Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

NGỌT NGÀO MÙA NĂN NON


Trong vài năm gần đây, cây cỏ năn nghiễm nhiên đã trở thành một thứ thức ăn đặc sản trong các bữa tiệc. Và kể từ đó, loài “cây hoangcỏ dại” này đã chính thức ghi tên mình vào cơ cấu sản xuất trên những vùng đất lung phèn của vùng quê 5 ngã. Cơ cấu lúa-năn ra đời đã mang lại vị ngọt cho nhà nông huyện Ngã 5 sau những mùa thu hoạch lúa.

Năm nay, mùa mưa đến trễ, những lứa năn đầu tiên ở Ngã Năm vì thế cũng được thu hoạch muộn hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, điều đó không làm nhà nông bận tâm vì có tốn công cán, chi phí là bao để mà lo. Ngược lại, do thời vụ trễ nên giá năn non ngay từ đầu vụ đã được bán với giá khá cao. Anh Mai Văn Mành ở ấp Mỹ Lộc 2, xã Mỹ Bình, huyện Ngã Năm hồ hởi khoe: “Hồi đầu vụ mỗi ký có giá tới 2.500 đồng, còn hiện tại năn non đã có nhiều nên tuột xuống còn 2.000đồng/kg. Giá này được coi là thấp nhất rồi vì gần như chưa có năm nào giá năn non rớt xuống dưới mức 2.000 đồng/kg hết”.
Chúng tôi theo anh Mành và anh Thiện ra “cánh đồng năn” phía sau ngôi trường tiểu học còn ê a tiếng trẻ đọc bài. Trước mặt là năn, xa xa một chút cũng là năn, năn phủ xanh cả cánh đồng rộng lớn chỉ thấp thoáng nơi xa tít chân trời mới thấy bóng dáng của cây lúa. Trong cái thảm xanh của năn ấy có khoảng 2 ha năn của gia đình anh Mành mà theo anh thu nhập luôn ăn đứt so với làm lúa. Đưa tay chỉ những ruộng lúa xa tít, anh Mành so sánh: “Những ruộng lúa Hè-Thu đó dù có trúng cách mấy cũng không thu nhập qua ruộng năn này đâu. Năm ngoái chỉ toàn thuê mướn vậy mà đến hết vụ tính ra cũng còn lời trên 30 triệu đồng. Đó là chưa kể đến nguồn lợi cá đồng tự nhiên trong ruộng năn cũng thêm được vài triệu nữa”. Cũng theo anh Mành, hiện nay, mỗi ngày gia đình thu nhập khoảng 120-140 ngàn đồng từ 2ha năn mà không cần phải tốn chi phí gì.
Đã gọi là “cây hoang cỏ dại” thì có mấy ai mà trồng. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông-Xuân, cứ bỏ mặc cho “đồng khô chỏ cháy” đến khi mưa ngập chân ruộng thì cây năn tự khắc đâm chồi, xanh kín cả cánh đồng. Trước đây, nhà nông luôn cảm thấy khó chịu với loài “cây hoang cỏ dại” này vì chúng sinh sôi rất mạnh và cạnh tranh dinh dưỡng với cây lúa, nên năng suất vụ Hè-Thu thường không cao. Từ khi năn non trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn thì cây năn trở thành người bạn thân thiết của nhà nông chốn lung phèn trên con đường thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Anh Võ Hoàng Thiện góp chuyện: “Gọi là trồng năn nghe cho nó oai chơi chứ thật ra tới mùa chỉ cần có nước ngập ruộng là nó (năn) mọc tự nhiên dầy đặc cả ruộng. Nhà nông mình chỉ cần bỏ công ra nhổ năn non là coi như có thu nhập dài dài cho đến khi chấm dứt mùa mưa. Giá lúa còn trồi sụt, chứ giá năn non thì ổn định lắm vì đâu phải nơi nào cũng có năn đâu”.
Thường thì năn được nhổ vào buổi chiều hoặc 4-5 giờ sáng để kịp bán phiên chợ sớm. Mỗi ký năn được trả công nhổ 600 đồng và chỉ cần khoảng vài tiếng đồng hồ, một người có thể nhổ vài chục ký, cũng kiếm được vài chục ngàn. Cây năn hiện không còn quanh quẩn trên bàn ăn nhà nông hay ở các chợ xã mà đã vươn lên chợ huyện, thành phố để vào các nhà hàng khách sạn. Năn lột vỏ có thể chế biến các món như: trộn gỏi thịt gà, xào tép, xào nghêu, xào nước cốt dừa hoặc ăn sống với cá kho tộ, mắm kho hay nấu canh với thịt heo, bò, đặc biệt là làm nhân bánh xèo...Do đó, giá năn non luôn ổn định và cây năn có chổ đứng mới trong cơ cấu sản xuất lúa-năn của nhà nông vùng phèn trũng. Tuy chưa có liệu điều tra chính thức, nhưng theo anh Nguyễn Ngọc Thạch-Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngã Năm- mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ năn đang được áp dụng và cho hiệu quả cao tại một số khu vực phèn trũng thuộc các xã: Mỹ Bình, Mỹ Quới, Vĩnh Biên, Tân Long…với diện tích lên đến vài chục ha.
Nhưng đấy vẫn chưa phải là hết chuyện với những cánh đồng phèn trũng một thời được mệnh danh là “xứ cầm trâu” này. Những lung năng cách đây vài ba năm có người cố gắng đào mương, rút nước để cải tạo lại hòng làm lúa thì nay ngoài cái lợi từ năn, không ít hộ đã thả cá đồng hoặc lên bờ bao hòng rút nước “rọng cá” sau vụ lúa Đông - Xuân. Ở những lung này thì cá rô, cá trê…”bao la”. Mùa này đang vô mùa cá rô lứa cỡ 3 ngón tay nhưng vẫn không ít “rô mề” mỗi con cỡ 200-300gr. Diện tích đất của anh Thiện hiện giờ là 12 công, chưa tới mùa thu hoạch cá nhưng anh đang tính đến chuyện “mở khu du lịch câu cá đồng”!?. Anh tin chắc là sẽ làm được vì thấy trên ti-vi, trên báo có đăng phóng sự về những người mê câu cá đồng phải mày mò tìm chỗ câu cá. Anh vui vẻ nói rằng: “Mấy tay câu cá sành điệu không thích câu cá trong hồ vì ngoài chuyện cá không ngon bằng cá đồng tự nhiên thì cái quan trọng mà họ thích là được gần gũi với thiên nhiên hoang dã. Mà kiểu con cá ngoài đồng ăn mồi cũng đã hơn con cá nuôi trong hồ”. Anh say xưa nói về tập tính của từng loài cá đồng, những mồi độc để câu bằng cần câu tay, bằng cần câu cắm…Anh đã lên tận khu du lịch Gáo Giồng ở Đồng Tháp để tham khảo kinh nghiệm “khai thác thiên nhiên” ở đây. Theo anh thì lung năn của anh và anh Mành chỉ thua về diện tích chớ về chủng loại cá thì chưa chắc!? Anh tặc lưỡi: “Nhưng thiệt tình là tới giờ tui cũng chưa biết là nên để cho mấy ông câu cá câu theo giờ hay câu theo ký? Phải chi cái vụ này tui được mấy ông nào chuyên làm du lịch tư vấn thì hay quá”. Tôi hứa với anh là sẽ tìm cho anh vài tay “ghiền câu cá” để tư vấn cho anh cái vụ “khai thác cá đồng” nhưng cũng bỏ câu thòng “Riêng với mấy xuồng năn này cũng giàu rồi còn gì? Thêm cái vụ kia làm chi cho cực thêm”. Anh cười vui “Ai mà giàu rồi hổng muốn giàu thêm hả ông”?
Hết mùa năn non, cây năn sẽ tự lụi tàn để nhường chỗ cho cây lúa. Sự chuyển giao năn-lúa không chỉ biểu hiện cho sức sống manh liệt của loài “cây hoang cỏ dại” này, mà còn cho thấy sự nhạy bén của nhà nông khi biến những loại “bỏ đi” trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cây năn đã trở lại trên vùng phèn trũng Ngã Năm, nhưng không phải chỉ để cầm trâu như ngày xưa mà góp thêm vào bữa ăn hàng ngày một món rau sạch, thêm một nguồn thu nhập cho nhà nông và xa hơn là thêm sự đa dạng sinh học trên những cánh đồng phèn trũng.

5 nhận xét:

  1. Bài viết hay . Tui là dân Sóc Trăng, xa quê lâu ngày, đọc được mấy bài bạn viết vui lắm,cám ơn bạn .

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn! Những bài viết này là những ghi chép, góp nhặt những cảm xúc của mình khi đi câu cá thôi. Nhưng thật sự nó để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp của hồi còn nhỏ.

    Trả lờiXóa
  3. Vậy là bạn gốc người Sóc Trăng ha ?

    Trả lờiXóa
  4. Không! Gốc Kiên Giang (huyện Giồng riềng, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ).Nhưng gốc gặt" thì không có bởi là dân "lai giống". ba tập kết, mẹ quê chương Mỹ (Hà Tây), sinh ra ở xã trạm xá Thủy xuân tiên,Trạm thì nghiệm cam Xuân Mai.

    Trả lờiXóa
  5. Đại ca ruột có phải là QT ko? Tình cờ nhớ củ năn, lục lọi trên mạng gặp bài của đại ca. Nhớ tuổi thơ quá chừng!

    Trả lờiXóa