Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Xuôi về Ngã Bảy thăm làng nghề đóng xuồng


Cách đây chỉ 3- 4 năm thôi, dọc theo QL1A (hai bên bờ kinh xuôi về Sóc Trăng) chuẩn bị vào TX Ngã Bảy, có hàng chục cơ sở đóng ghe, xuồng, lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng cưa, tiếng đục… ghe, xuồng, vỏ lãi nằm sắp lớp lên nhau, nối dài cả đoạn đường gần 1km. Khách mua xuồng, du khách tham quan ra vào nhộn nhịp. Ấy vậy mà nay hầu như chỉ còn lác đác vài ba xưởng, lượng hàng cũng chẳng còn mấy.


Anh Linh đang mài giũa trước trại ghe chở khách.

Bên kia bờ kinh, anh Nguyễn Hoàng Linh- chủ một cơ sở, chỉ tay vào dãy ghe và xuồng câu độ chục chiếc nói cùng chúng tôi: “Giá mỗi chiếc từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu là hết mức. Vậy mà cả tháng nay bán mới được 2 chiếc. Đồng ra, đồng vô của mình coi bộ cũng “lên- xuống” theo con nước lũ”. Theo anh Linh thì đã khoảng 3 năm nay, làng nghề coi bộ làm ăn đi xuống hẳn vì lượng khách chẳng còn mấy. Nước không tràn đồng thì nghề câu, lưới cũng tiêu theo. Giờ số hàng bán chạy nhất chỉ còn loại ghe, xuồng “năm quăng” vì giá cả rẻ, phù hợp với đa phần người nghèo “cứ xài xong mùa chừng 3- 4 tháng là… quăng”.

Anh bùi ngùi nhớ lại thời hoàng kim, những năm 80- 90 của thế kỷ XX. Khi ấy chỉ cần bước vào mùa mưa, là khách hàng miệt trên như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang đã tấp nập xuống đặt hàng với số lượng lớn. Chiều chiều là xe tải đậu nối đuôi để lên hàng. Còn miệt dưới Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng hoặc ở vùng trong như cạnh Búng Tàu, Phụng Hiệp, Trà Lồng, Trà Cú lên lấy hàng thì ghe, xuồng cứ sắp lớp chồng lên nhau. Du khách tây- ta hay ghé lại tham quan, chụp hình thật vui nhộn.

Theo lời anh thì nghề đóng xuồng, ghe ở xứ này có từ hơn 50 năm trước, khi ông nội anh là ông Nguyễn Văn Kính, vốn khéo tay nghề thợ mộc đã truyền cho người trong vùng. Để có một chiếc xuồng, chiếc ghe hay chiếc vỏ lãi “ngon lành” thì ngoài chuyện phải lựa gỗ tốt “chuyên trị” như sao, huỳnh kỳ, dầu,… còn đòi hỏi người thợ cần có thêm những bí quyết nghề nghiệp như làm sao để các “cong xuồng” tuy chỉ là những mối nối nhưng vẫn chắc chắn, cách khớp mộng, bắt mộng sao cho “khít rim” và “liền rang” như chỉ là từ một thân cây được uốn cong, rồi chuyện lựa súc cây nào có “sớ” ra sao để làm cũng là những kinh nghiệm mà chỉ có thợ trong nghề mới biết. Đối với anh thì mỗi chiếc xuồng, chiếc ghe là một “tác phẩm nghệ thuật” khiến người mua phải mê mẩn và quyết định mua về xài. Đây chính là điểm làm nên thương hiệu của mỗi chủ trại, của làng nghề ở đây.

Tuy nhiên, chuyện đi xuống của làng nghề không chỉ là “do con nước lũ”. Ông Đào Văn Chánh- chủ cơ sở Hưng Điền chia sẻ: “Lộ nông thôn bây giờ liền băng, tráng nhựa, tráng xi măng chạy đều hết các nơi. Xe honda, xe hơi chạy đầy đường thì xuồng, ghe ít người mua là phải. Chưa tính đến chuyện đi ghe, đi vỏ lãi ra chợ phải mất một người ngồi giữ, rất bất tiện”. Ngay ở cơ sở của ông hiện tại, thì lâu lâu cũng mới bán được một vài chiếc xuồng, ghe nhỏ... Những loại ghe có trọng tải lớn và vỏ lãi thì chỉ đóng khi có khách mối hoặc ai đó đặt hàng và làm hàng theo yêu cầu. Ông tặc lưỡi: “Người ta xài ít thì mình cũng làm ít. Biết sao được. Nhưng dù gì thì tui vẫn tin là luôn luôn có người vẫn còn phải xài vì xứ mình là xứ sông nước mà”. Theo ông thì trong khi chờ đợi một hướng đi mới cho làng nghề thì những người thợ ở làng nghề vẫn phải giữ nghề theo kiểu “gõ ngày nào- ăn ngày đó”.

Phải chăng đây chính là nguyên nhân để từ con số trăm mà hiện nay, cả TX Ngã Bảy còn 18 cơ sở đóng xuồng, ghe còn hoạt động?

…Và, hướng ra sông, ra biển.

Trong cái không khí chùng xuống của làng nghề, thì ở xưởng của Công ty TNHH Đức Thành A nằm mé bên kia bờ kinh, coi bộ vẫn náo nhiệt với tiếng xẻ gỗ, tiếng máy bào, máy cắt. Khi chúng tôi ghé lại thì anh Nguyễn Văn Lộc- chủ cơ sở vừa tiễn xong đoàn khách xuống đặt hàng. Anh nói chắc nịch: “Phải mở đường ra biển, ra sông lớn chớ đường kinh bây giờ coi bộ hẹp rồi”. Anh mở hộc bàn lấy ra cho chúng tôi xem mấy chục tấm ảnh các kiểu tàu, kiểu buồng lái, kiểu mui, máy tàu,… cả những chi tiết nhỏ nhất của các loại tàu gỗ đi biển. Anh say sưa phân tích những ưu, nhược của từng kiểu mui, buồng lái, đặt giàn gầm máy, kiểu mũi,… Khách hàng của công ty anh Lộc ở khắp các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau cho đến tận Tiền Giang, Vũng Tàu.


Một chiếc tàu đánh cá biển đang hoàn thiện phần vỏ trong xưởng Đức Thành A.

Không chỉ đóng tàu cá đi biển, anh cũng chuyên trị các loại tàu du lịch đóng theo yêu cầu của khách hàng, từ một tầng cho đến hai tầng. Anh cứ tiếc hùi hụi, khi không chụp lại ảnh chiếc tàu du lịch mà anh đóng cho một “ông Tây” ở Vũng Tàu. Theo anh thì đó là một trong những chiếc mà anh tâm đắc vì từ mẫu của khách, anh đã góp ý và hoàn thiện những chi tiết để chiếc tàu đẹp hơn và chắc chắn hơn, khiến “ông Tây” đi xuống kiểm tra mà lúc nào cũng “good… good”.

Riêng việc đóng tàu cá đi biển thì Công ty Đức Thành A nhận đóng tất cả các loại có chiều dài từ 20- 24m. Anh nói vui rằng “trong cái xui cũng có cái hên”, khi gỗ tốt trong nước ngày càng hiếm và mắc, anh phải nhập gỗ từ Indonesia và Malaysia về làm nguyên liệu. Tất nhiên về độ bền thì chắc chắn không bằng cây sao ở ta, nhưng với một tàu cá đi biển, hoạt động an toàn trong 10 năm mà giá rẻ hơn từ 25 đến 30% thì cũng là một lợi thế cho người đi biển đánh cá vì dễ sắm. Hiện tại, trung bình một chiếc từ 400 triệu đồng trở lên tùy theo độ dài và tải trọng. Chỉ tính trong năm 2010, anh đã hoàn thành 8 chiếc để bàn giao cho khách hàng và hiện tại trong xưởng vẫn đang thi công 1 chiếc ở phần vỏ và 1 chiếc đã lên giàn khung. Giàn thợ của anh hiện nay trên 40 người, với tiền công từ 90.000- 120.000 đ/ngày, tùy theo tay nghề và công đoạn.

Theo anh Lộc, muốn đóng tàu cá đi biển thì cần vốn lưu động lớn bởi riêng phần gỗ, công thợ đã chiếm hơn phân nửa, chưa tính đến các loại thuế, chi phí quản lý. Vấn đề ở đây theo anh là để phát triển làng nghề, thì rất cần những chính sách ưu đãi về đầu tư vốn, thuế… cũng như những hình thức hợp tác làm ăn phù hợp. Riêng năm 2011, anh đã phải từ chối 4 hợp đồng đóng tàu cá loại 24m, vì ngoài lý do không đủ vốn còn những lý do bất khả kháng và chưa thể tiên liệu được là sự biến động của tỷ giá USD và giá vàng. Đơn giản là vì gỗ nguyên liệu của mình vẫn phải đang nhập khẩu.

Xem ra một làng nghề truyền thống lâu năm của Ngã Bảy đang gặp khó đủ hướng từ… “sông ra tới biển”.