng của
quê hương Phú Hữu! Khuôn viên và đất của đình còn rộng, có thể xây thêm sân
bóng đá, bóng chuyền ở phía sau đình, kéo dài khu “nhà việc” thành một kiểu như
hội trường, đưa thư viện, sách báo vào khu này để con em Phú Hữu có thể đến đây
học tập, bà con có thể trao đổi về kinh nghiệm sản xuất...
Tóm lại, thay vì xây một nhà
văn hoá như một “hộp bê tông”, ít người tới lui, chúng ta có thể đầu tư mở rộng
một ngôi đình, phát huy chức năng tập hợp và cố kết cộng đồng dân cư của ngôi
đình làng. Đây cũng là một phương thức để thực sự phát huy vốn văn hoá của tiền
nhân.
Để làm được việc đó, sự đầu
tư của Nhà nước là không thể thiếu bên cạnh việc đóng góp của người dân Phú Hữu./.
Nhật Huy - Phương Quang