Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Đình thờ Quốc tổ Lạc Hồng ở Thạnh Thới Thuận: Thiêng liêng hai tiếng "đồng bào"

Đình thờ Quốc tổ Lạc Hồng, tọa lạc ở số 90, ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề. Năm nay, đúng 20 năm ngày ngôi Đình thờ Quốc tổ được xây dựng và cũng đúng vào dịp UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong những ngôi tổ đình thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ và Hùng Vương hiếm hoi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.


“cùng một gốc phải nhớ đến công đức sinh thành”
Ngôi Đình thờ Quốc tổ ở vị trí thật đẹp – hướng thẳng ra ngã tư sông Cổ Cò. Mục đích của những người xây dựng ngôi đình này là để nhắc nhở con cháu làm người phải nhớ đến nguồn gốc. Tất cả mọi người Việt đều là anh em có chung một tổ tiên, vì thế trong quan hệ đối xử phải có tình tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau và xóa đi tất cả những tị hiềm. Còn sâu xa hơn là mong ước một đất nước thống nhất và thanh bình. Thay vì xuân thu nhị kỳ cúng tế như các ngôi đình thờ thành hoàng bổn cảnh khác, Đình thờ Quốc tổ chỉ làm lễ mỗi năm một lần đúng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương. Về quá trình dựng nên ngôi Tổ đình này, bác Lâm Văn Bé (76 tuổi) - một “bô lão” trong Ban Hội đình hào hứng kể:
- Năm 1971 thì  bà con trong xóm cất một ngôi chùa thờ Phật bằng tre lá. Tới chừng độc lập năm 1975 thì ban hương khói vẫn đốt nhang cầm chừng vậy thôi. Tới năm 1993 thì bà con thống nhất với Mặt trận Tổ quốc, với chính quyền là sẽ lập nên ngôi đình. Bởi vì Thạnh Thới Thuận là tiền thân của Thạnh Thới An được chia ra từ năm 1983 nhưng Thạnh Thới Thuận lại chưa có được 1 mái đình. Mấy cụ “bô lão” nghĩ rằng “mỗi 1 làng đều cần có 1 mái đình để thờ những quan cựu thần! Nên ngôi đình này chọn cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ…tiếp đến là Vua Hùng rồi Bác Hồ - “Tổ quốc công thần” để thờ phụng. Hàng năm lấy ngày giỗ tổ làm lễ niệm hương với tổ tiên.
Tổ Đình Quốc tổ ngày Giỗ tổ - ảnh Cao Long.
Giữa đình là khán thờ trên cao là bức tranh tường họa hình 9 con rồng uốn lượn với nghĩa “cửu long”. Tượng tiên phụ Lạc Long Quân được đắp bằng xi-măng sơn màu đồng theo mô típ của những chàng trai Lạc Việt được miêu tả trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Xếp phía trước và thấp hơn một chút là tượng Hùng Vương, người khai sáng nước Văn Lang. Tượng tiên mẫu Âu Cơ được đắp với hình dáng của một thiếu nữ Việt Nam đứng cạnh bên chim Việt được đặt trang trọng ở điện thờ ngay trước ngôi đình. Hướng thẳng ra ngã tư sông lớn. Với mong muốn sao cho tất cả mọi người đều hiểu được tâm ý “cùng một gốc phải nhớ đến công đức sinh thành”, hai bên khán thờ được trưng hai hàng câu đối với nét chữ chân phương. Đôi câu đối bên khán thờ có nội dung “Công cha cắt rún thương nòi giống - tình mẹ chôn nhau nhớ cội nguồn”. Còn suốt cả 3 bức vách đều được trang trí bởi những câu giáo huấn con cháu được khắc trang trọng. Xin ghi lại những câu mà người viết ấn tượng nhất khi đến đây để giới thiệu với các bạn. “Trải bao thế hệ vẫn oai hùng, dựng nước Vua Hùng mở sử cương. Hào kiệt anh thư thề nối nghiệp, từ trong bọc trứng nở yêu thương”. Một câu khác “ Từ thửa Hồng Bàng Việt Quốc khai, Vua – Tôi đồng tắm dải sông dài, cùng nghe chim hót vui ca hát, mà cũng đâu lưng để cấy cày”.
Múa rồng trong ngày giỗ tổ - ảnh Cao Long.
Tổ tiên chính  là cội nguồn để cố kết cộng đồng
Trong suốt 2 ngày 18-19/4 (nhằm ngày 9-10/3 Â.L), người đến dâng hương không lúc nào ngớt… không chỉ có những người dân ở Thạnh Thới Thuận đến đây niệm hương hướng về đất tổ mà còn có không ít khách ở nơi khác đến đây chiêm bái, dâng cúng và vọng niệm về tổ tiên. Người ở Hoà Tú, Gia Hoà ra, người ở Bạc Liêu lên.v.v. Cụ Nguyễn Huỳnh Ân (90 tuổi), nhà ở TP. Sóc Trăng năm nay dâng lên tổ đình 2 câu liễn thật ý nghĩa - “Quân, Phụ thần uy, sắc ghi văn hiến quốc. Lạc, Long thánh vũ, chỉ dụ đại đồng gia”. Cụ giải nghĩa:
- Câu đầu mang nghĩa rằng đất nước Việt Nam mình có cha, có mẹ! Người Việt Nam mình là con rồng, cháu tiên. “Lạc, Long thánh vũ, chỉ dụ đại đồng gia” hàm ý rằng ngay từ xa xưa tổ tiên chúng ta đã chỉ ra rằng một đất nước muốn tiến lên “đại đồng” thì tổ tiên mình chính là cội nguồn để kết nối.
Cụ Nguyễn Huỳnh Ân giải nghĩa cho tác giả về 2 câu liễn treo trong tổ đình - ảnh Cao Long.
Ngày lễ tổ có thêm tiết mục múa lân, múa rồng cho thêm vui thôn xóm. Những tiết mục này cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và chính những người biểu diễn cũng ý thức được vai trò của mình trong từng tiết mục. Mở màn cho buỗi lễ là màn trình diễn trống hội ngay trước bàn thờ Lạc Hồng Quốc tổ. Sau những tiết mục múa lân để giúp vui cho làng xóm là đến tiết mục múa rồng, mang ý nghĩa nhắc nhở về sự tích “con rồng-cháu tiên”. “Chỉ riêng màn múa này chúng tôi đã phải tập hơn 10 ngày cho nhuần nhuyễn! Dù trước đó cũng đã trình diễn không ít lần ở những nơi khác”. Anh Phan Khắc Thạnh - Phụ trách Đội lân rồng, TT.Văn hóa và Triển lãm Sóc Trăng cho biết.
Hành lễ kính cáo với tổ tiên - ảnh Cao Long.
Ngày 10-3 âm lịch trở thành quốc lễ. Theo tiến sĩ sử học nguyễn Nhã thì đây “là một chất men kết nối lòng người… Và khi việc thờ cúng tưởng nhớ Quốc tổ là triết lý sống hằn sâu trong tâm khảm dân gian của người Việt, tinh thần ngày Quốc tổ là chất men kết nối mọi người. Trân trọng Quốc tổ, đó là sự đồng thuận không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, là ngày hội chung của tất cả người dân Việt Nam”.
Làng Quê Thạnh Thới Thuận hôm nay - ảnh Cao Long.
Cảm động và thật tự hào khi cả dân tộc có một ngày để cùng quay về với truyền thống lịch sử của dân tộc, cùng cảm nhận được mạch sống thiêng liêng đang ngầm chảy từ đời này sang đời khác... Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến hôm nay, gần 90 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên khắp dải đất Việt Nam đã lập tới trên 1.400 đền thờ các Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương, rồi hằng năm tổ chức lễ hội bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một di sản văn hóa độc đáo, di sản tâm linh, di sản tinh thần của người Việt Nam có giá trị trường tồn với thời gian.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét