Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Câu cá và hội câu cá Sóc Trăng - Thú chơi tao nhã và thân thiện với môi trường



Những người chơi bi da thì còn có danh xưng là cơ thủ, cờ tướng là kỳ thủ, bóng đá là cầu thủ…còn những người vác cần câu đi câu dù là câu chơi cho vui hay đi câu vì một sự đam mê nào đó thì được gọi là cần thủ. Cần thủ cũng chia ra nhiều thứ hạng và lĩnh vực…nhưng ở miền tây nam bộ thì thường chỉ chia ra 3 lĩnh vực: câu hồ, câu sông và câu cá đồng. Mỗi lĩnh vực lại có một thú vui riêng. Câu lạc bộ câu cá Sóc Trăng cũng đã được thành lập, quy tụ những người yêu thích môn nghệ thuật gần gũi với môi trường này..
Câu hồ, câu đồng và…ra sông.

Hầu như ở trung thành phố hoặc thị tứ lớn nào cũng có một vài hồ có treo bảng câu cá. Riêng ở Sóc Trăng thì hồ câu cá khá nổi tiếng và lớn là hồ câu cá nằm trong khu du lịch Hồ Nước Ngọt. Khu hồ rộng khoảng 2 ha với 6 chòi vừa để che nắng vừa là chỗ có thể nhâm nhi…Cá của khu hồ này khá đa dạng…từ cá chép, cá dảnh, cá mè vinh, tai tượng, mè hôi cho tới cả cá vồ. Cá chép ở đây con lớn nhất vô cỡ hơn 2,5kg. Các cần thủ tập trung ở đây phần lớn là cán, công chức, học sinh và những người muốn “xả trét” sau một ngày làm việc mệt nhọc. Cần thì đủ loại…nào là cần tay trung quốc giá từ 45.000 đến cả trăm ngàn một cây. Chủ hồ chỉ tính giá cá câu được 1kg là 35.000đồng – một giá tương đương ở chợ những những chú cá do chính tay mình câu được mang về thì thú vị hơn nhiều. Mồi câu thì tùy hỉ..nhưng chủ yếu vẫn là thức ăn viên nhồi lại. Nhưng với những cần thủ “thứ thiệt” thì việc câu cá nuôi sẵn trong hồ “không đã”, phải gần gũi với thiên nhiên, phải biết nhìn nước, phải ngửi được cả mùi ngái ngái của gốc ra mới cắt hoặc ôm cần ngồi trong mờ ảo của khói đốt đồng mới đã. Mùa này đang là mùa câu cá rô đồng nên trong những hồ câu cá khá thưa những cần thủ “thứ thiệt”.
Vậy nhưng câu cá đồng với những cần thủ này cũng chỉ là “câu cho đỡ ghiền” chứ đánh trận thứ thiệt là phải ra sông, bắt cá ngát bự, bắt bông lau, mùa nước nổi bươn lên tận An Giang câu cá lăng, lội tuốt vô rừng U Minh nhắp cá lóc mới gọi là “cần thủ” bởi lẽ trong giới mê câu đã có câu thiệu “phi bông lau bất thành cần thủ”. Với nhũng cần thủ này thì giá một cần tay bèo bèo cũng trên 300.000 ngàn đồng, còn cần máy thì cả bộ tính luôn máy câu cũng non 1 triệu, chưa tính tiền nhợ, lưỡi câu “đặt hàng” và các phụ kiện khác như nón chuyên dụng, áo chống thấm, giày, găng tay.v.v. Theo Khánh Hoa, một cần thủ có hạng của câu lạc bộ câu cá Sóc Trăng (công tác tại Sở tài nguyên và môi trường) thì cái thú của một cần thủ khi đi câu không hẳn chỉ là con cá mà con là cái ung dung, tự tại giữa trời nước, trong lòng thật tĩnh lặng mà chờ đợi để rèn cho mình chữ nhẫn. Mặt khác, muốn có cá thì phải am hiểu lạch nước, hũm nước, con nước, rồi cả màu nước để tính toán xem quyết định buông cần hay đi về! Câu cá không chỉ là thú vui mà còn là cả một môn thể thao nghệ thuật. Một cần thủ giỏi là phải có sức khỏe tốt để có thể cầm cần quăng một cục chì nặng từ 250gr đến 350gr đi xa ít nhất 70m. Không chỉ ném xa mà còn phải ném chính xác để mồi của mình được cố định ngay tại lạch nước mà mình đã chọn. Một nghệ thuật khác là nghệ thuật thắt các nút buộc. Một cao thủ ban đêm không cần đèn vẫn có thể tóm lưỡi câu như ý mà không sợ tuột lưỡi câu khi cá lớn ăn. Các cần thủ đã tổng kết có khoảng hơn 180 kiểu nút buộc dây, nối dây…những nút buộc này còn có thể dùng vào việc dựng lều trại, buộc ghe, buộc nối các kèo, cột một cách chắc chắn!
Riêng Hoàng Vũ (công an huyện Trần Đề) thì chia sẻ kinh nghiệm: - trong nghệ thuật câu cá sông và câu cá đồng ngòai chuyện chọn lưỡi câu, cần câu và mồi thì còn phải hiểu cả bản chất “ăn uống” của lũ cá. Đó là"câu cá đồng thì mới cần giật cần câu, còn câu cá sông thì không cần bởi bản chất ăn mồi của 2 thứ cá sống ở hai khu vực này khác nhau"!? Thứ nhất là cá sông khi ăn mồi thì luôn rỉa rói miếng mồi theo kiểu "mèo vờn chuột" hay còn gọi là nó “giỡn mồi”. Khi rỉa mãi mà miếng mồi không sứt mẻ được miếng nào vào mồm thì nó mới "tức khí" nuốt luôn cả miếng và kéo đi. Khi dây câu bị kéo căng thì thực chất miếng mồi đã được cá nuốt rồi nên không cần giật mà chỉ cần gặc nhẹ đầu cần để đảm bảo cho lưỡi câu “sóc sâu vào hàm cá” là xong. Nếu cá lớn thì phải chuẩn bị vợt và "vờn" cho con cá mệt rồi hãy kéo dần lên...nếu kéo "tích cực" ngay từ đầu thì có thể đứt dây câu. Vấn đề nữa cũng quan trọng không kém để bảo vệ hạnh phúc gia đình cho những ai đã có vợ thì sau buổi câu...không nên ngủ chung với vợ vì dù có tắm rửa đến cỡ nào thì...vẫn "hôi như cú". Ít nhất là sau 2 ngày hãy ngủ chung với vợ bởi lẽ, mồi câu sông thường được sử dụng là con trùn lá …tanh rình. Còn với cá đồng. Bản chất của "tụi này" là tham ăn và khá ngu si. Thấy thằng khác ăn là cả bọn thường hay lao vào tranh giành (điển hình nhất là lũ cá rô "tăm tích" trên mấy cánh đồng mới sạ vào đầu mùa mưa). Bọn này táp hối hả nếu có mồi ngon, điển hình nhất là trứng kiến vàng hoặc nhộng ong nghệ. Xét về bản chất thì nhộng ong nghệ là tuyệt nhất khi câu trên đồng vì ngòai lũ cá rô thì lũ cá trê cũng rất khóai. Nhưng mồi này khó kiếm và..dễ bị "mặt như cái mâm" nếu không khéo trong công tác "khói lửa". Lưỡi câu cá rô đồng nên dùng là lọai lưỡi "Ó" (nó có kiểu uốn cong như mỏ con ó biển). Cần câu trên đồng ngon nhất là cần câu trúc, lọai cần này phải tự độ cho vừa tay, cây trúc phải già và đầu cần càng nhỏ, càng dịu thì..càng tốt. Chọn được cây trúc thì ngòai chuyện róc nhánh cho khéo, chuốt đọt, chuốt mấy cái mắt cho ngon thì còn phải qua công đọan uốn cần, nắn lửa cho vừa ý cái độ cong của đầu cần, cái thẳng thớm của cả cây cần câu.
Và tiếng thở than cho môi trường.
Tuy nhiên cả năm vừa rồi, các cần thủ ở cuối dòng sông hậu đều than thở: “thất bát quá”, dù đã có cần thủ lên được con cá ngát nặng 8,6kg. Chỉ riêng chuyện nước sông Hậu năm nay không đổ đã đẩy mặn tuốt vô trong sâu khiến các bãi câu cố định hàng năm mà các cần thủ lựa chọn đã không còn cá ăn. Nước chảy yếu, cát bồi nhiều nên dọc cảng theo bờ cảng Trần Đề cũng không còn cá lớn, chỉ còn toàn là cá úc và cá cá dứa nỏ ăn theo mé. Bãi sình mới bồi vươn ra gần 50m thì chẳng còn cần thủ nào có thể ném được cục chì và lưỡi câu của mình ra tới cự ly 300 thước phía ngoài để mong bắt cá lớn. Chưa tính đến chuyện những nhà máy thủy sản xả nước thẳng ra sông Hậu ở bến Đại Ngãi và cảng Trần Đề cũng làm các cần thủ…bưng mũi mà chạy dài.
Thế nhưng khủng khiếp nhất đối với các cần thủ là màn “xiệc điện” của các ghe cào nhỏ. Ngồi trên bến buông cần, lũ cá út, cá dứa đang giỡn mồi “kịch liệt” nhưng chỉ cần một chiếc ghe cào chạy tà tà ngang qua là tất cả “lặng rang” ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Đầu năm 2010 đã xảy ra xung đột giữa vài chục cần thủ bông lau với một ghe cào xiệc điện. Ghe cào phải bỏ chạy bởi trận “oanh tạc” bằng đá cục từ trên bờ tấn xuống. Một cần thủ bực bội nói “Ai cũng vì con cá. Nhưng bắt cá kiểu đó là tàn sát quá. Cá lớn, cá nhỏ và tới cả trứng còn chết thì mai mốt lấy gì mà còn”.
Đấy là chuyện ở sông, còn ở đồng thì vài năm trở lại đây coi mòi khá hơn vì người làm lúa ít xài thuốc bảo vệ thực vật dạng “cực độc”. Cá rô, cá trê, cá thác lác đã có nhiều trở lại trên những con kênh, con rạch. Ở Sóc Trăng, những địa danh như: Sóc mồ côi, kinh lộ Mỹ Hương, ngã ba đèn đỏ Sung Dinh, kinh tám thước….đã là những cái tên quen thuộc của những cần thủ. Nhưng cũng như ở sông, trên đồng cũng bị nạn “xiệc điện” mặc dù lâu lâu lại có tin, xã này…xã kia đã tập trung tiêu hủy vào trăm bộ xung điện. Lại tặc lưỡi…một bộ xung điện để xiệc cá tiền vật từ cho 4 con sò và mạch điện cao lắm là 50.000 ngàn, người mua vẫn cứ mua thoải mái, vậy có cấm thì chỉ còn nước là cấm hoặc phạt những ai lắp ráp thật nặng họa chăng mới hết được nạn “Xiệc điện”.
Hoàng Sơn – chủ nhiệm CLB câu cá Sóc Trăng cho biết:- Nếu như hội sinh vât cảnh ở Sóc Trăng được thành lập thì CLB câu cá Sóc Trăng cũng sẽ gia nhập vào hội, các thành viên của CLB sẽ là những thành viên tích cực để tuyên truyền và tham gia vào việc bảo vệ môi trường cũng như đa dạng sinh học bằng những việc làm và hành động thiết thục.
Cũng phải thôi! Bởi môi trường có tốt, có đa dạng sinh học thì mới có cá để mà câu ở đồng, ở sông chứ. Còn không thì chỉ loanh quanh câu cá nuôi trong hồ thì chán chết./.

1 nhận xét:

  1. Câu lạc bộ này được thành lập năm nào đó bác

    Trả lờiXóa