Thứ Ba, 6 tháng 4, 2010

Đến Sóc Trăng “ăn chơi”…



Trước tiên phải nói trước…“ăn chơi” ở xứ Sóc Trăng là thưởng thức những món ăn mà người Sóc Trăng thường ‘ăn dặm, ăn chơi, ăn cho vui, ăn để thưởng thức…” chứ không phải ăn chơi theo nghĩa đen của từ này. Sóc Trăng là một vùng đất mới, vốn dĩ được các cư dân người Việt đến khai khẩn trong khoảng hơn 200 năm nay. Cùng với các biến động lịch sử trong thời kỳ này, dân tộc khác như Chăm, Hoa và người Khmer bản địa, trong quá trình cộng cư đã hình thành nên một nét văn hoá đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là: "Văn hóa xứ giồng". Đó chính là sự tiếp biến văn hoá đã hình thành hơn 100 năm nay, kể từ khi những người Minh Hương đến cư ngụ tại tổng Khánh Hưng, với lớp người Việt, người Khmer đã khai khẩn mảnh đất này trước đó. Trong mảng này thì mảng “ăn chơi” là đậm đà nhất…
Ăn sáng…
T.P Sóc Trăng tuy không lớn nhưng kiếm chỗ ăn sáng sao cho “độc” quả là hơi bị khó!? Bởi những quán “độc” thường không treo bảng và năm ở những chỗ rất bất ngờ theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Đầu tiên phải kể đến quán cháo Quảng nằm ở khu chợ sắt. Quán nhỏ, chỉ kê độ mươi bàn nhưng mới 6h đã kín ngẹt khách, lắm khi phải xếp hàng “chờ tài” mới có chỗ ngồi. Cháo thì hiển nhiên là nấu từ hạt gạo rồi! Nhưng chọn hạt gạo nào và vị ngọt của tô cháo quảng ở đây thì độc đáo bởi gạo để nấu phải là gạo “Tài Nguyên” rặt, vị ngọt của tô cháo là vị ngọt của xương heo, thịt gà hầm kỹ…đặc biệt là những dĩa gừng tươi thái nhuyễn kèm dĩa rau với cải xanh, ngải cứu và giá. Thịt heo được bằm nhuyễn, nêu gia vị vo viên thả trong nồi cháo. Hương vị của tô cháo còn thoang thoảng hương của những thứ thảo quả có xuất xứ từ “bên tàu” nên ăn một tô cháo quảng ở đây rồi thì khó có thể quên, đặc biệt với chức năng “giải cảm” thì đây là nơi đến của những ai “tối hôm trước quá chén, quá hớp” nên ghé.
Quán “độc” thứ hai phải kể là quán cơm Cari gà “bà Ke”(Tên bà chủ quán cũng là thợ nấu) nằm trong hẻm 97 trên đường Phú Lợi. Nằm trong hẻm nhưng đường vô rộng, xe hơi mỗi sáng đậu “sắp lớp”. Ăn kèm cari gà ở đây có bánh mì, cơm nhưng khuyên bạn nên dùng cơm bởi được nấu từ loại gạo thơm ST đặc hữu của Sóc Trăng. Cơm gạo thơm ST hạt nhỏ, dài, trong, dẻo mà phảng phất chút hương hoa lài. Khách có thể chọn một dĩa cari thuần là bộ lòng gà, mề gà, phao câu, cổ - cánh hay chỉ là da…quán đều đáp ứng. Quan trọng nhất là gà ở đây chỉ thuần là gà đồng, gà tàu nuôi nhà, không xài gà công nghiệp nên bảo đảm chắc thịt và đậm đà. Dĩa muối - chanh - ớt đặt cạnh đỏ thắm đặt cạnh bên dĩa cơm trắng ngần, màu vàng rộm của da gà…nước cari đặc sánh thấm đẫm miếng thịt. Mới sáng, đến đây sẽ thưởng thức đủ: chua, cay, mặn, ngọt, bùi, béo…thì còn gì bằng.
Cũng nằm trong danh sách ‘ăn chơi” buổi sáng là dãy quán bán toàn hàng thuần việt nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cạnh quán Càfe Thái Hồng (cũ). Dãy quán nhỏ không tên này có 5 hàng liền kề với miến gà, phở, bún “gỏi già”, một thứ bún chỉ có ở Sóc Trăng.
…Ăn trưa và ăn chiều.
Dù ăn trưa ở bất kỳ quán hay nhà hàng nào như: Hằng Ký, Quán Hưng, 150.v.v. thì cũng nên gọi món phá lấu. Món này luôn được các quán dọn trước lên bàn ăn bởi màu sắc và hương thơm của nó luôn làm cho thực khách phải “sôi bụng” mà giơ đũa ra gắp trước nhất. Phá lấu Sóc Trăng có nhiều món nhưng chủ yếu chỉ chế biến từ heo với: lòng heo, dồi trường, giò heo và thú linh phá lấu. Miếng phá lấu ngon phải là miếng phá lấu tuy mềm nhưng phải giòn, không dai, màu sắc nâu đỏ đậm nhưng ráo, thoảng thoảng hương ngũ vị. Công thức chung của mỗi quán có lẽ đều như nhau nhưng bí quyết khi tẩm ướp và nổi lửa có lẽ không giống nhau. Chính vậy mà ăn phá lấu giò heo ở quán Hưng sẽ khác với những quán khác và đây có thể xem là món ăn được thực khách kết nhất ở quán này. Khúc giò heo phá lấu chặt khoanh tròn, kèm dĩa dưa cải “tùa xại” với nước chấm là hắc xì dầu. Đặc biệt nhất là đoạn dụm móng được chặt ra làm bốn bày trên dĩa cực kỳ hấp dẫn bởi giòn khi cắn vào phần gân nhưng lại thật mềm và chút vị ngọt nhưng hơi the khi nhai kỹ…Món này ăn với cơm trắng cũng ngon mà để đưa cay với bia hay “ly đế’ cũng đều là tuyệt.
Còn về buổi chiều thì mới thực sự là khoảng thời gian của “ăn chơi” xứ Sóc Trăng vì sự góp mặt của đủ các món “độc” của cả ba sắc dân. Người Hoa thì có Bánh Cóng, người Việt thì có cháo cá lóc còn người Khmer thì có bún nước lèo. Điểm độc đáo là tất cả những món “ăn chơi” này chỉ có thể kiếm được sau 4 giờ chiều. Dọn sớm nhất chính là hàng bánh cóng “Đại Tâm” dọn cạnh bên thư viện tổng hợp của tỉnh. Nguyên liệu đê làm bánh cóng là bột gạo khi xay trộn một lượng cơm nguội vừa đủ, tép bạc đất, thịt, đậu xanh và một số gia vị đê làm nhân. Rau ăn kèm thì có cải xanh, cải xà-lách, diếp cá cùng một số loại rau thơm khác. Nước chấm là nước mắm chua đã được chế biến kèm với dưa góp thái chỉ. Nhiều người vẫn dùng sai tên gọi của thứ bánh này khi gán cho nó chữ “cống”. Thực chất là khi chiên bánh trong chảo dầu, bột được nhận vào cái cóng (dưa dùng để đong nước năm, đong dầu mà bán) nên người ăn đặt cho nó là bánh cóng chứ đích danh gọi theo tiếng Tiều phải là “xầy, bánh xầy”. Bánh cóng chiên vàng, rộm, xắt làm tư. Nhân bên trong bánh là thịt, trên mặt là hai con tép đất vàng ươm…bánh luôn được dọn ra cho khách ăn nóng nên mùi thơm của bột gạo đậu xanh, của nhân thịt…điểm nhấn chính là cái cay nồng của cải khiến không có cảm giác “ngán” khi ăn tới cái bánh thứ tư. Bánh cóng có thể ăn trừ cơm bởi hàm lượng dinh dưỡng mà bánh cung cấp là “đầy đủ chất”.
Cũng bắt đầu tầm này, những quán bún nước lèo bắt đầu dọn hàng. Sóc Trăng có khá nhiều quán bán bún nước lèo nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là “Bún nước lèo cây Nhãn”. Quán nhỏ, nằm gần cuối con đường nhỏ đi vào đình Năm Ông. Gọi là quán cây nhãn chứ thực ra quán vốn không có tên, nhưng từ khi mới mở thì trước cửa quán đã có một cây nhãn cổ thụ nên “chết danh” luôn là quán cây nhãn, dù hiện nay cây nhãn giả đã chết từ lâu. Nước lèo để ăn bún nấu từ xương heo, xương gà và được nêm bởi mắm cá sặc hoặc cá linh. Nguyên thuỷ đây là món của người Khmer nên phải nêm bằng mắm Prahoc (Pòhoc) mới đúng điệu, nhưng về sau người Hoa, người Việt đã thay bằng mắm khác vì mùi của Prahoc quá “đậm” nên không hợp với khẩu vị. Xả nguyên tép đập dập kèm ngải bún cũng được cho vào nồi nước lèo mang lại vị thơm đặc biệt. Nồi nước lèo ngon là nồi nước lèo trong, không đục. Rau ăn kèm thì ngoài một số rau thơm bắt buộc phải có bắp chuối và muống bào mỏng, kèo vài cọng hẹ tươi. Tô bún chụng xong, trên mặt là lớp thịt cá lóc đã được “xé phay”, lọc bỏ xương, vài ba con tép bạc nõn. Tô nào đặc biệt nhất thì nguy một cái đầu cá lóc kèm đùm ruột ngự ngay chính giũa. Tô bún nước lèo ngon là tô bún nóng hổi, có lẫn mùi thơm của Sả lẫn vói Ngãi Bún trong nước lèo, có vị mặn - ngọt - thơm của mắm, có mùi hăng hăng, cay cay của rau húng, giòn giòn, dai dai của rau bào, ngọt giòn của tôm tươi, ngọt bùi của cá, vi chua của chanh, nồng nồng của hẹ….Nhưng ăn bùn nước lèo mùa nào là ngon nhất? Xin thưa là vào đầu mùa mưa, khi đó cá lóc đã ôm trứng chuẩn bị đẻ. Lúc ấy, nồi nước lèo sẽ vàng lườm màu của trứng cá trên mặt, sẽ có vị béo, vị bùi của trứng cá lóc. Tô nào có kèo thêm cặp trứng được cắt đôi…đó mới là tô đặc biệt!
Món “ăn chơi” cuối cùng phải kể là cháo cá lóc. Bắt đầu từ 17h30 mới được bày bán ở những hàng quán nhỏ trên đường Phú Lợi, đoạn ngay bùng binh nối với được Lê Duẩn. Cháo cá lóc ăn kèm rau đắng đất, nước mắm nhỉ không pha chế…vừa bổ dưỡng, vừa giải cảm. Đây cũng là món thuần Việt trong các món ‘ăn chơi” ở Sóc Trăng.
Trong quãng thời gian một ngày nếu ai đó đến Sóc Trăng thì khó có thể thưởng thức hết các món ăn chơi!? Này nhé, trong buổi sáng sẽ khó có thể vừa thưởng thức cháo quảng mà lại kèm thêm dĩa cơm cari gà? buổi trưa thì dễ xử lý nhưng đến buổi chiều sẽ phải lựa chọn “một trong ba hoặc hai trong ba” mà thôi. Sau tô bún nước lèo nếu qua bánh cóng thì cố lắm cũng chỉ xơi hết được hai cái. Làm sao có thể giải cảm nổi với tô cháo cá lóc.
Chính vậy nên mới phải nói rằng “ăn chơi xứ Sóc Trăng cũng cần phải có thời gian”.

4 nhận xét:

  1. Bác Long bữa tới dẫn tui đi "ăn chơi" ở Sóc Trăng nghe. Tối qua đọc bon bài này mà chảy nước miếng.

    Trả lờiXóa
  2. Hic! Bác cứ vào. Còn nhiều món ăn chơi khác 'độc" hơn nữa. Ví dụ như: "mắm Prahoc" 7 món chẳng hạn. Vấn đề là bác phải biết....ăn mắm.

    Trả lờiXóa
  3. Nghe đến mắm là đã biết không ăn được rồi. Có món gì không dính đến mắm không?

    Trả lờiXóa
  4. Phá lấu Quảng Đông, bánh cóng "Xầy cà nả", hũ tiếu khô Vĩnh Châu, khô trâu Thạnh Trị...Tạm thế cái đã. Híc....nhắc đến lại thèm "vô 100%" roài.

    Trả lờiXóa