(Viết nhân ngày 21/6)
Không thể phủ nhận được những tiện ích cũng
như sự tiện lợi của những tiến bộ Công nghệ thông tin (Information Technology
hay là IT) đã mang lại cho người làm báo. Chỉ riêng cái máy tính để bàn, chiếc
máy tính xách tay.v.v.đã chứa bao nhiêu công cụ mà những người làm báo những
năm 70-80 của thế kỷ trước có nằm mơ cũng không dám ước. Đó là ngoài việc lưu
trữ văn bản, trình bày bài báo, nó còn mang cả một Studio đa năng vừa làm ảnh,
làm âm thanh, dựng hình về một chỗ.
Mở rộng cửa hành nghề với “Inh-tẹc-nét”…
Với sự phát triển
của “Inh-tẹc-nét”(Internet), rồi 3G và sắp tới là 4G thì cả người làm báo và toà
soạn đều như được “mở toang” cánh cửa “sáng tạo tác phẩm” khi có thể cập nhật
tin, bài, ảnh, những tập tin Multimedia bất kỳ lúc nào. Loại hình báo mạng điện
tử giờ như là một “tổng hợp các loại hình” khi gom vào cả báo ảnh, báo hình, báo
nói, báo in và người đọc có thể “tương tác” với toà soạn, với một bài báo cụ thể
thông qua comment, like, blog, share.v.v.và .v.v.
Những
toà báo hiện giờ cũng đã chuyển sang phương thức Toà soạn điện tử “tất cả trong
một” từ khâu nộp bài, biên tập, tổng hợp nhuận bút, lên trang, theo dõi và quản
lý luồng tin bài.v.v.đều được thực hiện một cách “tự động”.
Đặc biệt là các nhà báo, phóng viên
thời bây giờ đã có quá nhiều “đất sống” khi có thể gửi tác phẩm báo chí của mình
đến rất nhiều “toà soạn” và các toà soạn cũng “o bế” các cộng tác viên (CTV) ở
các địa phương bởi nhu cầu đưa tin phải
“như chớp”.
Có thể khẳng định
rằng: tác động của công nghệ thông tin đến hoạt động báo chí ngày càng hiện
đại, giúp nâng cao chất lượng báo chí cả về phương tiện đưa tin, truyền tin cho
đến công bố thông tin. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng: không được quên yếu tố con
người là yếu tố quyết định trong sáng tạo sản phẩm báo chí.
…và cũng lắm chiêu thức “đạo báo”
Thông tin nhiều,
công bố rộng hầu như ở tất cả các lĩnh vực và công cụ cũng có sẵn nhiều chức năng
nên những vụ “đạo báo” cũng thường xuyên xảy ra với nhiều chiêu thức mà chiêu
thức dễ nhận thấy là làm báo theo kiểu “copy and paste”. Với công cụ tìm kiếm
Google, muốn tìm chủ đề cụ thể về “kỹ thuật trồng khoai lang” hoặc “thoát nghèo”
chẳng hạn, chỉ cần gõ vào khung tìm kiểm, sau đó Enter một phát là đã có cả một
trời bài viết về đề tài này. Thấy bài nào “khoai khoái” và “giông giống” ở xứ mình
thì OK! mở ra, coppy và paste về word…sau đó cứ vô tư “biên tập” tên, tuổi, địa
danh, ngày tháng.v.v. và một chút “chế biến lại” là vô tư đem nộp. Càng yên tâm
hơn nữa khi đã chạy xuống hiện trường, chộp một tấm ảnh nhân vật đang đào khoai
hoặc tưới rẫy. Với tryền hình thì chỉ cần quay phim, phỏng vấn “ép” theo kiểu
“bắt người ta nói theo ý mình” là…OK.Very Good.
Người viết bài này
đã thử gõ cụm từ “thoát nghèo bền vững” và chỉ sau 0,23 giây đã có tới
1.110.000 kết quả với những tựa đề “cực kỳ ấn tượng” như: Thoát nghèo bền vững nhờ bò Sind; Tỉnh Bến Tre - Những nông dân thoát
nghèo bền vững; Gia Lai: Thoát nghèo bền vững nhờ phong trào SXKD giỏi; Biên
Hòa hướng tới thoát nghèo bền vững; Thoát nghèo bền vững từ nguồn hỗ trợ của
Nhà nước….Quá tốt. Chỉ cần chạy qua cơ quan chức năng xin cái báo cáo tháng,
quý hoặc năm là xong. Vô tư ngồi nhà mà “sáng tác”!? Đấy là nói về chuyện viết
bài chứ thực tế thì viết tin, làm tin còn đơn giản hơn nhiều ở “công đoạn biên
tập”!!!???
Một kiểu “đạo báo”
khác cũng không kém phần tinh vi là “bắt cóc ý tưởng, nhận định” của người khác
mà không thèm dẫn nguồn. Chẳng hạn như đã xong công đoạn “copy and paste” đã nêu
ở trên, đã ghi âm, thu hình xong nhưng vấn đề là phải có một nhận định, một bình
luận gì đó cho “tác phẩm nó ra ngô, ra khoai”? Nhưng khổ một nỗi là kiến thức
“hơi bị thiếu” nên không thể? Chuyện nhỏ, cứ nhờ anh Google! Bắt nguyên một đoạn
bình luận hoặc nhận định của một vị chức sắc, một chuyên gia nào đó paste vào là
xong ngay. Kiểu này lắm khi còn được khen là “có tay nghề cao” nữa khác!? Nhưng
có một điều phải nói thẳng là: với kiểu viết báo này thì không thể có được những
bản tin, bài báo tốt mà chỉ cho ra những sản phẩm thuộc dạng “làng nhàng”, vô
thưởng-vô phạt!
Đạo đức nghề báo cần được tuân thủ nghiêm
túc
Vẫn còn khá nhiều
dạng “đạo báo” khác nhưng người viết bài này không liệt kê thêm vì có thể mình
“chưa rành” bằng một số ai đó? Nhưng trước khi kết thúc bài viết này, xin dẫn
“Những hình thức có thể bị coi là đạo báo” được liệt kê ở bài viết: Đạo báo:
Nhận dạng và cách phòng tránh (http://www.baochivietnam.com.vn/chuyen-mc/dao-duc-nghe-bao/3435-o-bao-nhn-dng-va-cach-phong-tranh)
như sau:
-
Sao chép y nguyên hoặc một phần bài báo của người khác;
-
Trích dẫn nội dung bài viết, lời nói của người khác
nhưng không trích dẫn nguồn;
-
Lấy ý tưởng từ bài viết khác nhưng diễn đạt lại theo
văn phong của mình;
-
Đọc được câu trích dẫn từ bài viết trong ấn phẩm cạnh
tranh rồi trích dẫn lại sau khi đã kiểm tra với nguồn tin;
-
Tái sử dụng ngôn từ trong bài viết đã đăng của chính
mình;
Trong bài viết này
cũng cung cấp: Thủ thuật cho phóng viên; Thủ thuật cho biên tập viên để tránh vấp
phải sai sót này bởi đây là một vấn đề quan trọng liên quan đến Đạo đức nghề báo
và liên quan đến cả chất lượng nội dung của sản phẩm báo chí. Ngoài bộ quy tắc
chung của Hội nhà báo Việt Nam,
mỗi toà báo cũng cần có một quy tắc đạo đức
nghề nghiệp của riêng mình và các phóng viên, nhà báo của toà báo cần phải tuân
thủ nghiêm túc.
Những vấn đề vừa nêu đều có tầm ảnh hưởng quan trọng
đến chất lượng của tác phẩm và sản phẩm báo chí hoàn thiện, đến hiệu quả và
thương hiệu của cơ quan báo chí. Ta có thể khẳng định rằng: không có tác phẩm
hay thì không thể có sản phẩm tốt, sản phẩm không hay, không tốt thì hiển nhiên sẽ không thu hút được công
chúng và hiển nhiên là liên quan chặt chẽ đến nguồn thu của toà báo.