Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Bồng bềnh cùng sông nước Ngã Bảy








Đậm dấu ấn trong tôi vẫn là hình dáng của cô gái đã làm siêu lòng chàng trai bán chiếu qua giọng ca của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn. Tất nhiên chủ đích của tôi không phải đi tìm cô gái ấy (chắc bây giờ tôi phải gọi bằng bà) mà cái chính là cái tình nghĩa, cái không khí chân tình của một thị tứ nam bộ xưa trong câu hát ấy đã níu kéo tôi bồng bềnh cùng sông nước Ngã Bảy.


Chợ Ngã bảy nằm ở điểm hội tụ của bảy ngã kênh đổ về trong công cuộc khai thác đất nam bộ khi xưa. Khác với miệt vườn ở vùng trên, miệt dưới Hậu Giang vốn lung, trũng lắm phèn nên muốn khai phá thì thủy lợi là ưu tiên hàng đầu. Chính vậy mới hình thành nên chợ Ngã Bảy, một loại chợ đặc thù của sông nước nam bộ! Mọi chuyện bán buôn, sinh hoạt chính đều ở trên ghe…ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng năm lá, xuồng ba lá lên hàng, xuống hàng suốt từ khi trời đâm mây ngang cho đến sáng bửng thì coi như tan chợ. Ghe đi bổ hàng thì đổ về các nẻo kênh, xẻo nhỏ, còn ghe lớn thì đậu đó giải lao để chờ dỡ đủ hàng để đi tiếp về các chợ xa, về những nơi hàng thiếu. Mà thời đó thì chuyện “đi -đến, bổ hàng, giao hàng đều theo mùa, theo kinh nghiệm, theo mối thân quen hẹn trước” chớ phải nào như bây giờ chỉ cần móc điện thoại di động “một cái rẹt” là xong!
Thì cũng phải thôi! Gần 100 năm rồi còn gì.

Cũng như bao chợ ở các bến sông khác. Chợ Ngã Bảy đóng vai trò của một chợ đầu mối sỉ - lẻ dạng “bách hóa” thứ gì cũng có. Những đó là ngã bảy chợ trên bờ, con dưới sông thì chuyên trị hàng nông sản, cây trái được bán - mua theo phương thức đậm đặc chất nam bộ “mùa nào trái nấy. Bán gì cũng bán – mua gì cũng mua” bởi lẽ, chỉ có những khách thương hồ mới biết được ở đâu đang cần cái gì? Mua cái gì chở đi thì bán được. Đơn giản vậy thôi. Mùa nước lũ đầu mùa miệt trên thiếu rau xanh, bầu bí…xuống Ngã Bảy bổ hàng về bán. Mùa chôm chôm, măng cụt, mận…xuống Ngã Bảy. Đi một chuyến phải cho đáng nên phải lựa ghe cỡ nào đi cho có lời, đáng một chuyến! Đại khái về chợ nổi là như vậy!?

Ngã Bảy giờ đã nâng tầm lên thị xã nên một số con đường trong khu vực chợ đang được nâng cấp. Hàng hóa bày bán ở đây chủ yếu là hàng may mặc, máy nông - ngư – cơ, vài tiệm vàng có vẻ vắng bóng khách trong thời “giá vàng đang nhảy dít-cô”. Khu trung tâm thương mại đối diện nhà lồng chợ có vẻ ếm ẩm không được mấy gian hàng giày dép, nón mũ. Hơn nửa khu buổi sáng dùng làm nơi bán đồ ăn sáng, bán nước giải khát và một phần làm chỗ giữ xe. Tân – chủ một gian hàng ở chợ chia sẻ cùng tôi về cái không khí này: “Đường sông thông suốt lên Sài Gòn, Cần Thơ nên nếu cần khối lượng hàng lớn thì những người buôn bán lấy trực tiếp ở trên rồi chuyển thẳng về các chợ nhỏ thì lời hơn. Xe cộ, đường sá bây giờ đi dễ nên họ không lấy ở đây nhiều trừ khi kẹt hàng gấp”.

Cặp theo mé kênh về Lái Hiếu (một trong 7 ngã kênh), trước cửa chợ Ngã Bảy bán hàng thực phẩm và rau cải. Con đường chạy trước nhà lồng chợ đang được tu sửa, trải nhựa, lên lề. Cặp theo bờ sông ngả chạy ra vàm Cái Côn đã kín nhà lầu của các chủ hiệu buôn. Riêng cặp theo mé bờ kinh xuôi về Lái Hiếu, *Búng Tàu…thì vẫn còn chừa lối đi ven sông và được kè đá. Có vẻ như đây vẫm còn giữ được đôi chút của “ngã bảy chợ xưa” với ghe, xuồng và võ lãi các loại đậu cặp bờ kèn dày. Hàng mà các ghe bổ đi cũng chủ yếu là các loại rau màu, thực phẩm. Đông nhất là quãng từ 5 giờ sáng cho đến tầm non 9 giờ thì thưa hẳn. Lời ăn tiếng nói ở khu chợ này vẫn đậm nét quê xưa làm lữ khách bâng khuâng. Chị Tám Tân ở khúc giữa ngả Lái Hiếu mắc cỡ khi tôi cứ rê máy ảnh bám theo cái dáng người mảnh khảnh của chị khi dỡ hàng xuống ghe. Ghe của chị đang xuống bắp cải, tần ô và 20 kg thịt heo. “Lời lóm bi nhiêu chú ơi. Xong mùa thì tranh thủ chạy chợ kiếm thêm chút đỉnh vậy mà”. Với chị, nghề thương hồ là nghề tay trái nhưng cũng sống được.

Ngay đầu vàm về *Búng Tàu, hai chiếc ghe hàng “lỡ” (ghe chở từ khoảng 2 đến 4 tấn đậu song đôi cũng trương bẹo nhỏ xíu mà mắt thường nhìn không ra. Chị Điệp, một chủ đò dọc đưa rước khách tham quan chợ nổi (thực ra chỉ là chiếc ghe nhỏ có sắp 3 hàng sạp, chở được khoảng 6 người) thấy tôi và chiếc máy ảnh đang loay hoay đã sẵn sàng giúp đỡ: “bẹo đó là trái khóm. Treo bữa rày chắc héo queo rồi. Còn chiếc kế bên đang lên chuối già. Nếu muốn đi chợ nổi thì sáng mai cỡ 5 giờ rưỡi ra đây tui chở đi. Chợ nổi giờ dời lên trên vàm ba ngàn”.

Chợ nổi phải dời lên trên vàm ba ngàn (ngả Cái Côn – cách nơi cũ độ non 3 cây số) cách đây cũng đã 4-5 năm. So với chợ cũ thì mật độ ghe, xuồng bán buôn ở đây chẳng còn mấy. Sáng sớm ngày 10/01/2011, tôi đếm được ở đây chỉ có khoảng 50 ghe, võ lãi lên hàng, xuống hàng, trong đó chỉ có 5 chiếc ghe hàng lớn đậu riêng ngay đầu vàm ba ngàn với “bẹo hàng” là củ sắn, cà rốt, khóm và bắp. Chị Điệp tấp ghe vô tôi mới biết…ngoài chuyện bán thì các ghe cũng mua luôn hàng mà mình cần khi chiếc ghe bìa đang lên dưa hấu. Vẫn với cung cách thuận mua, vừa bán. Dãy ghe mé bên ấp Cái Côn có vẻ sung túc, nhộn nhịp hơn với mặt hàng trái cây và rau cải.

Nhảy lên chiếc ghe có số hiệu HG.1472 đang lên hàng mít trái làm vài tấm ảnh quang cảnh sinh hoạt của chợ nổi. Tiến – chủ ghe vui vẻ nói: “Em ở ngay thị trấn Ngã năm chớ đâu. Nhưng làm ghe đăng ký biển số Hậu Giang để đi cho tiện. Mùa này lên đây cân mít để chở xuống Cà Mau. Giá mùa này em thu vô 3.000đ/kg. Chở đi bỏ cho mấy mối ở mấy chợ phía dưới mùa này là hàng hiếm đó”.

Hai chiếc ghe nhỏ bán bún, mì, bánh canh giò heo len lỏi giữa hàng xuồng, ghe, võ lãi. Những tô bún, tô mì bốc khói trên sông nước se lạnh của cái lạnh cuối mùa chướng ở đất nam bộ đem lại cho tôi một cảm giác thật khó tả…vừa gần gũi, vừa ấm áp như cái thời năm 1976 tôi và gia đình mới ở Xuân Mai về Vị Thanh vậy!? Dì Bảy ở cạnh ba ngàn cũng vừa chở ra hơn 20 chục cái cà ràng đỏ au đang tìm mối bán. Hôm nay coi bộ “hổng khá” khi đã đảo suốt 4 vòng chèo ở cả hai bên vàm sông mà dì vẫn chưa bán được cái nào. Phải mà. Ghe đi xa thì đã xài bếp gar, còn những ghe ở gần thì ở nhà chắc cũng vậy. Còn nước thì xài nước lọc đóng bình săn chở theo hàng lố…Coi bộ cái thời của khách thương hồ “gạo chợ - nước sông” đã tới!? ngay như chị Điệp – người chở tôi tham quan chợ này giờ thì may mắn lắm mỗi ngày mới có một hai chuyến. Mà khách vài ba năm nay chủ yếu là khách ta như Việt Kiều về thăm quê, nhà báo chớ khách du lịch đi thành đoàn hay những ông, bà tây “ba lô” hầu như vắng hẳn. Cái hồ của “trên bến – dưới thuyền” của chợ nổi Ngã Bảy không còn đã không còn kéo được du khách về đây.

Hai ngày lang thang và bồng bềnh cùng sông nước Ngã Bảy tôi ngộ ra rằng, Ngã Bảy chợ vẫn còn mang đậm nét của một chợ quê. Từ cung cách bán buôn cho đến sinh hoạt của người ra chợ đều rặt ròng theo thói quen là chính. Mà muốn thay đổi một thói quen đã trở thành “tập quán” thì không phải là chuyện “một ngày - một bữa” như chuyện cứ xây một cái nhà lồng chợ cho lớn rồi đặt tên cho nó. Cái chính là nó có thực đáp ứng được nhu cầu của của đa phần người dân trong vùng hay không? Mà muốn trọn vẹn cả đôi đường cho chợ trên bờ, chợ dưới sông và để cả hai cái chợ này sống hài hòa, tôn thêm vẻ đẹp và thể hiện được thực chất của nó thì còn rất nhiều việc phải làm. Chỉ tính riêng chuyện dọc theo các bờ kè giờ đã được bê-tông hóa với nhà cao tầng, đường đi sập sệ cũng đã là một bài toán đau đầu, rồi đến chuyện “quen tay sả rác” cũng vậy. Trong khi đây mới chỉ là những chuyện nhỏ, chưa tính đến những chuyện lớn như quy hoạch hợp lý, định hướng phát triển .v.v và .v.v.

Nhớ lại lần trò chuyện cùng một cán bộ văn hóa ở Hậu Giang, anh đã nói rằng “Thương hiệu Ngã Bảy có từ cả trăm năm nay đã không được khai thác đúng mức”? Tại sao ư? Tất cả bắt đầu từ chuyện dời chợ nổi, trong khi vấn đề chính thực chất không phải là chuyện giao thông đường thủy đã quá chật hẹp (chỗ này thì có thể nhận định rằng “bác giao thông đường thủy không cùng chung quan điểm với bác “du lịch”). Kế đến là chuyện ỷ y..từ Cần Thơ xuống, Sóc Trăng lên khoảng 30 cây số thì không cần đầu tư hạ tầng phục vụ du khách tại đây. Với riêng tôi thì cảm nhận là có vẻ đúng bởi lẽ, linh hồn của chợ nổi Ngã Bảy không phải là quãng nắng đã lên mà là ở phiên chợ sớm khi trời vừa “đâm may ngang”, cái bản sắc của Ngã Bảy đậm chất nam bộ chính là ở chỗ này. Du khách không phải đến chỉ để nhìn mà họ có nhu cầu hiểu rõ và sống trong bối cảnh, không khí văn hóa của vùng đất mà họ muốn tìm hiểu. Du lịch ở đây thuộc về phần “hồn” chứ không phải là phần “xác”. So sánh với những chợ nổi khác, Ngã Bảy đậm đặc “hồn vía” của một thời mở đất xưa hơn các chợ nổi khác.

Chợ sớm, sương vẫn còn giăng giăng đầy mặt sông. Tiếng ghe xuồng lộc cộc chạm nhau, tiếng trả giá, mặc cả rộn cả một khúc sông vắng. bên bờ kênh này chỉ có một quán bán nước nhưng lại..không bán cà-phê đen mà chỉ bán cà-phê đá và cà-phê sữa. Ngồi bên bến sông ngắm cảnh bán buôn mà không khỏi chút chạnh lòng. Lại lẫm bẩm câu hát xưa “ghe chiếu Cà Mau cắm sào bên dòng kênh Ngã Bảy. Sao cô gái năm xưa không thấy ra chào…”.

Mà phải rồi! Thời này người ta quen xài chiếu nhựa, giường nệm…hiếm người xài chiếu lác nên hàng không có người mua là phải. Cũng ngặt một cái ở thời buổi kim tiền này, hàng không phải là hàng “hot” thì phải là hàng độc mới có người mua. Ơ hay? Vậy chiếu lác không phải “hàng độc” à? Cũng phải có chợ Ngã Bảy mới có anh bán chiếu chớ!?

*Búng có nghĩa: Một hồ nước tự nhiên dọc theo một con sông tự nhiên, một hũm nước lớn bắt nguồn từ một con sông. Búng Bình Thiên ở An Giang. Búng ở đây không phải là bún, cọng bún. Búng Tàu – khu vực búng có nhiều người Hoa (người Tàu) sinh sống. (NV).