Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Đố Thai – Vui vẻ xóm làng!!!



Kỳ 1: Đố thai – trò chơi nhưng là một sinh hoạt cộng đồng



Đố thai (hay thai đố) là hình thức trò chơi đưa ra những câu đố để người đến chơi giải đáp. Nếu giải đáp đúng thì sẽ nhận được quà thưởng. Mỗi câu thai không giới hạn số người trả lời, nhưng mỗi người chỉ được trả lời 3 lần. Mọi người cứ việc suy nghĩ và trả lời thoải mái cho đến khi đúng thì thôi. Chơi đố thai là trò chơi khá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX. Điều này đã được nhà văn Sơn Nam ghi nhận qua truyện ngắn: Ngôi mộ chôn đứng, Tình bậu muốn thôi, Câu thai đố…và ở công trình biên khảo Đồng bằng sông Cửu Long-Nét sinh hoạt xưa. Thủa trước, đây là một trò chơi phổ biến nhưng hiện nay có lẽ chỉ còn thi thoảng được tổ chức ở TT.Mỹ Xuyên, đất Bãi Xàu xưa.

4 quy tắc để giải câu thai...
 
Quang cảnh cuộc chơi thai
 Trong quãng hơn 30 năm nay, người giữ vai trò “thầy thai” ở xứ này là Cụ Trịnh Văn Bé (Hai Bé), năm nay đã ngoài 80 tuổi và vẫn còn rất minh mẫn. Có thể xem đây là “Ông thầy thai cuối cùng của đất Bãi Xàu”. Nhà của Cụ ở số 87, đường Nguyễn Thái Học, ấp Châu Thành, TT.Mỹ Xuyên.Dáng người nhỏ nhắn, tóc bạc phơ nhưng vô cuộc chơi, ông luôn giữ vai trò cầm trống giữ nhịp, giải nghĩa, nhắc tuồng, gợi ý lời giải cho người chơi với giọng nói sang sảng và lắm lúc thật hài hước…khiến người chơi ôm bụng mà cười. Những câu thai được công bố phải đáp ứng những điều kiện có tính chất quy tắc. Tùy theo phần “xuất” (tức là phần gợi ý) - người chơi sẽ tìm phương hướng để giải nghĩa chữ, nghĩa câu, hoặc ẩn ý của sự kiện mà ra đáp án cho đúng với đòi hỏi của câu thai. Ngoài phần “xuất” đưa ra phạm vi cụ thể để người chơi tập trung vào chỉ một sự việc, sự vật cụ thể thì để giải được những câu thai, người chơi còn phải chú ý đến 4 quy tắc của trò chơi này là “tình, ý, lý (lý lẽ) và lái (nói lái). 4 quy tắc này cũng thường xuyên được ông “Thầy Thai” nhắc đi nhắc lại trong cuộc chơi. Cụ Hai Bé lý giải:

-Có câu người ta dùng “nói lái” là “lái liền”, nhưng cũng có câu người ta lại dùng “lái qua, lại lại” đến 2-3 lần. Tỷ dụ như câu “Cưỡi ngựa phải có dây cương. Để vô thế trận biết đường mà ra”. Câu này xuất mộc-tức là chỉ cái cây…nhưng mà cây gì cụ thể? Dây cương nói lái là dương cây…mà dương cây “lái” lần nữa thì ra cây dương! Nhưng cũng có câu thì lại lái chữ cuối của câu này với chữ đầu của câu kế. Tỷ dụ “Làm người thì phải thủ! Mùng một và 30 phải cúng chùa”, xuất vật dụng. “Thủ” với “mùng” ráp lại lái ra thành…Cái “thùng mủ”. Còn với ý thì “1 mẹ 4 con rành rành. Mẹ no con đói không đành lìa xa. Khách đến chủ đứng tương phân. Mỗi con no đủ liền lìa mẹ ra”. Câu này cũng xuất vật dụng, chỉ cái bình nước và 4 cái tách. Chuẩn bị đón khách, bình đầy nước thì tách không có nước, 4 cái tách vẫn quây quần quanh cái bình. Khách tới rồi “khách đến chủ đứng tương  phân”, lật ly lật tách ra rót nước mời khách. Vậy là chủ - khách cùng cầm tách thưởng trà….tách phải rời bình. Ngoài ra còn có nguyên tắc “phạm văn”, tức là nếu những chữ gì đã có trong câu thai thì không được có trong đáp án. Đó là câu “Anh em hoà hiệp một nhà. Giúp cha mẹ già trong lúc ốm đau”, xuất danh hiệu. Câu trả lời đúng là Thuận Thảo, tên môt hiệu tiệm ở Mỹ Xuyên. Dù ở Mỹ Xuyên có biển hiệu Hiệp Hoà nhưng vì “phạm văn chữ hoà, chữ hiệp” nên không trúng. “Xuất” trong câu thai chính là gợi ý đáp án để người chơi giải câu thai. Xuất có nhiều dạng: xuất vật dụng – là đồ dùng hàng ngày; dược vị (bài thuốc), xuất mộc (cây), bỉnh (bánh), danh nhân (người có tên tuổi cụ thể), nhân (người nói chung), xuất thú (loài thú nói chung), tiểu thú (loài thú nhỏ), điểu (loài chim nói chung), rồi xuất danh hiệu (bảng hiệu).v.v. 



Cụ Hai Bé giữ nhịp trống trong cuộc chơi thai trong ngày rằm tháng tám (2013)


Đa phần những câu thai đều thuộc dạng “văn vần-vè”, phổ biến là kiểu lục bát, rồi cả câu đối, lắm khi lại là mẹo “dùng âm đọc của tiếng nước ngoài”, rồi theo lối “tục giảng thanh”... Đây có lẽ là những câu đố đem đến sự hào hứng, hoạt náo của của buổi chơi thai vì tính bất ngờ của đáp án. 

…và vào cuộc chơi thai đố

Thông thường, mỗi buổi chơi sẽ có 3 canh (canh đầu, canh giữa, canh khuya). Canh đầu mở màn cho đêm chơi thai là những câu thai dễ, tương ứng với phần thưởng là 2 gói mì gói, vài bịch kẹo hoặc gói thuốc lá….Mỗi câu thai giải xong sẽ được gỡ xuống để dán lên câu thai khác. Khi những câu dễ được giải xong non phân nửa thì các câu thai có cấp độ khó hơn dần xuất hiện và sẽ dần dần thay thế hoàn toàn những câu thai của canh đầu. Canh khuy (quãng từ 9 đến 10 giờ đêm) thì hầu như chỉ còn lại những câu “thái ế”. Canh đầu thường mở màn vào khoảng 19h chiều. Nam thanh-nữ tú, trẻ con, người lớn nghe tiếng trống mà kéo đến xem câu thai, xúm nhau bàn giải. Lắm khi lãnh giải lại là những người qua đường, thấy vui vui ghé vô kiếm vài món quà thưởng hoặc gói thuốc cho vui.

Công đoạn xướng lời giải đều phải theo đúng nhịp nhàng, phép tắc. Tức là phải theo tiếng trống của thầy thai. Bất kỳ ai muốn giải đố thì sau khi đọc số câu thai, thầy thai đồng ý bằng một tiếng trống “tùng” thì bắt đầu đọc nhưng phải đọc đúng nhịp điệu, đúng vần. Vì phần lớn câu thai là văn vần, văn vè theo “kiểu lục bát” nên phải đọc cho đúng nhịp của cách đọc “lục bát”. Chỉ được đọc tiếp khi thầy thai đệm một tiếng trống sau khi đọc dứt một câu.
 
"....Xèng 1 cái đi nào Ông Thầy"!
Nếu đúng thì thầy thai sẽ thưởng bằng một hồi trống mà kết thúc bằng tiếng gõ “xèng” thật lớn. Tùng..tùng…tùng….xèng. cả đám chơi òa lên những tiếng khen, tiếng cười của người giải đúng và tiếng xướng phần thưởng là cái gì. Còn nếu lời giải gần đúng thì hồi trống sẽ không có tiềng “xèng”…mà chỉ có tiếng gõ vào tang trống “cắc” như thở dài tiếc nuối. Tùy theo mức độ gần trúng bao nhiêu mà tiếng trống có thể là 1 hoặc là 2 hoặc 3…hoặc 1 hồi trống với những tiếng trống càng gần cuối càng nhỏ dần và thưa nhịp. Nếu chỉ có 3 tiếng gõ vào tang “cắc..cắc…cắc” thì kể như là ..đã trật lất. Còn nếu chỉ một tiếng “cắc” thì phải ngầm hiểu…đó là thầy thai đang chê. Tiếng “cắc” này chính là tiếng “gõ vô đầu”. Thông thường thì bọn trẻ nít hay bị “gõ vô đầu” nhiều nhất vì…thường xuyên giải trật. Còn nếu ai mới chỉ đọc lời thai câu đầu tiên mà đã bị thầy thai gõ cái “cóc” thì kể như phải đọc lại từ đầu cho đúng vần điệu, nhịp nhàng. Đọc sai ba lần thì phải nhường lại cho người khác. Nhưng “Ông thầy thai” cũng lắm khi “dụ khị” người chơi bằng những hồi trống kiểu càng gần cuối càng nhỏ dần và thưa nhịp với ý nhắc nhở “gần đúng”…dù câu trả lời  đang đi khá xa với đáp án. Thường thì những hồi trống kiểu này nhằm làm cho cuộc chơi thêm sôi động hoặc giả để “làm tươi” cuộc chơi thai đang hồi trầm lắng. Cái “vụ này” dân chơi thai kêu bằng…”nuôi thai”!?
 
Trật lất rồi....
Qua tìm hiểu ở một số vị vốn là dân cố cựu ở TT.Mỹ Xuyên, rất am hiểu và mê đố thai thì có thể khẳng định: đây là một sinh hoạt văn hoá dân gian có tính chất cộng đồng đã có từ lâu ở xứ này. Mỗi buổi chơi đố thai không chỉ mang tính chất đem lại một sự kiện sinh hoạt giải trí cho xóm làng mà còn thông qua những câu thai, cách dẫn dắt, gợi mở đáp án của thầy thai còn đem đến những giá trị nhất định đối với cộng đồng về việc phải tuân thủ những quy tắc, luật lệ…những lời khuyên răn về lẽ ở đời sao cho phải. Ông Tô Thanh Bình (cán bộ hưu trí) nhớ lại thời ông còn “trẻ nít” “Từ cái thời TT.Mỹ Xuyên còn gọi là Bãi Xàu thì mỗi khi đến rằm hay cúng đình (kỳ yên), cúng miễu là đám con nít tụi tui đã đón canh tiếng trống tùng tùng nhịp hai là biết có đối thai. Ráng ăn cơm sớm để vọt đi giải đố, kiếm chút quà”. Năm nay (2013), cuộc chơi đố thai được tổ chức tại Miễu Thành Hoàng Mỹ Xuyên ngay rằm Trung Thu (19/9/2013 dương lịch).

Nhưng liệu rồi đây thú vui giải trí bổ ích cho làng xóm liệu có còn không, khi tuổi của “ông thầy thai” cuối cùng của đất Bãi Xàu đã vào hàng bát tuần nhưng vẫn chưa tìm ra người để chân truyền. Còn những cố gắng lưu giữ vốn sinh hoạt lý thú này cũng chỉ là của một vài cá nhân đơn lẻ.

(còn 1 kỳ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét