Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Đố Thai - Vui vẻ xóm làng: Ước nguyện của “Ông Thầy Thai cuối cùng” của đất Bãi Xàu (kỳ cuối)

Chơi đố thai thường gắn liền với đình miếu vào dịp lễ tiết trong năm như lễ kỳ yên, thượng điền, hạ điền hay cúng rằm. Trò chơi này quen thuộc với không ít người ở TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) từ trước năm 45 của thế kỷ XX. Để tổ chức một đêm chơi thai không cần tốn nhiều tiền lắm, mỗi đêm chơi chỉ cần độ 1 hoặc 2 triệu đồng tiền sắm xanh quà thưởng là được. Vậy gốc tích của trò chơi này từ đâu?

Thai (xai) có nghĩa là… đố!
Nhà nghiên cứu văn hoá Huỳnh Ngọc Trảng với bài viết “Chơi thai đố” có tính chất biên khảo, đăng trên báo Tuổi Trẻ, đã phân tích sâu về trò chơi này -(http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/186541/Choi-thai-do.html). Ông kết luận - đây là trò chơi ức đoán của người xưa. Trong bài viết này, ông đã cung cấp 2 tư liệu quý về ý nghĩa và nguồn gốc của trò chơi này. Xin trích dẫn lại: “…trong thủ bút của cụ Trương Vĩnh Ký (hộp II, tập 15, Thư viện KHXH tại TP.HCM) có ghi lại mấy dòng: “Nhân ngày nguyên, trăng thanh gió mát, tạnh ráo, chủ bày ra kêu mấy anh em tới chơi. Chọn một người hay chữ giỏi làm thầy thai ra đề, cầm trống cho người ta nói thai. Người ta phất một lồng đèn vuông bằng giấy trắng. Bốn phía có viết đề thai dán lên trên đó. Đề thai hoặc “xuất danh”, “xuất vật dụng, khí dụng”, hay “xuất mộc”, “xuất thú”, hoặc “xuất tục diêu”, “bình Thúy kiều”, hay “xuất điển”, “chiết tự”... Ai nói trúng được, trúng ý đề thai nêu ra thì được thưởng. Mỗi đề đều nói rõ trước là sẽ thưởng vật gì như quạt, khăn vuông, hầu bao, giấy mực... Nói trúng thì đánh một hồi trống, nói trật thì gõ tang trống”.

Cụ Hai Bé rao mở đầu cuộc chơi thai đêm Rằm tháng 8 (2013)

Thai, còn đọc là xai, từ Hán Việt có nghĩa là: nghi, bói, định chừng. Huình Tịnh Của* trong Đại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn, 1896) đã cho biết như vậy. Ông còn định nghĩa: 1/ Ra thai: ra lời hai ba nghĩa làm như câu đố; 2/ Thầy thai: thầy ra câu đố, làm lời bóng dáng mà chỉ vật; 3/ Câu thai: câu đố. Đến đây thì đã rõ thai đố là như vậy”.

Thương cảng Bãi Xàu xưa, TT. Mỹ Xuyên ngày nay, xưa vốn là một vùng đất đô hội, nhộn nhịp bán buôn, phố chợ rộng rãi, sầm uất thì hẳn trò chơi đố thai thịnh hành từ xưa và tồn tại cho đến tận hôm nay âu cũng không phải là chuyện lạ. Một câu ca dân gian thịnh hành cho đến giờ vẫn nhắc về những “thầy thai” nổi danh ở xứ này: “Làng thai đẹp nhất tiền nhân. Xe, Sam, Lời, Hiếu danh gần, tiếng xa. Biện, Trọng lời đẹp xâu xa. Mỗi ông mỗi nét tinh hoa bốn mùa”. Xin trích vài câu thai của các vị tiền bối mà cụ Hai Bé vẫn còn giữ. Những câu thai (câu đố) nhưng chứa đựng đạo lý sống, lẽ ở đời. “Sông sâu đâu nỡ quên nguồn. Làm con đừng để đau buồn mẹ cha - Xuất địa danh; Muốn cho yên ấm gia đình. Đừng làm những chuyện bực mình với nhau - Xuất vật dụng; Thuốc chưng cách thủy lửa đều. Lửa già, thiếu lửa là điều không hay - Xuất quả…



Theo các vị cố cựu như: Ngô Chí Huỳnh, Nguyễn Văn Nhung thì trò chơi này tạm lắng vào năm 1972, lúc này chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn cao trào, chính quyền cũ không cho phép tụ tập đông người. Phải đến năm 1978-1979 thì mới bắt đầu chơi lại. Vì là để “vui xóm làng” nên có năm thì tổ chức ở Đình Thần Bãi Xàu, có năm thì tổ chức ở Miếu Bà Thuỷ Long, có khi thì ở Miếu tổ nghề Kim Hoàn. Còn trong khoảng hơn chục năm gần đây thì thường xuyên tổ chức ở Miếu Thành Hoàng Bãi Xàu vào dịp tết Trung thu. Trong những cuộc chơi này thì Cụ Trịnh Văn Bé (Hai Bé) luôn đảm nhiệm vai trò “thầy thai”. Với người mê chơi thai đố thì ông còn được đặt cho biệt danh “Ông thầy thai cuối cùng” của đất Bãi Xàu!

“Ông thầy thai” Hai Bé đang đệm trống giữ nhịp đọc thai.

Ước nguyện của “Ông Thầy Thai cuối cùng” của đất Bãi Xàu!
 
Rằm tháng 8 năm nay (19/9/2013 dương lịch), như mọi khi, Cụ Trịnh Văn Bé (Hai Bé) vẫn là “thầy thai” cầm trống điều khiển cuộc chơi đố thai ở Miếu Thành Hoàng Bãi Xàu. Mới 9 giờ nhưng trước sân Miếu Thành Hoàng đã lu bu 7-8 người trong Bang hội Miếu lo dựng rạp, treo đèn, bài trí sân chơi. Cụ Hai Bé qua lại chỉ đạo một anh thanh niên dán lên tấm bảng những câu thai đã có đánh số. Một chú nhóc 12-13 tuổi cũng đang lui cui chép câu thai để chút nữa lên “Gú-gồ” tra cứu. Quãng 10 giờ, 25 câu thai đã dán xong, lai rai có người đến xem và bàn tán…. thai mới, thai cũ, thai ế”!? Câu thai nằm trên cùng ở góc trái bảng thai được nhiều “lão làng chơi thai” nhận định là “câu thai thủ đài” - cụ thể như sau: “Một con heo nái ủi giồng khoai. Thong thả miệt mài kiếm củ nhai. Quanh quẩn một hồi dường như chán. Phẩy đuôi về trại bị xỏ tai - Xuất vật dụng”. Câu này thuộc dạng “thai ế” bởi hơn chục năm nay chưa ai giải được? Thật vui khi tôi gặp lại câu đố mà ngày xưa tôi đã học qua hồi cấp 1: “Vừa bằng thằng bé lên ba. Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng”. Quà thưởng năm nay là 30 phần, đổ đồng mỗi phần quá là 3 gói mì, 5 cuốn tập, 2 cây viết big. Ai không nhận quà thì lấy 1 gói thuốc lá…. con mèo.

Cụ Hai Bé tâm sự với tôi rằng “Ráng thêm 1 lần nữa cho vui xóm làng chớ bà xã và sắp nhỏ cũng cằn nhằn quá”. 

Đúng 19h, một hồi trống báo cuộc vui Đố Thai bắt đầu. Khai mào đầu tiên với câu thai khó là “Ông Lầu Bầu” Trịnh Văn Nhung với câu số 46 “Cảnh thế âu là cảnh tạm nương, cùng nhị chiếc quán ở bên đường. Người đời là kẻ dừng chân tạm. Rồi lại lui về nẻo viễn phương” - xuất bảng danh hiệu. “Ông Lầu Bầu” đưa đáp án là khách sạn? Sai! Nhường người khác. Xôm tụ có lẽ là đám trẻ nít khi xúm nhau vào câu thai “Ở dưới đít người ta mà đòi làm cha”? Những hồi trống báo gần đúng cổ vũ cho các đáp án, nào là ghế ngồi, ghế dựa, ghế tre…. và cuối cùng đáp án ghế bố lãnh giải. Cái “lý” của câu này thiệt ngộ “Thường xuyên ở dưới đít là cái ghế thì đúng rồi! Nhưng tên của cái ghế này nó nằm ở chữ cha mà ngoài Bắc gọi là bố. Vậy thì vật dụng này đúng là… cái ghế bố. Cái này kêu bằng “mượn văn” để gài vô trong kẹt”!

Một “cao thủ” đang “phá câu thai ế”.

Câu thai mà tôi tưởng là dễ “Vừa bằng thằng bé lên ba. Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng” hoá ra lại khó với đám trẻ bây giờ. Phải qua 5 lần gợi ý thì bọn trẻ mới đáp trúng là bó mạ. “Ông Thầy Thai” ta thán: “Phải rồi! Bây giờ mấy con coi bộ hổng nhìn thấy được bó mạ vì người ta làm lúa sạ chớ đâu còn làm lúa cấy như ngày xưa”? Cánh thanh niên có vẻ hứng chí với câu thai dạng “tục giảng thanh” “Eo lưng thắt đít. Đút con nít, con nít la. Đút bà già, bà già ứ hự. Đút con gái, con gái ừ” - xuất vật dụng. Sau 7 lượt trả lời thì cuối cùng đáp án đôi bông tai đã lãnh quà. 

Có thể nhận định: Thai đố là hình thức đối vui, ngoài tính giải trí trong những dịp lễ tết, cúng đình… thì đây còn là một hình thức “Đố vui để học” đã có từ xưa. Thai đố không chỉ tập cho mọi người tham gia cuộc chơi phải có sự suy luận nhanh, biết nhìn sự vật, sự việc ở góc nhìn tổng quát kết hợp với phép liên tưởng cao thì mới hòng giải đúng câu đố. Quan trọng hơn cả là tính chất cố kết cộng đồng, làng-xóm, răn dạy điều hay, lẽ phải, biết nhường nhịn trẻ nhỏ, biết kính kẻ trên, nhường người dưới qua một hình thức giải trí vui nhộn. Ở góc độ văn hoá dân gian, không ít câu thai đã trở thành những câu ca dao, tục ngữ được lưu truyền, rồi không ít những câu ca dao, tục ngữ hiện diện trong những câu thai đã đem đến sức sống mới, sinh động hơn của những câu ca dao, tục ngữ từ lời ăn tiếng nói và cả cách suy luận của dân gian.… Chuyện này hẳn những người yêu thích trò chơi này đều biết và họ đều có chung nỗi lo lắng “Liệu rồi đây khi “ông thầy thai cuối cùng của đất Bãi Xàu đi rồi thì sao”!? 


Cả miền Tây Nam bộ đến giờ này chắc chỉ còn đất Bãi Xàu là còn lưu giữ được nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của tiền nhân, nhưng để duy trì và phát huy loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo này thì rõ ràng - đây không thể chỉ là chuyện của một vài cá nhân đơn lẻ./.