Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

Viết nhân chuyện “Từ bài văn điểm 4..”.


Tôi đã đọc bài tập làm văn bị điểm 4 của một em học sinh được đăng trên báo Lao Động. Bài văn này thật giàu cảm xúc, những suy nghĩ của một học trò lớp 4 như vậy thật đẹp về tình thương, tình yêu dành cho những người thân của mình.
Nhân đây cũng xin kể thêm một chuyện về “văn mẫu” hay chuyện “biến học sinh thành những con vẹt”. Số là khi con gái đầu của tôi cũng lớp 4, cô giáo cho một đề bài về nhà, yêu cầu tả con chó ở nhà em, kèm theo đó là một bài văn mẫu được photo mỗi đứa mua lại với giá 500đ (. Con tôi hỏi mẹ nó, mẹ nó chỉ qua tôi. Tôi hướng dẫn con làm dàn bài, cố gắng hướng cảm xúc của con về những gì mà con có thể cảm nhận được…Bài của cháu sau khi làm xong tôi xem lại và khá hài lòng. Buổi chiều hai hôm sau con đi học về phụng phịu trách tôi: “Cô cho có 4 điểm”? Tôi xem bài thấy cô giáo phê “bài làm không đủ ý, sai hướng dẫn của giáo viên”.
Tôi xem lại bài văn mẫu…bài văn được viết theo kiểu miêu tả khá gượng ép: “Nhà em có nuôi một con Mi-nô, tai nó hơi cụp xuống nhưng rất thính. Lông nó màu đen pha những vệt trắng nên ba em đặt tên cho nó là con vá.v.v.”. Cháu giải thích: bạn nào chỉ cần thay tên con chó từ con vá sang con Mi-nô, Mi-na hay gì gì đó là được từ 7 đến 8 điểm. Còn bài văn của con tôi không đi theo kiểu dàn ý như vậy nên bị cho là lạc đề, không đủ ý, sai hướng dẫn. Tôi nhận ra là: vì con chó nhà tôi là chó Phú Quốc nên tai nó không thể cụp xuống; lông nó đen tuyền nên nó là con chó mực chứ không thể là con chó vá, đặc biệt nhất là hàng xoáy trên sống lưng của nó và bốn chân đều có màng bơi như chân của loài “thú mỏ vịt” vậy…quan trọng hơn cả là nó rất khoái tắm dưới mương và bươi đất làm hang. Chính nó đã bới tung 2 chậu cảnh mà tôi cưng.v.v.Những chuyện này con tôi đều miêu tả lại với chính cảm xúc của nó, cũng như cả khi tôi cầm roi vụt cho con mực mấy cái khiến cháu khóc vì “em mực bị đánh đòn”.
Chuyện hài hước nhất ở đây là chính từ cái đề bài này. Khi thi học kỳ 1, đề môn văn lớp 4 ra như sau: “Em hãy miêu tả ông nội thân yêu của em”. Có một đứa học trò trong lớp đã miêu tả về “ông Nội” của nó như sau: “Nhà em có nuôi một ông nội. Tóc của ông nội em đen tuyền. Ông em rất thương em. Mỗi khi em đi học về là ông em nhảy cẫng 4 chân và ôm lấy em…”.v.v. Tôi không bình luận về số điểm của bài văn này mà chỉ khẳng định “Đây là một bài văn có thật”.
Năm nay, con gái tôi đã học lớp 9. Cách dạy văn…và không chỉ riêng môn văn vẫn là cách giảng dạy sơ cứng, dạy các em như dạy những con vẹt. Tôi vẫn nhớ những năm học cấp 1, cấp 2, cấp 3 của cái thời tôi đi học. Đó là thời chưa có “cải cách giáo dục” như bây giờ. Giờ học văn, học sử, học địa lý của chúng tôi rất thoải mái và vui vẻ vì các thầy cô luôn bắt chúng tôi động não, những chi tiết về địa lý, lịch sử thường được gắn với một câu chuyện kể dễ nhớ…khi thì vui nhộn, khi thì là một giai thoại hài hước.v.v.

Tóm lại, nếu vẫn giữ nguyên kiểu dạy văn như hiện nay với tràn lan những bài văn mẫu thì không sớm thì muộn, chúng ta sẽ có một loạt những “con vẹt” chỉ biết nhai lại những mà người khác đã..gán vào miệng chúng.