Chúng tôi ra biển khi trời vừa đâm mây ngang. Chuyến đi này,
chiếc ghe te ruốc của Huy - một ngư dân trẻ ở ngay đầu giồng Đồn sẽ có chuyến
đi hơi đặc biệt. Đâu tiên, Huy sẽ đưa chúng tôi đi tham quan những hàng đáy
ruốc trong nắng sớm và ghé cồn 15, một cù lao giờ đã nổi cao và ngày càng mở
rộng ở mé ngoài cửa biển Mỹ Thanh.... « Tháng 3 bà già đi biển ». Biển êm cũng
bắt đầu vô mùa Ruốc đến tận tháng 5 âm lịch.
Có lẽ vì ở đoạn giữa của dòng Hải lưu Biển Đông, cùng với
dòng chảy của sông Hậu đổ ra biển qua cửa Trần Đề, rồi dòng chảy của dòng Mỹ
Thanh, tốc độ lấn biển của vùng cửa biển này thật nhanh. Phải chăng đây cũng là
lý do để hình thành nên dáng hình của những giồng cát ở Vĩnh Châu khi những
giồng cát này luôn có hình dáng như một vòng cung lớn đồng phương với đường bờ
biển. Trước khi ghé vô đây Huy cũng cho chúng tôi biết một thông
tin khá thú vị : « Cồn 15 giờ đã nối liền với cồn Trâu thành một giồng cát ngầm
dài mút mắt. Ghe tàu đi không khéo mắc cạn như chơi. Còn luồng biển sâu nằm ở phía
mặt trời mọc ».
Có đặt chân lên cồn 15 mới thấy đuôi Cù Lao Dung thật gần,
bãi biển Hồ Lạng, Hồ Bể cũng thật gần. Chợt nhớ câu « Thương Hải Tang Điền ».
Tôi chợt nghĩ - chắc cũng chẳng còn mấy mà đuôi Cù Lao Dung sẽ vươn đến nơi
đây!? Hoặc giả không chừng...chỉ cỡ chục năm nữa...người ta có thể đi bộ từ bãi
Hồ bể ra đến chỗ này để ngắm biển?
Te ruốc và bữa cơm trưa trên
biển
Nắng lên,
chúng tôi bắt đầu cho chuyến te ruốc trên biển Hồ Bể. Quan sát 3 ngư dân hạ 2
càng te xuống và chuẩn bị cho một ngày làm việc trên biển mới hiểu, tạo sao
nghề biển dù mới chỉ loạnh quanh gần bờ thôi nhưng đã rất cần một thể lực dẻo
dai. Mỗi càng te bằng cây bạch đàn được nối lại dài khoảng 15-16 thước, đầu
càng gắn một miếng sắt lớn uốn cong về phía trước như một bàn trượt. Cả 2 càng
te gắn trước mũi ghe nằm trên một thanh gỗ lớn làm giá đỡ. Trước khi được đẩy
xuống nước, 2 đầu càng te được gắn 2 trái bóng lớn bằng nhựa để tạo sức nâng
lên để ngữ phủ nhẹ bớt sức nặng. Đưa được 2 càng te xuống nước xong thì các ngư
phủ còn phải nhảy xuống biển để gắn lưới, cân càng cho đồng hai bên…cuối cùng
là tháo 2 trái bóng để bắt đầu công việc. Tất cả những công việc này đều cần
đến thể lực và sự khéo léo…
Đi biển mỗi
nghề có một cách ăn chia riêng. Te ruốc có hai kiểu chia : đi ngày và đi
chuyến. Đi ngày thì bạn đi ghe sẽ nhận được một số tiền ấn định trước dù có
chúng hay thất. Còn đi chuyến thì bạn ghe sẽ được theo tỷ lệ phần trăm đã xác
định trên tổng số sản phẩm đánh bắt được. Anh chàng ngư dân nhỏ nhất của chuyến
đi này tên là Nhí sau mẻ te đầu tiên thăm dò chọn đi ngày. Phụng-chọn đi
chuyến. Chuyến này, te vô toàn ruốc Bông lau, thân ruốc lớn, trắng hồng. lẫn
trong đụn là những chú cá dứa, tôm sắt, tôm giang, tôm bạc....
Đang là mùa
biển êm nên cả vùng biển ghe tàu thả lưới, ghe cào, ghe te ruốc xuôi ngược thật
nhộn nhịp. Điện thoại di động đã phủ sóng ra tận ngoài biển nên ngư dân liên
lạc hỏi chuyện trúng thất để lái ghe di chuyển ngược nước hay cắt ngang dòng
chảy tìm luồng đánh trúng thật dễ. Một từ mà ngư dân khi hỏi thăm nhau thường
dùng cũng thật « ngồ ngộ ». Đó là từ « đồ ». « Đồ từ sáng tới giờ khá không ? Có
đồ nhiều không » ? « Cũng khá ! Nhưng cá dứa nhiều quá ». «Sáng giờ đẩy 3 mẻ
ngược nước khúc cống 16 coi bộ dính tạp nhiều quá ».
Hoá ra từ
này là để chỉ loại hải sản chính của chiếc ghe, chiếc tàu nào đó? Nếu là ghe
cào thì « đồ » chủ lực sẽ là tôm sắt, tôm thẻ, tôm giang. Còn ghe đi te ruốc
thì « đồ » chính là con ruốc. Những hải sản khác chỉ là phụ thêm mà thôi. Tuỳ
theo chiều đẩy mà cứ khoảng 10-15 phút thì kéo tùng lên để “xả đồ”. Mỗi mẻ chí
ít cũng được non 2 ký ruốc, trúng thì hơn 5 kg.
Trời trưa
đứng bóng, chúng tôi cùng 3 ngư phủ ăn bữa cơm trưa đạm bạc trên biển. Nồi cơm
đã được vợ của Huy chuẩn bị trước vào sáng sớm cùng với dĩa khô cá rô phi được
chiên sẵn. Hôm nay có 2 vị khách là tôi và quay phim Tìa Lâm Huy nên những chú
tôm sắt, tôm giang, tôm thẻ cũng được luộc lên để đãi khách. Giữa biển, trời
trưa nắng, ghe vẫn chạy, thi thoảng Nhí, Phụng hoặc Huy lại buông chén để kéo
tùng-xả ruốc. Đang ăn đấy nhưng vẫn làm đấy…
Con nước
chuẩn bị lớn. Huy quyết định về bến để phơi ruốc cho kịp nắng. Công đoạn lên
hai càng te lúc này mới thật sự là vất vả và nguy hiểm hơn khi xuống. Không chỉ
cần đến sức mạnh của thể lực mà các ngư phủ còn phải thật khéo léo mới có thể
đưa 2 càng te khổng lồ này lên được trên ghe. Khi này, 2 đầu càng te đã xả lưới
và được cột vào 2 trái bóng nhựa…Nhí và phụng mỗi người một bên để canh gì cho
2 càng te đi thẳng…Huy cầm lái ở phía sau nhắp ga cho chiếc ghe nhóng lên phía
trước từng đợt, từng để hất ngược 2 càng te về phía sau cho đến khi 2 càng te
lọt vào ngàm giữ ở phía sau lái. Đây đúng không phải là công việc dành cho
những người không có cơ bắp và sức lực như tôi…
Huy cũng
quyết định cân luôn số ruốc của một ghe bạn khoảng hơn 100kg với giá 10.000đ 1
kg. Hôm nay đánh cũng trúng khá nên chiếc ghe này quyết định ở lại đẩy thêm con
nước lớn. Như vậy kể như đã gần xong một ngày lao động. Nhí ngồi ở mũi ghe vô
tư đùa nghịch với 2 chú rẹm. Nước lớn, chiếc ghe vô rạch Giồng Đồn. Những người
phụ nữ ở nhà đã chuẩn bị xong bãi để phơi ruốc cho được nắng. Một ngày trên
biển đã qua. Hôm sau, chiếc ghe và những ngư phủ lại tiếp tục ra biển.
Phạ
đáy trên cửa Mỹ Thanh
Sách Gia
định thành thông chí của tác gia Trịnh Hoài Đức ghi chép về Mỹ Thanh hải môn
xưa như sau: “rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước
ta. Bờ phía tây có thủ sở...thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm
khô”. Đây cũng chính là lý do mà chúng
tôi dành ra một ngày tìm hiểu về những sản vật đã làm nên danh tiếng của vùng
cửa biển này.
Với nghề
đáy, nước ròng thì bắt đầu cài đáy, đến khi nước chuẩn bị những lớn thì dỡ đáy,
từ nghề nghiệp là phạ đáy. Những hàng đáy đóng ở trên sông gọi là đáy
chỉ. Cá tôm vào hàng đáy chỉ thì đủ loại. Thế nhưng trước khi phân loại thành
quả thì việc dọn rác, giũ đáy là công việc nặng nhọc nhất. Chính vì vậy mà một
chủ đáy nếu gia đình ít người thì luôn có những bạn đáy đi cùng để phụ giúp. Từ
việc cài đáy, lên đáy, giặt đáy cho đến việc lên cá và lựa cá. Nghề hạ bạc này
luôn đòi hỏi những thân hình lực lưỡng tràn đầy thể lực. Những công việc nặng
nhọc nhất gánh đàn ông đã làm xong, còn những công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ, nhẹ
nhàng và khéo tay, nhanh nhẹn được dành cho các chị, các em, đó là phân loại cá,
tép, tôm… ra riêng từng loại, cân hàng.v.v.
Trò chuyện cùng tôi sau một chiều đáy vào một buổi trưa
tháng 5/2012, ngư phủ An, một bạn đáy vui vẻ nói:
- Nghề này sống được anh à! Trung bình một tháng em đi
khoảng 25-30 chiều đáy. Một chiều là 100 ngàn. Nuôi vợ con được. Lúc rảnh thì
làm thêm mấy chuyện khác nữa.
Hoá ra một “chiều” là
một chiều con nước lên đáy, xuống đáy. Người đi bạn sẽ làm những công việc như:
lặn xuống những cọc đáy để cài đáy, kiểm tra mành lưới…chiều lên đáy thì làm
ngược lại nhưng cực hơn nhiều vì còn dọn rác, lựa cá, tôm và cuối cùng là gánh
sản phẩm về sân.
Nghề đáy ngày nay trúng nhất có lẽ chỉ còn ở vùng cửa Mỹ
Thanh với những hàng đáy thuộc làng chài Mỏ ó. Dù vậy nếu so với những ngày
trước thì đã kém hẳn. Những lão ngư dân cựu trào vẫn còn nhớ như in những ngày
xưa, khi mà mỗi chiều đáy, một miệng đáy lên được cả trăm ký tôm cá. Bác Nguyễn
Văn Heo, năm nay đã 71 tuổi và tự hào là người đã có 3 đời làm nghề đáy kể
rằng:
- Nghề đáy ngày xưa tính trúng thất bằng “chảo”, tức là chảo
gang lớn để luộc tôm đó. Mỗi miệng đáy ở xứ này mà mỗi chiều lên chỉ có 2-3
chảo thì kể như thất! Còn trung bình thì phải từ 5 đến 7 chảo. Một chảo tôm như
vậy sau khi phơi khô thì cân được khoảng 18 ký tôm khô. Bán chủ yếu lên miệt
Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho và miệt ngoài chớ dân ở đây ăn gì hết.
Hoá ra vậy! Thành thử hỏi sao xưa kia vùng cửa sông này
không nổi tiếng với con tôm khô.
Nghề nào cũng vậy ! Ắt có lúc thịnh lúc suy. Dân cư đông
đúc, ghe tàu thêm đông, nhiều kiểu đánh bắt hiện đại và tinh vi hơn thì những
phương thức đánh bắt truyền thống giảm sút sản lượng và hiệu quả cũng là điều
dễ hiểu.
Làng chài Mỏ Ó giờ đã là bến tập trung những ghe tàu đánh
bắt nhiều kích cỡ. Tàu lớn đánh lưới khơi, tàu đánh cá gộc, tàu cào, tàu lưới
đủ cả. Gặp đúng con nước tàu về bến, hẳn khách phương xa ắt choáng ngợp trước
sự náo nhiệt của những bến nước, của đầy ắp cá tôm. Cả làng chài náo nhiệt như
một ngày hội.
Cho đến nay, biển được ví như « Bạc » vẫn đúng. Biển vẫn đem
đến cho những ngư phủ niềm vui tràn đầy khi lên mẻ lưới trúng, biển hiền hoà
nhưng cũng có khi khắc nghiệt với con người. Biển đòi hỏi những người ra biển
phải có một thể lực sung mãn, tinh thần vững vàng, sẵn sàng đương đầu với bão
giông bất chợt.
Chuyến phiêu du của chúng tôi ở làng chài Mỏ ó kết
thúc khi trời đã ngả về chiều. Khi những hạt nắng ươm rải khắp những giàn liếp,
đượm thêm cho những sấp cá khô những sắc màu tươi tắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét