Nghe tôi bàn chuyện sẽ đi Kế Sách
tìm chỗ để câu tôm càng, anh Trần Hoàng Khải-Trưởng Công An TT.Kế Sách cười khẩy:
“Thôi đi ông. Còn con nào đâu mà mấy ông câu với kéo!? Bây giờ “tụi nó” xài thuốc
bắt sạch rồi”. Hoá ra câu chuyện “xài thuốc” bắt đầu từ một sự tình cờ và giờ đã
trở thành “dịch” với đủ thứ nhãn thuốc bảo vệ thực vật góp mặt vào công cuộc “tận
diệt tôm càng”.
Hoá
ra là từ khi có việc mua cả vườn xoài để kích thích ra trái, giữ bông… nhưng
anh thợ phun thuốc phát hiện ra thuốc Fastac có tính năng làm cho lũ tôm càng
trong mương vườn nổi đầu “quờ quạng” tấp vào mé bờ mương phơi râu. Thực tế thì
thợ chỉ phun thuốc lên tàn cây, nhưng chỉ với phần thuốc rơi vãi xuống mương cũng
đã đủ làm lũ tôm càng “phơi râu” nên một số tay thợ đã thử nghiệm bằng cách mua
nguyên một chai và mang ra sông, tưới thử trên đầu nguồn nước. Và kết quả là…một
công cuộc “tận diệt tôm càng” đã được khởi động cho đến tận ngày nay.
Với người mê câu
cá thì đều rành câu thiệu “Nước rồng đánh Ngát (câu cá Ngát), Nước lớn đánh Bông
Lau còn nước ương thì rải cần đánh tôm càng”. Cách đây non 1 tháng, ngay con nước
ương, chúng tôi kéo nhau xuống đầu cống thuỷ lợi Bà Xẩm ở khu vực TT.Đại Ngãi
(Long Phú-Sóc Trăng) câu tôm vì đây là con cống lớn, cấp nước cho cả vùng sản
xuất lúa rộng hơn 7.500 ha của huyện Long Phú. Người giữ cống (xin dấu tên)
khuyên chúng tôi: “Mấy anh câu thì chỉ dính cá ngát hoặc cá mè vinh là cùng chớ
tôm càng thì đừng mong. Mới con nước trước tui thuốc được hơn 20 kg”. Anh vô tư
tính toán rằng 1 chai Sirius giá mua có 84.000 đồng. Trong 1kg tôm càng bây giờ
bèo lắm là 150.000. Vậy thì có gì lời bằng. Tôm mới “thuốc” chỉ quờ quạng chớ
chưa chết. Bắt lên, vớt lên bỏ vô thùng nước không nhiễm thuốc chút xíu là “tươi
tỉnh” trở lại ngay. Anh còn chỉ chúng tôi một “chiêu” để sau này có đi câu tôm
thì khỏi phải “rải cân để vớt rác” là: “Nếu thấy cặp mé có vài ba xác tôm chết
hoặc đều tôm đã rã thì nên cuốn cần đi về vì nó mới thuốc trước đó vài bữa”!?.
Phong
trào “tận diệt” này cũng lan rộng ra ở huyện “đảo” Cù Lao Dung. Quốc Khởi, quê ở
xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung-Sóc Trăng) thuật chuyện có thật 100% ở rạch Trường
Tiền vào quãng năm 2005 khi anh về quê. Hôm ấy nước ròng, nghe trong xóm ì xèo
“bắt tôm, bắt tôm”…anh cũng nhảy xuống và vớt được 5 con cân được hơn 1kg. Anh
nói rằng chỉ cần phát hiện có tôm càng tấp vô mé là biết ngay có người đã rải
thuốc ở trên nước, ai biết thì cứ bắt mà chẳng có ai cự nự gì cả bởi vì cũng chẳng
ai biết người nào đã “thuốc” và người “thuốc” cũng chẳng dại gì mà ra mặt vì biết
chắc sẽ gặp phiền toái với chính quyền. Đặc biệt nguy hiểm là ở chỗ…Cù Lao Dung
nằm án ngữ cả hai cửa sông lớn Định An và Trần Đề, một bãi sinh sản tự nhiên chính
của con tôm càng sông Hậu. Tôm càng sinh trưởng ở vùng nước ngọt nhưng tới mùa
sinh sản phải di chuyển ra vùng nước mặn khu vực cửa sông giáp biển để đẻ. Ấu
trùng tôm càng lớn dần lên và di chuyển ngược dòng dần lên. Với vụ “thuốc tôm” thì
bất kể, con lớn, con nhỏ, ấu trùng gì cũng “dính đạn hết”.
Ông Phạm Hồng Văn –PCT huyện Cù Lao Dung xác nhận: “Một
phần lượng tôm càng xanh đang được tiêu thụ trên địa bàn huyện hiện nay là được
đánh bắt bằng thuốc hóa học, tình trạng này kéo dài sẽ là thảm họa”. Một nông
dân nuôi tôm ở xã An Thạnh Nam cho biết: “Chuyện sử dụng hóa chất độc hại để
thuốc tôm cá trên các con rạch ở đây bây giờ khá phổ biến. Vào những con nước
ròng của tháng, có khi có tới mấy chục người cùng nhào xuống kênh để bắt cá,
tôm nổi đầu nhảy vào bờ do bị trúng thuốc”. Còn ở xã Gia Hòa I (Mỹ Xuyên-Sóc Trăng),
lãnh đạo xã cũng cho biết, tình trạng sử dụng thuốc hóa học để thuốc tôm cá
hiện nay khá phổ biến nhưng việc ngăn chặn là rất khó khăn vì rất khó phát hiện
ra thủ phạm.
Lâu nay khi đề cập đến
việc khai thác thuỷ hải sản theo kiểu “tận diệt”, chúng ta mới chỉ đề cập đến
việc sử dụng xung điện (xiệc điện), đăng mé bằng lưới mùng, xúc cá lồng rồng
con.v.v.nhưng so với việc sử dụng nông dược để thuốc tôm, thuốc cá thì hậu quả
vẫn còn kém xa. Theo tôi được biết thì ở Cần thơ, Hậu Giang…chuyện thuốc tôm cũng
đã trở thành chuyện thường ngày!
Trong sổ tay của tôi vẫn còn ghi lại danh sách dài những loại
nông dược được dùng để thuốc tôm, đặc biệt là một “chiêu” học được ở Vị Thuỷ (Hậu
Giang) là “chỉ có tôm lớn mới nổi đầu” (vì tôm nhỏ đã chết chìm hết thì làm sao
mà nổi) nhưng tôi không thể liệt kê ra trong bài viết này. Nguồn lợi thủy sản
nội địa cần được báo động đỏ. Tôi viết những dòng này như một lời tiếc nuối “bi
ai, thống thiết’ của những người đã lỡ đam mê môn câu tôm càng.
Ước gì cho trở lại thời xưa!? Khi mà…chưa có mấy
thứ nông dược này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét