Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010
Nhộn nhịp xóm hàng xáo Long Bình
Lúa được chất đầy trong nhà. Lúa được phơi trước sân, tràn ra cả mặt lộ, trãi một màu vàng óng từ đầu đến cuối xóm. Ở đây nhà nào cũng làm lúa. Người khá giả thì sắm ghe làm hàng xáo đi mua lúa. Người nghèo thì tận dụng sân nhà, sức lao động làm dịch vụ phơi lúa, vác lúa. Cái xóm nghèo ở ấp Mỹ Hương (xã Long Bình, huyện Ngã Năm) giờ có thêm tên gọi mới: Xóm Hàng xáo.
*Ký ức ghe chèo…
Chúng tôi ghé xóm hàng xáo Mỹ Hương bên dòng kênh xáng Ngã Năm-Phú Lộc khi vụ lúa Hè-Thu đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Sân phơi nối tiếp sân phơi trãi một màu vàng óng của lúa chạy dài gần 2km dọc hai bên con lộ đal. Từ sáng đến chiều tối, cả xóm lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh cào lúa, xúc lúa, cân lúa…Ông Trần Văn Kẽm-Trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Hương cho biết: “Chỉ có 21 người chuyên làm hàng xáo thôi, còn lại là làm dịch vụ phơi lúa, vác lúa thuê cho các chủ hàng xáo. Cái nghề này có hơn chục năm nay rồi, cũng nhờ nó mà nhiều hộ thoát nghèo, không ít hộ giàu có”. Cũng từng là dân hàng xáo, nên ông Kẽm khá rành rẽ chuyện nghề, chuyện người ở cái xóm nhỏ bé này…
Năm 1997, ông Kẽm cùng 3 người khác trong xóm lập thành nhóm tập tành đi làm hàng xáo. Lúc này do còn ít người làm nên lợi nhuận cũng kha khá. Ông Kẽm kể: “Lúc đó chèo ghe tam bảng đi mua chứ đâu có ghe lớn gắn máy như bây giờ. Vậy mà có khi đi xuống tới tận Hòa Bình của Bạc Liêu chứ đâu có ít. Cứ tờ mờ sáng thì chèo đi, đến xế thì về tới nhà cân lại cho lái. Mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 30 giạ thôi nhưng tính ra cũng lời được khoảng 200 ngàn đồng, mua được 5 phân vàng”. Rít một hơi thuốc thật sâu, để ký ức một thời hàng xáo ghe chèo hiện về trong làn khói, ông Kẽm chậm rãi: “Hồi đó mỗi lần đi thành nhóm 4 chiếc nối đuôi nhau để có gì còn hỗ trợ cho nhau. Làm ăn cũng khá, nên nghỉ một ngày là thấy uổng lắm”! Bất chợt quay sang tôi ông hỏi: “Có biết “lúa 10 giờ” là gì không”? Tôi còn đang ấp a ấp úng chưa biết trả lời sao thì ông nói luôn: “Tức là phơi từ lúc mặt trời lên đến 10 giờ là cân bán. Coi vậy chứ mà lái chịu thứ lúa này lắm vì khi đem đi chà rất đặng gạo. Mà chỉ ở vùng này lái mới chịu mua “lúa 10 giờ” thôi”. Nói xong ông cười ra chiều đắc ý về kiểu làm ăn chỉ có ở xóm mình. Nụ cười mới thoáng qua môi đã nghe giọng ông chùng xuống: “Từ năm 2000 bắt đầu có người sắm ghe 7-10 tấn, gắn máy xăng, máy dầu đi mua nên cánh ghe chèo tụi tui cũng thôi không làm nữa. Bây giờ thấy xóm làm ăn xôm tụ mình cũng vui vì đã góp công làm nên một cái nghề”.
Ông Kẽm, có thể xem là người đầu tiên sắm ghe chèo để làm ăn “hàng xáo” kể với chúng tôi câu chuyện vui: “ngày xưa, vô cá vùng xâu hoặc các sóc Kh’mer mua lúa ngon lắm. Có nhà mình trả 1kg 1.200 đồng nhưng họ tỉnh bơ. “Tao tính mày một ngàn thôi, mày tính lẻ khó tính quá”. Đấy là chuyện ngày xưa, khi làm lúa xin lỗi bán là có lời, chứ bây giờ một đồng cũng đừng mong.
Một chuyện khác là chuyện “cò”!? Đừng tưởng chỉ có cò đất, cò ngân hàng chứ ngay bây giờ muôn làm nghề hàng xáo cũng phải cậy nhờ “cò”!? Vấn đề là- mỗi cánh đồng có ai rành bằng người cư trú tại đó. Thánh thử các ghe hàng xáo phải tính chuyện… “ruộng đó gặt chưa”? Anh Một chủ ghe hàng xáo bật mí “chỉ riêng tiền mua card điện thoại mỗi tháng cho các cò là 300.000 rồi nghe. Còn mua được lúa thì tính trên đâu tấn”. ờ nhỉ!? Ngày xưa, người làm lúa có tính toán hơn thua nhhiều như bây giờ không mà sẵn sàng bỏ qua cỡ 200 đồng, mà bây giờ xin lỗi, một đồng cũng không lỏi? Lỗi này phải chăng của gánh hàng sáo hay của ai???
*Nhộn nhịp xóm hàng xáo
Tôi theo ông Kẽm đến khu sân phơi của anh Mã Danh, một hàng xáo đang ăn nên làm ra ở xóm này. Cũng như ông Kẽm, trước đây Mã Danh cũng là nông dân, sau đó tập tành đi làm hàng xáo bằng ghe chèo rồi khá lên như ngày hôm nay. Mã Danh chỉ là rễ của xóm này và cơ duyên đưa anh đến với nghề hàng xáo nhờ…thất bại từ nghề nuôi vịt. Mã Danh nhớ lại: “Hồi trước tôi nuôi hàng ngàn con vịt chạy đồng bổng dưng nó lăn đùng ra chết hết, phải hết hết 7-8 công ruộng mới trả hết nợ. Số vốn còn lại tôi đóng ghe 10 giạ bắt đầu đi mua lúa về bán lại cho thương lái, sau đó lên ghe 10 tấn như bây giờ”. Bây giờ Mã Danh chỉ việc đi mua lúa, còn chuyện phơi phóng, vác lúa đều thuê mướn hết. Cái váng vẽ nông dân trong anh cũng bắt đầu phai dần để thay vào đó dáng vóc của một ông chủ. Hiện nay, mỗi ngày Mã Danh thu mua, bán lại vài chục tấn lúa cho thương lái các tỉnh: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu…nên chẳng những có dư mua lại được 10 công đất mà còn cố thêm được trên 30 công.
Trò chuyện với chúng tôi không bao lâu thì có ghe của lái Bạc Liêu đến cân lúa. Chỉ vào sân phơi trước sân, Mã Danh cho biết: “Lúa này vừa rồi mua vô lúa tươi 4.500 đồng/kg, mới phơi một ngày là bán được giá 5.300 đồng/kg. Tính ra mỗi chuyến ghe 10 tấn sau khi trừ hết chi phí cũng còn lời 400-500 ngàn đồng, gặp khi giá lên bất ngờ lời cả triệu bạc chỉ trong vòng một ngày. Bởi vậy, cứ vùng Ngã Năm hết lúa thì qua Phú Lộc, Mỹ Tú, Phương Ninh…mua. Nói chung là nơi nào có lúa là mình tới, tính ra mỗi năm làm từ 10 tháng trở lên chứ đâu có ít”.
Tôi cùng Trưởng ấp Kẽm nhẩm tính, mỗi ngày xóm hàng xáo cung cấp cho thị trường vài trăm tấn lúa chứ đâu có ít. Trưởng ấp Kẽm còn chi li hơn tôi: “Mỗi ngày hàng trăm tấn lúa được bán đi cũng đồng nghĩa với gần cả trăm người có công ăn chuyện làm từ nghề phơi lúa, vác lúa. Tính ra cái nghề hàng xáo này cũng có ích không kém gì những nghề khác”. Nghe Trưởng ấp Kẽm nói tôi chợt nhớ tới anh Nguyễn Văn Tào, chuyên làm dịch vụ cho phơi lúa và vác lúa cho các hàng xáo trong xóm. Cách nay 7 năm, anh Tào còn rất nghèo ai thuê gì cũng làm vậy mà nghèo vẫn cứ nghèo. Từ khi nghề hàng xáo trong xóm phát triển, cả gia đình anh cùng làm dịch vụ nên cuộc sống cũng bắt đầu khá giả hơn. Anh Tào tâm sự: “Gia đình thì đông mà chỉ có 2 công ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ cả gia đình cùng làm dịch vụ phơi, vác lúa nên mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 300 ngàn đồng”. Cũng từ dịch vụ phơi lúa, vác lúa, gia đình anh đã có dư và vừa mới mua được 10 công ruộng trị giá 300 triệu đồng.
Xóm hàng xáo Mỹ Hương đang ăn nên làm ra. Cuộc sống người dân trong ấp cũng được cải thiện hơn. “Cái nghề hàng xáo này coi vậy mà ngon. Vừa giúp tiêu thụ được lúa nhanh chóng, vừa giải quyết được việc làm tại địa phương, tính ra lợi cả đôi đường”-Trưởng ấp Trần Văn Kẽm đúc kết trước khi chia tay với chúng tôi./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét