Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010
Ooc om bock “Hội hàng năm…”
Ngày 14 và 15.10 âm lịch hàng năm là những ngày lễ chính của lễ hội Oócombóc (lễ hội cúng trăng-đua ghe Ngo) của người Khmer ở ĐBSCL. Năm nay tỉnh Sóc Trăng đã nâng lễ hội này lên tầm “Lễ hội văn hóa”, khai mạc từ ngày 12/11 cho đến tận ngày 21/11 (ngày kết thúc hội đua ghe Ngo). Kể từ năm 2001, lễ hội Oócombóc và đua ghe ngo Sóc Trăng đã được Tổng cục Du lịch công nhận là 1 trong 17 lễ hội quốc gia.
Tạ ơn sau vụ mùa bội thu…
Xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian cho rằng mặt trăng là thần bảo vệ mùa màng, người Khmer hàng năm cứ đến ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch, tương ứng tháng 10 âm lịch, mà năm nay là hai ngày 20 và 21/11/2010 dương lịch tổ chức lễ Oócombóc, để tỏ lòng biết ơn vị thần đã làm cho mùa màng tốt tươi, mang lại nguồn lương thực dồi dào cho con người.
Trước lễ cả tháng nhà nhà đã lo chuẩn bị làm cốm dẹp. Các thiếu nữ, các bà chị ra ruộng nếp lựa từng bông lúa nếp vừa chín tới, sau công đoạn rang sơ cho hạt nếp vừa “dẻo mình” nhưng không nổ hạt, các mẻ nếp được cho vào cối giã vừa tay làm hạt cốm trở nên dẹp mình và tróc vỏ trấu. Hình thức của cốm dẹp, cách làm gần giống như cách làm “cốm vòng” ở ngoài Bắc nhưng đơn giản hơn. Vào mùa này, khách đến nhà khi ra về thường được gia chủ gửi tặng một bịch “cốm dẹp” về làm quà. Để ăn cốm dẹp, chỉ cần thêm vào hộp cốm dẹp chút xíu đường, dừa nạo và chút nước dừa…trộn đều lên để cho cốm mềm, sau chừng 15 – 20 phút là ăn ngon. Hương thơm của nếp non mới, vị “béo ngọt” của dừa nạo và nước dừa thật khó quên. Đây còn là thứ “lương khô” rất đắc dụng cho những người đi xem đua ghe Ngo, nhưng ăn thì chỉ nên từng chút, từng chút nhúm nhỏ mới cảm nhận đầy đủ cái thú vị của cốm dẹp khi bụng đói.
Đêm rằm 14…ngay khi trăng vừa lên là các gia đình bắt đầu lễ cúng tạ thần. Bắt đầu lễ, sau lời khấn nguyện thành kính của gia chủ cúng lên thần những sản vật, đặc biệt không thể thiếu được cốm dẹp. Kết thúc lễ, một vị lão niên có uy tín trong nhà hốt một nắm cốm dẹp thật nhiều và "Oóc" (đút, nhét) vào miệng những đứa trẻ để chúng "om-bóc" (nuốt cốm) thì cụ già sẽ hỏi xem đứa trẻ có ước muốn gì trong năm tới. Họ tin rằng, lời ước này sẽ được chuyển đến Thần Mặt trăng và lời ước này sẽ trở thành hiện thực. Lễ cúng trăng còn liên quan đến câu chuyện ngụ ngôn "Con thỏ và mặt trăng". Xưa kia, thỏ từng là một kiếp hoá thân của Đức Phật sống bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ, không có gì làm phước, thỏ đốt lên đống lửa nhảy vào và nói "Mời người dùng thịt này". Lửa bỗng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên mặt trăng. Vì vậy, lễ cúng trăng còn để tưởng nhớ đến tiền kiếp của Phật Thích ca.
Sau lễ tại nhà, người ta đổ ra đường đi chơi hội..ở các tụ điểm chùa hoặc nơi có mặt bằng rộng rãi, bà con trong phum, sóc tổ chức thả đèn gió hay đèn nước. Thông thường ở mỗi điểm có ít nhất một chục cây đèn gió được thả, ráng rực cả một góc trời. Còn ở các con sông lớn, ngã ba sông rộng, bà con trong phum sóc tổ chức thả đèn nước(Lôipratip). Những chiếc bè kết bằng bẹ chuối, được trang điểm với giấy kính nhiều màu, còn dáng vẻ thì thật đa dạng tuỳ theo sự khéo tay của các nghệ nhân. Cả một đoạn sông rộng lung linh huyền ảo trong ánh nến từ các ngọn đèn làm nên một hội hoa đăng rực rỡ. Trên mỗi chiếc bè còn mang theo những sản vật mà chủ nhà dâng lên thần “Rồng (rắn thần Naya) vì thần đã đem nước về cho mùa màng, cây trái. Người ta tin rằng đây cũng là thời khắc mà thần tạm về nghỉ ở biển sau một vụ mùa mệt nhọc, những sản vật sẽ theo nước đưa về biển dâng đến thần. Tham gia lễ này, không chỉ có người Khmer mà còn có đông đảo người Hoa, người Việt ở Sóc Trăng cùng vui chung. Ngày xưa thì có khá nhiều hoạt động như: đấu võ, kéo co, chỗ kia biểu diễn văn nghệ như hát Dù kê, hát tập thể Romvông, Romxaravan, Lăm leo, A day... Những đêm văn nghệ, vui chơi diễn ra trong tiếng nhạc, tiếng trống dồn dập kéo dài trắng đêm. Còn năm nay, ngoài những tiết mục văn nghệ còn có hội thi trình diễn trang phục ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa được tổ chức ở trung tâm thành phố.
Lễ thả đèn nước còn phản ánh sinh động tín ngưỡng của những cư dân của nền văn minh “lúa nước”. Làm lúa, tưới rẫy, sinh sống gì gì thì cũng đều phải cần tới nước. Sông Mẹ (K’long) luôn cung cấp đầy cho con người. Nhưng cũng từ những nhu cầu của mình mà con người đã làm ô uế sông Mẹ. Vì vậy thông qua lễ thả đèn nước, con Sóc sẽ tạ tội với sông Mẹ để năm sau, sông Mẹ tiếp tục cho nước và phù sa đem no ấm đến cho con người. Trong đoàn rước đèn thì những “chú khỉ” múa trống Xà yăm sẽ dẫn đầu đám rước và hộ tống đám rước ra đến tận bến sông. Nếu để tâm một chút ta sẽ thấy, những nghị lễ quan trọng trong tín ngưỡng của người Khmer đều liên quan đến “nước, nguồn nước”. Điển hình như kết thúc lễ cúng đưa ông bà trong Lễ Đonta, người ta cũng thả một chiếc thuyền chứa những sản vật dâng cúng cho ông bà để ông bà về nơi đã về thăm con cháu…đó chính là nơi cội nguồn của sông Mẹ. Sau lễ thả đèn nước, đèn gió…mọi người sẽ cùng vui chơi, múa hát đến sáng hôm sau để vào hội đua ghe Ngo. Đây mới thật sự là hoạt động “đinh” của những ngày diễn ra lễ hội Ooc - om- bock, ngày mà hầu như ai cũng chờ đợi nhất.
…đến hội đua ghe Ngo.
Sáng hôm sau (15/10 Â.L), cái đinh của lễ hội chính là cuộc đua ghe Ngo. Theo truyền thuyết, chiếc ghe Ngo là hiện thân của rắn thần Naga rất linh hiển. Ngày xưa, khi đức Thích Ca ngồi thiền bên bờ hồ giữa rừng, rắn Naga là thần ác. Hôm ấy mưa to gió lớn, đức Thích Ca cảm hóa được rắn. Rắn bèn quấn tròn chung quanh và ngẩng đầu lên cao để che mưa gió cho đức Thích Ca. Từ đó về sau, người Khmer khoét thân cây sao, theo hình rắn, hằng năm bơi đua trên sông. Một chiếc ghe ngo dài khoảng trên 30m, chứa từ 52 đến 58 tay bơi. Mũi và đuôi ghe ngo cong vút tạc hình rắn thần Naga, thân ghe chạm hoa văn hình kỷ hà và được sơn màu sặc sỡ. Ngồi mũi ghe là một vị lão làng cầm chịch và giữa ghe là một vị giữ nhịp bằng cồng hoặc bằng còi để các tay đua bơi nhịp nhàng. Vào cuộc đua, những tay bơi đầu chít khăn đỏ, rạp mình cùng với nhịp nhún nhảy của nhịp dầm bơi, chiếc ghe Ngo như bay trên mặt sóng trông thật hùng dũng. Cả một đoạn sông như vỡ ra bởi tiếng reo hò của khán giả, tiếng reo vui chiến thắng của các tay bơi.
Chiếc ghe Ngo không chỉ là vật dụng sinh hoạt văn hoá được chế tạo, bảo quản ở trong chùa của từng phum, sóc... nó còn là một hình ảnh đại diện cho phum sóc của mình, biểu tượng của sự ấm no, sung túc...chính vậy mà tính chất của cuộc đua luôn hết sức quyết liệt. Hội đua ghe ngo ngày xưa được mở tại vàm sông lớn của các địa phương có đông người Khmer sinh sống. ở Sóc Trăng xưa là ở vàm Dù Tho, sông Nhu Gia. Theo truyền thống thì các ghe đua tới tự bắt cặp (cáp độ) đua từng đôi, từng đôi. Khi ấy, lúc xuất phát hai chiếc ghe không ở lằn mức nào nhứt định. Sông quá rộng. Hai bên cứ bơi chầm chậm lấy trớn tới. Hai chiếc ghe cứ “so cựa” với nhau như vậy. Chỉ đến khi hai vị chỉ huy nhìn nhau đồng ý đua thì mới bắt đầu cuộc đua. Các cặp đua với nhau hoặc mạnh hơn thì có thể chấp “kèo”, bơi qua mặt rồi lơi nhịp chờ ghe kia lên ngang bằng rồi “rút” để phân định thắng – thua. Khi đua, các ghe còn “so kè” đường nước, đặc biệt là kỵ nhất chuyện trước khi đua, ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe mình vì sợ đối phương “ếm bùa”, ghe khi đua có thể gãy làm đôi. Cũng ngày xưa, khi hai ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả hai chiéc bị chìm thì coi như xử huề.
Trước khi ghe Ngo được làm lễ “xuống nước”, các vận động viên phải tập bơi trên những “giàn cây” được ráp trong các con mương rộng. Giai đoạn này chủ yếu là để tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị sư mới làm lễ xin “Niếc” cho phép hạ thủy để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước. Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi thẳng tắp đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ của chiếc ghe vì khi đua, tốc độ của ghe Ngo khi về đích đạt đến trên 30km/h. Cầm lái yếu, khi chiếc ghe Ngo dễ dàng lật úp như chơi, đặc biệt là ở những khúc quanh. Kỹ thuật đóng ghe cũng là một bí quyết chỉ có các nghệ nhân biết, đặc biệt là nghệ thuật “dằn cây cần câu” ở giữa lườn ghe Ngo. Ngoài việc giữ cho chiếc ghe Ngo (vốn là chỉ một thân gỗ độc mộc) được chắc chắn chịu đựng được nhịp nhún và lực của các tay bơi, chiếc cần câu còn phải có được độ dẻo nhất định để làm sao cùng với mỗi nhịp nhún của các tay dầm thì mũi ghe cũng “cất mũi” rướn tới. Chỉ riêng việc đi tìm và lựa được một cây tràm như ý để làm “cần câu” cũng đã là một kỳ công. Ông Kim Quọ - ban quản trị chùa Bưng Ph’niết (Xã Liêu Tú – huyện Trần Đề) kể với người viết bài này một câu chuyện “vui” về hành trình này. Muốn tìm được cây tràm có độ dài như ý thì phải về vùng nào còn nhiều gốc tràm cổ thụ (ít nhất phải trên 40 năm). Cuối tháng 8 năm nay, ông Quọ và 2 người khác về Vị Thanh tìm tràm. Được anh “xe ôm” dẫn đi sau khi tốn hết 200.000 đồng…đi hơn 15 cây số vô tận trọng rạch Nàng trăng, thấy hai gốc tràm cổ thu chắc phải hơn 60 năm tuổi. Anh chủ nhà ra điều kiện “muốn mua thì phải mua 2 cây chớ không bán 1 cây”. Vì mê quá nên ông đồng ý và hỏi “giá bao nhiêu”? Anh chủ nhà ra giá 8 triệu cho cả 2 cây. Ông móc túi trả tiền “cái rột” chớ không trả giá. Cưa được 1 cây, cây còn lại vừa mới gá lưỡi vô thì đã nghe trên nhà có tiếng la mắng “chói lói” … “mày có biết 2 cây tràm đó là ông nội mày trồng. Nó còn lớn tuổi hơn cả tao nữa mà mày bán”!? Hóa ra là cha của anh chủ nhà đi chơi về thì biết chuyện con ở nhà đã bán 2 cây tràm nên la mắng. Ông và mấy anh em cưa riết, cưa riết…ông già chửi thì thây kệ. Ông Quọ thú thiệt với tôi rằng: “Mới nhìn thấy cây tràm là tụi tui mê muốn chết. 1 cây giá 10 triệu cũng mua liền. Ai dè 2 cây chỉ có 8 triệu thì trả giá cái nữa. Mừng hết lớn”!
Xem đua ghe ngo ai cũng thấy có một vị ngồi mũi. Thực ra vị trí này chỉ có tính chất tượng trưng, tinh thần là chính vì đây là vị trí thường là của “mạnh thường quân” trong bổn Sóc, đã có nhiều đóng góp về tài vật cho đội ghe như: góp gạo, mổ heo, bồi dưỡng dường, sữa để “o bế gà của Sóc mình”. Các vị lão làng kể lại khi xưa, có người góp tới 200 kg và 1 con heo lớn trong suốt một tháng đội ghe chuẩn bị nhưng chưa chắc đã được ngồi mũi. Các đội đua ở xa thì phải tổ chức ghe Cà hâu (một loại ghe lớn) để làm nhiệm vụ hậu cần. Đến kỳ hội ghe chở sư sãi, chở lương thực, chở người xem kéo tới chật cả hai bên bờ sông.
Đua ghe ngo xưa và nay!?
Ghe ngo ngày xưa là môn chơi độc quyền của cánh nam giới. Đàn bà con gái không được bước lên ghe ngo hoặc lại gần chiếc ghe khi để ở trong chùa. Vậy nhưng nay thì đã khác, nữ giới cũng xuống ghe Ngo và “đua”. Tất cả bắt đầu từ năm 2004, khi ban tổ chức và các vị acha “thống nhất” tổ chức giải đua ghe Ngo nữ lần đầu tiên. Năm ấy chỉ có 4 đội bơi ở hai địa phương là TX.Sóc Trăng và huyện Long Phú. Giải nhất năm ấy thuộc về ghe ngo nữ chùa Sầm Rộng và nhì thuộc về ghe ngo chùa Sóc Vồ, giải ba thuộc về ghe Ngo chùa Nước mặn (Long Phú). Đến nay thì ghe Ngo nữ đã trở thành phong trào với mỗi giải đua có ít nhất 10 đội tham gia và ở huyện nào cũng có ít nhất 1 đội ghe Ngo nữ. Có thể xem đây là một điểm nhấn quan trọng trong viêc thực thi “bình đẳng giới””?
Riêng về kỹ thuật bơi và rèn luyện thể lực cũng đã mang đậm phong cách hiện đại. Đó là việc chia bảng, chia vòng để thi đấu. Sau 3 vòng đấu sẽ trọn 8 đội vào bán kết để đấu tranh thứ hạng. Đường bơi cho ghe Ngo nữ là 800m và ghe Ngo nam là 1.200m. Bởi thời gian thi đấu kéo dài cả buổi, mỗi đội còn phải đến trước để bơi cho quen đường nước, lạch nước nên đòi hỏi thể lực của VĐV là rất lớn. Chính vậy trong khâu tập thể lực, các đội đều mời huấn luyện viên (HLV) chuyên nghiệp. Hứa Hoài Tâm – HLV đội ghe Ngo chủa Pô-thi Ph’đốp (xã Kế Thành, huyện Kế Sách), vốn là cựu VĐV đội nghe Ngo chùa Bốn Mặt (Phú Tâm – Châu Thành) danh tiếng cho biết: “Mỗi đợt bơi trung bình là 4 phút thì VĐV khi tập phải “xả được hết sức” trong 8 phút. Ai không đáp ứng nổi thì…”lên bờ”. Dù đội nào cũng có VĐV dự bị những bởi vô đấu thì phải bơi ít nhất 12 lượt nên nền tảng thể lực yếu thì không thể đáp ứng”. Ngay cả cây dầm bơi trong tập luyện cũng khác với cây dầm bơi chính thức khi thi đấu. Anh nói rằng “kỹ thuật bơi thuyền thể thao hiện đại” đang dần thay thế kiểu tập luyện và bơi “kinh nghiệm” ngày xưa.
Trong hội đua ghe Ngo năm nay ở Sóc Trăng, dự kiến sẽ có trên 29 đội ghe Ngo Nam và 7 đội ghe nữ của tỉnh tham gia đua tài, chưa kể các đội ghe Ngo của các tỉnh khác sẽ đăng ký sau. Trong số này thì phải kể đến những đội nghe Ngo cả nam và nữ đến từ Kiên Giang, Bạc Liêu, đây chính là những “ đối thủ đáng gờm” của các đội ghe Ngo Sóc Trăng.
Trung bình hàng năm lượng người đổ về xem đua ghe Ngo ở Sóc Trăng là trên 500.000 người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét