Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Sóc Trăng – Tết này đã có người “cho chữ”



Thật ra đó chỉ là một hoạt động của Câu Lạc Bộ thư pháp Sóc Trăng vừa được chính thức thành lập vào ngày 12/09/2010 vừa qua. Nếu điểm qua các tỉnh ở ĐBSCL thì có lẽ, Sóc Trăng là địa phương có phong trào học và thực hành thư pháp nhộn nhịp nhất từ nhiều năm nay.

“Bản doanh” Quán thư pháp của CLB hiện nay được đặt ngay tại khuôn viên của khu di tích lịch sử quốc gia Trường Taberd tại số 19 Tôn Đức Thắng, phường 6, TP Sóc Trăng, nơi đã đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về đất liền ngày 23/9/1945. Ban chủ nhiệm gồm 9 người do thầy Vương Ấu Xuyên hiện là hiệu trưởng Trường THCS Dục Anh làm chủ nhiệm.

Tại đây, ngoài phòng trưng bày, giới thiệu các bức thư pháp do các thành viên của CLB thực hiện, cứ mỗi chiều thứ 7 và chủ nhật hàng tuần là hội viện lại tụ hội để rèn chữ, trao đổi kinh nghiệm và nhờ các “sư huynh, sư phụ” nhận xét cho nét chữ của mình.
Nhìn hàng ghế, bàn dài bày trước hiên căn nhà cổ…già có, trẻ có và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là những 8X, 9X rất moden cũng cặm cụi gò từng nét chữ. Yến Lam, một sinh viên ngành tin học (ĐH Cần Thơ) vừa ra trường cũng vào đây “gò chữ”. Lam vui vẻ nói: “Tin học khô quá thì mình vô đây gò chữ theo những bài thơ, câu văn mà mình thích để cho cuộc đời “mềm đi” đôi chút. “Rèn chữ là rèn người” mà”!

Bên gian trưng bày, thầy Vương Ấu Xuyên chỉ cho tôi bức thư pháp vừa đoạt giải nhì tại Hội thi thư pháp TP.Hồ Chí Minh vừa được tổ chức gần đây với bức: Mời ra tù, tập leo núi (thơ Hồ Chí Minh). Dù vẫn tuân chủ lối viết “chân” nhưng nét phẩy, nét mác, nét xổ rất mạnh mẽ, đều tay, không run. Các câu, chữ được trình bày cân đối, kết cấu hợp lý đã làm nên giá trị của tác phẩm này. Cũng tại cuộc thi này, CLB.thư pháp Sóc Trăng còn giành thêm 2 giải khuyến khích.
Huỳnh Vũ lam, một nhà giáo “rành rẽ” về hán tự và chữ nôm vui vẻ nói cùng tôi sau khi tham quan những bức thư pháp: “Có vẻ như phần lớn những bức được trưng bày tại đây mới chỉ là những bức vào hàng trung bình chứ chưa phải là những bức đặc sắc. Phần lớn vẫn là những bức được viết theo lối “chân”. Hai bức với lối viết “thảo” trên nền tranh thủy mặc mới thực sự tạo ấn tượng cho người thưởng lãm bởi nét bút mạnh mẽ, sắc sảo”.

Anh Duyên – thành viên ban chủ nhiệm và cũng là người tích cực để cho ra đời quán thư pháp chia sẻ: “Trước mắt tôn chỉ của CLB là phát động phong trào “rèn chữ” nên gian trưng bày chủ yếu là để dành cho hội viên “bình chữ, bình nét”. Riêng về hai bức thư pháp được viết theo lối thảo có dụng ý để mọi người hướng đến mà rèn giũa mình”. Anh cũng cho biết, tết dương lịch và âm lịch năm nay CLB sẽ tổ chức gian hàng triển lãm và viết thi pháp theo yêu cầu của khách hàng. CLB sẽ tổ chức người trực thường xuyên để thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, cả thư pháp Hán tự truyền thống và thư pháp chữ Việt.


Riêng về những tranh cãi kiểu “có hay không thư pháp Việt”? Họa sĩ Phước Thảo bày tỏ chính kiến: “Dù là kiểu gì, có hay không thì cũng không quan trọng bởi lẽ, nói đến thư pháp là nói đến chuyện làm sao để viết chữ cho đẹp! Thông qua việc rèn luyện chữ viết, con người còn tự mình rèn mình về cách ứng xử, về một quan niệm sống cho đúng lẽ ở đời thông qua các câu, chữ mà mình để tâm vào. Vậy thì tại sao lại phải phân biệt chữ Hán hay chữ Việt”! Về điều này thì bản thân người viết cảm thấy “quá đúng” bởi đã từng “khổ sở” quá lâu vì nét chữ “gà bới” của mình. May mà giờ đây đã có máy “vi tính”. Nhưng đâu phải sẽ không bao giờ dùng đến bút mực?
Ngay trong ngày ra mắt CLB, đã có 2 bức thư pháp đã có người mua với giá cao theo đúng phong cách “chơi chữ”. Đó là bức Liên hoa (hoa Sen) đã được một khách hàng mua với giá 60 triệu đồng và đây là số tiền mà CLB đóng góp cho quỹ ‘Vì người nghèo” của TP.Sóc Trăng. Bức thứ 2 với hai chữ “Thành, Tín” đã được cửa hàng xe máy Thành Tín ở TP.Sóc Trăng “rước về” với giá 30 triệu đồng. Đây cũng là số tiền dành cho hoạt động của CLB.
Vậy là tết này ở TP.Sóc Trăng đã có nơi cho chữ! Ngày xuân, bạn muốn chữ gì? Riêng tôi chắc sẽ rước chữ “nhẫn” về nhà với tâm ý “ráng kiên nhẫn để sửa lại những nét chữ của mình”. Biết đâu từ “nhẫn để luyện chữ” mình lại còn “nhẫn” ở nhiều lĩnh vực khác!?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét