Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

Việt Nam mình nó thế

Vào thư viện quốc gia nhiều lần, tôi phải nể mấy bác già cặm cụi đọc đọc ghi ghi. Hỏi chuyện thủ thư mới biết là nhiều bác đến khá đều đặn. Có những bác đến đọc báo tây, báo tàu. Có bác còn ngày ngày vác quyền sách dày cộp ra đọc, ghi chép rất cần mẫn. Mà tuổi nhiều bác ều đã thất, bát tuần cả. Có người xấp xỉ tuổi chín mươi nữa.
Hôm nay vào thư viện, tôi thấy một bác hơi đặc biệt. ông ngồi giở đến ba quyển sách Ngữ pháp tiếng Việt ra dò đọc từng đọan quyển này rồi lại nhảy sang dò đọc, quyển khác. có vẻ như ba quyển chưa đủ đối chiếu, ông lại trả quyển này mượn quyển khác (vì thư vện chỉ cho mượn mỗi lần ba quyển) Tò mò, thấy ông trả hết sách đi ra với vẻ chưa vừa bụng, tôi đi theo, lựa lời hỏi:
- bác nghiên cứu ngôn ngữ học hả bác?
Ông vừa hậm hực nhếch một nụ cười, vừa thanh minh:
- Tôi có biết mấy về ngôn ngữ học đâu!
- Em thấy bác nghiên cứu cả mấy bộ ngữ pháp mà!
- À, bực mình thì xem lão ấy nói có đúng không thôi.
- Bác nói thế nào, em không hiểu?
Nhìn vẻ quan tâm khá chân thành của tôi, ông chặc lượi:
- ông không hiểu là phải! Nhưng mà câu chuyện hơi dài dòng. Hay là ta ra chỗ ghế đá ngồi…
Chúng tôi ngồi chỗ ghế đá vườn hoa rợp bóng cổ thụ trong khuôn viên thư viện và ông đã kể về nỗi bực mình dẫn ông đến đây.
Ông có ông bạn gần nhà, cũng khá thân, thường có thể tâm tình nhiều chuyện. ông bạn cũng là người chịu đọc báo chí và trước cũng được học hành nhiều. Chỉ mỗi tội là hơi tiêu cực, buông xuôi. gặp chuyện gì bực mình cũng chỉ buông một câu “Việt Nam mình nó thế!”. Nhiều lúc ông rất bực.
Dạo trước đọc bài báo thấy một ông kêu chuyện thấy một chủ trương của ủy ban quận đưa ra bốc thăm nhà tái định cư không dưa vào diện tích bị thu hồi, ông gửi kiến nghị yêu cầu ông Chủ tịch Hội đồng nhân dân giám sát, ngăn chặn việc làm sai, ông lại nhận được văn bản trả lời của ông Bí thư quận ủy! Ông đem chuyện đó kể cho ông bạn nghe. Ông bạn buông luôn lời bình “Việt Nam mình nó thế!”. Ông bực, lườm một cái, bỏ về.
Hôm vừa rồi nghe chuyện ở quê, ông kể lại cho ông bạn nghe. Đó là chuyện do cơ cấu một đại diện doanh nghiệp vào cấp tỉnh, họ đưa một anh giám đốc xí nghiệp. Anh ta và xí nghiệp làm ăn bê bết chứ khá gì đâu, thế mà cũng được bầu. Rồi anh ta được phân công làm chủ tịch cả thành phố! Ông kể với tất cả bực dọc, thế mà ông bạn chả hưởng ứng, đồng thuận gì, còn buông một câu “Việt Nam mình nó thế!”. Ông bực quá gắt luôn:
- Ông buồn cười nhỉ? Như thế mà lúc nào cũng “Việt Nam mình nó thế”! Cònra thể thống gì nữa?
Ông bạn tủm tỉm:
- Nó thế thì tôi nói thế! Sao ông gắt tôi? Này tôi hỏi ông nhé: Cưa là lọai từ gì?
Bác đang bực cũng phải tòn mắt lên:
- Ông này buồn cười nhỉ. “Cưa” thì liên quan gì?
- Không, ông đã học ngữ pháp cả ta, cả tây rồi. Ông cứ trả lời tôi xem!
- Ừ thì trả lời! “Cưa”, “cái cưa” là danh từ chứ gì nữa.
- Ừ, nhưng ở câu “Tôi cưa khúc gỗ này” thì nó có là danh từ không?
- Sao là danh từ được? Là động từ!
- Đấy nhé! Tiếng Việt Nam mình nó thế. Lúc là danh từ, lúc là động từ! Tôi lại hỏi ông: “Cưa” làm những chức năng gì trong các câu sau: “Cái cưa này rất sắc”, “Anh cho tôi mượn cái cưa”…
- Lằng nhằng gì thế? Muốn gì nói toẹt ra đi!
- Ông không muốn trả lời thì tôi nói. Cũng là danh từ “cái cưa” nhưng nó có thể làm chủ ngữ. Lúc cần nó làm bổ ngữ. Có sao đâu nào! Tiếng Việt Nam mình nó thế!
Nói rồi ông bạn còn ghi cho ông cách mượn mấy quyển sách ngữ pháp ở thư viện tham khảo các đọan về chuyện đó để mà hiểu cái lý “Tiếng Việt Nam mình nó thế”.
Nghe ông kể, tôi bật cười:
- Bác đã đọc cả mấy chuyên gia ngữ pháp rồi, bác thấy bác kia nói có đúng không?
- Thì lão ấy nói đúng chứ sao! Tiếng tây nó không có chuyện nhập nhằng ấy. Lọai nào ra lọai ấy, có hình thức khác nhau rõ rệt. mà có làm nhiệm vụ gì thì cũng phải làm cho tử tế. Động từ “verbe” là phải chia theo ngôi, theo thì…không lơ tơ mơ…
Tôi hơi cười:
- Bác thấy người ta nói đúng sao bác còn hậm hực? Em thấy…
Ông thở dài:
- Mình hậm ực vì lão bảo. Việt Nam mình nó thế. Xã hội, con người cứ nhập nhằng. Bảo rằng họ tài cũng được, bảo rằng không đào tạo tử tế, sử dụng cho đúng đắn, là không tốt đều được. Cái nhập nhằng ấy nó ăn sâu vào nếp tư duy và nó biểu hiện ra ngôn ngữ là cái vỏ tư duy. Thế thì có gì mà phải kêu? Rồi ai cũng hiểu cả. Chưa ai vì cái chữ “cưa” không rạch ròi mà không hiểu nhau đâu nào!
Tôi lại cười:
- bác ấy lập luận lô-gích quá! Sao bác còn hậm hực?
- Lão ấy bậy! Ngôn ngữ là ngôn ngữ! Mà ngay ở ngôn ngữ, các nhà khoa học cũng đầu tư công sức để giúp mọi người đỡ nhập nhằng lộn xộn kia mà!
- Bác đã nói đến thế thì em chả biết nói gì thêm với bác!
8.2007

Bài này của tác giả Lê Dân, đăng ở mục Trà dư tửu hậu trên tạp chí Kiến Thức ngày nay số 616. Mình rất thích bài này nên chếp lên đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét