Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Nghe có đôi khi...chợt thương con gái!!


Buổi sáng mở blog của một anh bạn, chợt thấy bản Có đôi khi của nhạc sĩ Lã Văn Cường và cô ca sĩ Hồng Nhung mà mình rất thích nghe hát bài này. Nhớ hồi xửa hồi xưa ấn tượng nhất cái cô này là cái răng khểnh nhưng nay thì hình như cô đã "cải tạo" nên không thấy nữa. Chả sao! Cô vẫn xinh đẹp và hát hay như trước nên "hòa bình thế giới" vẫn không ảnh hưởng gì. He..he. lại chợt nhớ ra ...thì ra con gái lớn của mình cũng có cái răng khểnh giống giống cô này. Cách đây khoảng 2 tuần khi đi học về con gái nói với mình: "con khỏi niền răng đâu ba ơi. Răng như của con người ta nói là giá cỡ 18 triệu người ta mới làm. Con thấy để tiền đó mua cái xe honda để con đi học thêm còn có ý nghĩa hơn"!
Ái za! năm nay con đã học lớp 11, đã ra dáng thiếu nữ...chưa tính cũng đã cao vời vợi như cây tre. Mình không bảo con phải đi học thêm nhưng là nó tự thấy cần phải đi học những môn nào nó cảm thấy là yếu cần phải bổ sung kiến thức. Có ngày đi đến tận gần 9h tối mới về đến nhà. Cọc cạch chiếc xe đạp đúng là mệt thật. Ừ...chắc gần tết ba sẽ mua cho con cái xe máy!

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Đi chơi làng nghề "cốm dẹp" trong mùa Ooc om bock

Giống như bánh chưng, bánh tét trong ngày tết nguyên đán của người Kinh. Cốm dep là sản vật không thể thiếu trong lễ hội Ooc-om-boc của người Khmer nam bộ. Không chỉ để dùng mà đây còn là vật cúng, gắn liền với nghi thức “đút cốm dẹp” trong đêm rằm với lễ cúng thần Mặt Trăng. Và Oc-om-boc đang đến gần, nhịp chày giã cốm càng trở nên hối hả ở làng nghề Phước Quới - xã Phú Tân - huyện Châu Thành.Cung cách làm thì gần giống với làm cốm vòng nhưng ngon thì ...không bằng, bởi vì chất lượng của lúa nếp. Nhưng đến làng nghề để nghe mùi thơm nếp mới và nhấm nháp những hạt cốm còn mới thì còn gì bằng. Híc...bác nào có máu me chụp ảnh mà vào đây thì có lẽ...chụp gãy tay chưa muốn về nhé. Chỉ tiếc là anh chàng quay phim này không lùng được một cô gái nào gãi cốm để làm tươi đoạn phim này.
Mời cả nhà cùng đi chơi làng nghề xem rang cốm và giã cốm.

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Sóc Trăng - Ooc – om – bock 2010 sẽ lung linh “đèn nước”…




Ở Sóc Trăng, mỗi khi ngọn gió chướng về thì các phum, sóc đã bắt đầu không khí nhộn nhịp, tưng bừng chuẩn bị cho những ngày lễ hội Ooc-om-bock. Năm nay, lễ hội Ooc-om-bock được tổ chức từ ngày 12 đến 20 tháng 11/2010, bắt đầu bằng sự kiện khai mạc Hội chợ triển lãm tỉnh Sóc Trăng năm 2010 tại khu văn hóa triển lãm tỉnh Sóc Trăng (Hồ nước ngọt) lúc 18 giờ ngày 12 tháng 11.


Từ phục dựng thả đèn Lôiprotíp..

Với chương trình đã được công bố thì có thể nói, lễ hội Ooc – om – bock Sóc Trăng năm nay là lễ hội được tổ chức lớn nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Tính đến thời điểm này thì đã có 172 đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đăng ký 426 gian hàng tham gia triển lãm. Với đặc thù là một tỉnh “nông nghiệp – thủy sản” là chính nên các mặt hàng chủ yếu của hội chợ này là thiết bị, sản phẩm cơ khí, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, dược phẩm, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giống cây trồng…đặc biệt là chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và gian triển lãm văn hóa 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa.

Đêm lễ cúng trăng 20/11 (đêm 14/10 lịch Khmer) thì ngoài những nghi lễ ở các gia đình, ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức lễ thả đèn nước Lôiprotíp trên sông Maspéro. Ông Sơn Lương – P.giám đốc Văn Hóa –thể thao – du lịch Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi cố gắng phục dựng như nguyên bản lễ thả đèn Lôiprotíp (đèn nước). Lâu nay, do nhiều biến động về xã hội, kinh tế mà nhiều nơi đã không còn duy trì lễ này. Nghi thức lễ sẽ được cử hành Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer của tỉnh với các tiết mục ca múa tập thể với các điệu múa rom vong, rom kbách, sarawan…Nhà sư tụng kinh cầu phúc. Sau đó mọi người sẽ rước chiếc kiệu protíp diễu hành qua các đường phố rồi thả trên dòng sông Maspéro ở đoạn giữa của hai cầu C 247 và 30/4”.

Ở đây cũng cần phải nói thêm – Lễ thả đèn nước là lễ hội dân gian vốn có từ lâu đời của người Khmer với ý nghĩa là lễ tạ ơn đất trời đã phù hộ một mùa vụ bội thu, phum sóc bình yên và mong muốn những điều tốt lành hơn trong năm sau. Làm lúa, sinh sống gì gì thì cũng đều phải cần tới nước nên nước của sông mẹ (sông cái) đã bị con người làm ô uế. Đây chính là lễ cúng để tạ tội với thiên nhiên. Trong đoàn rước đèn thì những “chú khỉ” múa trống Xà yăm dẫn đầu đám rước và hộ tống đám rước ra đến tận bến sông. Sau lễ thả đèn nước, đèn gió…mọi người sẽ cùng vui chơi, múa hát đến sáng hôm sau để vào hội đua ghe Ngo. Đây mới thật sự là hoạt động “đinh” của những ngày diễn ra lễ hội Ooc - om- bock, ngày mà hầu như ai cũng chờ đợi nhất.

..đến ghe Ngo nữ mới là số “zách”.

Để chuẩn bị cho những ngày lễ hội Ooc – om – bock, ít nhất là từ nửa tháng trước, các vị Acha và các nhà sư ở các chùa đã phải bàn bạc và chuẩn bị trước. Từ việc trang hoàng cho nhà chùa, sửa sang lại chiếc ghe Ngo, tuyển chọn những vận động viên và nhiều nơi còn phải tìm thuê huấn luyện viên để có kế hoạch tập luyện cho ngày tranh tài đua ghe Ngo.

Năm nay, ban quản trị chùa và bà con phật tử chùa Muni Sakor Domompil – tức chùa Xẻo Me ở xã Vĩnh Phước (Vĩnh Châu) quyết định đầu tư đóng mới chiếc ghe ngo (150 triệu đồng). Các vận động viên cũng nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và ra sức luyện tập. Tất cả đều quyết tâm rất cao hòng đạt được vị trí cao ở hội đua ghe năm nay. Xẻo Me từng nổi tiếng với đội ghe Ngo có cú “nước rút” về đích ấn tượng nhiều năm liền nhưng gần đây thành tích đã thua xút nhiều do ghe cũ. Sau đợt tập thứ 1 chủ yếu là tập nhịp bơi kéo dài 8 ngày, hơn 100 chàng trai bước vào đợt tập luyện mới tại sân chùa rèn luyện thể lực và bước vào các đợt bơi thử. Anh Triệu Liên – Đội trưởng hào hứng nói:

-Đến giờ này thì tui tui gần hoàn thiện về kỹ thuật thi đấu và thể lực dưới sự giúp đỡ của trung tâm thể dục thể thao huyện. Mỗi người còn được xã cấp 10.000đ/ngày. Số tiền tuy không lớn nhưng anh em cảm thấy vui và phấn khởi hơn trong luyện tập.

Tuy phong trào ghe Ngo nữ ở Sóc Trăng chỉ mới phát triển trong 5 năm nay trở lại đây nhưng tên tuổi của những đội ghe nữ như: Đươm Pô của Trần Đề, Tức Rây của Long Phú, Kos Tung – Cù Lao Dung đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ bằng bởi đều tay bơi chắc chắc và đều nhịp, nước rút mãnh liệt cùng sự dẻo dai chẳng kém gì nam giới ở suốt 4 vòng đua. Năm nay, xã Lâm Tân (Thạnh Trị) cũng gia nhập làng ghe Ngo nữ với đội ghe Ngo chùa Lộ Mới. Dù đang vào đầu vụ lúa Đông Xuân, nông dân bận rộn với việc xuống giống cấy dặm lại những mảng lúa bị chết do mưa ngập, nhưng gần 3 tuần nay, khi trời vừa dịu nắng hoặc bớt mưa là hơn 70 chị em phụ nữ trong xã lại tập trung để tập “bơi đua”. Có người vẫn nguyên trên mình bộ đồ ám phèn vừa xong buổi làm đồng, có chị phải ẵm con theo, tốp đứng trên bờ chờ đến lượt, tốp dưới gàn tập hô hụi bắt đôi tay theo nhịp còi của người huấn luyện. Tất cả đều tất bật và phấn khởi vì đây là lần đầu tiên chị em được làm VĐV đua ghe Ngo. Vừa lên bờ sau cữ tập, chị Triệu Thị Đạ cười vui vẻ: “Thấy mấy chị ở chỗ khác đua ghe mình cũng ham lắm à nghen. Mê nhưng mà hổng biết sa? Năm nay mình có ghe là tui đăng ký liền. Bơi không chỉ vui mà mình còn bình đẳng với mấy ổng nữa chớ bộ”.

Huyện Thạnh Trị không phải là địa phương có phong trào ghe Ngo phát triển. Toàn huyện chỉ có hai, ba chiếc ghe ngo và đều dành cho các tay bơi nam. Năm nay, ngoài đóng mới phương tiện, vực dậy các đội ghe ngo nam thì huyện còn mạnh dạn đầu tư một đội ghe ngo nữ ở Chùa Lộ Mới ở ấp Kiết Lập B- xã Lâm Tân và được chị em nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ phụ nữ của Xã Lâm Tân mà các chị ở các ấp lân cận cũng đăng ký. Sống giữa mênh mông đồng ruộng, dày đặc kênh rạch nên chuyện chèo chống đã quá quen thuộc với các chị, nhưng đây là ghe Ngo, đòi hỏi những động tác kỹ thuật đặc thù nên những ngày đầu tập luyện, không ít chị còn bỡ ngỡ. Nhưng chỉ sau một tuần là các chị đều quen ngay.

Trước không tinh thần và không khí tập luyện của các chị, Đại đức Lâm Cung, trụ trì Chùa Lộ Mới nói cùng chúng tôi:

- Bổn chùa cũng gián đoạn đua ghe mấy năm rồi. Thanh niên cũng nhớ lắm nhưng ghe mình cũ quá phải sửa sang lại. Năm nay có ghe Ngo mới và có thêm cả đội ghe nữ nữa thì tui cũng như bà con trong bổn sóc rất vui. Chỉ cần thấy sinh hoạt mỗi buổi chiều ở đây là nhà báo đã thấy đó.

Quả đúng như vậy. Có đến đây một lần, gặp nhiều chị vừa làm xong chuyện ruộng đồng đã vội cầm dầm tập bơi với bao niềm háo hức. Xong cữ tập, buông dầm nhảy ngay lên bờ ẵm con hoặc rút về nhà lo bữa cơm chiều mới thấy hết sự thu hút đến lạ kỳ của môn thề thao này với người Khmer. Năm chục người dưới giàn tập thì trên bờ luôn có cả trăm người…từ cha, mẹ, chồng, con, cháu đến cổ vũ. Ghe Ngo đã thật sự là niềm vui của chị em nơi vùng sâu này.

Ooc – om – bock năm nay chắc chắn là vui nhiều hơn mọi năm bởi không chỉ có thêm nhiều ghe mới mà còn là âm hưởng của một vụ lúa vừa trúng mùa, vừa trúng giá./.

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Những "cần thủ bông lau" trên dòng sông Hậu






Ở Sóc Trăng có khá đông người mê câu bông lau và có cả những xóm mưu sinh bằng nghề câu loài cá này. Hoàng Sơn, hiện công tác trong ngành công an – quản forum của nhóm câu cá "Dơi ngựa lớn" cho biết: "Mãi đến cuối năm 2008, tụi này mới quyết định gom anh em thành lập một câu lạc bộ, chủ yếu là để trao đổi kinh nghiệm và gom nhau đi câu là chính.

Tập tễnh vào nghề
Cái "nghề" này hơi bị khó ở chỗ là các cụ "lão làng" thường hay giấu nghề nên người mới tập tành câu cá bông lau muốn trở thành "cần thủ" cũng khó nếu như không có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm "câu kéo". Còn Đức Hoa (Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng), một "cần thủ chính hiệu" hiện đang giữ kỷ lục "cho lên bờ một em bông lau nặng 8,5kg" thì vui vẻ nói: Với những người lấy nghề câu cá bông lau làm cuộc mưu sinh thì mình cũng không trách họ, bởi càng nhiều người câu thì "nồi cơm" của họ càng nhỏ lại. Nhưng tụi mình, với tiêu chí "vui là chính" nên chuyện này là chuyện bình thường vì có... đông mới vui...

Trò chuyện cùng những cần thủ Sóc Trăng, chúng tôi mới ngộ ra nhiều chuyện: Hóa ra những người lấy nghề câu cá bông lau làm nghiệp mưu sinh thì giàn câu của họ là giàn câu viền, bình quân mỗi giàn câu từ 300 - 500 lưỡi, mồi họ dùng thì tùy theo mùa nhưng phổ biến là con gián và trái bần chín. Ở xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có cả xóm làm nghề này. Vô mùa, mỗi ghe câu một đêm kiếm ít nhất cũng được 4 - 5 con. Nhưng với những cần thủ "bông lau" thì chỉ dùng cần máy, mỗi cần một lưỡi và thẻo câu, chì câu mỗi người mỗi vẻ. Cá bông lau vốn chỉ ăn sát đáy nên thành bại của "cần thủ" chính là lố chì câu mà họ mang theo. Để lưỡi câu "nhạy xóc" trong những cú giật, thường thì mỗi tay câu đều dùng một bộ thẻo câu đã được làm sẵn bán ngoài chợ hoặc trong các tiệm câu hoặc tự mình "tết" cho mình một bộ thẻo như ý. Bộ thẻo câu bông lau thường gồm những phần: bộ chống rối, dây nối lưỡi (link), thẻo lưỡi, thẻo chì. Chì thì gồm nhiều kích cỡ với kiểu dáng – bắt đầu từ 150g cho đến ngoại hạng 400g.

Bộ chống rối thường dùng là cái chữ T, được các tiệm câu bán sẵn, nhưng dân câu Sóc Trăng thường ít dùng thứ này mà tự tết hoặc "độ" cho mình những bộ chống rối theo ý mình. Đại để thì cả các bộ chống rối đều cần đến Maniven (trục xoay – ma - ní), khóa móc. Ma-ní rất cần bởi khi dính câu, cá bông lau nhào lộn rất dữ hòng tháo lưỡi và bứt nhợ nên cả phần dây link và dây lưỡi phải xoay theo để dây không bị vặn xoắn, gây "cóc dây" (đứt dây) bất tử. Dân câu Sóc Trăng chê chữ T vì khó ném và dễ xoắn, rối link làm mắc kẹt cục mồi trên chảng ba. Gặp trường hợp này thì ngồi "sáng đêm cũng không có ma nào rỉa chớ đừng nói dính cá".

Niềm đam mê của những cần thủ bông lau
Có câu nói nằm lòng trong giới cầm cần: "Phi bông lau bất thành cần thủ". Cho nên với dân mê câu cá bông lau thì hầu như những khó nhọc, rắc rối trong cuộc đời đều có thể "vượt qua" nhanh chóng nếu như ngay con nước vô mùa. Chuyện vợ cấm vận vô nhà hay vào cơ quan với cặp mắt lờ đờ như kẻ nghiện mỗi sáng, được xem như chuyện nhỏ. Với những tay câu thì không có gì buồn bằng chuyện ngay con nước mà không vác cần ra bãi được, rồi trời mới chớm sụp tối hoặc nửa đêm nhận được tin nhắn "Sơn lên được 2 con rồi. Còn Hoa vừa lập kỷ lục". Chắc chắn đọc tin xong, hắn sẽ tắt ngay máy điện thoại. Chính vậy mà dân câu bông lau có thuật ngữ "nhớ nước, nhớ mùng". Nước ở đây là con nước, còn mùng ở đây không phải là cái mùng để ngủ mà là ngày dưới - ngày âm lịch.

Chỗ "ngồi đồng" thường xuyên của nhóm "Dơi ngựa lớn" hơn 3 năm nay là ở cầu Mỹ Thanh I vì ngồi trên cầu, ngay thẳng giọt dòng ưng ý nhất mà thả cần, khỏi mất công mướn ghe. Phía dưới hạ lưu cầu Mỹ Thanh I là hai hàng đáy mà theo kinh nghiệm thì "cứ thả mồi trước hàng đáy cỡ vài chục mét là chắc cú lên cá". Cần thủ Hoàng Vũ nói cùng chúng tôi. Anh vốn là dân An Thạnh Đông (cù lao Dung), nên khá rành chuyện dòng chảy, con nước và lạch nước. Theo anh, các hàng đáy luôn đóng ở vị trí dưới "hụm nước" một chút để hứng cá trên giọt dòng xuống. Còn cá bông lau thì luôn theo giọt dòng đi ngược lên để đón mồi. Nhóm "Dơi ngựa lớn" đã từng lập kỷ lục – trong 4 giờ (từ 18 giờ đến 22 giờ) đã lên được 12 chú bông lau, con lớn nhất là 4,7kg còn nhỏ nhất là 2,4kg. Anh còn cho biết thêm: Từ hụm nước cầu Mỹ Thanh I đến tận ngã ba Cổ Cò (huyện Mỹ Xuyên) là đoạn sông "cá ở". Cá ở là những chú bông lau cư ngụ tại chỗ chứ không di chuyển vùng sinh sống theo con nước, mồi kiếm được đầy đủ hơn nên luôn có kích cỡ lớn và mập, tròn hơn "cá đi" - ốm bụng và dài đòn.

Độ hơn một năm nay, một điểm khác mà nhóm hay tập kết là trên cầu Mỹ Thanh II, cũng bắc qua cửa Mỹ Thanh những đã đổ sát ra biển, gần cửa Trần Đề, nối liền tuyến đường Nam sông Hậu từ Cần Thơ tới tận Cà Mau. Vì ngay cửa nên cá ở đây cũng thường lớn hơn cá trong sông. Đức Hoa đã lên ở đây một chú bông lau 8,5kg và lập kỷ lục "người lên cá to nhất" của nhóm "Dơi ngựa lớn". Sẵn đây kể luôn chuyện kỷ lục. Người đang giữ kỷ lục cá ngát to nhất là anh Bắc, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Út Xi với chú cá ngát nặng 5,6kg câu được ở cầu Mỹ Thanh I. Cũng ở đây, tài xế Tý câu được con cá đắt nhất, đó là chú cá lù đù dính ngang bụng nặng chưa tới 100g nhưng tiền mồi phải chia là 48.000đ...

Dân câu Sóc Trăng đa số dùng mồi trùn lá, giá trung bình hiện nay là 120.000đ/kg. Trùn lá cực tanh thành ra mỗi khi dân câu ôm cần về nhà, thường phải làm vệ sinh thật sạch mới dám bước vô nhà. Cần thủ Thành Long đã từng bị vợ... đạp ra khỏi mùng và con gái út thì giãy nảy: "Ba ơi... ra sân đi! Tanh quá hà". Với dân câu Sóc Trăng thì xài trùn biển là quá sang vì mỗi phần câu (200g) giá tới 120.000đ. Nhưng cũng phải nói rằng với trùn biển thì những loại mồi khác mà gặp thì chỉ có nước... "xách cần câu đi chỗ khác" vì loanh quanh ở đó chả có cá nào thèm dòm ngó.

Mai này còn cá để câu?

Cá bông lau có nhiều ở những vùng cửa sông và những giọt dòng chảy mạnh, nền đáy láng trên sông Hậu. Nhưng quãng 2 năm gần đây thì chủ yếu có nhiều ở cửa Định An và cửa Mỹ Thanh. 2 năm trước, dọc theo khu vực cảng Trần Đề từng là điểm đến của dân câu bông lau Sóc Trăng nhưng nay thì hầu như chỉ... lác đác vài con "đi lạc". Tại sao ư? Ngoài chuyện cửa Trần Đề đang bị bồi lắng, thay đổi dòng chảy thì vấn nạn "pha loãng" nước thải, chất thải của các nhà máy chế biến thủy sản đổ ra sông Hậu cũng làm đàn cá bông lau không còn dám ghé đến và cư ngụ như trước. Tháng 8 năm ngoái (2008) ở cầu Mỹ Thanh, nhóm "Dơi ngựa lớn" đã liên tục kéo lên hơn 20 chú bông lau... đều có "lác" trong 2 con nước. Tất cả những con cá này đều mang trên mình những mảng mụn đỏ. Cả nhóm đồ rằng có thể bầy cá này "mắc bệnh" do ô nhiễm môi trường nước vùng cửa sông hoặc trong sông gây nên. Cần thủ Thành Long cũng mang một chú cá mắc bệnh đi hỏi các kỹ sư thủy sản nhưng chưa nhận được câu trả lời. (Viết thêm: Sau cuộc hỏi thăm thì chú cá này tất nhiên cũng được sẻ thịt làm một nồi canh chua trái giác, uống rượu đế ST5. Và sau này hỏi những tay làm nghề đóng đáy thì được biết, những mụt đỏ này thực chất là do một loài cá mà người ở đây gọi là con cá "éc", dài dài và mỏ là cái giác hút kiểu như con đỉa. Con cá này sống ngoài vùng biển hoặc cửa sông lớn và bám vào những con cá lớn (vẫn thường thấy những con cá này bám trên cá voi, cá kiếm, cá mập...). Nếu câu dính một vài con bông lau có những "mụt" (ngoài bắc gọi là mụn - nốt) thì rất nhiều khả năng là có cả bầy cá từ ngoài biển vào. Híc...câu trúng là phải đạo rồi)).

Nhưng dù gì vẫn có một điều mà chúng tôi tin chắc là cá bông lau trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh hiện đang vắng dần. Dù vậy, những cần thủ bông lau vẫn miệt mài theo con nước vì "nhớ nước" và nhớ cảm giác khó tả khi "ngồi thiền" nhìn đọt cần câu chờ "cú mổ" để làm một cú "rờ-ve" hoành tráng, với hy vọng cú này sẽ bắt được "khủng long".

Nhưng hỡi ôi... "thời oanh liệt nay còn đâu", vì dòng sông coi bộ bị ô nhiễm quá rồi!



Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Câu cá và hội câu cá Sóc Trăng - Thú chơi tao nhã và thân thiện với môi trường



Những người chơi bi da thì còn có danh xưng là cơ thủ, cờ tướng là kỳ thủ, bóng đá là cầu thủ…còn những người vác cần câu đi câu dù là câu chơi cho vui hay đi câu vì một sự đam mê nào đó thì được gọi là cần thủ. Cần thủ cũng chia ra nhiều thứ hạng và lĩnh vực…nhưng ở miền tây nam bộ thì thường chỉ chia ra 3 lĩnh vực: câu hồ, câu sông và câu cá đồng. Mỗi lĩnh vực lại có một thú vui riêng. Câu lạc bộ câu cá Sóc Trăng cũng đã được thành lập, quy tụ những người yêu thích môn nghệ thuật gần gũi với môi trường này..
Câu hồ, câu đồng và…ra sông.

Hầu như ở trung thành phố hoặc thị tứ lớn nào cũng có một vài hồ có treo bảng câu cá. Riêng ở Sóc Trăng thì hồ câu cá khá nổi tiếng và lớn là hồ câu cá nằm trong khu du lịch Hồ Nước Ngọt. Khu hồ rộng khoảng 2 ha với 6 chòi vừa để che nắng vừa là chỗ có thể nhâm nhi…Cá của khu hồ này khá đa dạng…từ cá chép, cá dảnh, cá mè vinh, tai tượng, mè hôi cho tới cả cá vồ. Cá chép ở đây con lớn nhất vô cỡ hơn 2,5kg. Các cần thủ tập trung ở đây phần lớn là cán, công chức, học sinh và những người muốn “xả trét” sau một ngày làm việc mệt nhọc. Cần thì đủ loại…nào là cần tay trung quốc giá từ 45.000 đến cả trăm ngàn một cây. Chủ hồ chỉ tính giá cá câu được 1kg là 35.000đồng – một giá tương đương ở chợ những những chú cá do chính tay mình câu được mang về thì thú vị hơn nhiều. Mồi câu thì tùy hỉ..nhưng chủ yếu vẫn là thức ăn viên nhồi lại. Nhưng với những cần thủ “thứ thiệt” thì việc câu cá nuôi sẵn trong hồ “không đã”, phải gần gũi với thiên nhiên, phải biết nhìn nước, phải ngửi được cả mùi ngái ngái của gốc ra mới cắt hoặc ôm cần ngồi trong mờ ảo của khói đốt đồng mới đã. Mùa này đang là mùa câu cá rô đồng nên trong những hồ câu cá khá thưa những cần thủ “thứ thiệt”.
Vậy nhưng câu cá đồng với những cần thủ này cũng chỉ là “câu cho đỡ ghiền” chứ đánh trận thứ thiệt là phải ra sông, bắt cá ngát bự, bắt bông lau, mùa nước nổi bươn lên tận An Giang câu cá lăng, lội tuốt vô rừng U Minh nhắp cá lóc mới gọi là “cần thủ” bởi lẽ trong giới mê câu đã có câu thiệu “phi bông lau bất thành cần thủ”. Với nhũng cần thủ này thì giá một cần tay bèo bèo cũng trên 300.000 ngàn đồng, còn cần máy thì cả bộ tính luôn máy câu cũng non 1 triệu, chưa tính tiền nhợ, lưỡi câu “đặt hàng” và các phụ kiện khác như nón chuyên dụng, áo chống thấm, giày, găng tay.v.v. Theo Khánh Hoa, một cần thủ có hạng của câu lạc bộ câu cá Sóc Trăng (công tác tại Sở tài nguyên và môi trường) thì cái thú của một cần thủ khi đi câu không hẳn chỉ là con cá mà con là cái ung dung, tự tại giữa trời nước, trong lòng thật tĩnh lặng mà chờ đợi để rèn cho mình chữ nhẫn. Mặt khác, muốn có cá thì phải am hiểu lạch nước, hũm nước, con nước, rồi cả màu nước để tính toán xem quyết định buông cần hay đi về! Câu cá không chỉ là thú vui mà còn là cả một môn thể thao nghệ thuật. Một cần thủ giỏi là phải có sức khỏe tốt để có thể cầm cần quăng một cục chì nặng từ 250gr đến 350gr đi xa ít nhất 70m. Không chỉ ném xa mà còn phải ném chính xác để mồi của mình được cố định ngay tại lạch nước mà mình đã chọn. Một nghệ thuật khác là nghệ thuật thắt các nút buộc. Một cao thủ ban đêm không cần đèn vẫn có thể tóm lưỡi câu như ý mà không sợ tuột lưỡi câu khi cá lớn ăn. Các cần thủ đã tổng kết có khoảng hơn 180 kiểu nút buộc dây, nối dây…những nút buộc này còn có thể dùng vào việc dựng lều trại, buộc ghe, buộc nối các kèo, cột một cách chắc chắn!
Riêng Hoàng Vũ (công an huyện Trần Đề) thì chia sẻ kinh nghiệm: - trong nghệ thuật câu cá sông và câu cá đồng ngòai chuyện chọn lưỡi câu, cần câu và mồi thì còn phải hiểu cả bản chất “ăn uống” của lũ cá. Đó là"câu cá đồng thì mới cần giật cần câu, còn câu cá sông thì không cần bởi bản chất ăn mồi của 2 thứ cá sống ở hai khu vực này khác nhau"!? Thứ nhất là cá sông khi ăn mồi thì luôn rỉa rói miếng mồi theo kiểu "mèo vờn chuột" hay còn gọi là nó “giỡn mồi”. Khi rỉa mãi mà miếng mồi không sứt mẻ được miếng nào vào mồm thì nó mới "tức khí" nuốt luôn cả miếng và kéo đi. Khi dây câu bị kéo căng thì thực chất miếng mồi đã được cá nuốt rồi nên không cần giật mà chỉ cần gặc nhẹ đầu cần để đảm bảo cho lưỡi câu “sóc sâu vào hàm cá” là xong. Nếu cá lớn thì phải chuẩn bị vợt và "vờn" cho con cá mệt rồi hãy kéo dần lên...nếu kéo "tích cực" ngay từ đầu thì có thể đứt dây câu. Vấn đề nữa cũng quan trọng không kém để bảo vệ hạnh phúc gia đình cho những ai đã có vợ thì sau buổi câu...không nên ngủ chung với vợ vì dù có tắm rửa đến cỡ nào thì...vẫn "hôi như cú". Ít nhất là sau 2 ngày hãy ngủ chung với vợ bởi lẽ, mồi câu sông thường được sử dụng là con trùn lá …tanh rình. Còn với cá đồng. Bản chất của "tụi này" là tham ăn và khá ngu si. Thấy thằng khác ăn là cả bọn thường hay lao vào tranh giành (điển hình nhất là lũ cá rô "tăm tích" trên mấy cánh đồng mới sạ vào đầu mùa mưa). Bọn này táp hối hả nếu có mồi ngon, điển hình nhất là trứng kiến vàng hoặc nhộng ong nghệ. Xét về bản chất thì nhộng ong nghệ là tuyệt nhất khi câu trên đồng vì ngòai lũ cá rô thì lũ cá trê cũng rất khóai. Nhưng mồi này khó kiếm và..dễ bị "mặt như cái mâm" nếu không khéo trong công tác "khói lửa". Lưỡi câu cá rô đồng nên dùng là lọai lưỡi "Ó" (nó có kiểu uốn cong như mỏ con ó biển). Cần câu trên đồng ngon nhất là cần câu trúc, lọai cần này phải tự độ cho vừa tay, cây trúc phải già và đầu cần càng nhỏ, càng dịu thì..càng tốt. Chọn được cây trúc thì ngòai chuyện róc nhánh cho khéo, chuốt đọt, chuốt mấy cái mắt cho ngon thì còn phải qua công đọan uốn cần, nắn lửa cho vừa ý cái độ cong của đầu cần, cái thẳng thớm của cả cây cần câu.
Và tiếng thở than cho môi trường.
Tuy nhiên cả năm vừa rồi, các cần thủ ở cuối dòng sông hậu đều than thở: “thất bát quá”, dù đã có cần thủ lên được con cá ngát nặng 8,6kg. Chỉ riêng chuyện nước sông Hậu năm nay không đổ đã đẩy mặn tuốt vô trong sâu khiến các bãi câu cố định hàng năm mà các cần thủ lựa chọn đã không còn cá ăn. Nước chảy yếu, cát bồi nhiều nên dọc cảng theo bờ cảng Trần Đề cũng không còn cá lớn, chỉ còn toàn là cá úc và cá cá dứa nỏ ăn theo mé. Bãi sình mới bồi vươn ra gần 50m thì chẳng còn cần thủ nào có thể ném được cục chì và lưỡi câu của mình ra tới cự ly 300 thước phía ngoài để mong bắt cá lớn. Chưa tính đến chuyện những nhà máy thủy sản xả nước thẳng ra sông Hậu ở bến Đại Ngãi và cảng Trần Đề cũng làm các cần thủ…bưng mũi mà chạy dài.
Thế nhưng khủng khiếp nhất đối với các cần thủ là màn “xiệc điện” của các ghe cào nhỏ. Ngồi trên bến buông cần, lũ cá út, cá dứa đang giỡn mồi “kịch liệt” nhưng chỉ cần một chiếc ghe cào chạy tà tà ngang qua là tất cả “lặng rang” ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Đầu năm 2010 đã xảy ra xung đột giữa vài chục cần thủ bông lau với một ghe cào xiệc điện. Ghe cào phải bỏ chạy bởi trận “oanh tạc” bằng đá cục từ trên bờ tấn xuống. Một cần thủ bực bội nói “Ai cũng vì con cá. Nhưng bắt cá kiểu đó là tàn sát quá. Cá lớn, cá nhỏ và tới cả trứng còn chết thì mai mốt lấy gì mà còn”.
Đấy là chuyện ở sông, còn ở đồng thì vài năm trở lại đây coi mòi khá hơn vì người làm lúa ít xài thuốc bảo vệ thực vật dạng “cực độc”. Cá rô, cá trê, cá thác lác đã có nhiều trở lại trên những con kênh, con rạch. Ở Sóc Trăng, những địa danh như: Sóc mồ côi, kinh lộ Mỹ Hương, ngã ba đèn đỏ Sung Dinh, kinh tám thước….đã là những cái tên quen thuộc của những cần thủ. Nhưng cũng như ở sông, trên đồng cũng bị nạn “xiệc điện” mặc dù lâu lâu lại có tin, xã này…xã kia đã tập trung tiêu hủy vào trăm bộ xung điện. Lại tặc lưỡi…một bộ xung điện để xiệc cá tiền vật từ cho 4 con sò và mạch điện cao lắm là 50.000 ngàn, người mua vẫn cứ mua thoải mái, vậy có cấm thì chỉ còn nước là cấm hoặc phạt những ai lắp ráp thật nặng họa chăng mới hết được nạn “Xiệc điện”.
Hoàng Sơn – chủ nhiệm CLB câu cá Sóc Trăng cho biết:- Nếu như hội sinh vât cảnh ở Sóc Trăng được thành lập thì CLB câu cá Sóc Trăng cũng sẽ gia nhập vào hội, các thành viên của CLB sẽ là những thành viên tích cực để tuyên truyền và tham gia vào việc bảo vệ môi trường cũng như đa dạng sinh học bằng những việc làm và hành động thiết thục.
Cũng phải thôi! Bởi môi trường có tốt, có đa dạng sinh học thì mới có cá để mà câu ở đồng, ở sông chứ. Còn không thì chỉ loanh quanh câu cá nuôi trong hồ thì chán chết./.

Nhộn nhịp xóm hàng xáo Long Bình




Lúa được chất đầy trong nhà. Lúa được phơi trước sân, tràn ra cả mặt lộ, trãi một màu vàng óng từ đầu đến cuối xóm. Ở đây nhà nào cũng làm lúa. Người khá giả thì sắm ghe làm hàng xáo đi mua lúa. Người nghèo thì tận dụng sân nhà, sức lao động làm dịch vụ phơi lúa, vác lúa. Cái xóm nghèo ở ấp Mỹ Hương (xã Long Bình, huyện Ngã Năm) giờ có thêm tên gọi mới: Xóm Hàng xáo.
*Ký ức ghe chèo…

Chúng tôi ghé xóm hàng xáo Mỹ Hương bên dòng kênh xáng Ngã Năm-Phú Lộc khi vụ lúa Hè-Thu đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Sân phơi nối tiếp sân phơi trãi một màu vàng óng của lúa chạy dài gần 2km dọc hai bên con lộ đal. Từ sáng đến chiều tối, cả xóm lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh cào lúa, xúc lúa, cân lúa…Ông Trần Văn Kẽm-Trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Hương cho biết: “Chỉ có 21 người chuyên làm hàng xáo thôi, còn lại là làm dịch vụ phơi lúa, vác lúa thuê cho các chủ hàng xáo. Cái nghề này có hơn chục năm nay rồi, cũng nhờ nó mà nhiều hộ thoát nghèo, không ít hộ giàu có”. Cũng từng là dân hàng xáo, nên ông Kẽm khá rành rẽ chuyện nghề, chuyện người ở cái xóm nhỏ bé này…
Năm 1997, ông Kẽm cùng 3 người khác trong xóm lập thành nhóm tập tành đi làm hàng xáo. Lúc này do còn ít người làm nên lợi nhuận cũng kha khá. Ông Kẽm kể: “Lúc đó chèo ghe tam bảng đi mua chứ đâu có ghe lớn gắn máy như bây giờ. Vậy mà có khi đi xuống tới tận Hòa Bình của Bạc Liêu chứ đâu có ít. Cứ tờ mờ sáng thì chèo đi, đến xế thì về tới nhà cân lại cho lái. Mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 30 giạ thôi nhưng tính ra cũng lời được khoảng 200 ngàn đồng, mua được 5 phân vàng”. Rít một hơi thuốc thật sâu, để ký ức một thời hàng xáo ghe chèo hiện về trong làn khói, ông Kẽm chậm rãi: “Hồi đó mỗi lần đi thành nhóm 4 chiếc nối đuôi nhau để có gì còn hỗ trợ cho nhau. Làm ăn cũng khá, nên nghỉ một ngày là thấy uổng lắm”! Bất chợt quay sang tôi ông hỏi: “Có biết “lúa 10 giờ” là gì không”? Tôi còn đang ấp a ấp úng chưa biết trả lời sao thì ông nói luôn: “Tức là phơi từ lúc mặt trời lên đến 10 giờ là cân bán. Coi vậy chứ mà lái chịu thứ lúa này lắm vì khi đem đi chà rất đặng gạo. Mà chỉ ở vùng này lái mới chịu mua “lúa 10 giờ” thôi”. Nói xong ông cười ra chiều đắc ý về kiểu làm ăn chỉ có ở xóm mình. Nụ cười mới thoáng qua môi đã nghe giọng ông chùng xuống: “Từ năm 2000 bắt đầu có người sắm ghe 7-10 tấn, gắn máy xăng, máy dầu đi mua nên cánh ghe chèo tụi tui cũng thôi không làm nữa. Bây giờ thấy xóm làm ăn xôm tụ mình cũng vui vì đã góp công làm nên một cái nghề”.
Ông Kẽm, có thể xem là người đầu tiên sắm ghe chèo để làm ăn “hàng xáo” kể với chúng tôi câu chuyện vui: “ngày xưa, vô cá vùng xâu hoặc các sóc Kh’mer mua lúa ngon lắm. Có nhà mình trả 1kg 1.200 đồng nhưng họ tỉnh bơ. “Tao tính mày một ngàn thôi, mày tính lẻ khó tính quá”. Đấy là chuyện ngày xưa, khi làm lúa xin lỗi bán là có lời, chứ bây giờ một đồng cũng đừng mong.

Một chuyện khác là chuyện “cò”!? Đừng tưởng chỉ có cò đất, cò ngân hàng chứ ngay bây giờ muôn làm nghề hàng xáo cũng phải cậy nhờ “cò”!? Vấn đề là- mỗi cánh đồng có ai rành bằng người cư trú tại đó. Thánh thử các ghe hàng xáo phải tính chuyện… “ruộng đó gặt chưa”? Anh Một chủ ghe hàng xáo bật mí “chỉ riêng tiền mua card điện thoại mỗi tháng cho các cò là 300.000 rồi nghe. Còn mua được lúa thì tính trên đâu tấn”. ờ nhỉ!? Ngày xưa, người làm lúa có tính toán hơn thua nhhiều như bây giờ không mà sẵn sàng bỏ qua cỡ 200 đồng, mà bây giờ xin lỗi, một đồng cũng không lỏi? Lỗi này phải chăng của gánh hàng sáo hay của ai???
*Nhộn nhịp xóm hàng xáo
Tôi theo ông Kẽm đến khu sân phơi của anh Mã Danh, một hàng xáo đang ăn nên làm ra ở xóm này. Cũng như ông Kẽm, trước đây Mã Danh cũng là nông dân, sau đó tập tành đi làm hàng xáo bằng ghe chèo rồi khá lên như ngày hôm nay. Mã Danh chỉ là rễ của xóm này và cơ duyên đưa anh đến với nghề hàng xáo nhờ…thất bại từ nghề nuôi vịt. Mã Danh nhớ lại: “Hồi trước tôi nuôi hàng ngàn con vịt chạy đồng bổng dưng nó lăn đùng ra chết hết, phải hết hết 7-8 công ruộng mới trả hết nợ. Số vốn còn lại tôi đóng ghe 10 giạ bắt đầu đi mua lúa về bán lại cho thương lái, sau đó lên ghe 10 tấn như bây giờ”. Bây giờ Mã Danh chỉ việc đi mua lúa, còn chuyện phơi phóng, vác lúa đều thuê mướn hết. Cái váng vẽ nông dân trong anh cũng bắt đầu phai dần để thay vào đó dáng vóc của một ông chủ. Hiện nay, mỗi ngày Mã Danh thu mua, bán lại vài chục tấn lúa cho thương lái các tỉnh: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu…nên chẳng những có dư mua lại được 10 công đất mà còn cố thêm được trên 30 công.
Trò chuyện với chúng tôi không bao lâu thì có ghe của lái Bạc Liêu đến cân lúa. Chỉ vào sân phơi trước sân, Mã Danh cho biết: “Lúa này vừa rồi mua vô lúa tươi 4.500 đồng/kg, mới phơi một ngày là bán được giá 5.300 đồng/kg. Tính ra mỗi chuyến ghe 10 tấn sau khi trừ hết chi phí cũng còn lời 400-500 ngàn đồng, gặp khi giá lên bất ngờ lời cả triệu bạc chỉ trong vòng một ngày. Bởi vậy, cứ vùng Ngã Năm hết lúa thì qua Phú Lộc, Mỹ Tú, Phương Ninh…mua. Nói chung là nơi nào có lúa là mình tới, tính ra mỗi năm làm từ 10 tháng trở lên chứ đâu có ít”.
Tôi cùng Trưởng ấp Kẽm nhẩm tính, mỗi ngày xóm hàng xáo cung cấp cho thị trường vài trăm tấn lúa chứ đâu có ít. Trưởng ấp Kẽm còn chi li hơn tôi: “Mỗi ngày hàng trăm tấn lúa được bán đi cũng đồng nghĩa với gần cả trăm người có công ăn chuyện làm từ nghề phơi lúa, vác lúa. Tính ra cái nghề hàng xáo này cũng có ích không kém gì những nghề khác”. Nghe Trưởng ấp Kẽm nói tôi chợt nhớ tới anh Nguyễn Văn Tào, chuyên làm dịch vụ cho phơi lúa và vác lúa cho các hàng xáo trong xóm. Cách nay 7 năm, anh Tào còn rất nghèo ai thuê gì cũng làm vậy mà nghèo vẫn cứ nghèo. Từ khi nghề hàng xáo trong xóm phát triển, cả gia đình anh cùng làm dịch vụ nên cuộc sống cũng bắt đầu khá giả hơn. Anh Tào tâm sự: “Gia đình thì đông mà chỉ có 2 công ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ cả gia đình cùng làm dịch vụ phơi, vác lúa nên mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 300 ngàn đồng”. Cũng từ dịch vụ phơi lúa, vác lúa, gia đình anh đã có dư và vừa mới mua được 10 công ruộng trị giá 300 triệu đồng.
Xóm hàng xáo Mỹ Hương đang ăn nên làm ra. Cuộc sống người dân trong ấp cũng được cải thiện hơn. “Cái nghề hàng xáo này coi vậy mà ngon. Vừa giúp tiêu thụ được lúa nhanh chóng, vừa giải quyết được việc làm tại địa phương, tính ra lợi cả đôi đường”-Trưởng ấp Trần Văn Kẽm đúc kết trước khi chia tay với chúng tôi./.