Nhộn nhịp nhất ở chợ
nổi Ngã Năm là vào buổi sớm mai! Đây là lúc những ghe hàng bông ra chợ bổ hàng
để sau đó xuôi theo những đường kinh, con rạch, đến những mối hàng quen thuộc.
Ngày trước thì Năng Bộp làm nên đặc thù “hàng bông” của chợ nổi Ngã Năm nhưng
hiện giờ, những cọng bông súng trắng, bông súng “Đà Lạt” đỏ tím, bông súng ma
bông vàng tươi, nhỏ xíu... đã làm nên sắc màu đặc trưng của buổi chợ sớm mai.
Làm dâu trăm nhà...
Mới “sớm bửng”, nhưng trên ghe Chị Ba Nga (nhà cũng ở khu 2, TT.Ngã Năm)
đã đầy ắp hơn chục mặt hàng. Nào là: dưa leo, hành, tỏi, ớt, mướp, bông súng,
đậu cô-ve, rồi xoài, mận, nhãn, thịt heo... rồi bánh lọt, rồi bún. Ngoài việc
lấy hàng từ các ghe lớn, chị cũng có những mối đồ hàng bông trồng trên mấy rẫy
gần đây. Việc lấy hàng-bỏ hàng thật đơn giản vì đã quá quen nhau. Cần hàng nào
thì cứ lấy rồi tính giá-trả tiền, chẳng một câu trả giá. Bạn hàng quen cả
mà.
Vậy nhưng với bạn ghe hàng bông, xem như người mua đã phó thác khâu quan
trọng nhất của những người nội trợ cho mình là chọn hàng. Bó rau phải xanh
tươi, củ-quả phải đẹp, no tròn, vừa độ tươi non, ngon ngọt nhất... miếng thịt
“ba rọi” phải tươi, đều mỡ nạc. Chính vậy mà khâu lựa đồ hàng sao cho vừa ý
“mối mang” luôn được bạn ghe chọn lựa thật cẩn thận. Cũng vì lẽ đó mà chuyện
lặt rau, rửa sơ cho hàng của mình đẹp lên, bắt mắt cũng chiếm không ít thời
gian của chị Ba Nga.
Những bà nội trợ đang
bàn tính chuyện “giá hẹ xào phèo non” - ảnh Cao Long.
Xem thì lâu vậy chứ tới tầm non 8 giờ, “hàng họ” đã chuẩn bị xong hết.
Chị bắt đầu một ngày bán hàng của mình. Tính từ lúc khởi hành thì phải tới
chiều mới dứt mối bởi như chị “bật mí”: Mối của chị nhiều lắm, nhất là ở trong
đồng. Tôi khởi hành cùng ghe hàng của chị xuôi theo rạch Cái Trầu, bắt đầu đến
với những bến đợi của bạn thương hồ.
Chạy chưa đầy 10 phút, ghe đã cập bến đầu tiên ở ấp Trương Hiền, TT. Ngã
Năm. Khách mua là một người quen, nhà tuy ở gần chợ nhưng bận chuyện “làm ăn”
nên việc đi chợ giao cho bạn “thương hồ” lo giúp. Công chuyện còn lại của chị
Tám Duyên - chủ nhà chỉ là lựa lại lần cuối cho thật vừa ý. Hôm nay nhà máy xay
xát chuẩn bị vào đợt cân lúa, nhân công nhiều, món ăn cũng có vẻ thịnh soạn với
món chủ lực... “hũ hoa (khổ qua) nhồi thịt hầm”. Tôi chẳng nghe qua được một
lời trả giá! Cũng thật vui và ngồ ngộ khi Tám Giỏi - một thanh niên lực lưỡng
bước xuống bến miệng oang oang: “Lấy cho tui 1 ký bún thiếu bà Ba”! Thấy tôi
tròn mắt vì 1 ký là 1 ký chứ sao lại “1
ký thiếu”??? “Nó mua thiếu 1 ký đó. Cái thằng này nết ăn của nó hổng giống
người ta, nhưng dễ ăn”. Chị “mắng yêu”: - Cái thằng quỷ này cơm chủ hổng ăn mà
mua bún ăn riêng hả mảy?! - Cơm ăn hoài cả năm ngán chết. Sẵn hủ hoa hầm, mình
chơi bún nuốt cho nó đã. Mình ăn kiểu đó cho người ta thèm chơi! Hổng thằng nào
xin à nha... mà xin tui cũng hổng cho! Tám Giỏi nói oang oang rồi cười “ành
ạch” đúng kiểu của một anh chàng “lý lắc”.
Tiếp tục xuôi theo rạch Cái Trầu, bến thứ 2 mà chị Ba ghé không chỉ là
để bán hàng mà còn để lấy bình cà phê đá mà chủ quán hàng đã làm sẵn cho chị. Ở
bến này chị Ba Nga có tới 3 mối đang đợi. Câu chuyện của những người “nội trợ”
xứ này cũng xoay quanh chuyện hút hàng, làm giá của một món hàng nào đó. Chị
Vân - một mối hàng thắc mắc: - Có phèo non, có giá mà sao thiếu hẹ hả bà Ba?
Vậy rồi làm sao mà xào giá hẹ? Hẹ mấy bữa nay lên giá nên bà Tám Trường neo
không chịu nhổ nè. Chị Nga trả lời: - Ngoài chợ hẹ giá lên tới 25.000 đồng nên
tao hổng lấy. Tới lứa nhổ rồi mà bả hổng chịu nhổ mà cứ để đợi giá lên hoài.
Đâu mai chiều tụi mày nói bả nhổ coi chớ hàng xóm với nhau không... nữa hổng
mua đồ của bả thì bả đừng trách. Cái vụ này thì mấy bà ở đây nói mới mạnh, bả
mới ngán.
Bến cây gừa Long Bình
- nơi chị Ba Nga ghé lại lâu nhất - ảnh Cao Long.
Quả là khách hàng ở xứ này mới thật sự là “thượng đế” khi đầu mối hàng
cũng là những người quen biết. Loanh quanh vài ba bữa rồi cũng gặp nhau.
Trên chiếc đò dọc chạy theo sau ghe hàng của chị Ba Nga, không cần phải
“sành sõi” tôi cũng biết được điểm ghé kế tiếp của chị bởi mối mua hàng đã chờ
sẵn ở dưới bến sông đoạn Long Tân. Câu chuyện giữa người bán (chị Ba Nga) - người
mua (Chị Tư Duyên) mà chúng tôi chứng kiến là những lời thăm hỏi chuyện làm ăn -
bán buôn lóng rày sao thấy thiếu một người quen ở chợ cũng là một bạn hàng bán
cá lóc đồng! Cái mộc mạc, chân chất tình đời, tình người ở xứ này là vậy.
- Chị Hai em nghỉ bán 3-4 bữa nay vì đám lúa ở nhà tới lúc gặt rồi. Hơn 20
chục công chớ đâu có ít. Máy gặt thì máy gặt chớ cũng phải coi sóc, coi cân lúa
rồi cơm nước cho mấy người mần cho mình. Nhà chỉ đơn chiếc mà! Xong hết việc
chắc đuối nên nghỉ thêm vài ngày rồi mới ra chợ!?
Bến sông, dưới bóng mát của một cây gừa lớn đoạn Long Bình có lẽ là bến
ghé lâu nhất trong chuyến đi của chúng tôi theo ghe hàng của chị Ba Nga! Hai
mối hàng không chỉ lựa hàng nhiều mà còn có vẻ hơi khó tính khi chọn hàng... từ
đồ hàng bông cho tới trái cây. Vậy mà người bán vẫn chẳng mảy may một chút khó
chịu... vẫn là cuộc chuyện trò thân tình thường thấy của những người nội trợ.
Nắng lên đã có vẻ “gắt’ trên rạch Cái Trầu... chiếc ghe hàng bông vẫn
lạch tạch tiếng máy nổ xuôi theo con rạch đến những bến mới. Những bó bông
súng, những trái mận đỏ hồng, những bó đậu đũa, chùm đậu cô-ve mơn mởn, non
tươi vẫn đang chờ “mối mang” dọn bớt. Những câu chuyện của “bạn ghe hàng bông”
làm tôi chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Quân Tần viết về nỗi lòng của khách
thương hồ thật hay:
“Lên bờ dạ lại nhớ sông!
Thương hồ một mái chèo rong bến đời”.
Phải rồi! Những bến đời của sông nước Nam Bộ luôn tràn đầy nghĩa tình
chòm xóm, con người luôn có niềm tin chân chất vào tình đời, tình người. Nghĩa
tình ấy thấm sâu vào máu thịt nên luôn làm ta nhớ, dù chỉ là một thoáng “đi
rong” qua những bến sông.
Chị Chín Tuấn (người
đứng - mặc áo hoa cà tím) đang bổ hàng lúc sáng sớm ở chợ nổi cùng ông xã
(người ngồi, mặc áo thun xám) - ảnh Cao Long.
... “Đổi tiền cũ lấy
tiền mới”?!
Cũng trên đường cặp kênh Cái Trầu ra Long Bình, tôi gặp xe hàng của chị
Chín Tuấn (Tuấn là tên chồng của chị) đang đưa hàng đi bán dài dài trong xóm.
Xe hàng của chị cứ như một cửa hàng tạp hoá nhỏ di động. Nào bịch ớt đỏ, chùm
hẹ bông, rau củ... thì còn có cả bột giặt, bánh tây, lớp nào dầu gội đầu và một
hũ hột sen khô. Tiếng “kèn hơ” toe toe cùng tiếng bánh xe lăn lục cục, lục cục
chính là tiếng rao hàng của chị. Xem nhanh lại những tấm ảnh đã chụp buổi sáng
hôm trước, tôi phát hiện ra hai tấm ảnh mà mình đã tình cờ “bắt lại” được cảnh
chị Chín cùng ông xã sáng sớm chèo ghe đi bổ hàng. Tôi như đọc được niềm hạnh
phúc bình dị của chị qua nụ cười thật tươi trên những vòng bánh xe đi. Chỉ là
cuộc trò chuyện ngắn bên đường nhưng tôi thật ấn tượng khi nghe chị ví von về
cái nghề của mình!
- Coi vậy chớ cũng cực lắm chú ơi! Chọn hàng, lựa đồ, xanh sửa rồi đi
bán cũng hết 1 ngày. Bữa nào bán được nhiều thì lời 1-2 trăm... bữa nào ế cũng
kiếm được 7-8 chục. Cũng đủ tiền cho sắp nhỏ đi học. Được một cái... nghề này
nếu siêng thì mỗi ngày cứ “đổi tiền cũ lấy tiền mới”! Thành ra cũng có tiền xài
hoài vậy mà...
Chị Chín Tuấn cùng
“cửa hàng tạp hoá di động” trên đường Long Bình - ảnh Cao Long.
Nếu có đến Sóc Trăng, đi chơi chợ nổi Ngã Năm, theo kênh Xáng Chìm ngắm
“bẹo”, thức đêm ngắm trăng cùng bạn thương hồ, xuôi kênh Quản Lộ về Bạc Liêu,
miệt dưới... Hãy dành một khoảng thời gian để theo một chuyến “hàng bông”... Hẳn
khi ấy, ta sẽ cảm nhận hết được cội nguồn của nền kinh tế “thương hồ”, mới thấm
được cái tình làng, nghĩa xóm, của tình đất, tình người ở 5 ngả sông thương.
Thương hồ 5 ngả ngược xuôi.
Hỏi ai đếm được bao nhiêu bến đời! (Minh
Ly)
Cao Thành
Long (19/2/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét