Khi đọc những tài liệu
về một dòng sông, chúng ta thường bắt gặp hai từ : tả ngạn và hữu ngạn. Tả là
bên trái, đối lập với bên phải. Con trên một dòng sông, tả ngạn là bờ sông bên
phía tay trái, ngược lại với bên phải -
hữu ngạn của con sông. Góc nhìn và cách gọi này theo hướng dòng nước
chảy từ nguồn xuống. Phải chăng bắt đầu từ một quan niệm có tính chất luân lý :
Tất cả đều bắt đầu từ nguồn cội !? Theo ranh giới địa lý hiện nay thì hầu như
toàn bộ huyện Trần Đề nằm ở tả ngạn sông Mỹ Thanh.
Sách Dư địa chí Sóc Trăng năm 1904, trong phần Sông Rạch tự
nhiên có đoạn viết : ‘’Miền hạ lưu sông Mỹ Thanh có hai con rạch khá quan trọng
chảy vào, đó là rạch Tầm Vu thông sang Ba Xuyên ở phía trên và rạch Tổng Cán
chảy từ nam lên bắc trên độ dài 15km. Còn có rạch Gòi và rạch Cô Ảo? chảy vào
khoảng giữa cửa sông Mỹ Thanh’’.
Tấm bản đồ cũ
và...ông Tà Mơn
Chuyến phiêu du khám phá vùng đất tả ngạn Mỹ Thanh của chúng
tôi bắt đầu từ con rạch Tổng Cán. Dựa trên tấm bản đồ được vẽ vào năm 1891 thì
đây là một con rạch khá lớn. Địa danh ghi trên tấm bản đồ này ghi theo phiên âm
là Tong cane cùng một điểm tròn đánh dấu vị trí của khu dân cư...Dùng bản đồ cũ
có cái lợi là chúng tôi có thể dễ dàng so sánh và cảm nhận được sự thay đổi của
những vùng đất mà chúng ta đã đặt chân đến với những đổi thay của hiện tại so
với thời điểm mà tấm bản đồ này được lập.
Điều thú vị đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy ở đây là ở tấm
biển tên chiếc cầu bắc qua đầu con rạch đề tên là cầu Trà Mơn? Trong khi với
người địa phương thì lại gọi là rạch Tà Mơn. Còn ở Dư địa chí Sóc Trăng năm
1904 và trên cả bản đồ in cùng năm lại không hề ghi nhận những địa danh này?
Lời giải đáp đã có ngay từ vị thượng toạ trụ trì ngôi chùa Sê rây Ta Mơn cổ
kính nằm ngay đầu con rạch. Thượng toạ Trần Văn Tha (th.s Phật học) bắt đầu
bằng câu chuyện cổ tích về 3 anh em đã có công khai phá vùng đất này. Người anh
lớn có tên là Pích, người em có tên là Nôn và người em út có tên là Mơn. Mỗi
người bỏ công sức khai phá một vùng đất hoang, tạo lập nên 3 vùng đất mà những
địa danh vẫn còn gắn liền với tên của họ cho đến tận ngày nay.
-Trong 3 anh em thì ông Mơn không có con cái nên sau khi
mất, ông đã hiến toàn bộ đất đai của ông cho bổn sóc để dựng nên ngôi chùa này.
Chính để nhớ công ơn của người đã khai phá đất nên bà con Kh’mer ở đây dùng tên
ông để gọi tên ngôi chùa. Vì ngôi chùa nằm ngay trên con rạch nên dân gian vẫn
dùng luôn tên này để gọi con rạch. Ngày trước thực ra vùng đất này rất thấp,
nhiều lung bàu...
Như vậy có thể tạm khẳng định rằng : con rạch mà người dân
nơi đây vẫn quen gọi là rạch Tà Mơn có tên chữ trên bản đồ hành chính là rạch
Tổng Cán !? Ngày trước, con rạch như một ranh giới tự nhiên phân chia rõ rệt
hai vùng đất : một bên là phèn mặn nặng cùng với những cánh rừng thấp ngập nước
- một bên là những vùng đất thuộc.
...đến ‘’Thần nông
lắt’’ ở Liêu Tú
Ngắm những cánh đồng dọc theo hai bờ con rạch Tổng Cán lúa
đang lên xanh hẳn ít ai biết rằng cũng chỉ mới gần đây thôi – vào những năm 80
của thế kỷ trước, chuyện làm ra hạt lúa của nhà nông nơi đây không phải là dễ.
Đồng Tổng Cán, giồng Chac ngày xưa vốn là đồng cầm trâu, nhiễm phèn, mặn
nặng...vốn chỉ có cỏ Năn là chủ yếu, cánh đồng chỉ làm được 1 vụ lúa mùa nhờ
nước trời là chính. Qua quá trình tìm tòi của mình, vị thượng toạ trụ trì chùa
Sê rây Ta Mơn cũng cung cấp cho chúng tôi một thông tin khá thú vị về một kinh
nghiệm sản xuất của cư dân nơi đây khi xưa là : ‘’Muốn xuống giống, bắt đầu một
vụ lúa chính thức thì bà con mình luôn để xem lá cây Giá đã xuống màu đỏ rực
chưa. Nếu là cây giá xuống màu đồng loạt thì có thể yên tâm xuống giống vì lúc
này mùa mưa đã chính thức bắt đầu, ít phải lo lắng vì hạn bà chằng’’.
Làm lúa ngày xưa cực khổ là vậy nhưng vì đồng rộng mênh
mông, lúa làm khi ấy ‘’lấy diện tích để bù năng suất’’ nên nhà nào cũng không
phải lo lắng nhiều chuyện thiếu lúa, thiếu gạo...Còn thức ăn thì cá, tép dưới
sông lúc nào cũng sẵn nên khỏi phải lo.
Ông Đinh Thiên Cần - Nguyên Bí thư xã Liêu Tú những 80 của
thế kỷ XX nhớ lại một thời bắt đầu chuyển qua làm lúa tăng vụ ở xứ này :
-Những năm đó lúa ở vùng này làm chỉ cần 14-15 giạ là kể như
trúng rồi đó. Vậy mà năm 82-83 tụi tui làm ‘’thần nông lắt’’ ...tính như bây
giờ phải trên 4 tấn. Giống gì hả ? Ai biết là giống gì..chỉ biết nó là lúa thần
nông, rồi được mấy nhà nông đi ‘’lắt’’ từng bông, từng bông về làm giống. Chính
từ cái ‘’thần nông lắt’’ này mà phong trào thuỷ lợi đê làm lúa tăng vụ ở vùng
này phát triển mạnh.
Mùa lúa trên đồng Liêu Tú (ảnh chụp tháng 4 năm 2011)
Những đồng tiền cổ ở Tổng Cán...
Ở gần cuối con rạch là một khu dân cư khá sầm uất – đó chính
là ấp Tổng Cán. Tổng Cán nằm trên một con giồng và tên dân giã mà người vùng
này vẫn gọi là xóm Phố với phố Trên, Phố giữa và phố dưới. Hẳn đây là một khu
dân cư được hình thành từ khá sớm trong quá trình khai phá vùng đất này vì hôm
nay, chúng tôi tìm đến chú Tám Sển (Quách Văn Sển (65 tuổi)) - một cư dân cố
cựu ở vùng này và cũng là người đã đào được 1 hũ tiền cổ cũng ở trên con giồng
này, đoạn giồng cạnh bên Long Thuyền Tự. Hũ tiền đựng những xâu tiền có niên
hiệu Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Câu chuyện mà chú Tám kể đã giúp chúng
tôi hình dung rõ nét hơn một khung cảnh đặc thù của vùng tả ngạn Mỹ Thanh thời
mà người xưa bắt đầu đến khai phá đất, lập làng...
-Hồi xưa lúc tui còn nhỏ xíu thì con đường chạy trên con
giồng này không nằm ở đây. Nó nằm chệch ra mé ngoài một chút. Dọc theo con
đường lúc đó tui đi học ở trường làng thì cứ
khoảng năm chục-một trăm mét là có một cây xoài lớn mà mấy lão tiền bối
trồng để người qua lại có bóng mát nghỉ chân. Vùng này hồi đó nghe nói có cọp
nhưng tới thời của tui..những năm 40 đó...thì tui hết thấy. Nhưng heo rừng và
khỉ thì tui gặp hoài.
Thêm chú thích |
...và con rạch của
hoa sen
Rạch Tà Mơn vào những năm 2004-2006 có lẽ là một trong những
cảnh đẹp của làng quê Sóc Trăng thanh bình. Xem lại những bức ảnh chụp tại rạch Tà Mơn vào đầu năm 2006 mà
tôi đã có dịp đi cùng nhóm bạn đã khiến nhiều người ngây ngất. Con rạch với bạt
ngàn hoa sen chen lẫn các rặng dừa, bần, dừa nước khiến cho phong cảnh ở đây
nên thơ vô cùng. Vậy nhưng ở thời điểm mà chúng tôi ghi những thước phim này
thì thật tiếc, con rạch vừa được nạo vét trước đó hơn 2 tháng nên những bờ sen
chưa thể mọc lại kịp. Chuyến rong ruổi theo con rạch Tổng Cán của chúng để tìm
những đám sen của ngày xưa đã có kết thúc thật thú vị khi gặp dì Trần Thị Mỹ Lệ
(năm Lệ). Qua câu chuyện của chính Dì Lệ và những đám sen hồng ở đầu rạch Tổng
Cán.
-Cũng nhờ sen không đó. Chỉ với vạt sen cặp bờ rạch này với
gần 1 công rưỡi sen ở miếng lung trước nhà mà nuôi 3 đứa con ăn học thành người
đó! Chỉ có ngó sen thôi đó. Đứa lớn bây giờ làm kế toán ở Sóc Trăng, thằng con
trai thứ 2 đang học năm tư đại học, còn nhỏ út năm nay cũng thi đại học.
-Nhắm em nó thì đậu không hả Dì Năm ? Tôi hỏi :
-Chưa có kết quả nhưng năm học rồi là học sinh giỏi của
trường Lịch Hội Thượng à nghen !
Quanh chuyện cây sen, ngó sen, củ sen...Dì Lệ còn hào hứng
kể cùng tôi chuyện từng là ‘’người mẫu chụp hình’’ với hoa sen bên con rạch
này. Quãng năm 2004-2005, có 3 ông ‘’chụp hình’’ mang một mớ áo dài vô đây nhờ
Dì Lệ chèo xuồng, hái sen...ôi đủ thứ hết để chụp hình. Tiếc là những tấm ảnh
ấy các con của Dì Lệ đã cất hết ở đâu đó nên tôi không được chiêm ngưỡng chúng.
Những tấm ảnh rạch Tà Mơn vào năm 2006 (ảnh: Khoa Nam - www.soctrang-online.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét