Thứ Hai, 30 tháng 10, 2006

Đi xem đua ghe ghe Ngo


Những truyền thuyết và những chuyện ít người biết quanh lễ hội “Ooc-om-boc”

L hi Oóc – om – bóc, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng năm nay s được t chc ti TX.Sóc Trăng, đon Sung Dinh trong hai ngày 4 và 5/11/2006. Ngày 4/11 s là cuc đua vòng loi ca các đội ghe Ngo n trong tnh. Ngày 5/11, chung kết đua ghe Ngo n và các ghe Ngo nam s chính thc tranh tài.

Lễ hội này chắc chắn rằng đã có nhiều người biết và đã đến chơi hội. Nhưng cũng có không ít chuyện mà ít người biết. Đầu tiên là “Lễ cúng Trăng”!?

Quanh lễ Cúng Trăng

Với người Khmer mặt trăng là một vị thần điều tiết và có ảnh hưởng lớn đến mùa màng. Để tưởng nhớ công ơn, vào dịp thu hoạch hoa màu họ làm lễ cúng trăng và được tổ chức thống nhất vào đúng đêm rằm tháng 10 tại khuôn viên chùa và cũng có thể ở nhà hoặc nhiều nhà cùng tập trung dâng lễ tại nơi rộng rãi, nhìn trọn vẹn được cả bầu trời đêm trăng rằm.

Thức cúng đặc biệt không thể thiếu trong lễ này là cốm dẹp, được quết từ lúa nếp. Trước lễ cả tháng nhà nhà đã lo chuẩn bị làm cốm dẹp. Các thiếu nữ, các bà chị ra ruộng nếp lựa từng bông lúa vừa chín tới, sau công đoạn rang sơ cho hạt lúa vừa “dẻo mình” nhưng không nổ hạt, các mẻ nếp được cho vào cối giã vừa tay làm hạt cốm trở nên dẹp mình và tróc vỏ trấu. Hình thức của cốm dẹp, cách làm gần giống như cách làm “Cốm vòng” ở ngoài đất bắc.

Lễ cúng trăng còn liên quan đến câu chuyện ngụ ngôn “Con thỏ và mặt trăng”. Xưa kia, thỏ từng là một kiếp hoá thân của Đức Phật sống bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ, không có gì làm phước, thỏ đốt lên đống lửa nhảy vào và nói “Mời người dùng thịt này”. Lửa bỗng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên mặt trăng. Vì vậy, lễ cúng trăng còn để tưởng nhớ đến tiền kiếp của Phật Thích ca.

Đêm rằm 14..ngay khi trăng vừa lên là các gia đình bắt đầu lễ cúng tạ thần. Bắt đầu lễ, sau lời khấn nguyện thành kính của gia chủ dâng lên thần những sản vật, đặc biệt không thể thiếu được cốm dẹp. Kết thúc lễ, một vị lão niên có uy tín trong nhà hốt một nắm cốm dẹp thật nhiều và “Oóc” (đút, nhét) vào miệng những đứa trẻ để chúng “om-bóc” (nuốt cốm). Khi bọn trẻ đang cố gắng nuốt thì cụ già sẽ hỏi xem đứa trẻ có ước muốn gì trong năm tới. Họ tin rằng, lời ước này sẽ được chuyển đến Thần Mặt trăng và lời ước này sẽ trở thành hiện thực.

..Và chiếc ghe Ngo

Chiếc ghe Ngo không chỉ là vật dụng sinh hoạt văn hoá được chế tạo, bảo quản ở trong chùa của từng phum, sóc… nó còn là một hình ảnh đại diện cho phum sóc của mình, biểu tượng của sự ấm no, sung túc…chính vậy mà tính chất của cuộc đua luôn hết sức quyết liệt. Lịch sử đua Ghe Ngo không bao giờ nghe thấy từ “bán độ”. Các ghe đua tới tự bắt cặp (cáp độ) đua từng đôi, từng đôi. Theo thông lệ, khi xuất phát hai chiếc ghe không ở lằn mức nào nhứt định. Sông quá rộng. Hai bên cứ bơi chầm chậm lấy trớn tới. Hai chiếc ghe cứ “so cựa” với nhau như vậy. Chỉ đến khi hai vị chỉ huy nhìn nhau đồng ý đua thì mới bắt đầu cuộc đua. Các cặp đua với nhau hoặc mạnh hơn thì có thể chấp “kèo”. ở cuộc đua năm 2002 tổ chức tại Kiên Giang nhân lễ hội dân tộc, đội trưởng đội “Xẻo Me” đã chấp kèo, bơi qua mặt rồi lơi nhịp chờ ghe kia lên ngang bằng, chỉ “rút” vào 200m cuối, ai dè đua ở biển không giống trong sông nên ghe “Xẻo Me” thua cuộc. Khi đua, các ghe còn “so kè” đường nước, đặc biệt là kỵ nhất chuyện trước khi đua, ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe mình vì sợ đối phương “ếm bùa”, ghe khi đua có thể gãy làm đôi. Cũng ngày xưa, khi hai ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả hai chiếc bị chìm thì coi như “xử huề”.

Trước khi ghe Ngo được làm lễ “xuống nước”, các vận động viên phải tập bơi trên những “giàn cây” được ráp trong các con mương rộng. Giai đoạn này chủ yếu là để tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị sư mới làm lễ xin “Niếc” cho phép hạ thủy để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước.

Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi thẳng tắp đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ của chiếc ghe vì khi đua, tốc độ của ghe Ngo khi về đích đạt đến trên 30km/h. Cầm lái yếu, khi chiếc ghe Ngo dễ dàng lật úp như chơi, đặc biệt là ở những khúc quanh. Kỹ thuật đóng ghe cũng là một bí quyết chỉ có các nghệ nhân biết, đặc biệt là nghệ thuật “dằn cây cần câu” ở giữa lườn ghe ngo. Ngoài việc giữ cho chiếc ghe Ngo (vốn là chỉ một thân gỗ độc mộc) được chắc chắn chịu đựng được nhịp nhún và lực của các tay bơi, chiếc cần câu còn phải có được độ dẻo nhất định để làm sao cùng với mỗi nhịp nhún của các tay dầm thì mũi ghe cũng “cất mũi” rướn tới.

Còn để được ngồi mũi, ngoài kinh nghiệm về bơi đua, người ngồi mũi còn phải là “mạnh thường quân” trong bổn Sóc, đã có nhiều đóng góp về tài vật cho đội ghe như: góp gạo, mổ heo, bồi dưỡng dường, sữa để “o bế gà của Sóc mình”. Các vị lão làng kể lại khi xưa, có người góp tới 200 kg và 1 con heo lớn trong suốt một tháng đội ghe chuẩn bị nhưng chưa chắc đã được ngồi mũi. Các đội đua ở xa thì phải tổ chức ghe Cà hâu, gh Cà chai (một loại ghe lớn) để làm nhiệm vụ chở những ông Lục đi xem đua ghe và làm công tác hậu cần. Đến kì hội ghe chở sư sãi, chở lương thực, chở người xem kéo tới chật cả hai bên bờ sông. Lễ hội đua ghe ngo ngày xưa được mở tại vàm sông lớn ở các địa phương có đông người Khmer sinh sống. ở Sóc Trăng xưa là các tại vàm Dù Tho, sông Nhu Gia. ở Miệt thứ, Kiên Giang thường hay tổ chức ở Sóc Ven, Gò Quao, Ngan Gừa..

Những câu chuyện về đua ghe Ngo vẫn còn nhiều, nhưng xin hẹn hầu chuyện các bạn vào dịp khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét