Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Mỹ Thanh Du Ký-Kỳ 3 : Giếng ngự, Mộ Hoàng Cô và con Cọp cuối cùng ở Giồng Sát



Từ câu chuỵện mà chú Sáu Tòng đã kể lại cùng chúng tôi ở Lăng Ông Mỹ Thanh, chúng tôi quyết định phải đến thăm Giếng Ngự, tương truyền đây là giếng nước do chính Chúa Nguyễn Ánh dùng gươm đào tìm mạch nước nước ngầm khi bị dồn đến đường cùng.      

Giếng ngự, Mộ Hoàng Cô
Huyền sử của vùng đất này kể rằng : Chúa Nguyễn Ánh thời còn “ba chìm bảy nổi” đã cùng đoàn tùy tùng nhiều lần phải vào Nam để tìm sinh lộ. Trong một lần buộc phải lui ra phía biển hòng tìm đường ra Côn Lôn, Phú Quốc. Khi cả đoàn vừa đến được cửa sông Mỹ Thanh thì hết lương thực và nước uống. Cả vùng rừng rậm, những nổng cát chạy dài...mùa khô chỉ toàn là nước mặn. Chống gươm trên bãi, ngửa mặt lên trời chúa buông lời cảm thán: “Nếu khí số nhà Nguyễn chưa tận thì xin trời hãy cho chúng tôi một giếng nước ngọt”.

Rồi Chúa dùng thanh gươm mang theo bên mình để đào vào lòng bãi cát. Lạ lùng thay, nước ngọt đã rịn ra từ lòng đất và cứ thế chảy mãi, cứu sống cả đoàn người. Cái giếng nước ấy người dân vùng này gọi là Giếng Ngự. Những năm trước và cho đến mãi gần đây, giếng nước này vẫn là giếng nước ngọt duy nhất cung cấp nước ngọt cho cư dân vùng giồng Mù U và xóm chài Mỹ Thanh, xóm phủ Yết ở cách đó hơn 1km. Bên cái giếng bi giờ đã được mở rộng, chú Bảy Linh nói cùng tôi :

-Hồi trước thì cái giếng này ngọt quanh năm. Coi như là mãn mùa....nhưng vài năm gần đây xung quanh có nhiều người làm lô nuôi tôm cả trong cả ngoài con giồng này nên coi bộ có mọi vô nhiều. Với lại cái nổng cát xưa giờ cũng gần hết nên mùa nắng nước mặn cũng lừng vô giếng chút ít.

Chú Sáu Tòng thì hào hứng nhắc chuyện xưa : -Hồi nhỏ tui cũng không ít lần lén lội xuống cái giếng này để ra mấy cái miệng giếng ! Hồi đó ít nhất ở dưới có 3 miệng nước đẩy nước ngọt lên...mát lạnh cả chân.

Tôi hỏi : “Vậy là hồi xưa chỉ cần qua giếng Ngự là đã ra tới biển” ? Ừ ! Vừa phụp xuống qua giồng Mù u là đã nhìn thấy biển. Biển ở kế bên chớ không phải như bây giờ rừng đã phủ bít hết rồi.

Cũng theo lời truyền khẩu qua nhiều thế hệ ở vùng này thì trong đoàn người theo Nguyễn Ánh chạy nạn có một đoàn tuỳ tùng, gồm cả vương tôn, phi tần, võ tướng. Do giông bão nên một trong những chiếc thuyền này trôi giạt vào cửa sông Mỹ Thanh. Trên chiếc thuyền có một vị võ tướng, một vài quân lính theo hộ vệ công chúa Mỹ Thanh cùng một người cô của chúa Nguyễn Ánh. Nhóm người này dừng lại ở đây, một đồn luỹ cũng được thiết lập ở nơi đây với dấu tích là địa danh Giồng Đồn. Đây chính là khu vực ngay dưới chân cầu Mỹ Thanh ở phía Vĩnh Châu. Tiếc rằng theo dòi bồi-lở của dòng sông, những tảng đá hộc, đá ong...những mảnh vỡ của tô, dĩa, chén.v.v.đã theo dòng thời gian mà trôi theo dòng chảy của dòng Mỹ Thanh !? Duy nhất chỉ còn lưu lại dấu tích là cái địa danh «  Giồng đồn » mà cư dân ở đây ai cũng rành.

Lại kể tiếp chuyện xưa ! Do không hợp phong thổ lại ăn uống thiếu thốn nên công chúa Mỹ Thanh, cùng người cô của Nguyễn Ánh, rồi cả viên võ tướng cũng lần lượt mắc bạo bệnh rồi mất và được chôn cất tại đây..

Khi binh Tây Sơn kéo đến truy kích khiến đoàn người buộc phải bôn tẩu. Ngôi mộ của vị công nương này được giao cho một người Hoa tên là Yết trông nom. Đến khi thống nhất được giang san, lên ngôi vua với Đế hiệu Gia Long, nhớ nghĩa xưa, nhà vua đã ban thưởng cho chú Yết rất hậu, phong cho làm tri phủ (tri phủ hàm), được quyền thu hưởng hoa lợi từ tất cả các cơ sở đánh cá suốt dọc dài theo bãi biển, tính từ vàm Mỹ Thanh ra đến cửa biển. Tên của Phủ Yết còn được đặt cho dải giồng cát nơi chú Yết đã ở lúc sinh tiền. Giồng cát này ngày nay vẫn còn nhưng đã lọt thỏm vào giữa dải rừng ngập mặn Mỹ Thanh.

Ngôi mộ của vị công nương xấu số cũng được xây dựng lại. Ngày nay, dấu tích mộ Hoàng Cô vẫn còn ở Xâm Pha, hàng năm vẫn có khá đông người đến viếng bái vào tiết Thanh Minh. Chỉ tiếc rằng câu trả lời cho câu hỏi: Ai là người thât sự nằm dưới nấm mộ kia thì vẫn chưa có được lời giải đáp. Dòng thời gian vô tình vẫn hàng ngày tiếp tục bào mòn đi dấu tích của ngôi mộ cổ.


Chúng tôi đã có dịp trao đổi cùng Tiến sĩ sử học Mai Thanh Sơn - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam quanh những truyền thuyết này. Ông khẳng định:

-Những câu chuyện về truyền thuyết luôn ẩn chứa những gì rất bí hiểm nhưng cũng lại rất đời thường. Nó đời thường ở chỗ..nó luôn có tác dụng rất lớn đối với cộng đồng cư dân tại chỗ. Bởi vì truyền thuyết luôn là những câu chuyện đẹp. Nó mang lại cho người ta niềm tự hào, thể hiện lòng tự trọng, mang lại cho cộng đồng cư dân nơi ấy một niềm tin nhấ định. Và trên hết, truyền thuyết có tính cấu kết cộng đồng rất lớn. Tôi hình dung câu chuyện ở Mỹ Thanh, Vĩnh Châu hay cả ở những vùng đất khác cũng thế thôi ! Nó đều có những lý do nhất định để cho những truyền thuyết nảy nở và phát triển và có tác động lại cộng đồng. Có thể nói tác động lớn nhất làm làm giàu thêm vốn văn hoá cho người dây. Đây là điều không thể phủ nhận. Tác dụng thứ hai là với những truyền thuyết như thế thì người dân tự xây dựng nên một bề giày truyền thống-cố kết họ lại với nhau. Câu chuyện về Giếng Ngự, mộ Hoàng cô...có thể có ai đó nói rằng đó không phải là Giếng Ngự ? Nó chỉ là một cái giếng dân gian mà ai đó huyền thoại nó lên ? Chuyện đó cũng chẳng sao cả nếu như người dân ở đây cứ tin...và nó làm cho người ở đây tự trọng hơn, tự hào hơn đối với quê hương.

Một câu hỏi khác cũng khá thú vị cho những nhà sử học là trong quá trình ghi hình những thước phim này, chúng tôi được biết thêm một ngôi mộ cổ khác, nằm cách mộ Hoàng Cô khoảng gần 1 km tính theo đường chim bay. Ngôi mộ này có quy mô nhỏ hơn mộ Hoàng Cô nhưng còn khá nguyên vẹn, chỉ tiếc là đá ong trong quá trình phong hoá đã hoàn toàn không còn giữ lại được bất kỳ nét chữ nào trên bia mộ còn khá nguyên vẹn, khiến cho việc truy tìm tung tích của người nằm dưới ngôi mộ này trở nên cực kỳ khó khăn đối với những người lãng du như chúng tôi. Chúng tôi cũng được biết thêm rằng, cả hai ngôi mộ cổ này đều đã là mục tiêu của bọn đào mộ trộm tìm báu vật vào những năm 70 của thế kỷ XX. Đây phải chăng là nguyên nhân khiến cho mộ Hoàng Cô đã bị tàn phá? 

Chú Lâm Tấn Quang (71 tuổi) ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải vẫn nhớ như in về bọn ‘’đào mộ trộm’’ năm nào và đây cũng là câu chuyện mà nhiều người dân ở vùng này rành rẽ đến cả tên người “cầm đầu” năm đó:

- Năm đó giải phóng đâu 1-2 năm rồi à ! Đêm đó cũng cỡ 11- 12 giờ đêm. Tui đang nằm trong nhà thì nghe tiếng đào đất hâm hịch..hậm hịch..Tui ra thấy có tới 4 người lận. Tui hỏi : mấy ông làm gì đây ?Mấy ông đàolàm gì ? thì mấy ổng liên rủ mình đào đồ, kiếm đồ chia ! Tui nói hông ! mấy ông đào thì tui hổng cản nhưng mà cái chuyện này theo hiểu biết của tui thì cái mộ này sau nhà nước cũng sẽ tầm thôi! Giờ mấy ông muốn đào thì mấy ông làm biên bản, ký tên vô đó rồi mấy ông muốn làm gì thì làm. Đăng sau này nhà nước có xuống sưu tra, kiếm hỏi ...mộ này ai đào thì tui đưa biên bản này ra ! Tới đó thì mấy ổng hổng dám đào luôn và đi luôn từ đó đến giờ. Hàng năm, tui vẫn tảo mộ, thanh  minh cho người ta. Mộ nằm trên đất của mình mà.

Phước Hải An Tự và chuyện con cọp cuối cùng ở Vĩnh Châu
Đến vùng đất này, thiết nghĩ cũng cần đến thăm Phước Hải An Tự, một ngôi chùa Việt cổ ở giồng Vàm Sát xưa, tức là khu vực xã Lạc Hoà ngày nay. Đến đây, ta sẽ được nghe câu chuyện về con cọp cuối cùng ở Giồng Sát, xứ Vĩnh Châu, về một thời khó khăn, cực nhọc của những người khai phá vùng đất mới.          

Tính đến nay, Phước Hải An Tự đã trải hơn 160 năm với 6 đời trụ trì. Đây có thể xem là một ngôi chùa do người Việt lập nên có niên đại lâu đời nhất ở vùng này. Ngay từ khi mới lập chùa cho đến nay, các vị sự trụ trì chùa đã cho trồng rất nhiều cây sao, vừa để tạo bóng mát, vừa để lấy gỗ xây dựng.



Khi xưa, dưới những tán lá sao rợp mát, mái ngói rêu phong của Hải Phước An Tự là khung cảnh cổ kính, nên thơ. Hiện nay, ngôi chùa dù đang được xây dựng lại nhưng khung cảnh vẫn không khác xưa là mấy. Có chăng chỉ là toà tháp vươn cao khỏi những tán lá sao. Lên đỉnh tháp, cả một vùng rộng lớn của Xâm Pha, Giồng Mù U, Hồ Bể đều nằm trong tầm mắt. Biển vẫn thật gần.

Chuyện về cặp tượng ông Cọp được đặt ở toà tháp này cũng đã cho chúng ta ngày hôm nay biết được những gian khó của người mở đất ngày xưa.  Rồi chuyện kể về con cọp cuối cùng ở Giồng Sát đến nay vẫn được lưu truyền qua một bài vè con Cọp khá ngộ nghĩnh mà hiện nay, chỉ còn vài người cao niên ở xứ này còn nhớ láng máng. Đó là vào thời điểm năm 1927, khi vùng này vẫn còn hoang vu với những rải rừng sác rậm rạp. Những chuyện xưa, tích cũ ở xứ Vàm Sát xưa thì nay chắc chỉ có ông Triệu Vinh Quang (73 tuổi) là còn nhớ  khá nhiều. Dưới tán vườn cây sao cổ thụ ông vui vẻ đọc để tôi chép lại bài vè Con Cọp* và chuyện ông Tà Sết. Theo đó thì vùng này còn khá nhiều rắn rít, ở mé ven biển Vĩnh Hải xưa có một người tên là Sết có tài bắt rắn và trị rắn cắn. Người ta nói rằng cái lưỡi của ông Sết đen từ ngoài vào tới trong. Khi bị rắn độc cắn, ông chỉ cần lè lưỡi liếm vào vết rắn cắn  là nọc độc tiêu ngay. Chú Quang kể rằng chính ông Sết đã qua khu vực Chùa Hải Phước để bắt 1 con rắn Hổ Mây lớn mà theo người trước kể lại thì ông chỉ ôm được khúc đuôi con rắn này mang về vì con rắn đã chui kịp vào trong một hốc cây Lâm Vồ lớn nên ông Sết ôm đuôi kéo ra không nổi bèn chặt lấy khúc đuôi. Còn rắn Hổ Mây ngày sau bò ra chết ngoài trảng. Nó lớn tới mức phải 5-6 người khiêng mới nổi. Địa danh Trà Sết chính là tên của ông.

Dòng thời gian như "bóng câu qua cửa sổ’’. Mới đó thôi nhưng đã có câu chuyện vụt trở thành quá khứ, nhưng vẫn có những câu chuyện vẫn còn như nguyên vẹn trong tâm thức của nhiều người qua những câu ca dao, bài vè truyền khẩu. Đó chính là sức sống mãnh liệt của dòng văn hoá dân gian khi ghi lại nhưng dấu ấn về con người, về quê hương, xứ sở. Quanh vấn đề này, T.S Mai Thanh Sơn chia sẻ cùng tôi :

-Người ta sống không chỉ bằng ăn-uống, mặc-ở, đi lại mà còn sống vì niềm tin nữa. Khi niềm tin ấy nhân sức mạnh của con người lên thì rõ ràng là nó đã trở thành sức mạnh vật chất. Giúp con người vượt qua những gian khó. Tôi nhận thấy rằng ở vùng cửa sông Mỹ Thanh và cả những vùng cửa sông tây Nam Bộ trước đây vốn là vùng rừng ngập mặn....rừng liên rừng vốn gắn với câu "rừng thi6ng nước độc" mà. Có rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết về ông Hổ, cá sâu, rắn rết ở những khu rừng ấy với bao bí hiểm, nhưng cũng chính là nơi cung cấp nguồn sống cho cư dân. Thông thường, người ta thường linh thiêng hoá nó! Và để chế ngự được những thế lực vừa hư ảo, vừa có thực đó thì người ta cũng phải tìm được sức mạnh tinh thần của chính mình. Và đôi khi những truyền thuyết, những huyền thoại được xây dựng nên từ đó. Và điều quan trọng là nhờ nó mà người ta trở nên mạnh mẽ hơn trước thiên nhiên hay ít nhất...cũng có thể thích ứng được với thiên nhiên, từ đó mới duy trì được cuộc sống của cộng đồng và tồn tại cho đến bây giờ. Truyền thuyết bao giờ cũng được xây dựng trên nền tảng của sự thật và nếu như nó không có lý do thực tế thì nó cũng vẫn tồn tại với lý do về mặt tinh thần. Làm sao đó để tạo được sức mạnh giúp con người vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.

Qua chuyến phiêu du này chúng tôi nghiệm ra rằng : có đi mới hiểu, có đi mới thấy... để rồi mới thấy yêu quê hương, yêu đất nước mình hơn. Để thấy quê mình quá đẹp, quá đáng yêu. Kể sao cho hết chuyện? Mỹ Thanh mênh mang vẫn còn ẩn dấu bao điều kỳ thú đang chờ người khám phá. 

Hãy đi để thấy rằng mỗi con sông, mỗi tên làng, tên đất đều gắn liền với những huyền sử hào hùng của những lớp người xưa đi mở cõi.



*Vè con Cọp ở làng Vàm Sát

Trải xem trong tổng Thạnh Hưng
Tại làng Vàm Sát có thôn Lạc Hoà
Trước là có phố có nhà
Lại thêm chùa phật, chùa bà rất linh
Tổng, làng dân sự an ninh
Cao Mên, Chệt Khách thái bình an cư
Kể từ năm tỵ tháng tư
Tại chùa Hải Phước ông sư trên chùa
Đang khi gõ mõ vẽ bùa
Nghe la có cọp chạy ùa ra coi
Kẻ thì sách mác cầm roi
Ông sư miệng niệm nam mô
Ngài là ông chúa đừng hô um súm
....
Có chệt Mã Xiêm
Tay cầm cu liêm
Giựt gài móng lay..
Sơn lâm nổi giận trở quày
Vố cho một vố thẹo trầy huyên thuyên
Mã xiêm thất vía ngả nghiêng
Anh em xúm lại mà khiêng Xiêm về
Tưởng là xiêm đã có nghề
Hay đâu xiêm lại nhà quê quá đời.
Vợ con la khóc kêu trời
Chuyến này mày chết hết đời Xiêm ơi

Bảy Cụt chưa rõ khúc nôi
Còn đang uống rượu loi thoi nhậm nhầy
Nghe la có cọp tới đây
Mau mau bước xuống mời ngài đi tu
Chấp tay cúi lạy chổng khu
Xin ông thương lão đạo tu bạn cùng
Ai ngờ đến lúc cơn khùng
Lại gần ông cọp anh hùng mới khen
Tưởng là ông cọp làm quen
Hay  đâu ông lại chen vô cấu quào
Bảy Cụt hoảng hốt té nhào
…..
(Đến đây thì chú Quang đã quên mất những đoạn sau nhưng chú khẳng định là bài vè cẫn còn dài. Chú hứa sẽ cố gắng lần nhớ và sưu tầm lại đầy đủ để tôi chép lại).

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Kỳ 2: Ra biển te ruốc và phạ đáy trên cửa Mỹ Thanh


Chúng tôi ra biển khi trời vừa đâm mây ngang. Chuyến đi này, chiếc ghe te ruốc của Huy - một ngư dân trẻ ở ngay đầu giồng Đồn sẽ có chuyến đi hơi đặc biệt. Đâu tiên, Huy sẽ đưa chúng tôi đi tham quan những hàng đáy ruốc trong nắng sớm và ghé cồn 15, một cù lao giờ đã nổi cao và ngày càng mở rộng ở mé ngoài cửa biển Mỹ Thanh.... « Tháng 3 bà già đi biển ». Biển êm cũng bắt đầu vô mùa Ruốc đến tận tháng 5 âm lịch. 

Có lẽ vì ở đoạn giữa của dòng Hải lưu Biển Đông, cùng với dòng chảy của sông Hậu đổ ra biển qua cửa Trần Đề, rồi dòng chảy của dòng Mỹ Thanh, tốc độ lấn biển của vùng cửa biển này thật nhanh. Phải chăng đây cũng là lý do để hình thành nên dáng hình của những giồng cát ở Vĩnh Châu khi những giồng cát này luôn có hình dáng như một vòng cung lớn đồng phương với đường bờ biển. Trước khi ghé vô đây Huy cũng cho chúng tôi biết một thông tin khá thú vị : « Cồn 15 giờ đã nối liền với cồn Trâu thành một giồng cát ngầm dài mút mắt. Ghe tàu đi không khéo mắc cạn như chơi. Còn luồng biển sâu nằm ở phía mặt trời mọc ».

Có đặt chân lên cồn 15 mới thấy đuôi Cù Lao Dung thật gần, bãi biển Hồ Lạng, Hồ Bể cũng thật gần. Chợt nhớ câu « Thương Hải Tang Điền ». Tôi chợt nghĩ - chắc cũng chẳng còn mấy mà đuôi Cù Lao Dung sẽ vươn đến nơi đây!? Hoặc giả không chừng...chỉ cỡ chục năm nữa...người ta có thể đi bộ từ bãi Hồ bể ra đến chỗ này để ngắm biển? 

             Te ruốc và bữa cơm trưa trên biển
Nắng lên, chúng tôi bắt đầu cho chuyến te ruốc trên biển Hồ Bể. Quan sát 3 ngư dân hạ 2 càng te xuống và chuẩn bị cho một ngày làm việc trên biển mới hiểu, tạo sao nghề biển dù mới chỉ loạnh quanh gần bờ thôi nhưng đã rất cần một thể lực dẻo dai. Mỗi càng te bằng cây bạch đàn được nối lại dài khoảng 15-16 thước, đầu càng gắn một miếng sắt lớn uốn cong về phía trước như một bàn trượt. Cả 2 càng te gắn trước mũi ghe nằm trên một thanh gỗ lớn làm giá đỡ. Trước khi được đẩy xuống nước, 2 đầu càng te được gắn 2 trái bóng lớn bằng nhựa để tạo sức nâng lên để ngữ phủ nhẹ bớt sức nặng. Đưa được 2 càng te xuống nước xong thì các ngư phủ còn phải nhảy xuống biển để gắn lưới, cân càng cho đồng hai bên…cuối cùng là tháo 2 trái bóng để bắt đầu công việc. Tất cả những công việc này đều cần đến thể lực và sự khéo léo…


Đi biển mỗi nghề có một cách ăn chia riêng. Te ruốc có hai kiểu chia : đi ngày và đi chuyến. Đi ngày thì bạn đi ghe sẽ nhận được một số tiền ấn định trước dù có chúng hay thất. Còn đi chuyến thì bạn ghe sẽ được theo tỷ lệ phần trăm đã xác định trên tổng số sản phẩm đánh bắt được. Anh chàng ngư dân nhỏ nhất của chuyến đi này tên là Nhí sau mẻ te đầu tiên thăm dò chọn đi ngày. Phụng-chọn đi chuyến. Chuyến này, te vô toàn ruốc Bông lau, thân ruốc lớn, trắng hồng. lẫn trong đụn là những chú cá dứa, tôm sắt, tôm giang, tôm bạc....
Đang là mùa biển êm nên cả vùng biển ghe tàu thả lưới, ghe cào, ghe te ruốc xuôi ngược thật nhộn nhịp. Điện thoại di động đã phủ sóng ra tận ngoài biển nên ngư dân liên lạc hỏi chuyện trúng thất để lái ghe di chuyển ngược nước hay cắt ngang dòng chảy tìm luồng đánh trúng thật dễ. Một từ mà ngư dân khi hỏi thăm nhau thường dùng cũng thật « ngồ ngộ ». Đó là từ « đồ ». « Đồ từ sáng tới giờ khá không ? Có đồ nhiều không » ? « Cũng khá ! Nhưng cá dứa nhiều quá ». «Sáng giờ đẩy 3 mẻ ngược nước khúc cống 16 coi bộ dính tạp nhiều quá ».

Hoá ra từ này là để chỉ loại hải sản chính của chiếc ghe, chiếc tàu nào đó? Nếu là ghe cào thì « đồ » chủ lực sẽ là tôm sắt, tôm thẻ, tôm giang. Còn ghe đi te ruốc thì « đồ » chính là con ruốc. Những hải sản khác chỉ là phụ thêm mà thôi. Tuỳ theo chiều đẩy mà cứ khoảng 10-15 phút thì kéo tùng lên để “xả đồ”. Mỗi mẻ chí ít cũng được non 2 ký ruốc, trúng thì hơn 5 kg.

Trời trưa đứng bóng, chúng tôi cùng 3 ngư phủ ăn bữa cơm trưa đạm bạc trên biển. Nồi cơm đã được vợ của Huy chuẩn bị trước vào sáng sớm cùng với dĩa khô cá rô phi được chiên sẵn. Hôm nay có 2 vị khách là tôi và quay phim Tìa Lâm Huy nên những chú tôm sắt, tôm giang, tôm thẻ cũng được luộc lên để đãi khách. Giữa biển, trời trưa nắng, ghe vẫn chạy, thi thoảng Nhí, Phụng hoặc Huy lại buông chén để kéo tùng-xả ruốc. Đang ăn đấy nhưng vẫn làm đấy…

Con nước chuẩn bị lớn. Huy quyết định về bến để phơi ruốc cho kịp nắng. Công đoạn lên hai càng te lúc này mới thật sự là vất vả và nguy hiểm hơn khi xuống. Không chỉ cần đến sức mạnh của thể lực mà các ngư phủ còn phải thật khéo léo mới có thể đưa 2 càng te khổng lồ này lên được trên ghe. Khi này, 2 đầu càng te đã xả lưới và được cột vào 2 trái bóng nhựa…Nhí và phụng mỗi người một bên để canh gì cho 2 càng te đi thẳng…Huy cầm lái ở phía sau nhắp ga cho chiếc ghe nhóng lên phía trước từng đợt, từng để hất ngược 2 càng te về phía sau cho đến khi 2 càng te lọt vào ngàm giữ ở phía sau lái. Đây đúng không phải là công việc dành cho những người không có cơ bắp và sức lực như tôi…

Huy cũng quyết định cân luôn số ruốc của một ghe bạn khoảng hơn 100kg với giá 10.000đ 1 kg. Hôm nay đánh cũng trúng khá nên chiếc ghe này quyết định ở lại đẩy thêm con nước lớn. Như vậy kể như đã gần xong một ngày lao động. Nhí ngồi ở mũi ghe vô tư đùa nghịch với 2 chú rẹm. Nước lớn, chiếc ghe vô rạch Giồng Đồn. Những người phụ nữ ở nhà đã chuẩn bị xong bãi để phơi ruốc cho được nắng. Một ngày trên biển đã qua. Hôm sau, chiếc ghe và những ngư phủ lại tiếp tục ra biển.

            Phạ đáy trên cửa Mỹ Thanh
Sách Gia định thành thông chí của tác gia Trịnh Hoài Đức ghi chép về Mỹ Thanh hải môn xưa như sau: “rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước ta. Bờ phía tây có thủ sở...thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm khô”.  Đây cũng chính là lý do mà chúng tôi dành ra một ngày tìm hiểu về những sản vật đã làm nên danh tiếng của vùng cửa biển này. 

Với nghề đáy, nước ròng thì bắt đầu cài đáy, đến khi nước chuẩn bị những lớn thì dỡ đáy, từ nghề nghiệp là phạ đáy. Những hàng đáy đóng ở trên sông gọi là đáy chỉ. Cá tôm vào hàng đáy chỉ thì đủ loại. Thế nhưng trước khi phân loại thành quả thì việc dọn rác, giũ đáy là công việc nặng nhọc nhất. Chính vì vậy mà một chủ đáy nếu gia đình ít người thì luôn có những bạn đáy đi cùng để phụ giúp. Từ việc cài đáy, lên đáy, giặt đáy cho đến việc lên cá và lựa cá. Nghề hạ bạc này luôn đòi hỏi những thân hình lực lưỡng tràn đầy thể lực. Những công việc nặng nhọc nhất gánh đàn ông đã làm xong, còn những công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ, nhẹ nhàng và khéo tay, nhanh nhẹn được dành cho các chị, các em, đó là phân loại cá, tép, tôm… ra riêng từng loại, cân hàng.v.v.  

Trò chuyện cùng tôi sau một chiều đáy vào một buổi trưa tháng 5/2012, ngư phủ An, một bạn đáy vui vẻ nói:
- Nghề này sống được anh à! Trung bình một tháng em đi khoảng 25-30 chiều đáy. Một chiều là 100 ngàn. Nuôi vợ con được. Lúc rảnh thì làm thêm mấy chuyện khác nữa.
Hoá ra  một “chiều” là một chiều con nước lên đáy, xuống đáy. Người đi bạn sẽ làm những công việc như: lặn xuống những cọc đáy để cài đáy, kiểm tra mành lưới…chiều lên đáy thì làm ngược lại nhưng cực hơn nhiều vì còn dọn rác, lựa cá, tôm và cuối cùng là gánh sản phẩm về sân.

Nghề đáy ngày nay trúng nhất có lẽ chỉ còn ở vùng cửa Mỹ Thanh với những hàng đáy thuộc làng chài Mỏ ó. Dù vậy nếu so với những ngày trước thì đã kém hẳn. Những lão ngư dân cựu trào vẫn còn nhớ như in những ngày xưa, khi mà mỗi chiều đáy, một miệng đáy lên được cả trăm ký tôm cá. Bác Nguyễn Văn Heo, năm nay đã 71 tuổi và tự hào là người đã có 3 đời làm nghề đáy kể rằng:
- Nghề đáy ngày xưa tính trúng thất bằng “chảo”, tức là chảo gang lớn để luộc tôm đó. Mỗi miệng đáy ở xứ này mà mỗi chiều lên chỉ có 2-3 chảo thì kể như thất! Còn trung bình thì phải từ 5 đến 7 chảo. Một chảo tôm như vậy sau khi phơi khô thì cân được khoảng 18 ký tôm khô. Bán chủ yếu lên miệt Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho và miệt ngoài chớ dân ở đây ăn gì hết.
Hoá ra vậy! Thành thử hỏi sao xưa kia vùng cửa sông này không nổi tiếng với con tôm khô.

Nghề nào cũng vậy ! Ắt có lúc thịnh lúc suy. Dân cư đông đúc, ghe tàu thêm đông, nhiều kiểu đánh bắt hiện đại và tinh vi hơn thì những phương thức đánh bắt truyền thống giảm sút sản lượng và hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. 

Làng chài Mỏ Ó giờ đã là bến tập trung những ghe tàu đánh bắt nhiều kích cỡ. Tàu lớn đánh lưới khơi, tàu đánh cá gộc, tàu cào, tàu lưới đủ cả. Gặp đúng con nước tàu về bến, hẳn khách phương xa ắt choáng ngợp trước sự náo nhiệt của những bến nước, của đầy ắp cá tôm. Cả làng chài náo nhiệt như một ngày hội.
Cho đến nay, biển được ví như « Bạc » vẫn đúng. Biển vẫn đem đến cho những ngư phủ niềm vui tràn đầy khi lên mẻ lưới trúng, biển hiền hoà nhưng cũng có khi khắc nghiệt với con người. Biển đòi hỏi những người ra biển phải có một thể lực sung mãn, tinh thần vững vàng, sẵn sàng đương đầu với bão giông bất chợt. 
Chuyến phiêu du của chúng tôi ở làng chài Mỏ ó kết thúc khi trời đã ngả về chiều. Khi những hạt nắng ươm rải khắp những giàn liếp, đượm thêm cho những sấp cá khô những sắc màu tươi tắn.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Mỹ Thanh Du Ký (Phần 1)


Kỳ 1 - Mênh mang Mỹ Thanh

Dòng Mỹ Thanh mênh mang, ôm trong lòng những truyền thuyết và huyền thoại về một thời mở đất. Từng giờ, từng phút, từng giây...dòng Mỹ Thanh vẫn cần mẫn chở nặng phù sa đắp bồi cho đất mẹ vươn dần ra biển lớn. Không những vậy ! Với đặc thù địa lý của một vùng cửa sông đổ ra biển, Mỹ Thanh còn là dòng sông mang đến cho người dân vùng này biết bao sản vật của vùng đất rừng ngập nước, đem đến cho cư dân nơi đây một cuộc sống thật dễ chịu khi dưới tán rừng "mùa nào thức nấy". Đây chính là điều cuốn hút chúng tôi quyết định phải thực hiện một chuyến phiêu du để khám phá vùng đất cửa sông này.

 Con sông có dòng chảy ngược
Sông Mỹ Thanh bắt đầu từ ngay Ngã tư rạch Cổ Cò (tên chữ là Lộ Cảnh), chảy theo hướng đông bắc và đổ ra biển Đông. Mỹ Thanh có chiều dài khoảng 25 km, là ranh giới tự nhiên của TX.Vĩnh Châu với huyện : Mỹ Xuyên và Trần Đề. Khi xưa, vùng đất bờ sông phía biển thuộc sứ Bạc Liêu, bờ phía trong thuộc này Ba Xuyên. Cách đây khoảng còn chưa lâu nếu so với chiều dài của dòng thời gian thì vùng đất hai bên bờ sông chủ yếu chỉ làm một vụ lúa nhờ nước trời nhưng ngày nay, những vuông tôm, những trại tôm đã ken dày suốt cả hai bờ. Vùng nào chuyên tôm thì cứ nuôi tôm, vùng nào làm lúa thì đã làm được cả 3 vụ. Thảm thực vật hai bên bờ sông là những loài đặc hữu của vùng đất, vùng rừng ngập nước như : Mấm trắng, mấm đen, dừa nước và bần. Thi thoảng, lại ken những đám rau mui, ô rô, cóc kèn dày đặc. 

 Nhìn trên bản đồ, quan sát dòng chảy của những con sông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đổ ra biển, chúng ta dễ dàng nhận thấy dòng chảy của Mỹ Thanh gần như vuông góc với những dòng sông khác. Ở đây, chỉ xét ở góc độ tương đối: Nếu Tiền Giang, Hậu Giang và 9 cửa đều chảy ra biển theo hướng từ Bắc xuống Nam thì dòng Mỹ Thanh lại đổ ra biển theo hướng từ Tây sang Đông. Với ảnh chụp từ vệ tinh mà Google cung cấp, ta dễ dàng nhận thấy - dòng chảy của sông Mỹ Thanh cắt gần như vuông góc với dòng Hậu Giang ở khu vực cửa Trần Đề. Có lẽ chính vì dòng hợp lưu này, cộng thêm với tác động của dòng hải lưu biển đông đã tạo nên những dải giồng cát đồng tâm với đường bờ biển, trài dài suốt dọc theo của đường bờ biển Vĩnh Châu, làm nên vùng rừng ngập mặn đặc thù của cửa sông này.

Anh Lý Hoà Khương - Hạt trưởng hạt Kiêm lâm TX.Vĩnh Châu cho biết :
- Cùng với rừng bần ở đuôi Cù Lao Dung, dải rừng Bãi Giá và tuyến rừng đước, rừng mấm trải dài cả vùng cửa sông này đã làm nên một bãi sinh sản lý tưởng cho rất nhiều giống loài thuỷ sản như : tôm càng, cá bông lau, cá sủ, bãi nghêu giống, sò huyết....Mỹ Thanh còn là nguồn chính cấp nước cho các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh nên có thể khẳng định rằng : nguồn tài nguyên thiên nhiên mà con sông này mang lại cho người dân Sóc Trăng là rất lớn và cần có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường trên cả tất cả lưu vực của con sông này.

Những cánh rừng mấm, bần, chà là, đước chạy dài từ cửa Mỹ Thanh suốt dọc theo ven biển Vĩnh Châu không chỉ có tác dụng giữ đất, lấn biển mà dưới tán rừng, nguồn sản vật đã đem đến cho cư dân nơi đây một nguồn thuỷ, hải sản thật phong phú. Dưới tán rừng đước, rừng mắm, rừng bần...đến mùa thì thì người dân nơi đây đi bắt ba khía, bắt cua, bắt ốc, cào nghêu, vớt cá bống kèo giống. Còn giăng lưới không chỉ là để kiếm thức ặn mà còn là một sinh kế thường ngày của không ít người...chưa kể, cá thòi lòi, cá chốt nghệ luôn là những đặc sản được giá.


Ngồi trên chiếc ghe cào chạy suốt từ ngã tư Cổ Cò xuôi ra cửa mới thấy hết cái đẹp, cái tình của con sông này. Dòng sông trước mặt lúc thì như hẹp lại, rồi lại mở ra một không gian mới rộng mênh mang, xanh ngắt ở mỗi khúc quanh của con sông...

Cửa sông và xóm chài của những nghĩa dũng !?
Sách Gia định thành thông chí của tác gia Trịnh Hoài Đức ghi chép về Mỹ Thanh hải môn xưa như sau: “rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước ta. Bờ phía tây có thủ sở...thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm khô. Ngoài cảng về phía đông có cồn cát ngầm, dài chừng 5 dặm, ghe thuyền phải lo tránh”.

Theo mô tả của Trịnh Hoài Đức, cửa Mỹ Thanh ngày xưa chắc chắn rộng và sâu hơn hiện nay. Bởi cũng từ chính những đặc thù này mà hai bên bờ sông Mỹ Thanh, những làng chài, bến đáy, xóm lưới mọc lên san sát nhau. Chỉ riêng điều này cũng đã cho thấy sự giàu có về nguồn tài nguyên thuỷ sản mà dòng sông đã đem đến cho con người. Ở vùng cửa sông này giờ có 2 xóm chài, xóm lưới nổi tiếng là Mỹ Thanh thuộc TX.Vĩnh Châu và Mỏ Ó thuộc huyện Trần Đề.

Xóm chài Mỹ Thanh là xóm chài được xem là lâu đời nhất ở vùng cửa sông này. Và cũng chính xóm chài Mỹ Thanh là nơi Bác Tôn đã lần đầu tiên đặt lên đất liền sau những năm tháng người bị thực dân Pháp đày ải ở địa ngục tràn gian Côn Đảo.

Theo những bậc cao niên ở đây thì sau khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp của lãnh tụ Trương Công Định thất bại, những nghĩa binh phải lưu tán xa quê hòng tránh sự truy nã của quân Pháp và tay sai. Sau nhiều ngày giong buồm xuôi về phương nam, họ đã chọn nơi cửa sông này để định cư, lập nên xóm chài Mỹ Thanh ngày nay. Điều này cũng lý giải vì sao những người dân cố cựu ở đây phần lớn đều có gốc gác ở miệt Gò công, Tiền Giang...

Những cư dân ở đây thật hiền hoà, chất phác và cũng thât dễ gần. Trên đường ghé thăm Lăng ông Nam Hải Mỹ Thanh vào khoảng 13h30 một ngày giữa tháng 3/2012, thật may mắn cho chúng tôi là gặp được chú Sáu Tòng-Chánh bái hội Lăng ông Mỹ Thanh. Những câu chuyện kể gắn liền với những địa danh, những truyền thuyết mà chúng tôi được nghe, được thấy đã cho chúng tôi một cái nhìn mới về cái đẹp của những câu chuyện kể, về tốc độ bồi lắng của phù sa lấn biển, về nguồn tài nguyên phong phú nơi đây.

Những câu chuyện thú vị về tên cồn, bãi
Chú Sáu Tòng hào hứng kể cùng chúng tôi chuyện ngày xưa ở xứ này:
-Vùng Hồ Lạng ngày xưa tới mùa thì khỏi cần đi câu cũng bắt được cá Dứa (tức cá Bông Lau) để ăn. Cỡ tháng 7 tháng 8 âm lịch, khi trái mấm, trái bần chín rụng thì chỉ cần chờ nước lớn, xách cây dao yếm hay cây mác đứng canh đợi cá Dứa nhào lên mé hoặc len vô gốc mấm, gốc bần kiếm ăn mà chém rồi xách về. Con nào con nấy 4-5 ký là chuyện thường. Còn tại sao lại gọi là cồn Đầm hả? Nghe ông bà xưa nói lại thì đúng ra nó là cùng đường, vì ra tới đó là đụng biển rồi...hết đường. Ở đó có cái cồn đẹp lắm. Hễ thứ 7, chủ nhựt là mấy ông tây, bà đầm đánh xe xuống đó tắm. Ở ngoài cũng cất luôn cái nhà mát cho mấy bà đầm nghỉ ngơi. Cái cồn này đầm xuống tắm hoài nên gọi luôn nó là Cồn Đầm cho tới bây giờ.

Đến đây cũng cần tìm hiểu thêm về hai địa danh Cồn Sỏ, Hồ bể. Theo chú Sáu Tòng thì địa phải gọi là Cồn Sọ mới là đúng nhứt vì ngày trước, vùng cửa sông này còn có bãi cá đường hội. tới mùa cá đường hội, dân chài chỉ bắt cá mổ lấy bong bóng...còn cá gộc, cá dứa thì chỉ lấy mình làm khô còn đầu thì cắt bỏ. Đầu cá tấp vào cồn chất cả đống, cả đống sọ. Nhưng sau này đọc trại riết ra thành Cồn Sỏ. 

Theo miêu tả và sự chỉ dẫn của chú Sáu Tòng, chúng tôi men theo giồng Mù U để đến Hồ Lạng. Trạm kiểm lâm Hồ Lạng nằm ngay đầu một con rạch cho biết chúng tôi đã tìm đến nơi. Những cây đước, cây giá giờ đã ken dày thành rừng. Một con đường đê nhỏ dẫn chúng tôi ra vụng nước Hồ Lạng ngày xưa.   Hồ lạng nay đã lạng hẳn và rừng mắm, đước đã mọc kín bãi... Tuy đã bồi lấp hẳn, kể như đã "lạng " mất, không còn cảnh cá dứa, cá ngát chen nhau ăn trái bần, trái mấm khi nước lớn, nhưng dưới tán rừng là nơi trú ngụ của lũ cá Thòi Lòi, một đặc sản của vùng rừng Sác. Chỉ cần một buổi sáng, một người cũng có thể kiếm được hơn 100.000 đồng từ việc đi thụt cá Thòi Lòi khi 1 kg cá hiện giờ bán cho vựa cũng đã là 60.000 đồng.
Đến vùng cửa sông này mà không đến chơi ở bãi biển Hồ Bể là một thiếu sót lớn. Cả một vùng cát chạy dài suốt gần 2 km theo bãi biển. Khi nước triều xuống, bãi cát cứ trải dài, dài mãi ra phía biển. 

Vũng biển này được tạo thành chủ yếu là cát trắng và những đụn cát trắng này thay đổi theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa nồm nam, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng bồi lên những nổng cát mới. Điều này được giải thích là do nguồn nước từ sông Hậu đổ xuống mang theo phú sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi Trà Sết ngược lên tạo thành. Đến mùa chướng (tức là khi gió bấc về, bắt đầu khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch), lúc này sóng lớn đập vào bờ từ hướng bắc xuống, cộng với triều cường nên lấy đi những vành đai cát đã được thiên nhiên tạo lập trước đó. Mặt vũng lại mở rộng như trước. Có lẽ đây chính là điều làm nên địa danh Hồ Bể. Chúng tôi lại nhớ đến câu ca dao "Dã tràng xe cát biển Đông"...Mới có đó những rồi lại mất đi, để rồi đến mùa nồm Nam thì quay trở lại. Chỉ uổng công những chú Còng gió (Dã tràng) vẫn miệt mài xe cát mỗi ngày trên bãi.

Đường đến Bồ Bể giờ đã dễ đi. Một con đường đã được mở để nối Hồ Bể với đường Nam Sông Hậu. Có thể thấy rằng, dù chưa được đầu tư để trở thành một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa, nhưng cảnh quan của biển Hồ Bể cho thấy: đây là vùng đất có tiềm năng mở ra một khu du lịch trong tương lai khi hiện nay, đây đã là một điểm dã ngoại lý tưởng cho những hoạt động thể thao ngoài trời như : đá bóng hay bóng chuyền trên bãi biển. Nhưng rồi cũng gợn lại chút lo lắng...khi chợt nghĩ : du lịch thường đi kèm với...tàn phá môi trường, với bê tông hoá nhũng khung cảnh nên thơ mà thiên nhiên đã phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm tạo lập. Thôi thì cứ xem đó là...lo xa vậy.
"Đi cho biết đó, biết đây...." ! Hãy đi để thấy quê hương mình đang đổi thay từng ngày. Hãy đi để thêm yêu những con người, những vùng đất mới đầu cứ tưởng như là xa lạ, nhưng nếu đã đến một lần thì lại thấy nhớ, thấy quen.


Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Sóc Trăng - lốc dữ chồng lên lốc xoáy


   Vào khoảng 7 giờ ngày 1/8, một cơn lốc xoáy có cường độ mạnh quét qua một số xã, thị trấn giáp ranh thuộc hai huyện Thạnh Trị và Mỹ Xuyên, gây thiệt hại nặng về người và nhà cửa. Theo tổng hợp của BCH-PCLB tỉnh, tính đến chiều ngày 01-08, tại 3 huyện: Thạnh Trị, Ngã Năm và Mỹ Xuyên, lốc xoáy và mưa dông đã làm 476 căn nhà bị sập và tốc mái, 72 người bị thương; trong đó có một người chết và 15 người bị thương nặng. Bệnh viên đa khoa Thạnh trị đã quá tải do số người nhập viên cấp cứu ngày càng tăng, chủ yếu là người già và trẻ em.
Trên suốt đoạn đường dài hơn 2km thuộc địa bàn ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, sau khi cơn lốc đi qua hầu như không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Còn tại khu vực ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, có những ngôi nhà gần như đã được cơn lốc san phẳng chỉ còn trơ lại đống vật liệu đổ nát. Những đám ruộng vừa mới trổ đều đã rạp mình trước sự càn quét của cơn lốc. Những thân cây to cũng bị trốc gốc, cành cây gãy ngã che gần kín mặt kênh. Anh Trần Minh Tâm, một người dân địa phương kinh hoàng cho biết, chưa bao giờ anh chứng kiến cơn lốc mạnh, có sức tàn phá mạnh đến vậy.  Anh Tâm kể: “Mưa một chập thì bắt đầu gió mạnh. Tôi nhìn ra ngoài thấy tole, lá, cùng đủ thứ bay trên trời thấy phát khiếp”. Đây cũng là khu vực được xác định đã có người chết do cơn lốc. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân tử vong tên Tiêu Thanh Sang (sinh năm 1979).
Tại bệnh viện Đa khoa huyện Thạnh Trị, hàng chục người bị nạn do cơn lốc đang được các y, bác sỹ nơi đây tận tình chăm sóc. Anh Danh Dương, ở ấp Phú Giao vẫn còn rên đau vì cánh tay phải bị tấm tole lấy đi mất một mãng thịt. Nét kinh hoàng vẫn còn hiện rõ trên gương mặt anh khi kể về cơn lốc: “Tôi đang trên đường đi tới nhà máy để vác lúa thì thấy gió lốc thổi mạnh nên ghé vào cây xăng gần đó để tránh, không ngờ cây xăng cũng bị lốc làm bay mái tole, rớt trúng vào cánh tay của tôi, cắt đứt một miếng thịt”. Mẹ anh Danh Dương tiếp: “Tôi thấy trên trời cuồn cuộn đen cứ tưởng cháy nhà ở đâu không, chứ đâu có biết là lốc”. Bên dãy phòng điều trị đối diện, anh Nguyễn Văn Ứng ở ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị vền còn ôm cái chân bị đau, gương mặt nhăn nhó kể: “Tôi vừa đi ruộng xịt thuốc về thấy gió mạnh quá, nên vào nhà ngắt cầu dao điện. Vừa ngắt xong, chưa kịp chạy ra thì nhà bị sập đè lên chân tôi không sao đứng lên được. Chưa bao giờ tôi thấy cơn lốc dữ dằn đến như vậy”.
            Ngay sau khi cơn lốc đi qua, lãnh đạo các địa phương và các ngành hữu quan đã đến trực tiếp hiện trường để hỗ trợ đưa người bị nạn đi cấp cứu cũng như chỉ đạo việc khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra. Cả hai địa phương đều đã huy động lực lượng công an đến làm công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông; huy động lực lượng quân sự, dân quân tự vệ đến giúp dân dọp dẹp, dựng tạm lại nhà cửa và tiến hành thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ. Tại huyện Thạnh Trị, ngay trong buổi sáng xảy ra thiệt hại, kết quả điều tra thống kê bước đầu của BCH-PCLB huyện, có 120 căn nhà bị sập, tốc mái (34 căn sập hoàn toàn), một người chết và 34 người bị thương (4 người bị thương nặng gồm: một người chấn thương sọ não và 3 người chấn thương cột sống). Còn tại xã Thạnh Quới, cũng có trên 120 căn nhà bị sập (49 căn sập hoàn toàn) và 14 người bị thương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Thành Nghiệp và Ban chỉ huy PCLB tỉnh Sóc Trăng cũng tức tốc có mặt tại hiện TT.Phú Lộc (Thạnh Trị), địa phương bị thiệt hại nặng nhất vì lốc xoáy. Ông nhấn mạnh: “Các địa phương phải có ngay phương án dựng nhà tạm để cho dân có chổ tránh mưa nắng. Huy động mọi lực lượng giúp dân sớm khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống sản xuất. Công tác thống kê thiệt hại cần tiến hành nhanh để kịp thời có chính sách hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn; trước mắt cần hỗ trợ ngay cho những người bị thương và gia đình có người tử vong”.
Sau cuộc hội ý nhanh với BCH-PCLB và lãnh đạo các địa phương, Phó chủ tịch Trần Thành Nghiệp đã đến thăm những người bị nạn đang nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thạnh Trị. Tại đây, đồng chí Phó Chủ tịch đã ân cần thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho những người bị nạn. Đồng chí Phó Chủ tịch cũng đến thăm và trao 4,5 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình có người tử vong tại ấp 3, thị trấn Phú Lộc. Cũng tại bệnh viện Đa khoa huyện Thạnh Trị, chúng tôi nhận thấy đoàn tăng ni của trường Phật học tỉnh Bạc Liêu cũng đã đến thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho người bị nạn. 
Trước mắt, huyện Thạnh Trị đã xuất ngân sách để hỗ trợ mỗi người bị thương 1,5 triệu, bị thương nhẹ 0,5 triệu đồng. Nhà sập hoàn toàn hỗ trợ 7 triệu và 3 triệu đồng cho mỗi hộ có nhà bị tốc mái. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chuẩn bị nguồn kinh phí đáng kể để giúp những người bị thiệt hại tài sản, hoa màu và nhà cửa, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Cơn lốc đã đi qua, nhưng hậu quả của nó để lại là không nhỏ. Công việc khắc phục đang được các ngành, các cấp và người dân hai huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên tiến hành khẩn trương. Và ngay lúc này đây, người dân nơi cơn lốc đi qua rất cần sự sẻ chia của cộng đồng để sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất./.

Tình hình thiệt hại do mưa dông và lốc xoáy ngày 01-08-2012:
-Huyện Thạnh Trị: 68 căn nhà sập hoàn toàn, 148 căn nhà, 01 trụ sở phòng NN-PTNT, công ty chế biến thuỷ sản huyện bị tốc mái, 01 người chết, 43 người bị thương (4 người bị thương nặng)
-Huyện Mỹ Xuyên: 11 người bị thương nặng, 13 người bị thương nhẹ, 39 căn nhà sập hoàn toàn, 71 căn bị tốc mái trên 50% và 74 căn tốc mía dưới 50%
-Huyện Ngã Năm: 20 căn nhà sập hoàn toàn, 23 căn tốc mái trên 50%, 19 căn tốc mái dưới 50% và có 4 người bị thương.
(nguồn: BCH-PCLB tỉnh Sóc Trăng)
 Trước đó vào sáng ngày 30/7/2012, 1 cơn lốc xoáy đã đi qua địa bàn xã Gia Hòa 2 và xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên) làm 18 căn nhà bị tốc mái, 3 căn bị sập hoàn toàn. Cũng vào khoảng thời gian này, lốc xoáy xảy cũng làm sập và hư hỏng 21 căn nhà ở 2 ấp Mỹ Phước và Mỹ Lộc I, xã Mỹ Bình(huyện Ngã Năm).