Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Đình thờ Quốc tổ Lạc Hồng ở Thạnh Thới Thuận: Thiêng liêng hai tiếng "đồng bào"

Đình thờ Quốc tổ Lạc Hồng, tọa lạc ở số 90, ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề. Năm nay, đúng 20 năm ngày ngôi Đình thờ Quốc tổ được xây dựng và cũng đúng vào dịp UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong những ngôi tổ đình thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ và Hùng Vương hiếm hoi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.


“cùng một gốc phải nhớ đến công đức sinh thành”
Ngôi Đình thờ Quốc tổ ở vị trí thật đẹp – hướng thẳng ra ngã tư sông Cổ Cò. Mục đích của những người xây dựng ngôi đình này là để nhắc nhở con cháu làm người phải nhớ đến nguồn gốc. Tất cả mọi người Việt đều là anh em có chung một tổ tiên, vì thế trong quan hệ đối xử phải có tình tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau và xóa đi tất cả những tị hiềm. Còn sâu xa hơn là mong ước một đất nước thống nhất và thanh bình. Thay vì xuân thu nhị kỳ cúng tế như các ngôi đình thờ thành hoàng bổn cảnh khác, Đình thờ Quốc tổ chỉ làm lễ mỗi năm một lần đúng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương. Về quá trình dựng nên ngôi Tổ đình này, bác Lâm Văn Bé (76 tuổi) - một “bô lão” trong Ban Hội đình hào hứng kể:
- Năm 1971 thì  bà con trong xóm cất một ngôi chùa thờ Phật bằng tre lá. Tới chừng độc lập năm 1975 thì ban hương khói vẫn đốt nhang cầm chừng vậy thôi. Tới năm 1993 thì bà con thống nhất với Mặt trận Tổ quốc, với chính quyền là sẽ lập nên ngôi đình. Bởi vì Thạnh Thới Thuận là tiền thân của Thạnh Thới An được chia ra từ năm 1983 nhưng Thạnh Thới Thuận lại chưa có được 1 mái đình. Mấy cụ “bô lão” nghĩ rằng “mỗi 1 làng đều cần có 1 mái đình để thờ những quan cựu thần! Nên ngôi đình này chọn cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ…tiếp đến là Vua Hùng rồi Bác Hồ - “Tổ quốc công thần” để thờ phụng. Hàng năm lấy ngày giỗ tổ làm lễ niệm hương với tổ tiên.
Tổ Đình Quốc tổ ngày Giỗ tổ - ảnh Cao Long.
Giữa đình là khán thờ trên cao là bức tranh tường họa hình 9 con rồng uốn lượn với nghĩa “cửu long”. Tượng tiên phụ Lạc Long Quân được đắp bằng xi-măng sơn màu đồng theo mô típ của những chàng trai Lạc Việt được miêu tả trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Xếp phía trước và thấp hơn một chút là tượng Hùng Vương, người khai sáng nước Văn Lang. Tượng tiên mẫu Âu Cơ được đắp với hình dáng của một thiếu nữ Việt Nam đứng cạnh bên chim Việt được đặt trang trọng ở điện thờ ngay trước ngôi đình. Hướng thẳng ra ngã tư sông lớn. Với mong muốn sao cho tất cả mọi người đều hiểu được tâm ý “cùng một gốc phải nhớ đến công đức sinh thành”, hai bên khán thờ được trưng hai hàng câu đối với nét chữ chân phương. Đôi câu đối bên khán thờ có nội dung “Công cha cắt rún thương nòi giống - tình mẹ chôn nhau nhớ cội nguồn”. Còn suốt cả 3 bức vách đều được trang trí bởi những câu giáo huấn con cháu được khắc trang trọng. Xin ghi lại những câu mà người viết ấn tượng nhất khi đến đây để giới thiệu với các bạn. “Trải bao thế hệ vẫn oai hùng, dựng nước Vua Hùng mở sử cương. Hào kiệt anh thư thề nối nghiệp, từ trong bọc trứng nở yêu thương”. Một câu khác “ Từ thửa Hồng Bàng Việt Quốc khai, Vua – Tôi đồng tắm dải sông dài, cùng nghe chim hót vui ca hát, mà cũng đâu lưng để cấy cày”.
Múa rồng trong ngày giỗ tổ - ảnh Cao Long.
Tổ tiên chính  là cội nguồn để cố kết cộng đồng
Trong suốt 2 ngày 18-19/4 (nhằm ngày 9-10/3 Â.L), người đến dâng hương không lúc nào ngớt… không chỉ có những người dân ở Thạnh Thới Thuận đến đây niệm hương hướng về đất tổ mà còn có không ít khách ở nơi khác đến đây chiêm bái, dâng cúng và vọng niệm về tổ tiên. Người ở Hoà Tú, Gia Hoà ra, người ở Bạc Liêu lên.v.v. Cụ Nguyễn Huỳnh Ân (90 tuổi), nhà ở TP. Sóc Trăng năm nay dâng lên tổ đình 2 câu liễn thật ý nghĩa - “Quân, Phụ thần uy, sắc ghi văn hiến quốc. Lạc, Long thánh vũ, chỉ dụ đại đồng gia”. Cụ giải nghĩa:
- Câu đầu mang nghĩa rằng đất nước Việt Nam mình có cha, có mẹ! Người Việt Nam mình là con rồng, cháu tiên. “Lạc, Long thánh vũ, chỉ dụ đại đồng gia” hàm ý rằng ngay từ xa xưa tổ tiên chúng ta đã chỉ ra rằng một đất nước muốn tiến lên “đại đồng” thì tổ tiên mình chính là cội nguồn để kết nối.
Cụ Nguyễn Huỳnh Ân giải nghĩa cho tác giả về 2 câu liễn treo trong tổ đình - ảnh Cao Long.
Ngày lễ tổ có thêm tiết mục múa lân, múa rồng cho thêm vui thôn xóm. Những tiết mục này cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và chính những người biểu diễn cũng ý thức được vai trò của mình trong từng tiết mục. Mở màn cho buỗi lễ là màn trình diễn trống hội ngay trước bàn thờ Lạc Hồng Quốc tổ. Sau những tiết mục múa lân để giúp vui cho làng xóm là đến tiết mục múa rồng, mang ý nghĩa nhắc nhở về sự tích “con rồng-cháu tiên”. “Chỉ riêng màn múa này chúng tôi đã phải tập hơn 10 ngày cho nhuần nhuyễn! Dù trước đó cũng đã trình diễn không ít lần ở những nơi khác”. Anh Phan Khắc Thạnh - Phụ trách Đội lân rồng, TT.Văn hóa và Triển lãm Sóc Trăng cho biết.
Hành lễ kính cáo với tổ tiên - ảnh Cao Long.
Ngày 10-3 âm lịch trở thành quốc lễ. Theo tiến sĩ sử học nguyễn Nhã thì đây “là một chất men kết nối lòng người… Và khi việc thờ cúng tưởng nhớ Quốc tổ là triết lý sống hằn sâu trong tâm khảm dân gian của người Việt, tinh thần ngày Quốc tổ là chất men kết nối mọi người. Trân trọng Quốc tổ, đó là sự đồng thuận không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, là ngày hội chung của tất cả người dân Việt Nam”.
Làng Quê Thạnh Thới Thuận hôm nay - ảnh Cao Long.
Cảm động và thật tự hào khi cả dân tộc có một ngày để cùng quay về với truyền thống lịch sử của dân tộc, cùng cảm nhận được mạch sống thiêng liêng đang ngầm chảy từ đời này sang đời khác... Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến hôm nay, gần 90 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên khắp dải đất Việt Nam đã lập tới trên 1.400 đền thờ các Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương, rồi hằng năm tổ chức lễ hội bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một di sản văn hóa độc đáo, di sản tâm linh, di sản tinh thần của người Việt Nam có giá trị trường tồn với thời gian.




Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Mỹ Thanh Du Ký (kỳ cuối): Đến thăm Đình Hoà Tú


Dải đất cuối cùng trong chuyến phiêu du của chúng tôi là làng Hoà Tú. Làng Hoà Tú xưa rộng lắm, trải từ Cổ Cò đến giáp giới các làng Tuân Tức, Lâm Kiết và Mỹ Phước. Nay Hoà Tú đã được chia ra 4 xã: Hóa Tú I, Hòa Tú II, Ngọc Tố và Ngọc Đông. Đình làng toạ lạc ở xã Hoà Tú I, ngay trên nền cũ. Năm Minh Mạng thứ 20(1841), Hoà Tú là một thôn thuộc tổng Thạnh An, huyện Phong Thạnh, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Được gọi là làng Hoà Tú từ ngày 05/01/1876, thuộc hạt Sóc Trăng.
… nghe kể những chuyện xưa
Đình làng Hoà Tú hiện giờ vẫn nằm trên nền đất xưa, nhìn ra con rạch Rò nhưng ngôi đình đã được xây mới rộng rãi, khang trang. Vị thành hoàng được thờ ở đây là vị anh hùng Nguyễn Trung Trực - người đã làm nên “lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa - Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần’’. Ngày nay, trong gian thờ chính còn có trang thờ Hồ Chủ tịch và Liệt sĩ Văn Ngọc Chính - người đã lãnh đạo Chi bộ Hoà Tú và người dân nơi đây trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Một góc đình Hoà Tú.
Gian thờ bên phải và bên trái bày di ảnh và cũng là ban thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng Hoà Tú. “Tiền hiền khai canh - hậu hiền khai cơ”. Bậc tiền hiền là những người đầu tiên bỏ ra của cải và huy động được nhân lực, vật lực để khai khẩn một vùng đất mới được triều đình thừa nhận về mặt pháp lý, còn gọi là ông “khai canh”, khi mất thì ở đình làng dành cho bàn thờ riêng, gọi là tiền hiền.
Ban thờ các vị tiền hiền của làng Hoà Tú trong đình Hoà Tú.
Khi đã quy tụ được người, đất điền đã được cấp bằng khoán thì phải tính đến việc lập làng mới hòng tránh những tranh chấp về sau. Đây là một công việc phức tạp và tốn thời gian. Những người đứng ra làm đơn, chịu tốn kém, khó nhọc đến quan trên xin lập làng mới được gọi là người khai cơ, được thờ trong đình gọi là ông hậu hiền.

Ban thờ Liệt sĩ Văn Ngọc Chính.
Cụ Mười Luông (Nguyễn Văn Luông (83 tuổi)) ở Xóm Đình cho chúng tôi biết rằng ngôi đình cũ của những năm 30-40 là đình dựng bằng gỗ quý nhưng cũng khá lớn. Đình làng không chỉ là nơi hội họp của những ông hương, ông làng mà còn là nơi cúng kỳ yên hàng năm, mở hát đình, hát bội cho vui thôn xóm.
- Đất đình xưa rộng lắm, rộng hơn bây giờ ! Tụi tui hồi còn con nít hay vô trong sân đình chơi giỡn. Tới lễ kỳ yên, mấy ông làng cho dựng mấy dãy ghế cao “rộng thinh” vòng quanh sân đình để dân làng vô ngồi coi hát bội. Tụi tui con nít phải leo lên cây ở xung quanh mới dòm vô thấy được sân khấu....
Tác giả trò chuyện cùng cụ Mười Luông và Đồng chí Trần Tấn Nhanh – Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Tú 1.
Dấu tích còn sót lại của ngôi đình xưa nay chỉ còn lại đôi thân hạc gỗ, vài mảnh hoa văn, vài chữ hán ở câu liển cũ được chạm khắc tinh tế đã cho ta thấy đôi phần của dòng thời gian đã qua.
Khi thực dân Pháp bình định xong Nam Kỳ, công việc đầu tiên là định lại việc quản lý điền địa, củng cố bộ máy cai trị thực dân. Cũng từ đây xuất hiện nên lớp điền chủ mới với những hình thức bóc lột mới. Còn người nông dân, người tá điền, người làm thuê thì cuộc sống cơ cực đủ điều… làm chẳng đủ ăn. Cụ Mười Luông kể rằng chuyện gia đình cụ ngày xưa ăn uống cơ cực vậy mà mỗi ngày cụ phát sạch cỏ 2-3 công đất là thường.
- Cái thời của ông già tui là làm mướn không! Đất đai thì toàn là của chủ điền. Hết chơn từ dây đất này qua tới bên sông đều là dân làm mướn cho chủ điền. Đâu có ai được miếng đất nào. Cứ lãnh công trước… ăn trước trả sau. Cha tui mỗi một năm là nhổ 300 công mạ. Còn bà già tui đi cấy cũng từ 200 đến 300 công. Cấy riết rồi… “chai xương sống”. Thôi! Nhắc chi tới cái thời đó.
Tôi hỏi tiếp: Vậy so với người tá điền làm ruộng để đóng địa tô thì người làm mướn coi bộ còn tệ hơn hả Bác Mười ?
- Người làm mướn lơ tơ mơ… làm biếng là nhịn đói liền. Chính đời của tui nè! Ăn cháo nấu với khoai môn, nấu với bông súng riết mà tôi muốn khóc. Người ta tính lời thì người ta tính trước. Nhổ một công mạ bằng bao nhiêu tiền, hổng có tính lời nữa. Cứ tính ra tiền rồi tới mùa mình nhổ đủ 1 công mạ trả người ta. Giá này tính ra thì rẻ nhưng nếu mình mà hỏi tiền vay thì 1 phải trả 2… lúa cũng 1 phải 2 vì tính theo mùa.
Nổi danh nhất trong giới điền chủ Sóc Trăng là bà Phủ An với ruộng điền hơn 1.100 mẫu, chiếm trọn vùng Bưng Sa Mo - nay thuộc khu vực ấp Hoà Bình - xã Hoà Tú II. Nơi đây sản xuất một loại lúa ngon cơm nổi tiếng là lúa “samo”, nghe đâu đây chính là thứ lúa đã làm nên danh tiếng của “gạo bãi Xàu”!?. Nhà của ông bà Phủ An là một toà nhà lầu kiên cố được xây cất bằng bê tông cốt sắt đầu tiên tại Châu Thành Sóc Trăng. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX căn nhà này vẫn còn. Về sự giàu có của bà Phủ An thì hẳn ai đã đọc sách của cụ Vương Hồng Sển đều đã biết. Khi bà chết, chỉ riêng việc đốt bỏ giấy nợ của tá điền thôi cũng đã mất 2 ngày!? Điền chủ xưa vì sao giàu ? Ông Lương Đắc Châu (68 tuổi), ở xã Hoà Tú 1 đến nay vẫn còn nhớ khá rành rẽ chuyện này:
- Thời đó thu tô thì mỗi 1 công là 1 giạ rưỡi. Trong khi 1 công gặt nhiều lắm cũng chỉ 7 chục đến 8 chục bó. Hổng khi nào tới 1 trăm, trăm rưỡi bó đâu… bởi vì cấy lúc đó 1 tầm chỉ có 6 bụi lúa… mà nào có phân bón gì đâu!? 1 công đập rồi lúa thì chỉ cỡ 2 trăm, 2 trăm rưỡi chớ hổng bao giờ mà tới 3 trăm ký lúa. Tá điền tới mùa gặt thì xong mùa là kể như ăn hết mùa gặt là hỏi tiền công để ăn tiếp để đợi tới mùa cấy sau rồi. Cấy là để trừ nợ thôi! Thành ra nếu mà tính phần trăm địa tô trên năng suất thì dữ dằn lắm! Chủ điền bao giờ cũng nắm phần cán dù lúa có thất. Thất thì tá điền chịu đủ…
Như vậy tá điền sau khi đóng tô thì 1 công chỉ còn khoảng non 150kg… gánh đủ hết tiền ăn, tiền mặc, tiền thuốc khi đau ốm. Chưa tính tiền đã ứng trước, vay trước để ăn khi thiếu hụt. Xong mùa lúa mà trả không hết thì cứ tiếp tục trả bằng công cấy, công gặt… Mùa này hổng trả hết thì cứ chồng vô tính tiếp mùa sau. Vậy mà còn được cho là “khoẻ hơn người làm mướn” thì đúng là… “hết biết”. Cái nghèo “mạt rệp” cứ vậy mà đeo bám mãi! Những chuyện vay nợ, tính lời… mua bán lúa thời tây ai muốn tìm hiểu cho “rành rẽ” cứ tìm đọc “Hơn nửa đời hư”, “Những di cảo” của Học giả Vương Hồng Sển; “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của nhà văn Sơn Nam hẳn sẽ rõ hơn nữa! Ông Châu còn nói vui: “Cái tuồng cải lương Tiếng hò sông Hậu dù hổng nói rành rẽ về một ông chủ điền nào mà cứ y trang như những gì đã xảy ra ở cái làng Hoà Tú này thời đó! Tới mùa đập lúa… gánh tằng khạo, cặp-rằn cũng rảo đầu trên, xóm dưới… “vét nồi - giũ ống, lục ổ gà mái ấp” y rang! Mà tá điền mình hồi đó “hổng dấu” thì lấy cái gì mà ăn?!
Truyền thống khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 
Tại đình Hoà Tú cũng dành một gian riêng để kể lại bằng hình ảnh về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 ở nơi đây. Đây cũng là một câu chuyện lịch sử đã làm nên truyền thống của làng Hoà Tú, dù là người ở Ngọc Đông hay Ngọc Tố đều rành rẽ. Với người dân làng Hoà Tú, đây là niềm tự hào của nhiều thế hệ. Đồng chí Trần Thanh Hiền - Phó Bí thư xã Ngọc Tố kể vanh vách chi tiết về cuộc khởi nghĩa Hoà Tú năm 40. Anh còn chỉ cho chúng tôi những địa danh, địa chỉ cần thiết để lần theo “con đường của đoàn quân khởi nghĩa”.
Trò chuyện cùng ông Lương Đắc Châu.
Còn ông Lương Đắc Châu thì kể cùng chúng tôi một kỷ niệm mà ông đến giờ vẫn không thể quên trong chuyến đi xuống hòn Đá Bạc - Cà mau, tải vũ khí về chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.
- Tự hào lắm… hãnh diện lắm khi mình là con em của đất Hoà Tú Nam Kỳ khởi nghĩa. Đoàn của Mỹ Xuyên - Hoà Tú ở chỗ nào là cô bác lập tức tới thăm… Người ta lại coi mình ra sao mà lại là ngọn cờ đầu của Nam kỳ Khởi nghĩa! Ngon lành lắm… Có chết cũng không tiếc !
Xã Hoà Tú 1 – trung tâm của làng Hoà Tú xưa nói riêng hay cả 6 xã vùng trong của huyện Mỹ Xuyên nay đã khang trang hơn xưa nhiều với mô hình sản xuất tôm-lúa bền vững. 1 vụ lúa đặc sản-1vụ tôm ăn chắc, kết hợp với trồng hoa màu… Rồi mô hình sản xuất “ruộng lúa-bờ hoa… Điện, đường, trường, trạm y tế được mở rộng đã mang lại một diện mạo mới cho làng quê Hoà Tú. Đồng chí Trần Tấn Nhanh - Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Tú 1 nói cùng chúng tôi:
- Đảng uỷ và UBND xã đã xác định Hoà Tú 1 là một vùng chuyên canh tôm-lúa mang tính bền vững và mô hình này là mô hình chủ yếu ở xã. Qua nhiều năm giữ vững định hướng này đã cho thấy – hiệu quả của mô hình này là cao, ổn định và dễ ứng phó với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi trong mấy năm gần đây. Trên bờ bao vuông tôm bà con còn trồng các loại hoa màu cũng rất có hiệu quả. Tuy mới nhìn thì có vẻ là “đi chậm” nhưng chúng tôi tin rằng là “tiến chắc”. 
Đường giao thông nông thôn và ruộng lúa-ao tôm ở Hoà Tú 1.
Dọc theo những con đường, bên những vuông tôm, ruộng lúa hôm nay ở Hoà Tú 1 là những bờ hoa muôn màu khoe sắc… không chỉ làm đẹp thêm cho những con đường, những ngôi nhà, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới mà đây chính là ứng dụng của chương trình canh tác nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp cho ra những sản phẩm sạch trong tương lai. Thương hiệu gạo “Ngọc Đồng” không phải đang làm rạng danh đất Hoà Tú hay sao?! Còn chuyện vài năm nữa, con tôm sú, tôm thẻ nuôi trên đất Hoà Tú sẽ làm nên thương hiệu tôm an toàn, tôm sạch Hoà Tú hẳn cũng không khó lắm.
Hãy đi… để tận mắt thấy quê mình đang đổi mới từng ngày. Hãy đi, để thấy quê mình đẹp lắm, để đến với những vùng đất - những con người đã làm nên lịch sử hào hùng cho quê hương Sóc Trăng. Càng đẹp hơn với những huyền thoại, những câu chuyện của một thời mở đất, lập làng…
Hết
Cao Thành Long (1/2013)

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

5 ngả thương hồ! (kỳ cuối):... Thương hồ bến đợi!

Nhộn nhịp nhất ở chợ nổi Ngã Năm là vào buổi sớm mai! Đây là lúc những ghe hàng bông ra chợ bổ hàng để sau đó xuôi theo những đường kinh, con rạch, đến những mối hàng quen thuộc. Ngày trước thì Năng Bộp làm nên đặc thù “hàng bông” của chợ nổi Ngã Năm nhưng hiện giờ, những cọng bông súng trắng, bông súng “Đà Lạt” đỏ tím, bông súng ma bông vàng tươi, nhỏ xíu... đã làm nên sắc màu đặc trưng của buổi chợ sớm mai.
Làm dâu trăm nhà...
Mới “sớm bửng”, nhưng trên ghe Chị Ba Nga (nhà cũng ở khu 2, TT.Ngã Năm) đã đầy ắp hơn chục mặt hàng. Nào là: dưa leo, hành, tỏi, ớt, mướp, bông súng, đậu cô-ve, rồi xoài, mận, nhãn, thịt heo... rồi bánh lọt, rồi bún. Ngoài việc lấy hàng từ các ghe lớn, chị cũng có những mối đồ hàng bông trồng trên mấy rẫy gần đây. Việc lấy hàng-bỏ hàng thật đơn giản vì đã quá quen nhau. Cần hàng nào thì cứ lấy rồi tính giá-trả tiền, chẳng một câu trả giá. Bạn hàng quen cả mà. 
Vậy nhưng với bạn ghe hàng bông, xem như người mua đã phó thác khâu quan trọng nhất của những người nội trợ cho mình là chọn hàng. Bó rau phải xanh tươi, củ-quả phải đẹp, no tròn, vừa độ tươi non, ngon ngọt nhất... miếng thịt “ba rọi” phải tươi, đều mỡ nạc. Chính vậy mà khâu lựa đồ hàng sao cho vừa ý “mối mang” luôn được bạn ghe chọn lựa thật cẩn thận. Cũng vì lẽ đó mà chuyện lặt rau, rửa sơ cho hàng của mình đẹp lên, bắt mắt cũng chiếm không ít thời gian của chị Ba Nga.
Những bà nội trợ đang bàn tính chuyện “giá hẹ xào phèo non” - ảnh Cao Long.
Xem thì lâu vậy chứ tới tầm non 8 giờ, “hàng họ” đã chuẩn bị xong hết. Chị bắt đầu một ngày bán hàng của mình. Tính từ lúc khởi hành thì phải tới chiều mới dứt mối bởi như chị “bật mí”: Mối của chị nhiều lắm, nhất là ở trong đồng. Tôi khởi hành cùng ghe hàng của chị xuôi theo rạch Cái Trầu, bắt đầu đến với những bến đợi của bạn thương hồ.
Chạy chưa đầy 10 phút, ghe đã cập bến đầu tiên ở ấp Trương Hiền, TT. Ngã Năm. Khách mua là một người quen, nhà tuy ở gần chợ nhưng bận chuyện “làm ăn” nên việc đi chợ giao cho bạn “thương hồ” lo giúp. Công chuyện còn lại của chị Tám Duyên - chủ nhà chỉ là lựa lại lần cuối cho thật vừa ý. Hôm nay nhà máy xay xát chuẩn bị vào đợt cân lúa, nhân công nhiều, món ăn cũng có vẻ thịnh soạn với món chủ lực... “hũ hoa (khổ qua) nhồi thịt hầm”. Tôi chẳng nghe qua được một lời trả giá! Cũng thật vui và ngồ ngộ khi Tám Giỏi - một thanh niên lực lưỡng bước xuống bến miệng oang oang: “Lấy cho tui 1 ký bún thiếu bà Ba”! Thấy tôi tròn mắt vì 1 ký là 1 ký chứ sao lại  “1 ký thiếu”??? “Nó mua thiếu 1 ký đó. Cái thằng này nết ăn của nó hổng giống người ta, nhưng dễ ăn”. Chị “mắng yêu”: - Cái thằng quỷ này cơm chủ hổng ăn mà mua bún ăn riêng hả mảy?! - Cơm ăn hoài cả năm ngán chết. Sẵn hủ hoa hầm, mình chơi bún nuốt cho nó đã. Mình ăn kiểu đó cho người ta thèm chơi! Hổng thằng nào xin à nha... mà xin tui cũng hổng cho! Tám Giỏi nói oang oang rồi cười “ành ạch” đúng kiểu của một anh chàng “lý lắc”.
Tiếp tục xuôi theo rạch Cái Trầu, bến thứ 2 mà chị Ba ghé không chỉ là để bán hàng mà còn để lấy bình cà phê đá mà chủ quán hàng đã làm sẵn cho chị. Ở bến này chị Ba Nga có tới 3 mối đang đợi. Câu chuyện của những người “nội trợ” xứ này cũng xoay quanh chuyện hút hàng, làm giá của một món hàng nào đó. Chị Vân - một mối hàng thắc mắc: - Có phèo non, có giá mà sao thiếu hẹ hả bà Ba? Vậy rồi làm sao mà xào giá hẹ? Hẹ mấy bữa nay lên giá nên bà Tám Trường neo không chịu nhổ nè. Chị Nga trả lời: - Ngoài chợ hẹ giá lên tới 25.000 đồng nên tao hổng lấy. Tới lứa nhổ rồi mà bả hổng chịu nhổ mà cứ để đợi giá lên hoài. Đâu mai chiều tụi mày nói bả nhổ coi chớ hàng xóm với nhau không... nữa hổng mua đồ của bả thì bả đừng trách. Cái vụ này thì mấy bà ở đây nói mới mạnh, bả mới ngán.
Bến cây gừa Long Bình - nơi chị Ba Nga ghé lại lâu nhất - ảnh Cao Long.
Quả là khách hàng ở xứ này mới thật sự là “thượng đế” khi đầu mối hàng cũng là những người quen biết. Loanh quanh vài ba bữa rồi cũng gặp nhau.
Trên chiếc đò dọc chạy theo sau ghe hàng của chị Ba Nga, không cần phải “sành sõi” tôi cũng biết được điểm ghé kế tiếp của chị bởi mối mua hàng đã chờ sẵn ở dưới bến sông đoạn Long Tân. Câu chuyện giữa người bán (chị Ba Nga) - người mua (Chị Tư Duyên) mà chúng tôi chứng kiến là những lời thăm hỏi chuyện làm ăn - bán buôn lóng rày sao thấy thiếu một người quen ở chợ cũng là một bạn hàng bán cá lóc đồng! Cái mộc mạc, chân chất tình đời, tình người ở xứ này là vậy.
- Chị Hai em nghỉ bán 3-4 bữa nay vì đám lúa ở nhà tới lúc gặt rồi. Hơn 20 chục công chớ đâu có ít. Máy gặt thì máy gặt chớ cũng phải coi sóc, coi cân lúa rồi cơm nước cho mấy người mần cho mình. Nhà chỉ đơn chiếc mà! Xong hết việc chắc đuối nên nghỉ thêm vài ngày rồi mới ra chợ!?
Bến sông, dưới bóng mát của một cây gừa lớn đoạn Long Bình có lẽ là bến ghé lâu nhất trong chuyến đi của chúng tôi theo ghe hàng của chị Ba Nga! Hai mối hàng không chỉ lựa hàng nhiều mà còn có vẻ hơi khó tính khi chọn hàng... từ đồ hàng bông cho tới trái cây. Vậy mà người bán vẫn chẳng mảy may một chút khó chịu... vẫn là cuộc chuyện trò thân tình thường thấy của những người nội trợ.
Nắng lên đã có vẻ “gắt’ trên rạch Cái Trầu... chiếc ghe hàng bông vẫn lạch tạch tiếng máy nổ xuôi theo con rạch đến những bến mới. Những bó bông súng, những trái mận đỏ hồng, những bó đậu đũa, chùm đậu cô-ve mơn mởn, non tươi vẫn đang chờ “mối mang” dọn bớt. Những câu chuyện của “bạn ghe hàng bông” làm tôi chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Quân Tần viết về nỗi lòng của khách thương hồ thật hay:
“Lên bờ dạ lại nhớ sông!
Thương hồ một mái chèo rong bến đời”.
Phải rồi! Những bến đời của sông nước Nam Bộ luôn tràn đầy nghĩa tình chòm xóm, con người luôn có niềm tin chân chất vào tình đời, tình người. Nghĩa tình ấy thấm sâu vào máu thịt nên luôn làm ta nhớ, dù chỉ là một thoáng “đi rong” qua những bến sông.
Chị Chín Tuấn (người đứng - mặc áo hoa cà tím) đang bổ hàng lúc sáng sớm ở chợ nổi cùng ông xã (người ngồi, mặc áo thun xám) - ảnh Cao Long.
... “Đổi tiền cũ lấy tiền mới”?!
Cũng trên đường cặp kênh Cái Trầu ra Long Bình, tôi gặp xe hàng của chị Chín Tuấn (Tuấn là tên chồng của chị) đang đưa hàng đi bán dài dài trong xóm. Xe hàng của chị cứ như một cửa hàng tạp hoá nhỏ di động. Nào bịch ớt đỏ, chùm hẹ bông, rau củ... thì còn có cả bột giặt, bánh tây, lớp nào dầu gội đầu và một hũ hột sen khô. Tiếng “kèn hơ” toe toe cùng tiếng bánh xe lăn lục cục, lục cục chính là tiếng rao hàng của chị. Xem nhanh lại những tấm ảnh đã chụp buổi sáng hôm trước, tôi phát hiện ra hai tấm ảnh mà mình đã tình cờ “bắt lại” được cảnh chị Chín cùng ông xã sáng sớm chèo ghe đi bổ hàng. Tôi như đọc được niềm hạnh phúc bình dị của chị qua nụ cười thật tươi trên những vòng bánh xe đi. Chỉ là cuộc trò chuyện ngắn bên đường nhưng tôi thật ấn tượng khi nghe chị ví von về cái nghề của mình!
- Coi vậy chớ cũng cực lắm chú ơi! Chọn hàng, lựa đồ, xanh sửa rồi đi bán cũng hết 1 ngày. Bữa nào bán được nhiều thì lời 1-2 trăm... bữa nào ế cũng kiếm được 7-8 chục. Cũng đủ tiền cho sắp nhỏ đi học. Được một cái... nghề này nếu siêng thì mỗi ngày cứ “đổi tiền cũ lấy tiền mới”! Thành ra cũng có tiền xài hoài vậy mà...
Chị Chín Tuấn cùng “cửa hàng tạp hoá di động” trên đường Long Bình - ảnh Cao Long.
Nếu có đến Sóc Trăng, đi chơi chợ nổi Ngã Năm, theo kênh Xáng Chìm ngắm “bẹo”, thức đêm ngắm trăng cùng bạn thương hồ, xuôi kênh Quản Lộ về Bạc Liêu, miệt dưới... Hãy dành một khoảng thời gian để theo một chuyến “hàng bông”... Hẳn khi ấy, ta sẽ cảm nhận hết được cội nguồn của nền kinh tế “thương hồ”, mới thấm được cái tình làng, nghĩa xóm, của tình đất, tình người ở 5 ngả sông thương.
Thương hồ 5 ngả ngược xuôi.
Hỏi ai đếm được bao nhiêu bến đời! (Minh Ly)

Cao Thành Long (19/2/2013)