Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

September 28, 2007 - Không còn khóc nữa…


Vui hạnh phúc bên người chồng vỏn vẹn 19 ngày, cô dâu trẻ giờ trở thành góa phụ ở tuổi 21

Đây là bài viết và ảnh của Lươn Miền Tây. Mình xin phép tác giả cho mình coppy vào Blog của mình. Vậy là ngày này sang năm và…những sang năm…Ở đây lại có một “giỗ hội”. Tin rằng khi ấy, nỗi đau của họ đã vơi đi vì những tấm lòng của chúng ta dành cho họ qua hành động..

Sáng nay mình đã tới xóm Chùa Bồ Đề, cái xóm nằm ngay cạnh chân cầu Cần Thơ, cũng là cái xóm có nhiều người tử nạn nhất trong cái ngày định mệnh 26.9. Cái xóm mà ngày 26.9 năm sau sẽ có hàng mấy chục gia đình cùng tổ chức đám giỗ đầu tiên cho những người thân của họ đã rủ nhau ra đi ngày hôm qua, ngày hôm nay và không biết còn những ngày sau nữa hay không?

Ngôi nhà đầu tiên mình ghé thăm đang tổ chức tang lễ cho anh con trai út mới 23 tuổi. Trước linh cữu là tấm ảnh của một thanh niên còn rất trẻ với gương mặt hiền lành. Người cha già ngồi đó, không vui, không buồn mà cũng không khóc. Cô vợ trẻ, rất trẻ, đầu chít khăn tang, ngôi bất động và cũng không vui, không buồn, không khóc. Người mẹ ngồi bên, cố che chở cô con dâu bé nhỏ. Cũng không vui, không buồn, không khóc. Mẹ chồng, nàng dâu nương tựa vào nhau…

Đúng là “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ông trời quả thật biết trêu ngươi. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau vỏn vẹn đúng 19 ngày, cô dâu mới, có lẽ, vẫn còn chưa kịp thạo việc gia đình bên chồng, giờ đã trở thành góa phụ ở tuổi 21, đúng vào lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời người con gái…

Còn với anh, ngày 26.9 đúng là một ngày định mệnh. Anh vốn làm việc ở bộ phận khác của công trình từ hơn 1 năm nay. Nhưng, trong cái buổi sáng định mệnh đó, vì không đủ người làm tại cái vị trí oan nghiệt kia, anh được điều động để tăng cường. Vừa vào vị trí chỉ chừng 10 phút thì…

Tre già phải khóc măng non. Cuộc sống luôn có những oái oăm như vậy. Người cha già vẫn ngồi đó. Bất động. Có lẽ, ông không còn khóc được nữa. Người con trai nằm trong quan tài kia, người con rể đã được chuyển về BV Chợ Rẫy, hiện vẫn còn trong cơn nguy kịch, và một người cháu hiện vẫn còn trong cái đống đổ nát, vẫn chưa 1 chút tin tức…

Trong lúc tột cùng đau khổ, bỗng dưng mình chợt rùng mình khi nghe ông nói: “Hôm qua vậy là may lắm rồi!”. May? Phải, cái “may” của ông là nếu cái đoạn cầu oan nghiệt kia nó sập trễ hơn chừng nửa tiếng nữa thôi thì số người bị nạn không phải là những con số như mấy ngày nay, mà không chừng, nó sẽ còn gấp đôi, gấp 3. Vì vào giờ cao điểm, ở cái đoạn ấy thường có đến gần 400 người làm việc, chứ không chỉ ngoài 200 như cái buổi sáng tang thương…

Quả thật mình bắt đầu có cảm giác sợ trước cái gọi là “may” từ người thân của những người xấu số. Cái “may” của họ là số người thoát nạn nhiều hơn, dù không phải người thân của mình. Cái “may” của họ là nhà kia có người thân bị nạn nhưng đã qua được cơn thập tử nhất sinh. Thậm chí, cái “may” của họ còn là đã tìm được xác người thân của mình để thà đau 1 lần nhưng còn được nhìn mặt lần cuối, hơn là cứ ngồi chờ vô vọng từ cái đống đổ nát, hoang tàn…

Từ sáng đến trưa trời vẫn mưa tầm tả. Phải xắn quần, xách dép lội bùn trên con đường đất đi xuyên xóm Chùa Bồ Đề. Những đám tang mà mình đến viếng đều khá đìu hiu. Cái không khí hoàn toàn trái ngược với truyền thống đùm bọc và chia sẻ vốn tồn tại từ bao đời nay của người dân quê ở vùng sông nước này. Cũng phải thôi, chỉ ở cái xóm nhỏ này, đã có đến hơn 30 gia đình đều lo tang lễ cho người thân của mình thì còn ai để mà giúp ai nữa chứ!

Đến 1 giờ trưa, ở chân cầu, vẫn còn rất nhiều người ngồi đó, mắt không rời nhìn về nơi có những người xấu số vẫn còn chưa tìm thấy. Dù đã không còn hy vọng gì nữa nhưng họ vẫn cứ trông chờ. Những người mẹ chờ con, vợ chờ chồng, con chờ cha,… Họ cùng nương tựa vào nhau để chờ. Có người ngồi chờ từ sáng qua đến giờ vẫn không ăn, không uống, mắt vẫn không rời khỏi những người công binh, những người cứu hộ với một chút hy vọng mong manh.

Khác với hôm qua, không khí hôm nay ở hiện trường yên ắng hơn. Không còn cảnh chen lấn, gào khóc. Tất cả ngồi chờ trong im lặng. Một sự im lặng rất đáng sợ: Họ cứ ngồi đó với nét mặt không lộ một chút vui buồn, không kêu khóc, không đau khổ và có lẽ cũng không còn hy vọng…

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

27, 2007 Tin dữ và..nỗi đau


Ngày định mệnh…

Sáng vừa vào đến cơ quan đã nghe hung tin: Cầu Cần Thơ sập, bị thương nhiều lắm! Sập là sập thế nào được, cầu xây đã xong đâu? Với lại, từ nhà đi làm vẫn ngang qua công trình này, có thấy gì đâu? Hỏi kỹ lại thì đúng là sập thật. Sập phía sát bờ Vĩnh Long nên mình không thấy là cũng phải thôi.

Nghe nói chiều và đêm qua mưa to quá, phần đà mới đổ được vài ngày, sáng nay tháo ra, nó sập ùm xuống. Ôi mẹ ơi, hàng trăm con người chứ ít đâu. Phía bên dưới có cả trăm công nhân làm việc, phía bên trên cũng đâu cỡ hơn trăm. Thân người phải hứng chịu khối bê tông, sắt thép hàng mấy trăm tấn đổ xuống, không cần nói, cũng có thể tưởng tượng được cái cảnh nó bi đát thế nào.

2 ông phóng viên được sếp phân công ra ngay hiện trường để nắm thông tin. Được một lúc, thông tin dội về dữ quá, sếp thông báo: Huy động toàn bộ tham gia, điều thêm 2 ông đang ở An Giang, Bạc Liêu về Cần Thơ cấp tốc! Mình dù không phải phóng viên cũng được sếp phân công theo chân đoàn ứng cứu. Gõ vội vài chữ lên Blast để kịp thông tin cho cả nhà, còn mình thì xách máy ảnh lao ngay ra xe…

Vừa ra khỏi cơ quan đã gặp xe cứu thương hú còi inh ỏi. Cả quảng trường phía trước Bệnh viện đa khoa bị phong tỏa, con đường đại lộ Hòa Bình hàng ngày rộng thênh thang, giờ cũng trở nên chật kín. Các anh CSGT phải ra tay dẹp đường cho xe cứu thương đi. Nói đến đây mới thấy dân mình dễ thương. Thường ngày thì ôi thôi cứ lấn tuyến, giành đường kinh. Hôm nay lại rất chi hòa nhã, đứng hẳn ra sát 2 bên lề đường mỗi khi có xe cứu thương đi qua.

Bến tàu du lịch Ninh Kiều hôm nay vô cùng tấp nập. Nhưng lại là cái tấp nập rất đáng sợ: Xe cứu thương của 5 bệnh viện to nhất Cần Thơ đều được huy động về túc trực tại đây. Dân phòng, CSTT, cơ động, CSGT, bộ đội, bác sĩ, y tá,… chen chúc nhau đứng ngóng ra phía sông Hậu, nơi có những chiếc canô, xuống máy lần lượt chở nạn nhân vào bờ. Cảnh tượng làm mình rùng mình nhớ lại cái cảnh cách đây 10 năm, người ta cũng chen nhau nơi cửa biển Khánh Hội (Cà Mau) ngóng ra biển chờ những chiếc tàu chở nạn nhân cơn bão số 5 ngày nào…

Ở BVĐK Trung ương Cần Thơ, ngay trước cổng đã đông kín các lực lượng ứng cứu và giữ trật tự . Người ta làm mọi cách để không cản trở việc chuyển nạn nhân giây phút nào. Toàn bộ lực lượng y, bác sĩ của tất cả các bệnh viện đều được huy động tổng lực tham gia. Số ở tại chỗ để cấp cứu, hồi sức và cả mổ cấp cứu cho những nạn nhân được đưa vào. Một số rất lớn khác thì được đưa lên các xe cứu thương, huy động luôn cả xe cảnh sát, quân sự để chuyển gấp các y, bác sĩ ra hiện trường vụ tai nạn để cấp cứu tại chỗ…

Một cảnh hỗn loạn và hoang mang chưa từng thấy tại Cần Thơ từ trước đến giờ!

Số người bị nạn quá nhiều, các bệnh viện đều quá tải. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là thiếu máu để truyền cho nạn nhân. Ở BVĐK Trung ương, một “đội quân” khá hùng hậu - là nhân viên của Dược Hậu Giang - đã được huy động tập trung về đây để tham gia hiến máu cứu người. Những người đi đường, nhiều người biết thông tin này cũng đã tự nguyện vào BV để xin được hiến máu. Cả các y bác sĩ cũng tham gia hiến máu. Các em sinh viên ĐH Y Dược đang thực tập tại BV cũng hiến máu. Máu được tiếp nhận, kiểm tra xong, cấp tốc được chuyển đến các BV khác để cứu người. Phải nói chưa bao giờ thấy cảnh hiến máu sôi động như sáng nay. Người tình nguyện và cả người tiếp nhận đều sốt sắng đến mức cao nhất. Không cần phòng ốc, mà thực ra thì phòng ốc đâu cho đủ, tất cả nằm, ngồi ngay bên mái hiên, thậm chí ngay tại sân BV để lấy máu. Số lượng máu tiếp nhận rất nhiều, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với số đơn vị máu cần phải có. Ở BV 121, đích thân ông GĐ BV trực tiếp tham gia cấp cứu. Điện thoại của ông hoạt động không ngớt, mà thông tin chủ yếu vẫn là tiếp nhận bệnh nhân và “cầu cứu” máu. Đến cuối giờ buổi sáng, nghe thông tin từ Trung tâm Truyền máu khu vực Cần Thơ, đã có hơn 2.000 địa chỉ người dân đăng ký tại trung tâm này để sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào cần. Một em học sinh đã gọi điện thoại đến, vừa khóc vừa xin chỉ chỗ để em hiến máu. “Chắc là họ cần máu lắm phải không chú?!”… Ôi, cái tình của dân mình. Trong cơn hoạn nạn, họ sẵn sàng nhường 1 phần “sự sống” ngay trên chính thân thể của mình với hy vọng giúp được chút gì đó cho người bị nạn. Có lẽ, đó là niềm vui duy nhất mà mình nhận được trong cái ngày định mệnh này…

Rồi đây, người ta phải điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn. Nhưng đó là chuyện của các cơ quan chức năng đối với một chuyện đã rồi. Chỉ thương cho các bạn công nhân không may trong một buổi sáng định mệnh. Rất nhiều trong số họ không phải là dân Cần Thơ hay các tỉnh lân cận. Nhiều, nhiều lắm số công nhân này từ ngoài Bắc, Trung vào đây. Bao năm xa nhà để tham gia xây dựng một “công trình thế kỷ”, giờ ngậm ngùi ôm hận nơi đất khách quê người. May mắn sống sót thì cũng rất nhiều người sẽ mang thương tật suốt đời. Trước mắt, đang trong cơn thập tử nhất sinh này, không biết cha mẹ, vợ con, gia đình họ ngoài đó đã hay tin chưa? Không biết liệu có còn kịp nhìn nhau lần cuối hay không? Ít ra là chỉ trong buổi sáng nay đã có khoảng 20 người không còn nhìn thấy người thân lần cuối! Đến chiều hôm nay, con số đó đã tăng lên đến hơn 50 người. Đó là chưa kể số người vẫn còn kẹt trong đống đổ nát, có lẽ với họ dữ nhiều lành ít!

Mai này, cầu Cần Thơ vẫn sẽ hoàn thành. Đây vẫn là cây cầu lớn nhất và hoành tráng nhất Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển cho cả vùng đất với hàng triệu cư dân. Nhưng liệu sẽ còn bao nhiều người nhớ rằng: Cây cầu hùng vĩ đó không chỉ có bê tông, sắt thép mà còn có cả máu của hàng trăm con người kiến tạo nên nó.

Cầu Cần Thơ - Công trình của thế kỷ. Bao năm nay người ta vẫn nói thế mỗi khi nhắc đến chiếc cầu mà tổng chiều dài lên đến gần 16 cây số này. Nó chưa thành hình thì chỉ mỗi cái ảnh phối cảnh trên giấy của nó đã được xem như một niềm tự hào của người dân 2 bờ Cần Thơ - Vĩnh Long và tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy thì những con người đã ngã xuống để cho “công trình thế kỷ này” này sừng sững đứng lên, tên của họ cần phải được lưu lại ở một tấm bia ngay trên chính cây cầu này. Li�
�u có quá đáng lắm không?

***************************************************

* Updated 22:00, 26/9/2007 (xin phép không cập nhật thêm những thông tin đau lòng): Chỉ trong 1 ngày, lượng máu huy động được do những người tình nguyện đến hiến tại trung tâm Huyết học và truyền máu khu vực Cần Thơ đã lên đến 700 đơn vị máu, nhiều hơn số lượng dự kiến cần phải có để giúp các nạn nhân. Con số này tạm dừng lại ở đây là do tại trung tâm đã không còn chỗ để chứa máu dự trữ nữa nên chuyển sang phương án dùng “ngân hàng máu sống”, tức là chưa lấy máu của những người hiến máu tình nguyện ở khu vực nội ô TP Cần Thơ mà chỉ ghi tên họ vào danh sách, khi cần thì mời họ đến lấy máu giúp bệnh nhân. Danh sách này nếu huy động hết cũng sẽ đạt số lượng không ít, vì có cả những đơn vị đông nhân viên như: Vietcombank, Incombank, Cty Dầu Thực vật Cái Lân,…
Như vậy, nhu cầu máu đã có thể yên tâm. Âu cũng là một tín hiệu mừng cuối ngày cho các nạn nhân và gia đình của họ. Cầu chúc cho các công nhân và gia đình những người bị nạn vượt qua thử thách nghiệt ngã này…

Bài này mình coppy từ Blog Lươn Miền Tây. Bài viết cảm động quá.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

Việt Nam mình nó thế

Vào thư viện quốc gia nhiều lần, tôi phải nể mấy bác già cặm cụi đọc đọc ghi ghi. Hỏi chuyện thủ thư mới biết là nhiều bác đến khá đều đặn. Có những bác đến đọc báo tây, báo tàu. Có bác còn ngày ngày vác quyền sách dày cộp ra đọc, ghi chép rất cần mẫn. Mà tuổi nhiều bác ều đã thất, bát tuần cả. Có người xấp xỉ tuổi chín mươi nữa.
Hôm nay vào thư viện, tôi thấy một bác hơi đặc biệt. ông ngồi giở đến ba quyển sách Ngữ pháp tiếng Việt ra dò đọc từng đọan quyển này rồi lại nhảy sang dò đọc, quyển khác. có vẻ như ba quyển chưa đủ đối chiếu, ông lại trả quyển này mượn quyển khác (vì thư vện chỉ cho mượn mỗi lần ba quyển) Tò mò, thấy ông trả hết sách đi ra với vẻ chưa vừa bụng, tôi đi theo, lựa lời hỏi:
- bác nghiên cứu ngôn ngữ học hả bác?
Ông vừa hậm hực nhếch một nụ cười, vừa thanh minh:
- Tôi có biết mấy về ngôn ngữ học đâu!
- Em thấy bác nghiên cứu cả mấy bộ ngữ pháp mà!
- À, bực mình thì xem lão ấy nói có đúng không thôi.
- Bác nói thế nào, em không hiểu?
Nhìn vẻ quan tâm khá chân thành của tôi, ông chặc lượi:
- ông không hiểu là phải! Nhưng mà câu chuyện hơi dài dòng. Hay là ta ra chỗ ghế đá ngồi…
Chúng tôi ngồi chỗ ghế đá vườn hoa rợp bóng cổ thụ trong khuôn viên thư viện và ông đã kể về nỗi bực mình dẫn ông đến đây.
Ông có ông bạn gần nhà, cũng khá thân, thường có thể tâm tình nhiều chuyện. ông bạn cũng là người chịu đọc báo chí và trước cũng được học hành nhiều. Chỉ mỗi tội là hơi tiêu cực, buông xuôi. gặp chuyện gì bực mình cũng chỉ buông một câu “Việt Nam mình nó thế!”. Nhiều lúc ông rất bực.
Dạo trước đọc bài báo thấy một ông kêu chuyện thấy một chủ trương của ủy ban quận đưa ra bốc thăm nhà tái định cư không dưa vào diện tích bị thu hồi, ông gửi kiến nghị yêu cầu ông Chủ tịch Hội đồng nhân dân giám sát, ngăn chặn việc làm sai, ông lại nhận được văn bản trả lời của ông Bí thư quận ủy! Ông đem chuyện đó kể cho ông bạn nghe. Ông bạn buông luôn lời bình “Việt Nam mình nó thế!”. Ông bực, lườm một cái, bỏ về.
Hôm vừa rồi nghe chuyện ở quê, ông kể lại cho ông bạn nghe. Đó là chuyện do cơ cấu một đại diện doanh nghiệp vào cấp tỉnh, họ đưa một anh giám đốc xí nghiệp. Anh ta và xí nghiệp làm ăn bê bết chứ khá gì đâu, thế mà cũng được bầu. Rồi anh ta được phân công làm chủ tịch cả thành phố! Ông kể với tất cả bực dọc, thế mà ông bạn chả hưởng ứng, đồng thuận gì, còn buông một câu “Việt Nam mình nó thế!”. Ông bực quá gắt luôn:
- Ông buồn cười nhỉ? Như thế mà lúc nào cũng “Việt Nam mình nó thế”! Cònra thể thống gì nữa?
Ông bạn tủm tỉm:
- Nó thế thì tôi nói thế! Sao ông gắt tôi? Này tôi hỏi ông nhé: Cưa là lọai từ gì?
Bác đang bực cũng phải tòn mắt lên:
- Ông này buồn cười nhỉ. “Cưa” thì liên quan gì?
- Không, ông đã học ngữ pháp cả ta, cả tây rồi. Ông cứ trả lời tôi xem!
- Ừ thì trả lời! “Cưa”, “cái cưa” là danh từ chứ gì nữa.
- Ừ, nhưng ở câu “Tôi cưa khúc gỗ này” thì nó có là danh từ không?
- Sao là danh từ được? Là động từ!
- Đấy nhé! Tiếng Việt Nam mình nó thế. Lúc là danh từ, lúc là động từ! Tôi lại hỏi ông: “Cưa” làm những chức năng gì trong các câu sau: “Cái cưa này rất sắc”, “Anh cho tôi mượn cái cưa”…
- Lằng nhằng gì thế? Muốn gì nói toẹt ra đi!
- Ông không muốn trả lời thì tôi nói. Cũng là danh từ “cái cưa” nhưng nó có thể làm chủ ngữ. Lúc cần nó làm bổ ngữ. Có sao đâu nào! Tiếng Việt Nam mình nó thế!
Nói rồi ông bạn còn ghi cho ông cách mượn mấy quyển sách ngữ pháp ở thư viện tham khảo các đọan về chuyện đó để mà hiểu cái lý “Tiếng Việt Nam mình nó thế”.
Nghe ông kể, tôi bật cười:
- Bác đã đọc cả mấy chuyên gia ngữ pháp rồi, bác thấy bác kia nói có đúng không?
- Thì lão ấy nói đúng chứ sao! Tiếng tây nó không có chuyện nhập nhằng ấy. Lọai nào ra lọai ấy, có hình thức khác nhau rõ rệt. mà có làm nhiệm vụ gì thì cũng phải làm cho tử tế. Động từ “verbe” là phải chia theo ngôi, theo thì…không lơ tơ mơ…
Tôi hơi cười:
- Bác thấy người ta nói đúng sao bác còn hậm hực? Em thấy…
Ông thở dài:
- Mình hậm ực vì lão bảo. Việt Nam mình nó thế. Xã hội, con người cứ nhập nhằng. Bảo rằng họ tài cũng được, bảo rằng không đào tạo tử tế, sử dụng cho đúng đắn, là không tốt đều được. Cái nhập nhằng ấy nó ăn sâu vào nếp tư duy và nó biểu hiện ra ngôn ngữ là cái vỏ tư duy. Thế thì có gì mà phải kêu? Rồi ai cũng hiểu cả. Chưa ai vì cái chữ “cưa” không rạch ròi mà không hiểu nhau đâu nào!
Tôi lại cười:
- bác ấy lập luận lô-gích quá! Sao bác còn hậm hực?
- Lão ấy bậy! Ngôn ngữ là ngôn ngữ! Mà ngay ở ngôn ngữ, các nhà khoa học cũng đầu tư công sức để giúp mọi người đỡ nhập nhằng lộn xộn kia mà!
- Bác đã nói đến thế thì em chả biết nói gì thêm với bác!
8.2007

Bài này của tác giả Lê Dân, đăng ở mục Trà dư tửu hậu trên tạp chí Kiến Thức ngày nay số 616. Mình rất thích bài này nên chếp lên đây.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

Hành tím đặc sản ở xứ biển Sóc Trăng

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nếm qua món dưa hành. Đặc biệt là hành tím thì..tuyệt cú mèo. Hành tím ở Việt Nam thì độc đáo và chuyên sản xuất là huyện ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đây là đọan phim giới thiệu về đặc sản hành tím.

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2007

Vài đọan Video về Sóc Trăng

Thấy bánh mì nóng chiếu phim nên tớ cũng “bắt trước” chiếu vài đọan phim về Sóc Trăng cho vui. Ai chưa tới thì cũng như tới rồi nhé.

Đây là đọan Video do tớ tự dàn dựng và quay phim nhé. Bài hát minh họa tên là bài Sóc Trăng quê tôi của NS Quách Trung Tín.

Vài đọan Video về Sóc Trăng

Thấy bánh mì nóng chiếu phim nên tớ cũng “bắt trước” chiếu vài đọan phim về Sóc Trăng cho vui. Ai chưa tới thì cũng như tới rồi nhé.

Đây là đọan Video do tớ tự dàn dựng và quay phim nhé. Bài hát minh họa tên là bài Sóc Trăng quê tôi của NS Quách Trung Tín.