Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

5 ngả thương hồ! (Kỳ 1)



Chợ nổi ở phương nam có tự khi nào hẳn chẳng ai có thể trả lời chính xác, nhưng khởi nguồn có lẽ bắt đầu từ chuyện ông Thủ Huồng và địa danh Nhà Bè. “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”! Địa danh lưu dấu ấn về những bước chân của tiền nhân đi mở cõi, nối quá khứ với hiện tại, là sáng tạo nghiệp “thương hồ”. Cái nhà bè của ông Thủ Huồng là có lẽ là cái “chợ nổi” đầu tiên ở đất Nam Bộ.  Với cư dân Đồng bằng SCL cùng đặc thù sông nước, giao thông đường thuỷ “ tiện-lợi” thì ở mỗi vàm sông, mỗi ngã sông luôn hình thành nên một khu chợ “trên bên-dưới thuyền”. Tuỳ địa thế mà chợ ở trên bờ sáng, bờ vàm hay chợ ở dưới vàm sông trở nên nhộn nhịp, “sung túc”. Âu...chợ nổi Ngã Năm cũng vậy!?
            Ngã Năm – Thị tứ “hàng bông” giữa rún phèn
Chợ nổi Ngã 5 có tự khi nào? Chính xác thì đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa tìm ra tài liệu nào xác nhận, nhưng có thể khẳng định “tuổi” của chợ Ngã 5 không thấp hơn chợ nổi Ngã Bảy với mối tình của “anh bán chiếu”. 

      Kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, xưa có thời gian còn gọi là kênh Phó Đường là tuyến giao thông đường thuỷ huyết mạch nối liền vùng Cần Thơ với vùng Cà Mau, U Minh. Cùng với quá trình khai thác vùng đất này vào đầu thế kỷ 20. Những con kênh đào ngang, xẻ dọc nhằm tiêu thoát nước, xả phèn…hình thành nên những đồng lúa trù phú miệt Hậu Giang đã hình thành nên thị tứ Ngã 5 giữa vùng rún phèn - tiếp giáp các tỉnh: Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
        Ngoài kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, một ngả xuôi về Bạc Liệu, Cà Mau, một ngả ngược lên Ngã Bảy để ra sông Hậu, 3 ngã còn lại là Rạch Cái Trầu đổ ra Phú Lộc-Thạnh Trị, Rạch Xẻo Chích đi về Vĩnh Quới-Ngan Gừa, ngả thứ 5 là kênh “Xáng chìm” đổ về Trà Bang-ra sông Cái Lớn, xưa vốn thuộc đất Rạch Giá, nay thuộc huyện Long Mỹ (Hậu Giang). 5 ngả hợp thành hình ngôi sao xoè rộng giữa vùng đồng đất bằng phẳng, xưa đầy lung, bàu và phèn, vốn chỉ hợp với cỏ năng. trò chuyện với những cư dân cố cựu ở xứ này là Bác Ba Vĩ, Hai Hoà (71 tuổi), chú Tám Đến (64 tuổi) để ôn lại những chuyện “xưa và nay” ở chợ nổi Ngã Năm ngay đầu vàm kênh “Xáng Chìm” (Khu 2-Thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), thật thú vị khi biết rằng:- Với khách thương Hồ và người bán buôn ở chợ nổi Ngã 5, làm gì có một giấc ngủ “đúng nghĩa”...giấc ngủ đối với họ chẳng qua chỉ là “ngả lưng” đôi chút. Bác Hai Hoà vừa cười khà khà vừa nói:
            -Xứ này trước năm 45(1945) thuộc Rạch Giá. Xuồng ghe khi đó họp chợ toàn là xuồng ba lá đậu nghẹt hết cả một khúc sông. Thời đó muốn đi từ bờ này sang bờ bên kia đâu cần đò ngang-đò dọc gì? Cứ nhảy xuống chiếc xuồng này, chuyền qua chiếc kia là tới! Thời Việt Minh còn “xung ác liệt” vì lâu lâu có văn nghệ, có bộ đội qua lại…cái chợ này khi đó cũng là một đầu mối cung hàng hoá đủ thứ về các vùng trong.
            -Nói là họp chợ chớ ở chợ Ngã Năm làm gì có họp chợ!? Bác Ba Vĩ bổ sung: - Trong ngày chỉ có “đông hay không đông” thôi! Cữ 2 giờ sáng, là có nhiều người đi chợ để lựa hàng đem về. Cứ vậy co tới tầm 8-9 giờ thì thưa bớt. Những ghe hàng bông lớn đậu đó thì cứ bán lai rai, lai rai hoà cho tới tối, tới khuya, rồi tới sáng...


    Đã gọi là chợ thì hiển nhiên hàng hoá nào thiếu món gì, từ hàng xa xỉ phẩm, kim khí điện máy cho đến bán buôn vàng bạc...nhưng đó là chợ Ngã 5 ở trên bờ, còn với Ngã 5 chợ nổi, những mặt hàng rau trái, củ quả...nói như cư dân ở đây thì đồ “hàng bông” mới là đặc thù của chợ. Chợ nổi Ngã 5 đóng vai trò cung cấp sỉ “đồ hàng bông” để các bạn thương hồ “bổ hàng” đổ về các ngã chợ khác. Vai trò đầu mối hiện rõ qua sức chở của những chiếc ghe chở hàng “khẳm lừ” neo bên bờ kênh.
        Với bạn “thương hồ”, chiếc ghe hàng có vai trò vừa như một kho hàng, vừa như chính căn nhà của họ. Đồ hàng ở đây đi qua Long Mỹ, về Vị Thanh (Hậu Giang), đồ hàng theo ghe về Bạc Liêu, về Cà Mau và lúc hút hàng thì theo kênh Quản Lộ đổ ngược lên Ngã Bảy, Ngã Sáu, Phong Điền, Cái Răng, Ba Láng. Cứ ở đâu, chợ nào hút hàng gì thì bạn thương hồ đều “hú” nhau chuyển hàng qua-lại. Thời buổi này thì cái điện thoại di động là “vật bất ly thân” của khách thương hồ!? Thời gian của họ hầu như chỉ ở trên chiếc ghe là chính?! Anh Hai Ơn (46 tuổi) – chủ một ghe hàng bán xoài trái có 1 căn nhà tường ở ngay đầu vàm kênh Xáng chìm, một căn nhà tường và mảnh vườn (8.000m2) trong ruộng nhưng hầu như thời gian ở trên ghe hàng “bồng bềnh cùng sông nước” có vẻ nhiều hơn là ở trên bờ. Đây có lẽ cũng là đặc điểm chung của  không ít bạn thương hồ!? Căn nhà, mảnh vườn, miếng ruộng ở trên bờ có vẻ như ít gắn bó với họ bởi đã theo nghiệp “thương hồ gạo chợ, nước sông”. Anh Ơn cười “méo sẹo” khi tôi hỏi ruộng, vườn của anh năm rồi “trúng-thất”?
            -Cho người ta mướn từ hơn cục năm nay chớ có làm gì đâu mà biết! Nào giờ mình cũng chỉ bán buôn cây trái ở chợ này…Tới chừng lấy vợ thì “ông già vợ” cho 2 vợ chồng 8 công đất để mần ăn mà từ đó tới giờ đâu có đụng tới. Khi lên liếp xong…nhìn miếng vườn rộng rinh mà ngán. Ngán vì nào giờ mình đâu có biết trồng trặt gì đâu? Thôi thì ra chợ bán buôn cho khoẻ.
            Chiếc ghe hàng của anh Hai Ơn thực ra là chiếc ghe được cải hoán lại từ chiếc võ lãi trọng tải 2 tấn, gắn máy xe hơi “chạy xé nước”. Tính trung bình thì mỗi ngày anh bán được 2 ghe xoài trái, vị chi là 4 tấn xoài. Cứ sắp hết hàng thì điện thoại cho mối từ An Giang, Cần Thơ hoặc chuyển xuống bằng xe tải. Năm rồi cho tới năm nay thì còn “ngon hơn” bởi xe tải đã đi thẳng theo tuyến đường Quản Lộ Phụ Hiệp-Cà Mau đâm thẳng xuống, ngắn hơn trước non ba, bốn chục cây số! Chi phí dư ra coi phư đồng tiền lời “phụ thêm” cho cả 2 bên bạn hàng!


Đêm Ngã Năm và buổi sớm mai ở chợ nổi
     Theo chỉ dẫn của Bác Hai Hoà, chúng tôi cùng trải nghiệm một đêm với chợ nổi Ngã 5. Đúng là chợ nổi Ngã 5 lúc nào cũng “họp chợ”, có khác chăng là bán buôn có đông hay không mà thôi, bạn thương hồ có nhộn nhịp ngược xuôi hay không mà thôi!
      Đã  gần 1 giờ sáng, vậy mà vẫn tiếng “lụp cụp” của xuống ghe cập mạn, “ục sạc” tiếng mái chèo khuya nước “giỡn ánh đèn đêm”, lao xao tiếng người bán, người mua lựa hàng, trả giá....Ánh đèn pin loang loáng trên sông...Đan xen qua lại, tới lui giữa các ghe thương hồ là những chiếc ghe hàng bán đồ ăn khuya, bán nước giải khát, phục vụ tận nơi với cháo khuya, hũ tiếu với cà phê sữa đá, nước ngọt đủ loại...Rồi tiếng ghe máy của bạn thương hồ đã lên đầy hàng xuối đi 5 ngả.

      Đi dạo buổi khuya (từ 12 đến 4 giờ sáng) ở chợ nổi ngã 5, ngắm trăng lên, tôi mới nghiệm được rằng: những người có nhiều tuần trăng, có nhiều cơ hội ngắm trắng nhất hẳn là những bạn thương hồ, khách thương hồ lên đênh cùng sông nước chợ nổi. Chỉ cần nhìn trăng lên, họ nói đúng phóc bây giờ là quãng mấy giờ mà không cần nhìn đồng hồ, nhìn bóng trăng soi là tỏ con nước chảy ròng, chảy lớn, là nói ngay hôm nay mùng mấy.
     Trong thời gian gần đây, những con lộ nông thôn đã mở, xã liền xã, huyện liền huyện...xe gắn máy đã là phương tiện “đi chợ” khá thông dụng để thay thế chiếc xuồng ba lá ngày xưa. Câu chuyện bên ly cà phê đen “chợ nổi” quãng hơn 3 giờ sáng đã giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều về những nét sinh hoạt đặc trưng của vùng đất ngày xưa vốn nổi danh là “rúng phèn” qua câu ca dao hiện đại nhưng được phát âm theo gọng Nam Bộ: “Ai về Thạnh trị ăn năng”. Nhưng năng bây giờ đã hiếm, khó có hàng vì ruộng đều đã làm lúa 3 vụ? Thành ra loại rau thay thế năng bây giờ là bông súng? Bông súng đủ loại được trồng ở các mương vườn, mương ruộng. 

      Anh Thạnh Phone (xã Vĩnh Phú, huyện Vĩnh Lợi-Bạc Liêu) cùng tôi ngồi nhâm nhi ly cà-phê đen ở quán CaPhe Chợ nổi ngay đầu vàm rạch Cái Trầu cho biết - cứ 2-3 ngày là anh có một chuyến ra Ngã Năm bổ hàng về bán trong xóm. Mỗi chuyến “Hông đa” cũng chở được 3-4 trăm ký hàng. Nào là các loại rau củ, bún, rồi thịt, rồi cá.v.v. “Tui cũng bao luôn chuyện mua hàng cho nhà nào trong xóm có đám tiệc cần bổ hàng về gấp. Coi như bỏ công làm lời vậy mà”! Còn anh Hai Sơn ở xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) nhà ở cách chợ nổi Ngã Năm khoảng 8 km thì coi nghề “đi chợ” như một nghề “tay trái” lúc nông nhàn. “Ở xứ này thì nhà nào cũng ruộng, cũng vườn…công chuyện thực ra đâu có lúc nào hết! Thành ra thay gì phải mất một người ra chợ thì cứ ở nhà để làm. Muốn mua gì, ăn gì thì đã có “bạn hàng bông” ra chợ lựa dùm rồi. Ở nhà mình mần thính ra hổng mất ngày công mà còn tiết kiệm được tiền xăng xe…dù có lấy đồ giá “cứng hơn chút đỉnh” nhưng được đồ ngon, đồ lựa thì tính ra vẫn còn rẻ hơn nhiều so với phải ra chợ”. 
     Trời đâm mây ngang, nắng sớm dần lên phủ lên 5 ngả “thương hồ” cảnh sắc của một buổi chợ mới nhộn nhịp, huyên náo. Theo kênh sáng chìm, chúng tôi đi ngắm những hàng “bẹo”, cảnh bán buôn sôi động nhất trong ngày ở chợ nổi. Bẹo ở mũi ghe....bẹo ở đuôi ghe...bẹo trên cây xào cột ghe đợi khách. Bán gì-bẹo đó. “Bẹo” không cần ồn ào níu kéo khách từ xa, bạn hàng đã nhận biết ngay món hàng mà mình cần mua để tìm đến...

        Nguyên uỷ của “bẹo” bắt đầu từ đâu? Tôi đồ rằng nó vốn là từ “péo” của tiếng Triều Châu, mà âm hán việt chính là từ “biểu” - có nghĩa là thông báo, bố cáo để cho biết. Phải chăng đây vốn là một cách rao hàng khi xưa của những chú “chệt rẫy miệt Hậu Giang”!? Rồi người Việt học theo nhưng lại việt hoá thành ra từ “bẹo” cho dễ phát âm!? Và đến nay, trải qua bao thăng trầm của dòng thời gian...bẹo đã trở thành biểu tượng của chợ nổi.  



        Bẹo dập dờn trên con sóng, bỏ qua mọi thanh âm ồn ào của tiếng ghe máy, của tiếng người hỏi giá “lại-qua”...của tiếng mái chèo, của con sóng nhỏ đang óc ách đập bờ....




     Nói đến chợ nổi là phải nhắc đến những hàng “bẹo” của đủ màu rau-củ-quả! Vậy nhưng trên đường ngược ra đầu vàm, chúng tôi phát hiện một người bán hàng ở chợ nổi mà không “bẹo hàng”? Hàng của chị vẫn phải dùng lời rao truyền thống. Và món hàng của chị vốn dĩ cũng là một mặt hàng truyền thống ở đất Nam Bộ mà!? Đó là ghe hàng mắm ruốc của Chị Loan-nhà ở tận Cái Đôi Vàm, Cà Mau. Trên chiếc ghe hàng 5 tấn gần đủ cả bộ sậu: con rể, con gái, con trai và cháu ngoại, ở nhà chỉ còn ông xã và đứa con trai coi việc mua ruốc, ủ mắm. Lời rao hàng như sao động sóng nước chợ nổi, vượt lên những ồn ào của khu chợ… “Mắm ruốc Cái Đôi Vàm ngon lắm nè cô bác ơi”. 

      Tay thoăn thoát gói những bịch mắm, rồi cân, rồi thối tiền cho khách, chị cho tôi biết: Mỗi tháng chị đi 2 chuyến, mỗi chuyến từ 4 đến 5 ngày cùng với 3 tấn mắm. Bỏ mối suốt từ chợ Ngã Bảy đổ dài về đến đây còn độ 250 ký nên đậu lại bán lẻ. “Chắc cũng tới chiều là hết hàng. Cơm nước xong xuôi độ chừng 8 giờ tối nổ máy về tới nhà thì vừa hừng đông”! Cô con gái của chị Loan năm nay mới 18 tuổi nhưng đã có 1 cậu con trai sắp sửa tròn năm luôn miệng tíu tít kể chuyện làm mắm ruốc ở quê, về nghề đi ruốc và cũng thật đỏm dáng trước ống kính máy ảnh của tôi, dù nước da em rám đen vì nắng và gió của sông nước chợ nổi!!!
    Đến chợ nổi Ngã 5, nếu không phải khách thương hồ mà chỉ thuần tuý là một khác “lãng du”, chí ít cũng nên dành thời gian 1 ngày đêm khám phá chợ nổi. Mỗi một ngã kênh, mỗi địa danh đều gợi cho ta chút dấu ấn của tiền nhân khi xưa đi mở đất.
    Đi chơi chợ nổi, ta không chỉ là đi để ngắm cảnh xuống ghe tấp nhập bán buôn, xem những hàng bẹo ngộ nghĩnh dập dềnh trên sông nước...mà đến với chợ nổi, là đến với tầng “sâu nhất” văn hoá của sông nước bản địa, là cội nguồn sáng tạo nên nền kinh tế “thương hồ”.





Hết kỳ (1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét