Từ ngã ba Tài Văn, xuôi theo
tỉnh lộ 8, dọc theo kênh Tiếp Nhựt
khoảng 15-16 cây số là đến một thị trấn khá sầm uất nằm ở tả ngạn Mỹ
Thanh – đó là thị trấn Lịch Hội Thượng. Vốn là một khu dân cư sầm uất từ xưa,
không ít người đã ví von rằng : ‘’Cái chợ ba dấu nặng này trước giờ luôn là
điểm trung tâm của chiếc đòn gánh – gánh cả hai bờ tả - hữu Mỹ Thanh’’.
Bản đồ khu vực Tả ngạn Mỹ Thanh năm 1881 |
Rạch Gòi - Lịch Hội Thượng
Cho đến tận hôm nay, vẫn còn rất nhiều người gọi thị trấn Lịch Hội Thượng
bằng một tên xưa cũ - chợ Gòi. Địa danh này bắt nguồn bởi một từ gốc khmer Prék
Koi do đọc trại ra âm tiếng Việt - rạch Gòi hoặc từ cách phiên âm tiếng pháp.
Cuối thế kỷ 19, địa danh gốc này đã được ghi nhận trên bản đồ của chính quyền
thực dân Pháp.
Một căn nhà xưa ở TT.Lịch Hội Thượng |
Còn với những người Hoa đã sinh sống ở đây từ xa xưa thì Lịch Hội Thượng
lại có tên gọi mà phiên âm Hán Việt là : pha lễ bán. Cụm từ này dùng để chỉ
hình thế của vùng đất này là cao ráo nhưng không bằng phẳng ; phân nửa là
rừng. Phải chăng đây chính là hình thế đất giồng ? Dù tên có gì thì vẫn cần
phải khẳng định rằng : nơi đây đã là một trung tâm buôn bán-trao đổi hàng
hoá có từ lâu đời và vẫn phát triển cho đến tận hôm nay. Và cũng trên vùng đất
này, cộng đồng 3 dân tộc : Kinh-Hoa-Khmer đã sống cộng cư từ lâu và cùng nhau
khai khẩn vùng đất này.
Lịch Hội Thượng xưa thuộc tổng Định Mỹ với trên 5.000 dân, vốn là hai làng
Lịch Hội Trung và Lịch Hội Thượng hợp lại và đây là một khu dân cư quan trọng. Còn
Dư địa chí Sóc Trăng năm 1936 thì ghi nhận Rạch Gòi là 1 trong 13 trung tâm thương
mại của tỉnh Sóc Trăng được xây dựng bên cạnh conra5ch cùng tên : ‘’Chợ Rạch
Gòi được chuyển thành trung tâm thị tứ loại 3 theo nghị định ngày 13/8/1925, là
một khu dân cư khá quan trọng nằm ở đông-nam tỉnh Sóc Trăng...Hồ dđầu thế kỷ
XX, Rạch Gòi đã có 787 dân đăng tịch, đa số là người Kh’mer và người Hoa, liên
thông với qua con đương hàng tổng dài 14 km’’.
Có một thực tế là mặc dù không có vai trò quan trọng về thương mại nếu chỉ
nhìn ở góc độ hàng hoá chính yếu của Sóc Trăng khi ấy là lúa gạo, nhưng chợ Rạch
gòi đã là một trung tâm buôn bán-trao đổi hàng hoá nhu yếu phẩm thei61t yếu của
cả một vùng đất rộng lớn hai bên bờ sông Mỹ Thanh bởi khi xưa, giao thông chủ yếu
của cư dân trong vùng này vẫn là đường thuỷ chứ không phải là đường bộ như bây
giờ...vai trò ấy vẫn giữ vững cho đến ngày nay.
Ông Hồ Xuân Vĩnh (65 tuổi), chủ tiệm bánh Đức Phát cho biết rằng tiệm bánh
của ông đã có từ 3 đời nay, chuyên làm đủ các loại bánh mứt như thèo lèo, bánh
pía, bánh trung thu.v.v. Từ thời những năm 40 của thế kỳ XX và cả sau đình chiến
năm 1954, tiệm Đức Phát luôn là tiệm bán buôn cả sỉ và lẻ cho các tiệm nhỏ từ vàm
Dù, Vàm Lẻo, chợ Giồng Chùa, Lạc Hoà (của Vĩnh Châu) và bên tả ngạn là suốt từ
chợ Bãi Giá (Long Phú) cho đến Tài Văn (Mỹ Xuyên). Mức độ buôn bán hầu như cứ
giữ nguyên và có phần phát triển mạnh lên sau khi được tách ra thành huyện Trần
Đề.
Ông Nguyễn Đại Lượng, Nguyên bí thư TT.Lịch Hội Thượng những năm 80 của thế
kỷ XX thì ví von hơn : ‘’Chợ Gòi dù nằm bên tả ngạn Mỹ Thanh nhưng lại có
vai trò như là phần giữa của một cái đón gánh – gánh cả hai bờ Mỹ Thanh vì ngày
trước, hệ thống đường xá nào được như bây giờ. Đi chợ Gòi với một phần các xã vùng
sâu của huyện Vĩnh Châu là thuận tiện hơn cả.
Những góc phố cũ mái ngói âm dương cổ kính chen lẫn những căn nhà mới xây
tươi mới vươn cao, chen lẫn những mảng rêu phong dọc mái hiên tựa như dấu ấn thời
gian vẫn còn khắc ghi đậm trong câu ví von của không ít người nơi đây mà tôi chép
lại : ‘’cái chợ ba dấu nặng này trước giờ luôn là điểm trung tâm của chiếc
đòn gánh – gánh cả hai bờ tả-hữu Mỹ Thanh’’ !
Chợ Gòi - Lịch Hội Thượng giờ đang chuyển mình trong một vị thế mới, là thị
tứ trung tâm của huyện ven biển Trần Đề với thế mạnh kinh tế chủ lực là nuôi trồng
thuỷ sản và khai thác biển. Chợ Gòi cũ giờ đã quá tải và đang rất cần khoác lên
mình một chiếc áo mới tương xứng. ngồi trò chuyện bên góc Chợ Gòi với anh Ánh,
anh Kiệt, anh Phước...những người đang buôn bán và làm việc ở chợ Lịch Hội Thương,
tôi chợt nhận thấy chuyện xây chợ, phát triển chợ sao cho đẹp, cho thuận tiện bán
buôn đang là điểm tương đồng của cả người dân và nhà nước. Anh Lý Tuấn Kiệt-chủ
tiệm vàng Tuấn Kiệt, người đăng ký cả 4 gian ki-ốt ngay đầu nhà lồng chợ mới đang
trong quá trình xây dựng cho biết :
-Làm cái nhà lồng chợ mới này thì nhà nước làm ‘’chủ xị’’, còn những người
kinh doanh có nhu cầu thì góp vốn để xây chợ. tất cả đều thông qua họp dân, bàn
bạc các thứ hết. Từ góp ý cho thiết kế, góp ý việc xây dựng, giám sát.v.v.rồi
phân chia thời gian và các đợt góp vốn. Nói chung là... ‘’hợp tác vui vẻ’’ !
....và
những ngôi chùa chứng tích chiến tranh
Trong chiến tranh chống Mỹ, chợ Lịch Hội Thượng vốn là một chợ trung tâm quận.
Chính vậy nên những vùng ven, vùng lân cận quận lỵ thường xuyên bị Mỹ, Nguỵ chà
đi-sát lại hòng đánh bật lực lượng du kích, bộ đội địa phương bám dân, bám đất
dọc hai bờ tả-hữu Mỹ Thanh. Đặc biệt là vào những 60 của thế kỷ XX. Nghe chú Ba
Hưng (74 tuổi-nguyên Huyện uỷ viên huyện Lịch Hội Thượng) kể chuyện chiến trường
ác liệt, rồi những trận đánh năm xưa mới cảm thấy khâm phục lớp cha anh của một
thời bom đạn ác liệt nhưng oai hùng thủa nào. Trong khoảng thời gian từ năm
1965 đến 1968, Mỹ-Nguỵ thường xuyên rải chất độc hoá học làm rụng lá cây dọc
theo những cánh rừng hai bên bờ Mỹ Thanh. Chính vì vậy mà bộ đội, du kích cũng
phải di động, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Rồi bọn biệt kích khét tiếng do tên
Mương chỉ huy thường xuyên đột kích, rồi lính bảo an ở Phân khu Bảo An đóng
ngay vàm Bãi Giá kềm siết và chà đi sát lại. Chỉ cần nghe tin ‘’Việt Cộng đi’’
là bọn bảo an bố trí bao đánh. Ngay cả tiểu đoàn địa phương quân của tỉnh cũng
gặp không ít khó khăn khi hoạt động ở vùng này.
-Cái vùng đó là vùng chiến lược, cửa ngõ của tỉnh đổ ra biển mà ! Đời
sống của mình lúc đó thì thôi..thiệt gian khổ. Được một cái là lực lượng của mình
cỡ tụi tui lúc đó đều còn trẻ..cỡ 27-28 và lớn lắm là 30 tuổi. Còn nhiều anh em
du kích đa phần từ 20 tới 25. Do đó tất cả những khó khăn, tất cả những bom đạn,
tất cả chuyện thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc tụi tui đều vượt qua được.
Chú Ba Hưng và tác giả |
Chuyện bom đạn ì đùng và khủng khiếp như thế nào thì lớp trẻ ngày nay chỉ
thấy..trên phim...nhưng đến vùng đất này thì chỉ cần đến thăm 2 ngôi chùa là Prêk
Chat ở Giồng Chát và Long Thiền Tự ở Tổng Cán thì sẽ cảm nhận ngay được cái ‘’tàn
bạo, khốc liệt’’ của chiến tranh được ngay. Riêng toi thì lại nghĩ ‘’Nếu đã chiến
tranh thì cửa phật cũng không chừa’’ ?
Chánh điện chùa Prêk Chat |
Chùa Prêk Chat ngày nay đã được xây dựng lại mới và thật đẹp trong quang cảnh
rộng rãi của làng quê thanh bình, nhưng trong khuôn viên chùa - bia chứng tích
chiến tranh vẫn ghi rõ : ‘’ngày 8/5/1965, chính quyền Mỹ, Nguỵ đã dùng máy
bay ném bom thảm sát, giết và làm bị thương trên 300 thường dân vô tội (đa số là
người già, phụ nữ và trẻ em) ở các xã Lịch Hội Thượng, Liêu Tú thuộc huyện Long
Phú, tỉnh Sóc Trăng. Đây là những tội ác dã man do bọn Mỹ, Nguỵ gây ra sau những
thất bại nặng nề trên chiến trường miền nam Việt Nam’’.
Chú Thạch Chuốt (65 tuổi), một nhân chứng của vụ thảm sát năm ấy giờ cất nhà
ngay cạnh chùa kể lại :
-Khi ấy tôi cũng đang tu tập ở chùa này. Vệt bom trải dài từ Tổng Cán vắt
sang đây. Sa-La của chùa cũng trúng một trái. Sau đợt bom, tui cùng những vị sư
ở đây và những người khác nhào đi cứu thương, tìm kiếm và khâm liệm những người
chết dọc dải giồng này. Cảnh tượng khi đó thảm lắm...nhà sập, nhà cháy, người
chết rồi tiếng kêu khóc làm người ta phải ám ảnh cả một thời gian dài.
Cũng hứng trọn một trái bom trong tháng 5 ấy là Long Thiền Tự nằm ở cuối rạch
Tổng cán. Chánh điện ngôi chùa này hứng trọn trái bom nên sập hoàn toàn. Hố bom
ngày xưa giờ đã được lấp và trên chính hố bom ấy, một Lâm Tì Ni đã được dựng lên
hẳn như một ước nguyên cho hoà bình, an lạc.
Tác giả và cô Diệu Hương đang "thăm" những pho tượng "thương binh" |