Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Tình cờ gặp lại một lá thư cũ từ thời tám hóanh


Đây là lá thư mà tình cờ sáng nay mình tình cờ tìm lại được trong một đống giấy tờ cũ rích của cái thời “tám hóanh’. Híc…đọc lại nó thì..tự nhiên thấy “hóa ra thằng mình” cũng có lúc “vẫn vơ” ghê nhỉ. Lá thư này viết ngày 17/8/1990 ở Vị Thanh. Nhưng thư này viết xong thì lại…không gửi. Gần 1 tháng sau, ngày 14/9 đang nằm chèo queo ở KTX Trần Hưng Đạo giở ra xem lại và chua thêm mấy hàng nữa, sau đó mới gửi. Và cuối cùng thì…đã được người ta trả lại sau gần 4 năm.

L…yêu của Anh.

Anh không có ý định viết thư cho em! Thêm rườm rà và rắc rối cho cuộc sống! Phải không em?! Tha lỗi cho anh vì chữ viết “xấu’. Em biết rồi mà.

Anh muốn nói với em em “nhiều” và “thật nhiều” nhưng không được vì khá nhiều lý do…Chắc em còn phải bận ộn nhiều vì công việc nhà và nhiều chuyện khác nên chúng ta không thể có được những phút rảnh rỗi để có thể mà…! Anh mong mau chóng kết thúc 4 năm để có thể nhanh về quê..để có những phút nhìn em cười nói và được ở gần Em. Tuy nhiên, mọi chuyện đâu phải đơn giản như câu ngạn ngữ pháp “Muốn thì được”.

Anh cũng chẳng muốn nhắc lại những lời cầu xin tình yêu của em dành cho anh vì anh nghĩ đối với em, anh chỉ là một bóng mờ trong đêm tối. Chuyện giữa hai chúng ta, chắc chỉ mình anh “thương cảm” cho chính anh, một kiếp sinh viên nghèo với hai bàn tay trắng bước vào cuộc đời không đơn giản như trong các tiểu thuyết và những bài thơ, mặc dù đôi lúc trong mỗi tâm hồn đều cần phải mơ mộng và hy vọng.

Cả hai chúng ta đều đã lớn, trong mỗi chúng ta đều có một hòai bão riêng cho cuộc đời mình chứ đâu có thể mãi sống nhờ Cha, Mẹ được, phải không em? Em cũng có những quyết định cho tương lai của cuộc sống của mình và có thể, Em đã đang xây nó! Điều đó Anh thì làm sao biết được. Còn anh chắc em cũng biết, khả năng xin được việc làm ở gần nhà hoặc một việc gì đó ở Cần thơ là không khó nhưng Anh không muốn. Trước tiên vì trình độ chuyên môn còn có hạn và chẳng lẽ sống đơn thuần một tháng với ba, bốn chục ngàn? Còn bao nhiêu chuyện ta còn phải lo nữa chứ, chẳng lẽ mãi sống bám vào gia đình? Phải tự mình tạo dựng cho mình một tương lai của mình chứ…rồi sẽ còn một gia đình mà có thể anh sẽ là một thành viên trụ cột!? vì lẽ đó mà anh quyết định ở lại Sài Gòn 1 năm nữa để nồi thêm vào “sọ” một ít nữa, biết đâu vận may sẽ mỉm cười với anh (cũng như mình mua một tấm vé số)…và cũng biết đâu? bất hạnh cũng sẽ trút xuống đầu anh.

Điều mà anh bực bội nhất là chuyện những ông “thầy dùi” ở nhà quê chuyên môn “bàn chuyện người khác”. Chuyện cuộc đời anh, tự anh quyết định và lo liệu, ai mượn các ông ấy lo dùm? Chuyện gì anh muốn, ngay cả ba, mẹ anh cũng chẳng cấm anh được, huống chi là mấy “tay đó”. bao nhiêu đó, chắc em cũng hiểu?

TB: Đây là lần cuối cùng mà anh nói lời yêu em. Nếu em cảm thấy anh làm bận lòng em thì coi như mãi mãi…bức thư sẽ như một rễ cây si già úa tàn theo năm tháng. Nothing gona chan My Love for you!

Có vẻ văn chương quá phải không em. Con nhà văn mà!

Ký tên: (chữ ký xấu bà cố luôn. Nhưng mà nó lại theo mình đến giờ)

(những dòng viết tiếp sau gần 1 tháng)

Cuộc sống biến đổi và phát triển không ngừng, ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Theo thời gian, em cũng không còn như Cô L…. nhút nhát, bé nhỏ hồi nào và anh cũng vậy. Chúng ta đều lớn lên, trưởng thành. dẫu sao trong anh vẫn còn sống mãi những kỷ niệm thời thơ ấu và tình yêu đầu đời anh dành cho em.
(xin lỗi em vì anh viết vội)

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

Ghe Ngo nữ-điểm nhấn của lễ hội Ooc-om-bock 2007




Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 35 đội ghe Ngo. Chiếm số lượng đông nhất vẫn là đơn vị giàu truyền thống - Huyện Mỹ Tú với 9 chiếc. Ngoài 35 đội ghe nam, Sóc Trăng còn có 9 đội ghe nữ. Lễ hội Oóc – om – bóc, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng năm nay sẽ được tổ chức tại TP.Sóc Trăng, đoạn Sung Dinh trong hai ngày 23 và 24/11/2006. Ngày 23/11 sẽ là cuộc đua vòng loại của các đội ghe Ngo nữ trong tỉnh. Ngày 24/11, các ghe Ngo nam sẽ chính thức tranh tài. Ghe Ngo nam bây giờ ở Sóc Trăng đã là chuyện thường…hào hứng nhất vẫn là chuyện ở các đội ghe Ngo nữ và đến giờ đã trở thành phong trào ở Sóc Trăng.

Cực mà vui vì “bằng chị-bằng em”

Vẫn là những công việc thường ngày, chăm sóc miếng rẫy cạnh nhà, dọn dẹp nhà cửa, cho heo ăn nhưng từ hơn nửa tháng nay, vợ chồng anh Thạch Hoi- chị Tiết Thị Hiêm ở khóm 6, phường 9-TPST luôn tất bật và vội vàng hơn vì cả 2 vợ chồng đều là vận động viên của Đội ghe Ngo Chùa Khleng. Gần đến giờ tập rồi, chị em đã đến đông đủ, huấn luyện viên đang điểm quân, thổi còi. Nhanh lên mà đi thôi.


Có chứng kiến các thành viên của đội ghe Ngo nữ Chùa KhLeng tập luyện mới thấy hết niềm đam mê và sự thu hút của môn thể thao độc đáo này. Cũng như những tay bơi nam, chị em hầu hết đều là nông dân “tay lấm chân bùn”, quanh năm quần quật với ruộng đồng. Là nữ giới nên họ còn phải đảm đượng việc nhà cửa, chăm sóc con cái. Chùa KhLeng chỉ có một ghe, một giàn giáo tập luyện, dùng chung cho cả đội nam lẫn đội nữ, nên chị em phải tập từ lúc 12 giờ trưa. Trời nóng, đường tập là con mương nhỏ sát với mặt lộ chẳng có một bóng cây, lớp nắng lớp bụi, chỉ lượt dầm đầu tiên theo tiếng còi của huấn Luyện Viên là ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Vậy mà trên gương mặt của mỗi người vẫn rạng ngòi phấn khích. Chị Thạch Thị Kiều vừa cười vừa nói cùng chúng tôi:

- Cực nhưng mà vui vì bây giờ mình được tham gia đội ghe rồi. Ông xã mình cũng vui vì tui cũng “bằng chị-bằng em” chớ đâu có thua ai.

Theo phong tục ngày xưa, giới nữ không được đến gần chổ để ghe ngo ở chùa và đặc biệt là không được chạm tay vào thân ghe vì đây là linh vật của bổn sóc. Nhưng từ năm 2003 đến nay, khi ngành thể dục-thể thao Sóc Trăng mà đi đầu là TP.Sóc Trăng vận động và tổ chức được những đội ghe Ngo nữ và đưa vào nội dung thi đấu trên đường đua xanh thì chị em đã đường hoàng cầm dầm bước lên ghe làm vận động viên. Một “hình ảnh” tuỵêt vời thể hiện sự bình đẳng giới. Số đội nghe Ngo nữ của TP.Sóc Trăng hiện chiếm gần 2 phần 3 tổng số ghe ngo nữ trong toàn tỉnh. Đến với lễ hội Ooc-Om- Bock năm nay thành phố có 6 đội tham gia. Ngoài ghe Ngo Chùa KhLeng có mặt trên đường đua từ giải đấu đầu tiên năm 2003 đến nay, và lần này qui tụ hơn 80 vận động viên là chị em Khmer ở 3 địa bàn Phường 4, phường 6 và Phường 9, thì làng ghe ngo nữ của Thành Phố Sóc Trăng phải kể thêm chiếc Sóc Vồ Của Phường 7, Som Rong của Phường 5. Đây là 2 đội đã từng nhiều lần xếp hạng cao trong các mùa giải vừa qua. Quyết tâm trước giờ xuất quân thi đấu của các chị, các em cũng chẳng kém gì nam giới. Chị Sal, vận động viên đội ghe Ngo chùa Sóc Vồ thật “máu lửa” khi trò chuyện về thành tích:

- Mấy mùa đua trước thứ hạng dù cao nhưng năm nay tụi tui đặt mục tiêu là phải đứng trên bục cao nhất để lãnh giải. Có vậy mới vừa bụng.

Từ ruộng mía đến đường đua…

Riêng ở vùng đất mía Cù Lao Dung. Cả huyện chỉ có một đội ghe Ngo. Đó là đội ghe Ngo chùa Kostung. Năm nay, chùa Kostung được dự án rừng ngập mặn hỗ trợ đóng thêm một chiếc ghe ngo mới nên chuyện tập luyện, rồi đi tham gia giải đua ghe ngo Oóc – om – bóc không còn là chuyện độc quyền của cánh đàn ông nữa. Mặc dù các rẫy mía đang được tập trung chăm sóc để chuẩn bị cho vụ thu hoạch, rồi công việc nội trợ trong gia đình, chăn nuôi, mua bán nhỏ.v.v. nhưng chị em vẫn chu toàn. Khi chùa có 2 chiếc ghe ngo, huyện tổ chức thêm đội ghe nữ liền được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em. Dù bận bịu công việc gia đình, các chị vẫn cố gắng thu xếp việc nhà để tập luyện vào mỗi buổi chiều trong gần 1 tháng nay. Chị Sơn Thị Hoa ở ấp Bình Du B, xã An Thạnh nhì vui vẻ thổ lộ:

- Chị em ai cũng bận chuyện nhà hết. Nhưng mình tham chủ yếu là cái tinh thần. Lễ hội của mình mà. Phong trào càng mạnh thì phum sóc mình càng vui. Mấy năm trước chỉ đi xem mấy ông bơi thì bây giờ mình bơi đua với người ta cho mấy ông xem. Con cái ra coi tụi mình tập mỗi chiều cũng vui.

Đội ghe nữ Chùa Kostung tập hợp được 70 chị em vận động viên ở 3 xã An Thạnh nhì, An Thạnh ba và An Thạnh nam. Đối với các chị, việc chăm sóc rẫy mía, chăn nuôi hay công việc nội trợ đã quen tay làm nhưng chuyện bơi ghe ngo thì mọi thứ đều lạ lẫm bởi đây là lần đầu tiên tham gia. Tuy vậy, với sự nhiệt tình và mong muốn góp mặt trong giải đua ghe nên các chị miệt mài rèn luyện thể lực, kỹ thuật bơi. Chị Hứa Thị Thảo ở ấp Sơn Ton, Anh Thạnh nhì cười xòa khi chúng tôi hỏi “chị tập vậy chắc mệt dữ”:

- Mệt nhưng tụi tôi thấy vui. Mọi năm chỉ ở nhà xem qua tivi, năm nay mình trực tiếp đi thi đấu rồi nên ai cũng nhiệt tình mà tập.

Hơn một tuần nay, Chùa Kostung đã hạ thuỷ ghe ngo để các chị tập luyện trực tiếp trên trên ghe thay cho tập trên giàn cây. Nắng, gió và sự mệt mỏi trong tập luyện đã khô
ng làm giảm đi sự nhiệt tình trong tinh thần luyện tập của các chị.

Chiếc ghe ngo này, đội ghe nam chùa Kostung mới chỉ tham dự 3 giải bơi lễ hội oóc – om – bóc với thành tích rất đáng khích lệ : Năm 2005 đoạt giải 3 và năm 2006 đạt giải tư. Nay các chị sử dụng ghe này tham dự lần đầu tiên, chúc các chị tiếp tục phát huy thành tích của đội ghe nam. Và hơn hết là sự góp mặt của các chị em ở Cù Lao Dung sẽ tạo thêm sinh khí vui tươi, hào hứng, náo nhiệt cho lễ hội năm nay.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

Đừng làm tổn thương thêm một đứa trẻ


Đây là bài viết được đăng trên báo Lao Động của tác giả Lê Huân. Tôi mạn phép xin được Copy vào blog của mình vì tôi đồng ý với tác giả. Mong tác giả thứ lỗi vì không liên lạc được với anh để xin phép.

Hậu vụ giải cứu em Nguyễn Thị Bình: Đừng làm tổn thương thêm một đứa trẻ

(LĐ) - Chiều muộn ngày 12.11, bà lão Hà Thị Bình (ảnh) ngân ngấn nước mắt: “Khi hay tin con trai của vợ chồng Đức-Phương đã bỏ học, đóng cửa không tiếp xúc với ai, lòng tôi nhói đau. Tôi mới nói với mấy vị cán bộ phụ nữ và chính quyền phường, hãy giúp đỡ cháu. Đó là trách nhiệm của các vị. Cháu không có tội. Tôi cũng bị dằn vặt, nếu cứu được một người lại làm tổn thương thêm một người… thì rách việc quá” - bà cụ nói trong tiếng thở dài.

Bà kể cho tôi hay rằng, thấy cháu Bình, một đứa trẻ bị đánh đập như vậy, bà thấy thương và nghĩ phải cứu cháu ra khỏi gia đình nhà này. Bà không nghĩ vụ việc lại ầm ĩ đến như vậy. “Lúc đầu tôi chỉ kể cho một ông công tác ở Thông tấn xã nghe, ông ấy theo tôi lên tận trang trại để xem rõ thực hư. Thế rồi, sau đó báo nào cũng đăng, đâu đâu cũng thấy viết về em Bình. Đúng là hành vi của vợ chồng Đức-Phương cần phải lên án, nhưng bây giờ vợ chồng họ đang bị tạm giam thì người hứng chịu mọi búa rìu của dư luận lại là chính con trai của họ - cháu đang học lớp 11 trường L.T.V” - bà Bình tâm sự.

Ở độ tuổi này, cháu đã cảm nhận, ý thức được áp lực của dư luận. Cho dù bạn bè cháu không lời ra tiếng vào, nhưng sự lạnh lùng của bạn bè cũng đủ để cháu bé 17 tuổi… biết mình là ai.

Một ông cụ lặng lẽ nhìn chúng tôi khi hỏi thăm ngõ vào nhà bà Bình. Ông cụ kiên nhẫn chờ chúng tôi ở đầu ngõ - dù chỉ để nói được đôi lời rằng sự việc của cháu Bình đã qua, vết thương tâm hồn của cháu cũng tạm lành dần bởi sự chia sẻ của mọi người. Vấn đề đặt ra là làm sao để trong xã hội sẽ không còn một lần phải nhói đau trước nỗi đau của những đứa trẻ bất hạnh.

Chính quyền các cấp không thể thể hiện trách nhiệm từ thái cực này sang thái cực khác, từ chỗ “không biết em Bình bị hành hạ ngần ấy năm trời” đến chỗ… thể hiện quan tâm quá mức. Còn một đứa trẻ khác lại đang rơi vào sự hụt hẫng mà vết thương tâm hồn đau không kém thân thể em Bình bị hành hạ - đó là con trai của vợ chồng chủ quán phở. Tôi thấy, trách nhiệm của báo chí hãy làm sao đừng để dư luận làm tổn thương một đứa trẻ vô tội.

Ông cụ còn cho biết thêm, hàng xóm của cháu cũng không dám đến chia sẻ với cháu… vì những lời nói bóng gió đầy ác ý của một số người quá khích. “Tôi rất mừng khi biết cháu chỉ nghỉ học có hai ngày. Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho cháu”. Ông cụ nhờ tôi chuyển đến ban giám hiệu trường L.T.V lời đề nghị chân thành đó.

Lê Huân