Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

Cháy rồi mới thấy..


Vụ hoả hoạn ở chùa Mahatup (tức chùa Dơi), phường 3, TP.Sóc Trăng đã thiêu rụi toàn bộ vật dụng phục vụ việc thờ phụng và sinh hoạt của ngôi chánh điện. Vòm mái chánh điện hư hỏng nặng. chỉ riêng thiệt hại về vật chất ở khu chánh điện là hơn 500 triệu đồng, chưa tính tới những giá trị văn hóa về tinh thần, tín ngưỡng và kèm theo đó là giá trị về văn hóa cổ truyền là vô giá. Vậy nhưng việc phục hồi lại khu chánh điện quả thực là không đơn giản vì kinh phí ước tính từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.

Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để “trùng tu” ngôi chánh điện..

Phát biểu ngay sau khi đến khảo sát hiện trường vụ hỏa hoạn, thăm hỏi các vị sư sãi và hội đồng quản trị chùa Maha Tup(chùa Dơi), ông Huỳnh Thành Hiệp - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã đã khẳng định “Chánh điện chùa Mã Tộc cần phải trùng tu, sửa chữa lại càng sớm càng tốt vì đây là một di tích văn hóa đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng. Kinh phí sẽ được thực hiện theo phương án “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Nhưng cái chính vẫn là sự tự lực của bà con trong bổn sóc và hội đồng quản trị chùa”.

Cũng cần nhắc lại một chi tiết là ngôi chánh điện này được chính Thượng tọa Lâm Riêne cùng các vị sư và những nghệ nhân trong bổn sóc tự tay xây dựng (bắt đầu vào năm 1968) trên nền của ngôi chánh điện cũ được xây chủ yếu bằng vật liệu vôi vữa và gỗ. Còn phần lớn những mái chánh điện của các chùa khơmer ở Sóc Trăng sau này ở chánh điện của những ngôi chùa khác đều được đúc bê tông luôn cả 3 lớp mái. Nhưng nét cổ kính và vẻ đẹp thuần kiết Khmer nam bộ như chánh điện chùa Maha Tup thật hiếm. Nhưng tất cả đều có một nét chung là bàn thờ Phật ở chánh điện đều được trang hoàng với nhiều lọng, tán, diềm vải sặc cùng các khung ban thờ bằng gô nên đây chính là những vật dụng cực kỳ dễ bắt lửa và nếu có đèn cầy ngã đổ.

Ngày 16/8, khi đề cập lại vấn đề hỏa họan ở chánh điện chùa Maha Tup, đại đức Diệp Phi-trụ trì chùa Kos Tung ở huyện Cù Lao Dung đã cho biết “Những việc sơ suất vào mùa kiết hạ cũng đã từng xảy ra ở một số chùa. Khi gặp nhau ở các kỳ hội họp thì các ông Lục (Đại đức, Thượng tọa) vẫn thường hay nhắc nhở nhau vì đã có một số vụ cháy xảy ra nhưng được chữa kịp do phát hiện sớm”. Chính vì vậy mà ở chùa Kostung hiện nay, nhà chùa đều cắt cử người kiểm tra, theo dõi kỹ lưỡng các ban thờ phụng cả trước, trong và sau khi đã lên đèn nhang cúng tế, đặc biệt là trong mùa Kiết Hạ”.

Cần lưu tâm đến những bảo vật vô giá về văn hóa

Sóc Trăng có 92 ngôi chùa Khmer và điều này cũng đồng nghĩa với 92 ngôi chánh điện, nơi lưu giữ những hiện vật quý về nét văn hóa độc đáo của người Khmer nam bộ. Như 45 tượng Phật Thích Ca làm từ nhiều chất liệu như ciment, gỗ, đồng, đá trắng, đất nung,… hầu hết được chạm trổ, sơn son thếp vàng ở chánh điện chùa Khleang; Chùa Sóc Dồ thuộc huyện Mỹ Tú đang lưu giữ những dòng kinh Phật cổ được chạm khắc trên lá thốt nốt từ xa xưa nhưng vẫn còn rõ nét. Chùa Sà lôn ở Mỹ Xuyên vẫn còn giữ rất nhiều những hiện vật bằng gỗ quý như giường ngủ, bộ đôn, bàn ghế được chạm trổ tinh vi từ thế kỷ 18-19 khi những người Hoa vừa đến đây lập nghiệp đã cúng vào nhà chùa, phảnh ánh đậm nét “giao thoa văn hóa” giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở vùng đất này. Hay như chùa Tùm Núp ở xã An Ninh, huyện Mỹ Tú mang đậm phong cách thiết kế của người pháp hồi đầu thế kỷ 19. Ngòai những bảo vật bằng bạc, ngà voi có tính chất tôn giáo, tín ngưỡng, nơi đây còn lưu giữ được trên 100 cây đèn dầu “Hoa Kỳ” đủ kiểu. Một thông tin đáng chú ý khác. Trong số hơn 13 ngàn hiện vật có giá trị mà Bảo tàng Sóc Trăng đang cất giữ và trưng bày thì đã có đến trên 50% hiện vật của đồng bào Khmer và các nhà chùa hiến tặng.

Chính vậy, sau vụ hỏa họan ở chùa Maha Tup, đã đến lúc chúng ta cùng nghiêm túc xem lại cảnh báo về khả năng hỏa hoạn cao ở một số khu chánh điện và đề nghị một số nhà chùa nên lắp đặt hệ thống cứu hỏa tự động mà Sở khoa học-công nghệ và môi trường Sóc Trăng đã đề xuất từ những năm trước.

Sau vụ hỏa hoạn này thì mới thấy đây là một đề xuất hợp lý bởi lẽ - những giá trị văn hóa về tinh thần, tín ngưỡng và kèm theo đó là giá trị về văn hóa cổ truyền là vô giá.

PS/ Híc..híc..Hôm chùa cháy. Mình vào ngay định xem có con Dơi nào bị “cháy dốt dốt” để mang về làm “..bữa trưa”. Vậy mà chẳng có con nào bị hết. Vì bởi đàn Dơi trú ngụ ở xa khu chánh điện. Vậy là buổi chiều…rủ thêm mấy thằng bạn xuống quán Lâm đường 30/4 làm bữa cháo Dơi để…chia buồn cùng mấy ông Lục. Híc..híc…

Phương Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét