Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2007

Câu cá đồng và câu cá sông..khác nhau ở chỗ nào


Sau bao lần bám theo để học hỏi kinh nghiệm và tốn không biết bao nhiều “lít bia” thì mới phát hiện được vấn đề cơ bản nhất trong nghệ thuật câu cá sông và câu cá đồng ngòai chuyện chọn lưỡi câu, cần câu và mồi.

Bản chất của lũ cá chỉ có tí tẹo mà thằng bạn nó hành mình dã man. Tóm lại chỉ là “câu cá đồng thì mới cần giật cần câu, còn câu cá sông thì không cần bởi bản chất ăn mồi của 2 thứ cá sống ở hai khu vực này khác nhau”!? Vậy khác nhau chỗ nào?

Thứ nhất là cá sông khi ăn mồi thì luôn rỉa rói miếng mồi theo kiểu “mèo vờn chuột”. Khi rỉa mãi mà miếng mồi không sứt mẻ được miếng nào vào mồm thì nó mới “tức khí” nuốt luôn cả miếng và kéo đi. Khi dây câu bị kéo căng thì thực chất miếng mồi đã được cá nuốt rồi nên không cần giật mà chỉ cần phăng dây câu vào. Nếu cá lớn thì phải chuẩn bị vợt và “vờn” cho con cá mệt rồi hãy kéo dần lên…nếu kéo “tích cực” ngay từ đầu thì có thể đứt dây câu. Vậy chọn mồi câu cá sông thì phải chọn mồi gì để không bị vỡ khi cá rỉa? Mồi phải dai và có sức chịu đựng được những cú rỉa mồi nhẩn nha. Lấy ví dụ ề mồi câu cá Ngát trên sông Hậu chẳng hạn. Mồi trùn..dễ dàng bị cá rỉa nên chất lượng của buổi câu rất kém. có khi xài hết cả lon trùn mà chẳng dính con nào dù mùi tanh của trùn cũng dẫn dụ được lũ cá bu đến. Nên chọn gián vì…gián có mùi hôi rất đặc trưng, khó bị rách thịt và nát khi mấy chú cá Ngát rỉa. Bắt gián ở đâu? Nên chọn những ống cống, hố ga càng bẩn càng tốt vì lũ gián rất thích ở đây. Chỉ cần chọn một hố ga là có thể đã đủ mồi cho một buổi câu (khỏang 40-50 con chứ không ít).

Một kinh nghiệm khác là khi tham gia buổi câu cá ngát dù không được “ôm cần” cũng nên chọn phần móc mồi. Để làm gì? Ngòai chuyện học hỏi được nghệ thuật móc mồi câu (sau khi làm hỏng vài miếng mồi và bị “đay nghiến”) vì đây là một trong những yếu tố quyết định. Nhưng quan trọng hơn cả là…làm quen với mùi hôi của gián vì thông thường sau mỗi buổi câu đều có “bụp tại chỗ”. Khi đó ngồi nhậu chung với những tay câu “hôi như cú” mà mình thì “thơm tho”…chắc cú là không thể “bụp được vài miếng”. Vấn đề nữa cũng quan trọng không kém để bảo vệ hạnh phúc gia đình cho những ai đã có vợ thì sau buổi câu…không nên ngủ chung với vợ vì dù có tắm rửa đến cỡ nào thì…vẫn “hôi như cú”. Ít nhất là sau 2 ngày hãy ngủ chung với vợ. Hic…híc…thiệt thòi cho những ai mê câu cá sông.

Còn với cá đồng. Bản chất của “tụi này” là tham ăn và khá ngu si. Thấy thằng khác ăn là cả bọn thường hay lao vào tranh giành (điển hình nhất là lũ cá rô “tăm tích” trên mấy cánh đồng mới sạ vào đầu mùa mưa, ngòai bắc gọi là “cá rô ron”). Bọn này táp hối hả nếu có mồi ngon, điển hình nhất là trứng kiến vàng hoặc nhộng ong nghệ. Xét về bản chất thì nhộng ong nghệ là tuyệt nhất khi câu trên đồng vì ngòai lũ cá rô thì lũ cá trê cũng rất khóai. Nhưng mồi này khó kiếm và..dễ bị “mặt như cái mâm” nếu không khéo trong công tác “khói lửa”. Lưỡi câu cá rô đồng nên dùng là lọai lưỡi “Ó” (nó có kiểu uốn cong như mỏ con ó biển). Lọai lưỡi này khi con cá táp mồi hoặc phao bị chìm là chỉ cần giật nhẹ (dân nghề gọi là “gặc nghẹ đầu cần” là dính ngay. Nếu giật mạnh tay quá thì có thể “sứt mép con cá”. Chính vậy cần câu trên đồng ngon nhất là cần câu trúc, lọai cần này phải tự độ cho vừa tay, cây trúc phải già và đầu cần càng nhỏ, càng dịu thì..càng tốt. Chọn được cây trúc thì ngòai chuyện róc nhánh cho khéo, chuốt đọc, chuốt mấy cái mắt cho ngon thì còn phải qua công đọan uốn cần, nắn lửa cho vừa ý cái độ cong của đầu cần, cái thẳng thớm của cả cây cần câu.

Cá Ngát nấu canh chua bần. Cá rô chiên xù ăn chấm với nước mắm gừng. Thật là tệ khi không có kế bên…một xị. Hic..híc…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét