Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Trò chơi đố thai Mỹ Xuyên ở Sóc Trăng



TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) xưa vốn là chợ Bãi Xàu, một thương cảng khá sầm uất trong công việc kinh doanh lúa gạo xuất khẩu qua Hương Cảng với những loại gạo ngon nổi tiếng như gạo Bãi Xàu, gạo Bâng Xamo.v.v.việc kinhdoanh lúa gạo gắn liền với cộng đồng người Hoa cư ngụ nơi đây và mối liên hệ làm ăn cũng như huyết thống với người Hoa Chớ Lớn. Chính vậy mà trò chơi đố thai cũng xuất hiện ở đất này. Tuy nhiên, vì mối liên hệ, giao thoa, tiếp xúc văn hóa giữa ba cộng đồng: Kinh, Hoa, Khmer mà trong đó, khi chất hào phóng của người Việt là chủ đạo nên trò đố thai ở Bãi Xàu có những nét khác biệt với trò chơi thai ở Chợ Lớn, nặng tính “cờ bạc”.
Trò chơi đố thai quen thuộc với người ở TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) từ thời xa lắc. Anh Tô Thanh Bình, hiện công tác ở HĐND huyện Mỹ Xuyên (nay đã 48 tuổi) cho biết: “Từ cái thời TT.Mỹ Xuyên còn gọi là Bãi Xàu thì mỗi khi đến rằm hay cúng đình (kỳ yên), cúng miễu là đám con nít tụi tui đã đón canh tiếng trống tùng tùng nhịp hai là biết có đối thai. Ráng ăn cơm sớm để vọt đi giải đố, kiếm chút quà”. Chính vậy mà hiện giờ, mỗi khi ban tế tựu Đình thần Bãi Xàu (cũ) tổ chức đố thai thì anh luôn có mặt với vai trò “thầy biện” – vô sổ các phần quà đã phát cho các câu đố được giải xong, tổng kết chi phí của cuộc chơi…
Hiện tại, người giữ vai trò thầy thai là cụ Nguyễn Văn Nhung (76 tuổi), dù dáng người nhỏ nhắn, tóc đã bạc phơ nhưng vô cuộc chơi, ông luôn giữ vai trò thầy thai cầm trống giải đố, giải nghĩa, nhắc tuồng cho người chơi với giọng nói sang sảng và lắm lúc thật hài hước khiến người chơi ôm bụng mà cười. Trong cuộc chơi thai, không phải ai cũng rành chuyện thi phú, đoán chữ nghĩa, ý tứ của câu thai nên trong mỗi cuộc chơi đều có một “ông thầy phá thai” (phải hiểu rằng đây là ông thầy giải câu đố, gợi ý lời giải cho người chơi chớ không phải hiểu theo ý nghĩa của y học!!!). Hơn 30 năm nay, vai trò này do “ông lầu bầu” Trịnh Văn Bé đảm trách.
Để tổ chức một đêm chơi thai không cần tốn nhiều tiền lắm, mỗi đêm chơi chỉ cần độ 1 hoặc 2 triệu đồng tiền sắm xanh quà thưởng là được. Cấp độ khó của mỗi câu thai sẽ tương ứng với giá trị quà mà người giải đúng được nhận. Thông thường, mỗi buổi chơi sẽ có 3 canh, canh đầu mở màn cho đêm chơi thai là những câu thai dễ tương ứng với phần thưởng là 2 gói mì gói, vài bịch kẹo hoặc gói thuốc lá….Mỗi câu thai giải xong sẽ được gỡ xuống để dán lên câu thai khác. Khi những câu dễ được giải xong non phân nửa thì các câu thai có cấp độ khó hơn dần xuất hiện và sẽ thay thế hoàn toàn những câu thai của canh đầu. Canh đầu sẽ mở màn sau tiếng trống hiệu từ đình thần, thường là vào lúc 18h chiều. Nam thanh nữ tú, trẻ con người lớn nghe tiếng trống mà kéo đến xem câu thai. Lắm khi lãnh giải lại là những người qua đường, thấy vui vui ghé vô kiếm vài bịch quà thưởng hoặc gói thuốc cho vui.
Năm nay, cuộc đố thai được tổ chức vào đêm 10-5-2009 tại Đình thần Bãi Xàu (cũ) như mọi khi. Cụ Nguyễn Văn Nhung vẫn cầm chân thầy thai, ông “Lầu Bầu” vẫn như mọi khi, chạy lăng xăng để nhắc tuồng cho đám con nít. Ngày xưa phải tốn công huy động đám thanh niên dựng rạp thì nay, chỉ cần nhấc điện thoại là có rạp ngay, mấy tiệm cho thuê rạp cưới chỉ sau 30’ là đáp ứng đủ. Rạp dựng ngay trước đình thần, mé trong là chú heo đã mổ sẵn đểngày mai cúng đình. Đêm nay chơi thai, khách đến chơi hoặc người chơi sẽ thoải mái chơi chừng nào hết ai giải được thì nghỉ. Đói bụng đã có “cháo khuya” với mâm bàn sẵn sàng. Sau 3 hồi 2 nhịp trống. Cụ Nhung rao sang sảng trước bảng đề thai: “Lời văn chắp nhặt. Góp được câu thai. Ý ngắn tình dài. Bảng thai đã tỏ. Nhập xuất bất kỳ. Còn ngại ngùng chi mà không vui chơi cho thỏa”. Sau lời rao lại tiếp một hồi trống….cuộc chơi bắt đầu. Ngay cả trong bảng rao thai cũng có một câu đố dành cho các bậc cao minh hoặc khách qua đường ghé lại chơi vui với lời văn rất nhún nhường “Kính chào quý vị buổi chơi thai. Chữ nghĩa lối văn ít huộc bài. Ngặt nỗi cuộc vui đành phải ráng. Mong nhờ quý vị giúp sửa sai”.
Thường thì những câu thai dễ nhất là đám thanh niên dành cho bọn trẻ nít. Nếu bọn trẻ không giải nổi thì sẵn sàng nhắc tuồng vì những câu thai dễ phần thưởng chỉ là gói kẹo hoặc đôi ba gói mì gói. Cánh thanh niên thường chọn những câu thai khó để kiếm tệ lắm cũng gói thuốc lá hút cho thơm râu, mặt khác….có giải được mấy câu thai khó thì mới “xứng mặt anh hùng” với các nàng cùng đi chơi đêm này. Đặc biệt là chàng trai nào giải được những câu thai “rao tục – xuất thanh” (kiểu như đố tục giảng thanh) sẽ trở thành hàng độc trong cuộc chơi thai, không ít nàng để ý. Tùy theo phần “xuất” (gợi ý) mà người chơi sẽ tìm phương hướng để giải nghĩa chữ, nghĩa câu, sự kiện mà ra lời giải. Xuất có nhiều dạng: xuất vật dụng; dược vị (bài thuốc), mộc (cây), bỉnh (bánh), danh nhân (người có tên tuổi trong sách vở), nhân (người nói chung), thú (loài thú nói chung), điểu (loài chim nói chung).v.v. Đa phần những câu thai đều thuộc dạng văn vần, phổ biến là lục bát. Những câu thai tuy lời văn một mạc nhưng đậm chất giáo huấn, nhắc nhở mọi người lẽ ở đời sao cho phải. Có thể kể ra đây vài câu thai trong buổi chơi năm nay làm ví dụ:
- Lão này tuổi quá 70.
Có cô vợ bé xinh thươi mỹ miều.
Bộ đi tiếng nói dễ yêu.
Làm cho thân lão chín chiều ruột đau. (Xuất mộc).
Xuất đúng là cây Da Xà, vì cây này lão làng đứng ở đầu đình đã hơn 70 năm, mấy cây chùm gửi đeo bám trên thân ai cũng khen là đẹp nhưng nào biết thân cây đang đau đớn.
- Đi đây lang chạ uổng công.
Ở đây với dượng cũng như vợ chồng.
Đêm khuya dượng ăm, dượng bồng.
Dượng che khen mặt dượng bồng cháu lên. (Xuất bỉnh).
Xuất đúng phải là bánh bò nướng. Vì công đoạn làm thường là vào đêm khuya để kịp sáng mang ra chợ. Bánh bò nướng vốn là một tảng bánh hình tròn, lớn được đặt trên một xửng nhôm, ai mua bao nhiêu thì cắt ra bán bấy nhiêu. Mặt bánh luôn được che khăn mỏng hòng tránh ruồi và bụi bặm.
Đấy mới chỉ là đáp án. Còn cái thú nhất và vui nhất là giai đoạn xướng lời giải. Tất cả đều phải theo đúng nhịp nhàng, phép tắc. Tức là phải theo tiếng trống của thầy thai. Bất kỳ ai muốn giải đố thì sau khi đọc số câu thai, thầy thai đồng ý bằng một tiếng trống “tùng” thì bắt đầu đọc nhưng phải đọc đúng nhịp điệu, đúng vần. Vì phần lớn câu thai là văn vần lục bát nên phải đọc cho đúng cách đọc lục bát. Dứt mỗi câu, chỉ được đọc khi thầy thai đệm một tiếng trống. Ví dụ: Bắt đầu – Tùng – ra đi anh chớ quên rằng. Tùng – tình xưa anh đã, dưới trăng anh thề. Tùng – Xuất vật dụng. Tùng – xuất (tên của vật dụng mà mình đoán….). Nếu đúng thì thầy thai sẽ thưởng bằng một hồi trống mà kết thúc bằng tiếng gõ xèng thật lớn. Tùng..tùng…tùng….xèng. cả đám chơi òa lên những tiếng khen, tiếng cười của người giải đúng và tiếng xướng phần thưởng là cái gì. Chẳng hạn là….3 gói mì tiến vua. Còn nếu lời giải gần đúng thì hồi trống sẽ không có tiềng “xèng” mà chỉ có tiếng gõ vào tang trống “cắc” như thở dài tiếc nuối. Tùy theo mức độ gần trúng bao nhiêu mà tiếng trống có thể là 1 hoặc là 2 hoặc 3. Còn nếu chỉ có 3 tiếng gõ vào tang “cắc..cắc…cắt” thì kể như….trật lất. Còn nếu chỉ một tiếng “cắc” thì phải ngầm hiểu…đó là thầy thai đang chê “sao mày ngu quá. Hồng hiểu gì hết”. Tiếng “cắc” này chính là tiếng “gõ vô đầu”. Thông thường thì bọn trẻ nít hay bị “gõ vô đầu” nhiều nhất vì …thường xuyên giải trật. Còn nếu ai mới chỉ đọc lời thai câu đầu tiên mà đã bị thầy thai gõ cái “cóc” thì kể như phải đọc lại từ đầu cho đúng vần điệu, nhịp nhàng. Đọc sai ba lần thì phải nhường lại cho người khác. Không khí đêm chơi đố thai vui nhất là ở những hồi trống này.
Những người tâm huyết với trò chơi độc đáo này ở TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hiện còn nhiều. Có thể kể tên những bậc lão làng như: Cụ Nguyễn Văn Nhung (76 tuổi), ông Trịnh Văn Bé (67 tuổi)…lớp kế cận có anh Tô Thanh Quang, Tô Thanh Bình, Ngô Chí Huỳnh .v.v. Đáng kể nhất phải kể đến một gia đình mà ai cũng rành chuyện chơi thai từ lớn đến nhỏ là gia đình chủ quán Thanh Trúc, ngay đầu ngã ba vô chợ Bãi Xàu.
“Lời thai ý ngắn tình dài. Đẹp duyên đôi lứa cũng nhờ câu thai”.

Độc đáo lạp xưởng tôm và …khô trâu Sóc Trăng



Nghề làm Lạp Xưởng vốn là nghề truyền thống đối với người Hoa ở Sóc Trăng. Những năm 80 của thế kỷ XX, Sóc Trăng đã có cả một Hợp tác xã chuyên làm mặt hàng này. Tuy nhiên để trở thành một thương hiệu có tiếng tăm trên thương trường thì phải đến năm 2003, khi Câu lạc bộ bánh pía-lạp xưởng Sóc Trăng được thành lập với 26 thành viên với những quy chuẩn về chất lượng thì mặt hàng lạp xưởng Sóc Trăng mới nổi tiếng trên thương trường.
Từ lạp xưởng đến lạp xưởng tôm

Lạp xưởng Sóc Trăng có nhiều chủng loại, nào là lạp xưởng tươi, lạp xưởng nạc và sau này là lạp xưởng tôm, một chủng loại thuộc dạng “cao cấp” và rất hút hàng trong những ngày tết. Lạp xưởng tuy có nhiều nhãn hiệu những tựu trung đều bắt nguồn từ lạp xưởng tươi với thành phần có tỷ lệ 50% nạc và 50% mỡ, sau công đoạn xay, phối trộn với gia vị, hương liệu được dồn vào trong ruột heo, thắt nõn tạo dáng và phơi khô. Đặc trưng của lạp xưởng là hương thơm của Mai Quế Lộ. lạp xưởng nạc thì tỷ lệ thay đổi với lượng nạc chiếm từ 70% trở lên. Từ những sản phẩm tươi chỉ để được vài tuần sau khi xuất xưởng, các loại lạp xưởng được sấy khô trong lò sấy với độ ẩm chỉ còn 10%, sau đó đóng dói trong bao nylon được hút chân không nên thời gian bảo quản kéo dài hơn, đặc biệt là khi đi vào các siêu thị.
Anh Trần Kiến Quốc, chủ tịch CLB bánh pía, lạp xưởng Sóc Trăng bật mí cùng chúng tôi về lạp xưởng tôm như sau:
-Thật ra mặt hàng này đã có từ trước năm 1980, nhưng lúc ấy thì con tôm hầu như đều dành cho xuất khẩu nên các lò chỉ làm để làm quà biếu và dùng trong gia đình. Sau đổi mới, đời sống kinh tế được nâng lên…con tôm không còn khó kiếm và nhu cầu “thưởng thức” của người tiêu dùng cũng cao hơn nên lạp xưởng tôm được các chủ lò đưa ra thị trường.
Thành phần của lạp xưởng tôm khá phù hợp với người ăn kiêng khi tôm nõn chiếm tới 50%, thịt nạc 30% và mỡ chỉ còn 20%. Khúc lạp xưởng cũng nhỏ hơn, thanh mảnh hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là màu sắc của lạp xưởng tôm trong hơn các loại lạp xưởng khác, hương vị vẫn mang hương mai quế lộ nhưng vị tôm vẫn đậm và ít ngậy hơn. Mặc dù giá tôm so với thịt heo đắt gấp 2, gấp 3 lần tuỷ theo mùa nhưng giá lạp xưởng tôm cũng chỉ đắt hơn các loại khác từ 20 đến 25% tuỳ theo nhãn hiệu. Những nhãn hiệu lạp xưởng, lạp xưởng tôm thuộc hàng “chiếu trên” ở Sóc Trăng hiện tại có thể kể là: Quảng Hưng, Quảng Trân, Tân Huê Viên, Công lập Thành, Mỹ Trân….Mùa tết này thì lạp xưởng tôm đang trong tình trạng “cháy” hàng, cung không đủ cầu vì nguyên liệu sản xuất chính là tôm đang khan hiếm. Hiện tại, giá lạp xưởng tôm khoảng từ 135-140 ngàn đồng/ký, lạp xưởng nạc trên 110.000đ/ký.
Hết năm trâu…kể chuyện khô trâu
Khoảng 4-5 năm nay, khách đến Sóc Trăng thường được đãi món đặc sản của đất Thạnh Trị (Sóc Trăng) là khô trâu. Khô trâu Thạnh Trị được chế biến theo kiểu cổ điển của “xứ cầm trâu”. Hai tiệm bán khô trâu nổi tiếng ở thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) là tiệm Sáu Sành và tiệm bà Sùng. Thịt trâu bắp được lát mỏng miến lớn hơn bàn tay, gia vị ướp chính là sả bằm và muối tuỳ theo khẩu vị của mỗi chủ lò. Ướp ít nhất nửa ngày cho ngấm, thịt được đem phơi hoặc sấy trong lò. Miếng khô trâu lúc này mỏng tanh, vuông vức và thơm vị sả và mùi thịt trâu đặc trưng. Vì trâu thuộc loại “mình nước” nên phải cần đến hơn 4 kg thịt tươi mới có được 1kg thịt khô. Cũng chính vậy mà 1kg khô trâu hiện tại có giá tới 580.000đồng mà muốn mua phải đặt trước tết hàng tháng mới có hàng.

Ăn khô trâu tất nhiên là nướng nhưng nướng như thế nào là điều quan trọng nhất để có miếng khô trâu thơm lừng. Trước tiên, miếng khô trâu được ngâm nước khoảng 5 phút, sau đó đặt lên vỉ nước trên lửa ngọn của một dĩa cồn. Trở đều khi miếng khô nổ lách tách, chín đều cả hai mặt và trở màu trắng và lên hương là có miếng khô trâu ngon nhất. Miếng khô vừa nướng vẫn còn nóng hổi, gia chủ cuộn tròn lại như quấn một tấm giấy, sau đó xoắn chắc lại như kiểu “vắt khăn” lau mặt. Buông tay ra là miếng khô trâu tự nở bung đều…xé một miếng nhỏ, chấm nước mắm me hoặc ăn không cần chấm vẫn ngon. Thịt trâu vốn lành, khô trâu cũng vậy. Ăn trừ cơm cũng chả sao, món này đặc biệt “bắt” khi nhắm với bia kèm theo dĩa dưa món nho nhỏ.
Nói chuyện ngâm nước trước khi nướng miếng khô trâu thì người viết cũng cần thấy cung cấp luôn kiểu chế biến lạp xưởng để ăn sao cho ngon, miếng lạp xưởng mềm, thơm và chín đều. Vì được rút khô để bảo quản được lâu nên miếng lạp xưởng sẽ rất cứng nếu ta chế biến không đúng cách. Với người Hoa Sóc Trăng, có 2 kiểu chế biến lạp xưởng được cho “ngon nhất” là …hấp và “chiên nước”?! Hấp thì chỉ cần đơi cho nồi cơm sôi vừa ráo nước, thả vài khúc lạp xưởng và trong dĩa hoặc chén, để vào nồi cơm. Cơm chín là đã xong món lạp xưởng hấp. Còn chiên nước? Dùng một chảo nhỏ để những khúc lạp xưởng vào, đổ nước vào sâm sấp vừa ngập khoảng phân nửa. Lên lửa…nước sôi thì dùng đũa ‘lăn đều” những khúc lạp xưởng cho đến khi ráo sạch nước trong chảo. Nhớ bớt lửa ở giai đoạn cuối. Khúc lạp xưởng “chiên nước” sau khi cắt khoanh ăn mềm, dịu nhưng hương vị vẫn giữ nguyên.
Cả hai món đặc sản đất Sóc Trăng này dùng vào ngày tết tuy không chiếm nhiều “diện tích” nhưng chắc chắn, bữa tiệc cuối năm sẽ đậm đà và để lại hương vị khó quên trước khi kết thúc năm sửu./.