Dải đất cuối cùng trong chuyến phiêu du của chúng tôi
là làng Hoà Tú. Làng Hoà Tú xưa rộng lắm, trải từ Cổ Cò đến giáp giới các làng
Tuân Tức, Lâm Kiết và Mỹ Phước. Nay Hoà Tú đã được chia ra 4 xã: Hóa Tú I, Hòa
Tú II, Ngọc Tố và Ngọc Đông. Đình làng toạ lạc ở xã Hoà Tú I, ngay trên nền cũ.
Năm Minh Mạng thứ 20(1841), Hoà Tú là một thôn thuộc tổng Thạnh An, huyện Phong
Thạnh, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Được gọi là làng Hoà Tú từ ngày 05/01/1876,
thuộc hạt Sóc Trăng.
… nghe kể những chuyện xưa
Đình làng Hoà Tú hiện giờ vẫn nằm
trên nền đất xưa, nhìn ra con rạch Rò nhưng ngôi đình đã được xây mới rộng rãi,
khang trang. Vị thành hoàng được thờ ở đây là vị anh hùng Nguyễn Trung Trực - người
đã làm nên “lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa - Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ
thần’’. Ngày nay, trong gian thờ chính còn có trang thờ Hồ Chủ tịch và Liệt sĩ
Văn Ngọc Chính - người đã lãnh đạo Chi bộ Hoà Tú và người dân nơi đây trong
cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Một góc đình Hoà Tú.
Gian thờ bên phải và bên trái bày
di ảnh và cũng là ban thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng Hoà Tú. “Tiền
hiền khai canh - hậu hiền khai cơ”. Bậc tiền hiền là những người đầu tiên bỏ ra
của cải và huy động được nhân lực, vật lực để khai khẩn một vùng đất mới được
triều đình thừa nhận về mặt pháp lý, còn gọi là ông “khai canh”, khi mất thì ở
đình làng dành cho bàn thờ riêng, gọi là tiền hiền.
Ban thờ các vị tiền hiền của làng Hoà Tú trong đình
Hoà Tú.
Khi đã quy tụ được người, đất điền
đã được cấp bằng khoán thì phải tính đến việc lập làng mới hòng tránh những
tranh chấp về sau. Đây là một công việc phức tạp và tốn thời gian. Những người
đứng ra làm đơn, chịu tốn kém, khó nhọc đến quan trên xin lập làng mới được gọi
là người khai cơ, được thờ trong đình gọi là ông hậu hiền.
Ban thờ Liệt sĩ Văn Ngọc Chính.
Cụ Mười Luông (Nguyễn Văn Luông
(83 tuổi)) ở Xóm Đình cho chúng tôi biết rằng ngôi đình cũ của những năm 30-40
là đình dựng bằng gỗ quý nhưng cũng khá lớn. Đình làng không chỉ là nơi hội họp
của những ông hương, ông làng mà còn là nơi cúng kỳ yên hàng năm, mở hát đình,
hát bội cho vui thôn xóm.
- Đất đình xưa rộng lắm, rộng hơn
bây giờ ! Tụi tui hồi còn con nít hay vô trong sân đình chơi giỡn. Tới lễ
kỳ yên, mấy ông làng cho dựng mấy dãy ghế cao “rộng thinh” vòng quanh sân đình
để dân làng vô ngồi coi hát bội. Tụi tui con nít phải leo lên cây ở xung quanh
mới dòm vô thấy được sân khấu....
Tác giả trò chuyện cùng cụ Mười Luông và Đồng chí Trần
Tấn Nhanh – Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Tú 1.
Dấu tích còn sót lại của ngôi đình
xưa nay chỉ còn lại đôi thân hạc gỗ, vài mảnh hoa văn, vài chữ hán ở câu liển
cũ được chạm khắc tinh tế đã cho ta thấy đôi phần của dòng thời gian đã qua.
Khi thực dân Pháp bình định xong
Nam Kỳ, công việc đầu tiên là định lại việc quản lý điền địa, củng cố bộ máy
cai trị thực dân. Cũng từ đây xuất hiện nên lớp điền chủ mới với những hình
thức bóc lột mới. Còn người nông dân, người tá điền, người làm thuê thì cuộc
sống cơ cực đủ điều… làm chẳng đủ ăn. Cụ Mười Luông kể rằng chuyện gia đình cụ
ngày xưa ăn uống cơ cực vậy mà mỗi ngày cụ phát sạch cỏ 2-3 công đất là thường.
- Cái thời của ông già tui là làm
mướn không! Đất đai thì toàn là của chủ điền. Hết chơn từ dây đất này qua tới
bên sông đều là dân làm mướn cho chủ điền. Đâu có ai được miếng đất nào. Cứ
lãnh công trước… ăn trước trả sau. Cha tui mỗi một năm là nhổ 300 công mạ. Còn
bà già tui đi cấy cũng từ 200 đến 300 công. Cấy riết rồi… “chai xương sống”.
Thôi! Nhắc chi tới cái thời đó.
Tôi hỏi tiếp: Vậy so với người tá
điền làm ruộng để đóng địa tô thì người làm mướn coi bộ còn tệ hơn hả Bác
Mười ?
- Người làm mướn lơ tơ mơ… làm biếng
là nhịn đói liền. Chính đời của tui nè! Ăn cháo nấu với khoai môn, nấu với bông
súng riết mà tôi muốn khóc. Người ta tính lời thì người ta tính trước. Nhổ một
công mạ bằng bao nhiêu tiền, hổng có tính lời nữa. Cứ tính ra tiền rồi tới mùa
mình nhổ đủ 1 công mạ trả người ta. Giá này tính ra thì rẻ nhưng nếu mình mà
hỏi tiền vay thì 1 phải trả 2… lúa cũng 1 phải 2 vì tính theo mùa.
Nổi danh nhất trong giới điền chủ
Sóc Trăng là bà Phủ An với ruộng điền hơn 1.100 mẫu, chiếm trọn vùng Bưng Sa Mo
- nay thuộc khu vực ấp Hoà Bình - xã Hoà Tú II. Nơi đây sản xuất một loại lúa
ngon cơm nổi tiếng là lúa “samo”, nghe đâu đây chính là thứ lúa đã làm nên danh
tiếng của “gạo bãi Xàu”!?. Nhà của ông bà Phủ An là một toà nhà lầu kiên cố
được xây cất bằng bê tông cốt sắt đầu tiên tại Châu Thành Sóc Trăng. Mãi đến
những năm 90 của thế kỷ XX căn nhà này vẫn còn. Về sự giàu có của bà Phủ An thì
hẳn ai đã đọc sách của cụ Vương Hồng Sển đều đã biết. Khi bà chết, chỉ riêng
việc đốt bỏ giấy nợ của tá điền thôi cũng đã mất 2 ngày!? Điền chủ xưa vì sao
giàu ? Ông Lương Đắc Châu (68 tuổi), ở xã Hoà Tú 1 đến nay vẫn còn nhớ khá
rành rẽ chuyện này:
- Thời đó thu tô thì mỗi 1 công là
1 giạ rưỡi. Trong khi 1 công gặt nhiều lắm cũng chỉ 7 chục đến 8 chục bó. Hổng
khi nào tới 1 trăm, trăm rưỡi bó đâu… bởi vì cấy lúc đó 1 tầm chỉ có 6 bụi lúa…
mà nào có phân bón gì đâu!? 1 công đập rồi lúa thì chỉ cỡ 2 trăm, 2 trăm rưỡi
chớ hổng bao giờ mà tới 3 trăm ký lúa. Tá điền tới mùa gặt thì xong mùa là kể
như ăn hết mùa gặt là hỏi tiền công để ăn tiếp để đợi tới mùa cấy sau rồi. Cấy
là để trừ nợ thôi! Thành ra nếu mà tính phần trăm địa tô trên năng suất thì dữ
dằn lắm! Chủ điền bao giờ cũng nắm phần cán dù lúa có thất. Thất thì tá điền
chịu đủ…
Như vậy tá điền sau khi đóng tô
thì 1 công chỉ còn khoảng non 150kg… gánh đủ hết tiền ăn, tiền mặc, tiền thuốc
khi đau ốm. Chưa tính tiền đã ứng trước, vay trước để ăn khi thiếu hụt. Xong
mùa lúa mà trả không hết thì cứ tiếp tục trả bằng công cấy, công gặt… Mùa này
hổng trả hết thì cứ chồng vô tính tiếp mùa sau. Vậy mà còn được cho là “khoẻ
hơn người làm mướn” thì đúng là… “hết biết”. Cái nghèo “mạt rệp” cứ vậy mà
đeo bám mãi! Những chuyện vay nợ, tính lời… mua bán lúa thời tây ai muốn tìm
hiểu cho “rành rẽ” cứ tìm đọc “Hơn nửa đời hư”, “Những di cảo” của Học giả
Vương Hồng Sển; “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của nhà văn Sơn Nam hẳn sẽ rõ hơn
nữa! Ông Châu còn nói vui: “Cái tuồng cải lương Tiếng hò sông Hậu dù hổng nói
rành rẽ về một ông chủ điền nào mà cứ y trang như những gì đã xảy ra ở cái làng
Hoà Tú này thời đó! Tới mùa đập lúa… gánh tằng khạo, cặp-rằn cũng rảo đầu trên,
xóm dưới… “vét nồi - giũ ống, lục ổ gà mái ấp” y rang! Mà tá điền mình hồi đó “hổng
dấu” thì lấy cái gì mà ăn?!
Truyền thống khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940
Tại đình Hoà Tú cũng dành một gian
riêng để kể lại bằng hình ảnh về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 ở nơi đây. Đây
cũng là một câu chuyện lịch sử đã làm nên truyền thống của làng Hoà Tú, dù là
người ở Ngọc Đông hay Ngọc Tố đều rành rẽ. Với người dân làng Hoà Tú, đây là
niềm tự hào của nhiều thế hệ. Đồng chí Trần Thanh Hiền - Phó Bí thư xã Ngọc Tố
kể vanh vách chi tiết về cuộc khởi nghĩa Hoà Tú năm 40. Anh còn chỉ cho chúng
tôi những địa danh, địa chỉ cần thiết để lần theo “con đường của đoàn quân khởi
nghĩa”.
Trò chuyện cùng ông Lương Đắc Châu.
Còn ông Lương Đắc Châu thì kể cùng
chúng tôi một kỷ niệm mà ông đến giờ vẫn không thể quên trong chuyến đi xuống
hòn Đá Bạc - Cà mau, tải vũ khí về chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy mùa
xuân 1968.
- Tự hào lắm… hãnh diện lắm khi
mình là con em của đất Hoà Tú Nam Kỳ khởi nghĩa. Đoàn của Mỹ Xuyên - Hoà Tú ở
chỗ nào là cô bác lập tức tới thăm… Người ta lại coi mình ra sao mà lại là ngọn
cờ đầu của Nam kỳ Khởi nghĩa! Ngon lành lắm… Có chết cũng không tiếc !
Xã Hoà Tú 1 – trung tâm của làng
Hoà Tú xưa nói riêng hay cả 6 xã vùng trong của huyện Mỹ Xuyên nay đã khang
trang hơn xưa nhiều với mô hình sản xuất tôm-lúa bền vững. 1 vụ lúa đặc sản-1vụ
tôm ăn chắc, kết hợp với trồng hoa màu… Rồi mô hình sản xuất “ruộng lúa-bờ hoa…
Điện, đường, trường, trạm y tế được mở rộng đã mang lại một diện mạo mới cho
làng quê Hoà Tú. Đồng chí Trần Tấn Nhanh - Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Tú 1 nói cùng
chúng tôi:
- Đảng uỷ và UBND xã đã xác định
Hoà Tú 1 là một vùng chuyên canh tôm-lúa mang tính bền vững và mô hình này là
mô hình chủ yếu ở xã. Qua nhiều năm giữ vững định hướng này đã cho thấy – hiệu
quả của mô hình này là cao, ổn định và dễ ứng phó với tình hình dịch bệnh trên
tôm nuôi trong mấy năm gần đây. Trên bờ bao vuông tôm bà con còn trồng các loại
hoa màu cũng rất có hiệu quả. Tuy mới nhìn thì có vẻ là “đi chậm” nhưng chúng
tôi tin rằng là “tiến chắc”.
Đường giao thông nông thôn và ruộng lúa-ao tôm ở Hoà
Tú 1.
Dọc theo những con đường, bên
những vuông tôm, ruộng lúa hôm nay ở Hoà Tú 1 là những bờ hoa muôn màu khoe
sắc… không chỉ làm đẹp thêm cho những con đường, những ngôi nhà, hưởng ứng chương
trình xây dựng nông thôn mới mà đây chính là ứng dụng của chương trình canh tác
nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản
xuất nông nghiệp cho ra những sản phẩm sạch trong tương lai. Thương hiệu gạo “Ngọc
Đồng” không phải đang làm rạng danh đất Hoà Tú hay sao?! Còn chuyện vài năm
nữa, con tôm sú, tôm thẻ nuôi trên đất Hoà Tú sẽ làm nên thương hiệu tôm an
toàn, tôm sạch Hoà Tú hẳn cũng không khó lắm.
Hãy đi… để tận mắt thấy quê mình
đang đổi mới từng ngày. Hãy đi, để thấy quê mình đẹp lắm, để đến với những vùng
đất - những con người đã làm nên lịch sử hào hùng cho quê hương Sóc Trăng. Càng
đẹp hơn với những huyền thoại, những câu chuyện của một thời mở đất, lập làng…
Hết
Cao
Thành Long (1/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét