Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

"Tôi cố gắng xài cho hết cái bằng kỹ sư..."!

Tôi có quen và cũng thân dạng kha khá với một ông anh là kỹ sư nông nghiệp. Bữa nọ tôi được nghe kể về một giai thoại của anh với một vị "quan cấp bộ". Số là anh sắp về hưu, vị "quan cấp bộ" trong một lần đến công tác tại Sóc Trăng có nói với anh. "Cỡ ông bây giờ nên đi học và làm luôn cái tiến sĩ để nữa về hưu có cái để "dưỡng già""? Anh trả lời: - Tôi bây giờ đang phải cố gắng "xài" cho hết cái bằng kỹ sư! Tôi khoái câu trả lời này bởi vì chỉ riêng những kiến thức của anh về nông nghiệp và những công trình của anh đã quá đồ sộ rồi...vậy mà anh còn nói rằng "chưa xài hết". Anh chính là tác giả và đồng tác giả của dòng lúa chất lượng cao ST nổi tiếng của Sóc Trăng bây giờ đã ra đến trên 20 dòng đã được phóng thích, trong đó có cả loại để dành cho "biến đổi khí hậu-ngập mặn".... Chu choa...vậy mà những kiến thức đó mới chỉ ở tầm kỹ sư và chưa được dùng hết. Lại chợt ngộ ra...hoá ra bằng cấp chỉ là cái vỏ, cái chính là phải tiêu hoá hết những kiến thức mà mình đã học, đã có để làm lợi cho nhà nông, làm giàu cho chính mình từ những kiến thức đó mới là quan trọng.
KS.Hồ Quang Cua bên những thửa ruộng thực nghiệm lúa giống của mình.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Dốt...không ngửi được

Đọc xong quyển Hậu Giang Ba Thắc của cố học giả Vương Hồng Sển, càng khẳng định thêm việc những năm 86-90 của thế kỷ XX là rất "ba trợn". Đã dốt mà còn...Số là lúc này nảy nòi ra một phong trào phê bình nhà thơ Tố Hữu là ngồi trong tháp ngà làm thơ, không thông hiểu địa lý, điểm nhấn là bài thơ "Bà Má Hậu Giang"!? Không ít vị đanh thép khẳng định: "Tôi đã đi khắp tỉnh Hậu Giang! Làm gì có cục đá hay hòn núi nào ở ngoài đồng mà Tố Hữu lại làm thơ tả như vậy"? Khi ấy thì tớ cũng theo phong trào này vì tớ lúc đó là SV của tỉnh Hậu Giang. Sau này ít chú vấn đề "miệt Hậu Giang" nên cũng không để ý lắm...vả lại chuyện cũ bé tí nên cũng chả nhớ mấy. Nay đọc lại mới thấy...những tay phê phán nhà thơ Tố Hữu là "dốt địa lý" thì chính những tay ấy mới thuộc dạng..."dốt đặc" (Híc....trong đó có tớ). Theo ngôn ngữ Nam Bộ mà kiểu cụ Vương dùng là "tự nhiên...mắc địt"(Ngoài Bắc gọi là đánh rắm). Hãy đọc Hậu Giang Ba Thắc của học giả Vương Hồng Sển!