Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Sóc Trăng - Ooc – om – bock 2010 sẽ lung linh “đèn nước”…




Ở Sóc Trăng, mỗi khi ngọn gió chướng về thì các phum, sóc đã bắt đầu không khí nhộn nhịp, tưng bừng chuẩn bị cho những ngày lễ hội Ooc-om-bock. Năm nay, lễ hội Ooc-om-bock được tổ chức từ ngày 12 đến 20 tháng 11/2010, bắt đầu bằng sự kiện khai mạc Hội chợ triển lãm tỉnh Sóc Trăng năm 2010 tại khu văn hóa triển lãm tỉnh Sóc Trăng (Hồ nước ngọt) lúc 18 giờ ngày 12 tháng 11.


Từ phục dựng thả đèn Lôiprotíp..

Với chương trình đã được công bố thì có thể nói, lễ hội Ooc – om – bock Sóc Trăng năm nay là lễ hội được tổ chức lớn nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Tính đến thời điểm này thì đã có 172 đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đăng ký 426 gian hàng tham gia triển lãm. Với đặc thù là một tỉnh “nông nghiệp – thủy sản” là chính nên các mặt hàng chủ yếu của hội chợ này là thiết bị, sản phẩm cơ khí, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, dược phẩm, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giống cây trồng…đặc biệt là chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và gian triển lãm văn hóa 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa.

Đêm lễ cúng trăng 20/11 (đêm 14/10 lịch Khmer) thì ngoài những nghi lễ ở các gia đình, ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức lễ thả đèn nước Lôiprotíp trên sông Maspéro. Ông Sơn Lương – P.giám đốc Văn Hóa –thể thao – du lịch Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi cố gắng phục dựng như nguyên bản lễ thả đèn Lôiprotíp (đèn nước). Lâu nay, do nhiều biến động về xã hội, kinh tế mà nhiều nơi đã không còn duy trì lễ này. Nghi thức lễ sẽ được cử hành Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer của tỉnh với các tiết mục ca múa tập thể với các điệu múa rom vong, rom kbách, sarawan…Nhà sư tụng kinh cầu phúc. Sau đó mọi người sẽ rước chiếc kiệu protíp diễu hành qua các đường phố rồi thả trên dòng sông Maspéro ở đoạn giữa của hai cầu C 247 và 30/4”.

Ở đây cũng cần phải nói thêm – Lễ thả đèn nước là lễ hội dân gian vốn có từ lâu đời của người Khmer với ý nghĩa là lễ tạ ơn đất trời đã phù hộ một mùa vụ bội thu, phum sóc bình yên và mong muốn những điều tốt lành hơn trong năm sau. Làm lúa, sinh sống gì gì thì cũng đều phải cần tới nước nên nước của sông mẹ (sông cái) đã bị con người làm ô uế. Đây chính là lễ cúng để tạ tội với thiên nhiên. Trong đoàn rước đèn thì những “chú khỉ” múa trống Xà yăm dẫn đầu đám rước và hộ tống đám rước ra đến tận bến sông. Sau lễ thả đèn nước, đèn gió…mọi người sẽ cùng vui chơi, múa hát đến sáng hôm sau để vào hội đua ghe Ngo. Đây mới thật sự là hoạt động “đinh” của những ngày diễn ra lễ hội Ooc - om- bock, ngày mà hầu như ai cũng chờ đợi nhất.

..đến ghe Ngo nữ mới là số “zách”.

Để chuẩn bị cho những ngày lễ hội Ooc – om – bock, ít nhất là từ nửa tháng trước, các vị Acha và các nhà sư ở các chùa đã phải bàn bạc và chuẩn bị trước. Từ việc trang hoàng cho nhà chùa, sửa sang lại chiếc ghe Ngo, tuyển chọn những vận động viên và nhiều nơi còn phải tìm thuê huấn luyện viên để có kế hoạch tập luyện cho ngày tranh tài đua ghe Ngo.

Năm nay, ban quản trị chùa và bà con phật tử chùa Muni Sakor Domompil – tức chùa Xẻo Me ở xã Vĩnh Phước (Vĩnh Châu) quyết định đầu tư đóng mới chiếc ghe ngo (150 triệu đồng). Các vận động viên cũng nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và ra sức luyện tập. Tất cả đều quyết tâm rất cao hòng đạt được vị trí cao ở hội đua ghe năm nay. Xẻo Me từng nổi tiếng với đội ghe Ngo có cú “nước rút” về đích ấn tượng nhiều năm liền nhưng gần đây thành tích đã thua xút nhiều do ghe cũ. Sau đợt tập thứ 1 chủ yếu là tập nhịp bơi kéo dài 8 ngày, hơn 100 chàng trai bước vào đợt tập luyện mới tại sân chùa rèn luyện thể lực và bước vào các đợt bơi thử. Anh Triệu Liên – Đội trưởng hào hứng nói:

-Đến giờ này thì tui tui gần hoàn thiện về kỹ thuật thi đấu và thể lực dưới sự giúp đỡ của trung tâm thể dục thể thao huyện. Mỗi người còn được xã cấp 10.000đ/ngày. Số tiền tuy không lớn nhưng anh em cảm thấy vui và phấn khởi hơn trong luyện tập.

Tuy phong trào ghe Ngo nữ ở Sóc Trăng chỉ mới phát triển trong 5 năm nay trở lại đây nhưng tên tuổi của những đội ghe nữ như: Đươm Pô của Trần Đề, Tức Rây của Long Phú, Kos Tung – Cù Lao Dung đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ bằng bởi đều tay bơi chắc chắc và đều nhịp, nước rút mãnh liệt cùng sự dẻo dai chẳng kém gì nam giới ở suốt 4 vòng đua. Năm nay, xã Lâm Tân (Thạnh Trị) cũng gia nhập làng ghe Ngo nữ với đội ghe Ngo chùa Lộ Mới. Dù đang vào đầu vụ lúa Đông Xuân, nông dân bận rộn với việc xuống giống cấy dặm lại những mảng lúa bị chết do mưa ngập, nhưng gần 3 tuần nay, khi trời vừa dịu nắng hoặc bớt mưa là hơn 70 chị em phụ nữ trong xã lại tập trung để tập “bơi đua”. Có người vẫn nguyên trên mình bộ đồ ám phèn vừa xong buổi làm đồng, có chị phải ẵm con theo, tốp đứng trên bờ chờ đến lượt, tốp dưới gàn tập hô hụi bắt đôi tay theo nhịp còi của người huấn luyện. Tất cả đều tất bật và phấn khởi vì đây là lần đầu tiên chị em được làm VĐV đua ghe Ngo. Vừa lên bờ sau cữ tập, chị Triệu Thị Đạ cười vui vẻ: “Thấy mấy chị ở chỗ khác đua ghe mình cũng ham lắm à nghen. Mê nhưng mà hổng biết sa? Năm nay mình có ghe là tui đăng ký liền. Bơi không chỉ vui mà mình còn bình đẳng với mấy ổng nữa chớ bộ”.

Huyện Thạnh Trị không phải là địa phương có phong trào ghe Ngo phát triển. Toàn huyện chỉ có hai, ba chiếc ghe ngo và đều dành cho các tay bơi nam. Năm nay, ngoài đóng mới phương tiện, vực dậy các đội ghe ngo nam thì huyện còn mạnh dạn đầu tư một đội ghe ngo nữ ở Chùa Lộ Mới ở ấp Kiết Lập B- xã Lâm Tân và được chị em nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ phụ nữ của Xã Lâm Tân mà các chị ở các ấp lân cận cũng đăng ký. Sống giữa mênh mông đồng ruộng, dày đặc kênh rạch nên chuyện chèo chống đã quá quen thuộc với các chị, nhưng đây là ghe Ngo, đòi hỏi những động tác kỹ thuật đặc thù nên những ngày đầu tập luyện, không ít chị còn bỡ ngỡ. Nhưng chỉ sau một tuần là các chị đều quen ngay.

Trước không tinh thần và không khí tập luyện của các chị, Đại đức Lâm Cung, trụ trì Chùa Lộ Mới nói cùng chúng tôi:

- Bổn chùa cũng gián đoạn đua ghe mấy năm rồi. Thanh niên cũng nhớ lắm nhưng ghe mình cũ quá phải sửa sang lại. Năm nay có ghe Ngo mới và có thêm cả đội ghe nữ nữa thì tui cũng như bà con trong bổn sóc rất vui. Chỉ cần thấy sinh hoạt mỗi buổi chiều ở đây là nhà báo đã thấy đó.

Quả đúng như vậy. Có đến đây một lần, gặp nhiều chị vừa làm xong chuyện ruộng đồng đã vội cầm dầm tập bơi với bao niềm háo hức. Xong cữ tập, buông dầm nhảy ngay lên bờ ẵm con hoặc rút về nhà lo bữa cơm chiều mới thấy hết sự thu hút đến lạ kỳ của môn thề thao này với người Khmer. Năm chục người dưới giàn tập thì trên bờ luôn có cả trăm người…từ cha, mẹ, chồng, con, cháu đến cổ vũ. Ghe Ngo đã thật sự là niềm vui của chị em nơi vùng sâu này.

Ooc – om – bock năm nay chắc chắn là vui nhiều hơn mọi năm bởi không chỉ có thêm nhiều ghe mới mà còn là âm hưởng của một vụ lúa vừa trúng mùa, vừa trúng giá./.

1 nhận xét: